Điều ít biết quanh cuộc tranh luận tổng thống Mỹ

02/10/2020 - 16:53

PNO - Màn hấp dẫn nhất trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng có lẽ là những cuộc tranh luận “mặt đối mặt” công khai của hai ứng viên tổng thống. Cuộc tranh luận đầu tiên trong mùa bầu cử năm 2020 đã diễn ra sáng 30/9 (theo giờ Việt Nam) giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ, Joe Biden. Điều ít người biết là nhân vật điều phối và biểu tượng chim đại bàng trong các cuộc tranh luận tổng thống.

Vì sao lại là Chris Wallace?

Việc chọn người điều phối các cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống do Ủy ban Tranh luận tổng thống (CPD) đảm trách. Năm nay, Chris Wallace là một chọn lựa giúp dập tắt mọi cáo buộc rằng CPD né tránh Fox News - kênh tin tức thường được cho là thân Trump. Trong quá khứ, Wallace đã chứng tỏ kỹ năng cầm trịch cuộc tranh luận và là một nhà báo công bằng. Sự xuất hiện lần đầu tiên của ông trong vai trò điều phối đã nhận được nhiều lời tán dương về sự nghiêm chỉnh, công tâm và hòa nhã, đó là vào năm 2016, trong cuộc tranh luận giữa ông Trump và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Đánh giá về cuộc tranh luận mới nhất, người ta cho rằng, Wallace một lần nữa đã rất cứng rắn nhưng công bằng với Tổng thống Trump và không hề có thành kiến ​​với Biden - điều trái ngược hẳn với những người dẫn chương trình của Fox. Wallace luôn thể hiện sự quan tâm đến sự thật, có chủ kiến nhưng không phải là một “kẻ tấn công”. Wallace lại là một người đàn ông da trắng 72 tuổi, trẻ hơn cả Trump và Biden. Khi trước mặt là Wallace, ông Trump - vốn nổi tiếng hay chế giễu đặc điểm cá nhân - không dễ dàng dùng lời lẽ vốn thu hút đám đông hời hợt được.

Christopher Wallace sinh ngày 12/10/1947, thường được so sánh với cha mình - nhà báo lão luyện Mike Wallace của tờ 60 Minutes, với những cuộc phỏng vấn khó và có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn. Từ năm 2003, Christopher Wallace tổ chức thành công chương trình Fox News Sunday, show truyền hình nhận được nhiều lời khen ngợi cho các cuộc phỏng vấn các chính khách như Barack Obama, Vladimir Putin và Donald Trump. Theo cuộc thăm dò năm 2018, ông được xếp hạng là một trong những người dẫn chương trình truyền hình đáng tin cậy nhất Hoa Kỳ.

Trong cuộc phỏng vấn Trump hồi tháng Bảy, Wallace đã nhiều lần “kiểm tra” tổng thống đến mức ông Trump cáu, gọi ông là “nhà báo tin giả”. Năm 2018, trong chương trình phát sóng trực tuyến, ông đã “dạy dỗ” Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin về hành động vi hiến. Năm 2019, ông thẳng thừng phản bác tuyên bố của Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Stephen Miller rằng có tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía Nam.

“Hiệp nhất và tôn trọng hiến pháp mãi mãi”

Dù các cuộc tranh luận tổng thống lắm khi rơi vào tình trạng chia rẽ cùng cực, nhưng cả Trump, Biden hay Wallace và cả nước Mỹ đều hiểu rằng họ luôn “Hiệp nhất và tôn trọng hiến pháp mãi mãi” - khẩu hiệu luôn xuất hiện cùng biểu tượng chim đại bàng treo trên backdrop cuộc “khẩu chiến”.

“Bí ẩn” này được John Dickerson giải đáp phần nào trên trang phân tích chính trị Slate. Chim đại bàng ôm dòng chữ “Hiệp nhất và tôn trọng hiến pháp mãi mãi” ít nhất đã xuất hiện trong các cuộc tranh luận giữa George H.W.Bush (cha) và Bill Clinton vào năm 1992. Người ta rất ấn tượng khi đầu đại bàng quay về phía móng vuốt quặp những mũi tên, bởi bình thường, biểu tượng chim đại bàng thường quay về cành ô liu. Đây là tư thế hiếu chiến phù hợp cho cuộc tranh luận tổng thống với những mũi tên hướng vào đối thủ.

Công nhân hoàn thiện các khâu cho sân khấu của cuộc tranh luận tổng thống - Ảnh: Getty Images
Công nhân hoàn thiện các khâu cho sân khấu của cuộc tranh luận tổng thống - Ảnh: Getty Images
 

Cụm từ “Hiệp nhất và tôn trọng hiến pháp mãi mãi” có thể được đức cha Hubbard Winslow sử dụng đầu tiên từ năm 1853. Các bài giảng được lưu trữ ở Massachusetts cho thấy, ông thường kết thúc phần thuyết giảng của mình bằng những lời đó. Tờ The New York Times cũng dẫn lời đức cha Francis Vinton, người cũng kết thúc bài giảng về việc duy trì liên minh với cùng một cụm từ.

Người ta cũng có thể nhìn thấy hình ảnh đại bàng và cụm từ trên xuất hiện cùng nhau trong chiếc khăn vận động của liên minh Garfield-Arthur cho chiến dịch tranh cử đảng Cộng hòa vào năm 1880. Năm 1892, áp phích của Benjamin Harrison - Whitelaw Reid cũng sử dụng hình ảnh tương tự. Hiện tại, ngay cả CPD cũng không có câu trả lời xác đáng về nguồn gốc của biểu tượng trong tranh luận tổng thống. 

Tranh luận tổng thống năm 2020 còn thêm hai lần nữa trước khi có kết quả bầu cử. Cuộc tranh luận tổng thống lần thứ hai sẽ diễn ra ngày 15/10 tại Florida và cuộc tranh luận thứ ba diễn ra ngày 22/10 tại Tennessee. Trước đó, vào ngày 7/10, sẽ có thêm cuộc tranh luận giữa hai ứng viên phó tổng thống tại Salt Lake (Utah).


Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI