Diệu kế của chồng

07/12/2023 - 11:28

PNO - Bà luôn bất an vì bị ám ảnh về “vợ của con trai" và luôn bị thôi thúc phải nổi bật nhất, đáng chú ý nhất trong mắt con trai.

Cưới chồng xong, Hà mới tá hỏa nhận ra mẹ chồng đang… phát cuồng vì ghen với mình. Anh là “cục cưng", là con vàng con ngọc của mẹ. Vậy nên khi cô cưới anh, cô trở thành đối tượng để mẹ… ăn vạ, bắt đền. Và hôn nhân của cô bắt đầu bằng cuộc chiến với mẹ chồng.

Sáng, Hà mở mắt ra đã thấy mẹ nhắn một danh sách những món cô phải nấu cho con trai cưng của bà. Tưởng đó là động thái yêu cầu, chỉ dẫn, nhưng phải đến tối, cô mới nhận ra đó là một cái “bẫy" được gài sẵn. Mẹ luôn kiểm tra và “đào bới” những sai khác giữa chỉ đạo của mẹ và thực hành của cô. Mẹ sẽ bù lu bù loa, than khóc vì con trai “số khổ, lấy vợ xong không còn được ăn uống đàng hoàng". Bi kịch sẽ thực sự hiện hình khi anh lỡ… sổ mũi, đau đầu. Hà sẽ “cháy máy" vì những hỏi han, cạnh khóe của mẹ.

Đó là ví dụ nho nhỏ trong “sóng gió” buổi đầu hôn nhân của Hà. Đôi vợ chồng trẻ phải “sấp mặt" hóa giải “hiểu lầm" của mẹ. Nhưng sau một thời gian, vợ chồng Hà nhận ra mẹ không hề hiểu lầm. Mẹ hoàn toàn cố ý và khước từ mọi phân giải. Chuyện suýt trở thành vấn đề giữa 2 vợ chồng, khi Hà quyết định buông xuôi, không chiều chuộng mẹ nữa.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Nhưng cũng chính những ngày cô quyết định từ bỏ việc làm hài lòng mẹ chồng thì chồng cô lại thể hiện bản lĩnh của một người chồng, một người con. Anh tung “diệu kế”. Sau một thời gian kiểm chứng sự bất chấp lý lẽ của mẹ, anh không nói lý lẽ với mẹ nữa. Anh nói với vợ, không hy vọng mẹ sẽ thương em, hiểu em, cũng không hy vọng mẹ biết đúng biết sai, chỉ hy vọng giữ cho đôi bên bớt tổn thương.

Mẹ bị gãy chân, vợ chồng anh chăm sóc mấy tháng trời. Giai đoạn này, anh quán triệt vợ “chỉ cần chăm sóc mẹ trong khả năng, bỏ ngoài tai mọi chê trách". Cô tiếp nhận và thực thi đúng yêu cầu. Thực tế, mẹ rất quý và tin tưởng con dâu, nhưng sự yêu quý được phủ lấp dưới tầng tầng lớp lớp những oán thán, soi mói, trách giận. Bà quá quắt đến mức, để gây sự chú ý của con trai, bà sẵn sàng bịa ra những câu chuyện kinh khủng để… dìm hàng con dâu.

Mấy tháng chăm sóc mẹ trôi qua trót lọt. Hà chịu đựng được một phần vì biết đó là chuyện tạm thời, sẽ có ngày kết thúc. Đến ngày tạm biệt các con để về lại nhà mình, mẹ “bung cú chót". Bà nói trước mặt 2 vợ chồng: “Mẹ biết con Hà ngoại tình đó nhen. Mấy lần mẹ chứng kiến Hà đem đồ ăn ra cho bồ ngay đầu ngõ”. Hà đứng hình. Theo quán tính, cô định thanh minh thì đã nghe chồng nói: “Dạ, thôi mẹ để vợ chồng con giải quyết với nhau”.

- Anh đá mắt cho vợ, nhắc cô nhớ về nguyên tắc “không tranh cãi, không nói lý lẽ”, cô đành im. Đêm đó, mẹ lại gọi điện, nhắc anh về việc “Hà ngoại tình". Hà nghe chồng nói vào điện thoại: “Dạ con đang giải quyết với Hà đây". Thực tế, vợ chồng họ đang nằm xem ti vi cùng nhau. Thấy anh nghiêm túc đáp lời mẹ, cô chợt buồn cười. Cúp máy xong, anh lại chậc lưỡi, nói: “Mình mà cãi một lời là chuyện dài ra thêm một đoạn. Em cứ nghe anh đi”.

Từ đó, chuyện mẹ quá quắt trở thành chuyện của riêng anh. Hà chỉ cần “bỏ ngoài tai" và chứng kiến anh ứng phó với mẹ. Quả thực, anh là một người con hiếu thảo. Anh lo liệu cho mẹ mọi mặt và dù tính mẹ rất gàn, dù các anh chị khác từng nhiều lần xung đột, thậm chí “từ" mẹ, anh cũng chưa một lần tranh cãi, to tiếng với mẹ. Anh bảo vệ cuộc sống của riêng mình và một lòng nâng đỡ mẹ. Với những quá quắt của mẹ, anh lại dùng “diệu kế".

Khi chồng quá nhất quán trong hành xử với mẹ, Hà lại thấy giữa mẹ con họ một mối quan hệ thật đẹp. Một người mẹ quá quắt nhưng mọi tâm tư bà đều hướng về con trai và bên kia là một người con trai giàu yêu thương và trí tuệ. Anh tiếp nhận mọi yêu cầu, mọi thông tin từ mẹ và hóa giải nó trên tinh thần nâng đỡ. Anh không vì cái đúng, cũng không đòi công bằng. Anh không sa vào phân giải. Mọi thứ bớt căng thẳng và mẹ có một sự yên tâm tuyệt đối vào anh.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Sau vụ mẹ “cáo buộc" Hà ngoại tình, cô mới nghe chồng tâm sự. Theo anh, mẹ có bệnh tâm lý nên mới không cân bằng được trong quan hệ với con dâu. Bà luôn bất an vì bị ám ảnh về “vợ của con trai" và luôn bị thôi thúc phải nổi bật nhất, đáng chú ý nhất trong mắt con trai. Anh nói: “Cãi với mẹ cho rõ trắng đen sẽ chỉ gây tan vỡ, vì mẹ không có khả năng tiếp nhận. Dù mẹ là người gây chiến, bản thân mẹ chịu tổn thương hơn cả. Việc tranh cãi với mẹ chỉ thỏa mãn cái tôi của mình, chứ không giải quyết được xung đột”.

Hà chợt thương chồng, thương mẹ. Đúng là, có những người không đủ khỏe mạnh về tinh thần để vượt qua những thôi thúc bên trong mà nhìn nhận lẽ phải và có hoàn cảnh khiến ta không thể theo đuổi cái đúng hay sự công bằng. Lúc đó, cái đúng và sự công bằng nằm ở lý lẽ của yêu thương, cảm thông. Khi đó, tự giữ mình vững chãi và bớt gây kích động cho người đã là “đúng” lắm rồi. 

Gia Ngọc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI