Điều gì giúp Bình Dương giảm thiểu tỷ lệ tử vong vì COVID-19?

01/09/2021 - 06:47

PNO - Theo số liệu từ Bộ Y tế, số ca tử vong tại Bình Dương là 858 trên tổng ca mắc là 110.258, tỷ lệ 0,77%, rất thấp so với tỷ lệ trung bình của thế giới.

Bình Dương thực hiện chiến lược theo tư vấn của phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Y khoa Bệnh viện Hồi sức cấp cứu COVID-19 tỉnh Bình Dương.

Ngày 18/8, tại hội nghị trực tuyến giữa các chuyên gia y tế với chín huyện, thị, thành phố trong tỉnh Bình Dương, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề nghị: “Hệ thống điều trị của Bình Dương phải bám sát phác đồ điều trị của Bộ Y tế và tư vấn của tổ công tác thường trực. Chủ động phân loại sớm người bệnh, rà soát người để cho ra viện nhiều hơn ở tầng 1; tập trung nhân lực y tế về một địa điểm, mở rộng tầng 2; liên hệ chặt chẽ với tầng 3”.

Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại tỉnh Bình Dương - Ảnh: Việt Linh
Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại tỉnh Bình Dương - Ảnh: Việt Linh

Với chiến lược này, có ngày tỉnh Bình Dương cho xuất viện lên đến 5.000 người. Số bệnh nhân công bố khỏi bệnh có thời điểm nhiều hơn số người mắc mới. Đồng thời gộp số khu cách ly nhỏ, đang thu dung ít lại để tăng cường nhân lực dồn cho nơi điều trị bệnh nhân ở tầng 2.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu từng chia sẻ với đoàn công tác của Bộ Y tế vào ngày 22/8 như sau: “Hiện nay, ở tầng 3 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng của Bộ Y tế, Bình Dương đang thiết lập thêm một bệnh viện hồi sức tích cực nữa đặt tại Bệnh viện Quốc tế Becamex Thuận An với năng lực điều trị là 337 giường hồi sức để điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện mới chỉ sử dụng được 37 giường… 

Ở tầng 2, việc cung cấp oxy y tế cho các bệnh viện huyện như Dĩ An, Thuận An, Dầu Tiếng, Bàu Bàng đã được thiết lập và tới đây sẽ mở rộng thêm tới bệnh viện ở Bắc Tân Uyên. Đây là tuyến điều trị rất quan trọng vì nếu bệnh nhân có triệu chứng trở nặng được sớm điều trị tích cực thì sẽ không phải chuyển lên tầng 3 - tầng điều trị bệnh nhân nặng”. 

Một bác sĩ tại TPHCM phân tích, như vậy tỉnh Bình Dương ngay từ đầu đã áp dụng chiến lược tập trung vào các ca bệnh ở tầng 1 và tầng 2 để giảm tối thiểu số ca bệnh trở nặng phải đưa vào tầng 3. 

Các chuyên gia cho rằng: Quan trọng không phải số mắc bệnh cao bao nhiêu mà quan trọng chính là số ca tử vong giảm thiểu như thế nào. Vì có lẽ, đã đến lúc phải nghĩ đến chuyện sống an toàn với COVID-19. 

Từ ngày 15/8, TPHCM đã chuyển sang mô hình tháp 3 tầng và một số bệnh viện điều trị COVID-19 đã áp dụng mô hình đa tầng ngay trong một bệnh viện. Bởi lẽ mô hình tháp 5 tầng dường như bộc lộ một số khó khăn, nhất là việc chuyển viện cho bệnh nhân trở nặng. Hiện tại, TPHCM cũng đã bắt đầu mô hình chống dịch tập trung nhiều hơn vào tầng 1 và tầng 2 bằng việc hình thành 413 trạm y tế lưu động để chăm sóc cho khoảng 50.000 F0 đang điều trị tại nhà và 19.000 F0 tại các khu cách ly phường, xã, quận, huyện.

Sở Y tế TPHCM cũng đã chỉ đạo các bệnh viện ở tầng 2, đặc biệt là bệnh viện dã chiến tăng cường xét nghiệm cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ để cho xuất viện về tiếp tục điều trị tại nhà. Các bệnh viện điều trị COVID-19 ở tầng 2 sẽ tăng cường sử dụng thuốc Remdesivir theo hướng dẫn điều trị nhằm giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng.

Bác sĩ Lương Trường Sơn, nguyên Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM, phân tích: Chính vì tạo ra nhiều tầng điều trị đã khiến việc chuyển viện khi bệnh nhân trở nặng trở nên quá khó khăn. Trong khi đó, việc cấp cứu cho bệnh nhân khi chuyển nặng là phải nhanh nhất có thể. Vì vậy, ngay cả mô hình tháp 3 tầng cũng sẽ vẫn còn gây khó khăn khi chuyển viện.

Mô hình tốt nhất vẫn chia thành hai khu vực trong bệnh viện điều trị COVID-19. Một khu vực dành cho bệnh nhân nhẹ và một khu vực cho bệnh nhân nặng. Khi bệnh nhân nhẹ có tình trạng chuyển biến nặng như khó thở, giảm nồng độ oxy trong máu qua chỉ số SpO2 thì sẽ được chuyển sang khu vực bệnh nặng nhanh nhất vì trong cùng một bệnh viện. 

Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI