Điều gì xảy ra nếu bạn chỉ tiêm 1 mũi vắc xin COVID-19 hoặc trì hoãn tiêm mũi thứ 2?

24/06/2021 - 10:51

PNO - Một người sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 1, nếu lỡ quên tiêm hoặc trì hoãn ngày tiêm mũi thứ 2 sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ.

Vắc xin được các nước trên thế giới và cả Việt Nam xem như lá chắn vững mạnh trước đại dịch COVID-19, các quốc gia đều đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin theo diện rộng. Thậm chí, nhiều nước trên thế giới còn tổ chức các chương trình, trao giải thưởng để khuyến khích người dân đi tiêm vắc xin COVID-19, hoặc ban hành xử phạt nếu một người nào đó cố tình trốn tránh tiêm chủng.

Ngành y tế Việt Nam cũng đang rất nỗ lực để vắc xin ngừa COVID-19 phủ sóng với tỉ lệ 70% người dân được tiêm. Tính đến 16 giờ ngày 23/6/2021, Việt Nam đã tiêm 2.626.337 liều vắc xin ngừa COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 137.682 người. Tuy nhiên, trước tình huống nghi ngờ vắc xin gây ra phản ứng mạnh, sốc phản vệ sau tiêm, nhiều người cho rằng chỉ cần tiêm 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19 đã đủ để phòng bệnh, do đó chủ quan không tiêm hoặc cố gắng trì hoãn mũi vắc xin quý giá thứ 2 sau khi hoàn thành mũi đầu tiên.

Bỏ qua mũi vắc xin thứ 2, bản thân bạn và gia đình có thể sẽ mắc COVID-19
Bỏ qua mũi vắc xin thứ 2, bản thân bạn và gia đình có thể sẽ mắc COVID-19

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đầy đủ, đúng lịch không chỉ phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin mà còn bảo vệ những người có hệ miễn dịch yếu. Người tiêm cần hoàn thành đủ phác đồ 2 mũi cách nhau từ 4-12 tuần để hệ miễn dịch tạo ra kháng thể tối đa, nếu tiêm không đủ liều, không đúng lịch, người được tiêm ngừa vẫn có nguy cơ mắc COVID-19.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, quan niệm đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ không mắc bệnh là sai lầm. Tiêm xong mũi 1, bỏ qua liều vắc xin COVID-19 thứ 2 càng sai lầm, hành động này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng miễn dịch của cơ thể, từ đó hiệu quả bảo vệ sẽ rất thấp.

Theo bác sĩ Khanh, ngay cả sau khi tiêm mũi 1, vắc xin cũng không phát huy hiệu quả lập tức mà ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng. Tuy nhiên, mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 cũng không cao. Ở mũi tiêm thứ 2, vắc xin cũng cần thời gian để thúc đẩy hệ miễn dịch tạo kháng thể mới giúp hiệu quả bảo vệ đạt mức tối ưu. Tùy theo loại vắc xin mà hiệu quả ngừa COVID-19 đạt từ 60-90%.  

Bên cạnh đó, người đã tiêm vắc xin, nếu không may mắc COVID-19, thì vắc xin có thể giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng, tình trạng bệnh cũng sẽ nhẹ hơn người chưa tiêm và hạn chế khả năng lây nhiễm cho người khác, tỷ lệ tử vong cũng rất thấp.

“Người được tiêm ngừa cần phải nhớ vắc xin không có hiệu quả bảo vệ 100%, nên tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chúng ta vẫn phải tuân thủ quy định 5K để phòng tránh lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng. 

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 phải đủ liều, đúng thời gian mà nhân viên y tế khuyến cáo, khoảng cách giữa hai mũi tiêm không quá sớm cũng không vượt quá thời hạn khuyến cáo của các hãng vắc xin. Nếu không, hiệu quả bảo vệ gần như không còn”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Để không quên lịch tiêm ngừa, ngay sau khi nhận được lịch tiêm, mọi người nên cài báo thức trên điện thoại để nhớ lịch tiêm ngừa
Ngay sau khi nhận được lịch tiêm, bạn có thể cài báo thức trên điện thoại để nhớ lịch

Vì vậy, nếu một người lỡ quên tiêm ngừa vắc xin COVID-19 mũi 2, hãy báo ngay với điểm tiêm chủng trước đó, hoặc gọi vào số điện thoại được cung cấp theo dõi sức khỏe sau tiêm mũi 1, hay đường dây nóng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM để được tư vấn, hướng dẫn hoàn thành tiêm mũi 2 càng sớm càng tốt.

Cố tình không tiêm hay trì hoãn tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2, bạn sẽ tự đặt mình và gia đình vào nguy cơ lây nhiễm COVID-19, bởi lúc này hiệu quả bảo vệ rất thấp do hệ miễn dịch của cơ thể bị “đứt đoạn” trong việc tạo kháng thể phòng, chống lại virus SARS-CoV-2 hay những biến chủng mới của loại virus này như B.1.617.2 (chủng Ấn Độ) và B.1.17 (chủng Anh).

“Ngược lại, nếu một người cố tình tiêm mũi 2 sớm hơn thời gian quy định, thì tình huống cũng tương tự không tiêm hoặc tiêm trễ mũi nhắc lại. Vì vậy, để vắc xin có hiệu quả bảo vệ tối đa, mọi người nên tuyệt đối tuân thủ tư vấn, cũng như thời gian thông báo mà nhân viên y tế đưa ra”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Hiện nay Sở Y tế cũng đã có tin nhắn thông báo lịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người được tiêm. Để không quên lịch tiêm, ngay khi nhận được tin nhắn, có thể cài báo thức, ghi chú nội dung trên điện thoại, hoặc nhờ người thân nhắc nhở đi tiêm ngừa để đảm bảo quyền lợi tiêm chủng cũng như bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng.

Phạm An

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI