Điều ít biết về người sáng tác bài hát “Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người”

19/09/2024 - 07:45

PNO - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Trần Kiết Tường, chương trình giao lưu nghệ thuật chủ đề “Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người” đã được tổ chức vào tối 18/9 tại TPHCM.

Ca sĩ Đào Mác, Hoàng Tú, Thành Tâm cùng nhóm múa trình diễn ca khúc Cánh tay miền Nam trên đất Bắc
Ca sĩ Đào Mác, Hoàng Tú, Thành Tâm cùng nhóm múa trình diễn ca khúc Cánh tay miền Nam trên đất Bắc

Chương trình do Hội nhạc sĩ Việt Nam kết hợp cùng Sở Văn hoá, Thể thao TPHCM, Trung tâm ca nhạc nhẹ và Đài truyền hình TPHCM thực hiện.

Đêm nhạc trải dài qua 3 chương gồm: Những cánh tay miền Nam trên đất Bắc; Mùa xuân ước vọngMuôn tiếng ca thiết tha, trìu mến.

Ở từng chương, khán giả được nghe lại những ca khúc đã, đang và sẽ tiếp tục vang lên ở nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S như Chiến sĩ vô danh, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người, Anh Ba Hưng, Mùa xuân ước vọng, Cô giáo em, Em đi chơi thuyền… Sự đa dạng trong đề tài, cách thể hiện các nội dung thông qua giai điệu, lời ca tạo cho âm nhạc của nhạc sĩ Trần Kiết Tường sự riêng biệt so với nhiều nhạc sĩ cùng thời.

Ca khúc Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên người là điểm nhấn trong sự nghiệp của nhạc sĩ Trần Kiết Tường
Ca khúc Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người là điểm nhấn trong sự nghiệp của nhạc sĩ Trần Kiết Tường

Nhạc sĩ Trần Kiết Tường sinh ra ở huyện Ô Môn (Cần Thơ) trong một gia đình yêu nghệ thuật, mê làn điệu bài bản đờn ca tài tử, cải lương. Thân sinh của ông biết chơi đàn kìm, thỉnh thoảng lại hòa nhạc với mấy thầy đờn chơi đàn cò, đàn tranh.

Lớn lên trong lời ru của bà và giai điệu của những bản đờn quê hương, nhạc sĩ Trần Kiết Tường sớm đam mê âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc.

Năm lên 12 tuổi, ông bắt đầu tập chơi đàn mandoline. Năm 1943, động lực sáng tác trong ông được bồi đắp từ người anh cùng quê là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ông bắt đầu với bài Vui gặp gỡ.

Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra rồi Nam bộ kháng chiến, Trần Kiết Tường tham gia công tác ở Phòng Tuyên truyền huyện Ô Môn, sau chuyển về Châu Đốc. Giai đoạn này ông phổ nhạc một bài thơ của Dân Thanh thành bài Chiến sĩ vô danh nói về bà mẹ âm thầm tiễn người con yêu quý của mình đi chiến đấu.

Thừa thắng xông lên, ông viết Thiếu sinh quân hành khúc, Theo dấu Cụ Hồ, Công binh Việt Nam… và một ca khúc mà chắc có lẽ rất nhiều người nằm lòng là bài Anh Ba Hưng.

Thùy Trinh và Thanh Nguyên thể hiện bài hát Áo bà ba
Thùy Trinh và Thanh Nguyên thể hiện bài hát Áo bà ba

Chia sẻ trong chương trình, NSND Nguyễn Thị Thanh Thuý - Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM cho biết: “Năm 1954, hòa bình lập lại, nhạc sĩ Trần Kiết Tường tập kết ra miền Bắc, đây là thời gian ông sáng tác được khá nhiều tác phẩm nổi tiếng. Đó là bài Áo bà ba (1956), bài hát là nỗi lòng ông nhớ về người vợ thân yêu - Tố Linh - đang ở miền Nam.

Sau đó Trần Kiết Tường còn sáng tác nhiều bài khác nữa. Và từ hai câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ chính là chất xúc tác quan trọng để ông viết nên tác phẩm Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người, một trong những bài hát tiêu biểu nhất viết về Bác Hồ kính yêu được ông sáng tác vào năm 1962.

Ca sĩ thể hiện đầu tiên bài Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người cũng chính là NSND Quốc Hương. Qua giọng hát của ông và của nhiều ca sĩ hai miền Nam - Bắc, bài hát đã sống mãi trong lòng quần chúng”.

Sau khi đất nước thống nhất, nhạc sĩ Trần Kiết Tường tiếp tục sáng tác Mimoza, Người anh chưa quen… và đặc biệt là dòng âm nhạc viết cho thiếu nhi với các ca khúc quen thuộc như Cô giáo em, Em đi chơi thuyền… Nhạc sĩ Trần Kiết Tường được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật trong đợt đầu tiên năm 2001.

Các ca khúc thiếu nhi cũng là một phần trong sự nghiệp viết nhạc của nhạc sĩ Trần Kiết Tường
Các ca khúc thiếu nhi cũng là một phần trong sự nghiệp viết nhạc của nhạc sĩ Trần Kiết Tường

Trong một lần chia sẻ với công chúng, nhạc sĩ Trần Kiết Tường nói về quan điểm sáng tác của mình: “Tôi sống lạc quan và yêu đời. Nghệ thuật thì vô cùng, đời người thì ngắn ngủi. Chằng có ai hài lòng với những gì đã đạt được. Đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi nếu ai đó hài lòng thì coi như đã hết. Cuộc sống sôi động và hấp dẫn. Do đó, nhạc sĩ không được sáng tác những gì mà chính anh không có cảm xúc”.

Có thể vì viết ra bằng cảm xúc thật, nên đến hôm nay, sau nhiều thập kỷ ra mắt, không ít sáng tác vẫn còn nằm lòng với khán giả Việt.

“Đêm nhạc này với mong muốn góp một phần nhỏ để chúng ta cùng tưởng nhớ và tri ân sâu sắc những cống hiến âm thầm mà hết sức to lớn của nhạc sĩ Trần Kiết Tường cho sự nền nghệ thuật nước nhà.

Bằng nỗ lực của các cơ quan quản lý, các văn nghệ sĩ TPHCM, chúng tôi sẽ tiếp nối ngọn lửa truyền thống cách mạng thông qua các chương trình vinh danh các văn nghệ sĩ, và lan tỏa nhiệt tình ấy đến các đơn vị lực lượng vũ trang, sinh viên và đông đảo quần chúng nhân dân nhiều hơn trong thời gian tới”, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy nói thêm.

Diễm Mi - Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI