Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc làm ‘lá chắn hạt nhân’ cho Triều Tiên?

31/12/2019 - 07:42

PNO - Các chuyên gia quan hệ quốc tế mới đưa ra một kịch bản 'khó tin, nhưng khả thi' là Bắc Kinh có thể đề nghị cung cấp 'lá chắn hạt nhân' cho Triều Tiên để đổi lấy phi hạt nhân hóa.

Tạp chí quan hệ quốc tế Mỹ National Interest lý giải, một chiếc ô hạt nhân là sự bảo đảm của một quốc gia có vũ khí hạt nhân để bảo vệ một quốc gia đồng minh không có vũ khí hạt nhân. Cách tiếp cận này thúc đẩy việc không phổ biến hạt nhân bằng cách cho phép các quốc gia tránh được sự răn đe hạt nhân mà không cần phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Dieu gi xay ra neu Trung Quoc lam ‘la chan hat nhan’ cho Trieu Tien?
Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc cung cấp “lá chắn hạt nhân” cho Triều Tiên?

Các chuyên gia lấy trường hợp Hàn Quốc làm ví dụ minh họa: chiếc ô hạt nhân của Mỹ là một lý do quan trọng khiến Seoul từ bỏ tham vọng hạt nhân hồi thập niên 1970. Một lá chắn hạt nhân của Trung Quốc đối với Triều Tiên cũng là một giải pháp hiện thực tương tự, nó có thể giúp Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, trong khi vẫn được hưởng lợi ích an ninh của răn đe hạt nhân.

Theo thời hạn do Bình Nhưỡng đơn phương đề xuất, Tổng thống Trump có hạn chót là cuối năm 2019 phải đưa ra một giải pháp phi hạt nhân hóa thích hợp hơn đối với Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã cảnh báo Washington về một món quà Giáng sinh “đầy hăm dọa” và tuyên bố họ không còn quan tâm đến các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa chừng nào Washington không có bước đi đầu tiên trong việc chấm dứt chính sách thù địch đối với Triều Tiên.

Về lý thuyết, Triều Tiên sẽ chỉ trao đổi kho vũ khí của mình khi có một bảo đảm an ninh đáng tin cậy, nhưng Mỹ chưa bao giờ ở vị trí có thể đưa ra sự bảo đảm này. Liên minh Mỹ - Hàn mà Triều tiên coi là “thù địch” là một vấn đề mang tính nguyên tắc của Washington và không thể thương lượng, ngay cả việc hoãn các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn gần đây cũng không loại bỏ được sự giận dữ của Triều Tiên. Tóm lại, điểm bế tắc trong quan hệ Mỹ - Triều hiện nay là Bình Nhưỡng không tin Washington.

Nhưng Trung Quốc thì khác. Mặc dù Bắc Kinh phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Trung Quốc vẫn lo ngại sâu sắc về khả năng bất ổn chế độ ở Triều Tiên, sự hỗn loạn gần biên giới của chính họ và nguy cơ Mỹ mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc và Triều Tiên về danh nghĩa có một hiệp ước phòng thủ chung, nên Bắc Kinh sẽ không ngồi yên khi xảy ra tình huống bất ngờ trên Bán đảo Triều Tiên.

Bắc Kinh muốn khẳng định quyền lực của mình thông qua vai trò tại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa. Chủ tịch Tập Cận Bình đã có 5 hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong vòng hai năm qua.

Theo các nhà phân tích, Triều Tiên tìm kiếm sự an toàn trước mối đe dọa từ Mỹ và Trung Quốc có động lực mạnh mẽ để cung cấp sự bảo đảm đó - dưới dạng “chiếc ô hạt nhân” - để một công đôi việc, vừa chấm dứt được chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng, vừa đảm bảo an ninh trên biên giới với Triều Tiên.

Thời báo Hoàn cầu của chính phủ Trung Quốc mới đây có bài xã luận nói rằng, Bắc Kinh có thể đã sẵn sàng cho phép Triều Tiên trao đổi kho vũ khí để lấy “lá chắn hạt nhân”.

Ngay cả đối với Triều Tiên, những người khăng khăng đòi “tự lực tự cường”, thì chiếc ô hạt nhân của Trung Quốc là một món hời hấp dẫn hơn so với thỏa thuận tốt nhất Bình Nhưỡng có thể đạt được với Washington. Thông qua “lá chắn” của Trung Quốc, Bình Nhưỡng vừa được bảo vệ về hạt nhân, đồng thời có thể hòa nhập với thế giới như một “phần thưởng” cho quyết định phi hạt nhân hóa.

“Chiếc ô hạt nhân” của Trung Quốc rõ ràng đã trở thành điểm mấu chốt thương lượng mạnh mẽ có thể tạo ra bước đột phá mà Washington đang rất cần.

Thanh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI