Điều gì đang diễn ra trong thử nghiệm vắc-xin COVID-19 đầu tiên trên người tại Mỹ?

18/03/2020 - 07:06

PNO - Các nhà nghiên cứu Mỹ tiêm chế phẩm cho 45 người đầu tiên trong cuộc thử nghiệm hôm thứ Hai 16/3, giữa một cuộc đua săn lùng phương pháp bảo vệ khỏi đại dịch khắp toàn cầu.

Với một vết tiêm cẩn thận lên cánh tay tình nguyện viên, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Kaiser Permanente Washington ở Seattle bắt đầu tiến hành giai đoạn đầu trong thử nghiệm ở người của loại vắc-xin COVID-19 tiềm năng, được phát triển trong thời gian kỷ lục sau khi virus mới lây lan từ Trung Quốc ra khắp địa cầu.

Bác sĩ Lisa Jackson, trưởng nhóm nghiên cứu của Kaiser Kaiser Permanente cho biết, tất cả đều muốn làm những gì họ có thể trong trường hợp khẩn cấp này.

Chị Jennifer Haller là một trong 45 người thử nghiệm lô vắc-xin đầu tiên.
Chị Jennifer Haller là một trong 45 người thử nghiệm lô vắc-xin đầu tiên

Người được tiêm đầu tiên là nhà điều hành tại một công ty công nghệ nhỏ; một số người khác xếp hàng tiếp theo. Thử nghiệm cung cấp cho 45 tình nguyện viên hai liều vắc-xin, cách nhau một tháng.

Chị Jennifer Haller, 43 tuổi, ở Seattle cho biết: “Tất cả chúng ta đều cảm thấy vô vọng. Đây là một cơ hội tuyệt vời để tôi làm điều gì đó”. Cô ấy là mẹ của hai thiếu niên và gia đình nghĩ rằng đó là một trò chơi thú vị.

Cột mốc ngày 16/3 đánh dấu sự khởi đầu của một loạt các nghiên cứu ở những người cần thiết để chứng minh liệu các mũi tiêm có an toàn và hiệu quả hay không. Ngay cả khi nghiên cứu diễn ra tốt đẹp, một loại vắc-xin sẽ phải mất từ 12 đến 18 tháng mới có thể sản xuất rộng rãi.

Dù vậy, Tiến sĩ Anthony Fauci từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ khẳng định vắc-xin là yếu tố quan trọng nếu virus trở thành mối đe dọa lâu dài.

Ứng cử viên vắc-xin này, có tên “mRNA-1273”, được phát triển bởi công ty công nghệ sinh học NIH và Massachusetts Moderna Inc. Không người tham gia nào có thể bị nhiễm bệnh từ các mũi tiêm vì vốn dĩ chế phẩm không chứa coronavirus.

Chế phẩm không phải là vắc-xin tiềm năng duy nhất hiện đang được phát triển. Hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để tạo ra một loại vắc-xin chống lại COVID-19. Một ứng cử viên khác, được thực hiện bởi công ty Dược phẩm Inovio, dự kiến ​​sẽ bắt đầu nghiên cứu độ an toàn tại Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc vào tháng tới.

Nghiên cứu đầu tiên ở người là một dịp trọng đại đối với các nhà khoa học, và nhóm của Lisa Jackson đã làm việc suốt ngày đêm để sẵn sàng.

Trong các nghiên cứu, những người tình nguyện khỏe mạnh được lựa chọn cẩn thận, từ 18 đến 55 tuổi, sẽ nhận được liều lượng cao hơn so với những người khác để kiểm tra mức độ tiêm chủng. Các nhà khoa học cũng ghi nhận bất kỳ tác dụng phụ nào và lấy mẫu máu để phân tích xem vắc-xin có làm tăng hệ thống miễn dịch hay không, tìm kiếm manh mối đáng khích lệ như kết quả ở chuột đã được tiêm phòng.

Công nghệ RNA giúp các nhà nghiên cứu phát triển vắc-xin chỉ trong vòng 1 tháng.
Công nghệ RNA giúp các nhà nghiên cứu phát triển vắc-xin chỉ trong vòng 1 tháng

Hầu hết các nghiên cứu về vắc-xin đang được tiến hành trên toàn cầu đều nhắm đến một loại cấu trúc protein có tên là Spike, có khả năng tạo ra bề mặt của chủng coronavirus mới và cho phép nó bám vào, xâm chiếm tế bào người. Chặn protein đó là mục tiêu giúp mọi người không bị lây nhiễm.

Các nhà nghiên cứu tại NIH sao chép phần mã di truyền của virus có chứa các hướng dẫn tạo ra protein Spike và Moderna đã đưa thông tin đó vào mRNA để hình thành vắc-xin.

Sau khi tiêm, cơ thể sẽ trở thành một nhà máy mini, sản xuất một số protein spike vô hại từ thông tin của mRNA. Khi hệ thống miễn dịch phát hiện ra protein ngoại lai, nó sẽ tạo ra các kháng thể để tấn công. Số kháng thể này được cho là sẽ phản ứng nhanh nếu sau đó người này gặp phải virus thực sự.

Đây là một cách sản xuất vắc-xin nhanh hơn nhiều so với cách tiếp cận truyền thống là phát triển virus trong phòng thí nghiệm và chuẩn bị các mũi tiêm từ các phiên bản bị làm yếu đi.

Nhưng vì vắc-xin sẽ tiêm cho hàng triệu người, nên cần có thời gian để kiểm tra chúng với số lượng đủ lớn để phát hiện ra tác dụng phụ không phổ biến.

Viện nghiên cứu Seattle là một phần của mạng lưới các trung tâm chính phủ thử nghiệm tất cả các loại vắc-xin và được chọn để nghiên cứu vắc-xin chống coronavirus trước khi COVID-19 bắt đầu lan rộng ở tiểu bang Washington. Những người tham gia sẽ được trả 100 USD cho mỗi lần kiểm tra tại phòng khám.

Bà Chen Wei cho biết Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc thử nghiệm vắc-xin đầu tiên.
Bà Chen Wei cho biết Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc thử nghiệm vắc-xin đầu tiên

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã đưa ra các thử nghiệm lâm sàng cho vắc-xin coronavirus đầu tiên của mình, được phát triển bởi chuyên gia chiến tranh sinh học hàng đầu đất nước – Chen Wei - và nhóm của bà.

Vị nữ tướng 54 tuổi đã tuyên bố trên đài truyền hình nhà nước CCTV hôm 16/3 rằng Bắc Kinh đã cho phép bắt đầu các thử nghiệm: “Vắc-xin là vũ khí khoa học mạnh nhất để chấm dứt đại dịch coronavirus”. Vắc-xin tái tổ hợp Novel coronavirus đã được phát triển thành công sau hơn một tháng nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu về vắc-xin phòng bệnh Ebola.

Bà Chen là một chuyên gia hàng đầu về vắc-xin kỹ thuật di truyền ở Trung Quốc, từng tham gia phát triển một loại thuốc xịt y tế trong đợt dịch SARS năm 2003. Sản phẩm này đã ngăn khoảng 14.000 nhân viên y tế nhiễm virus.

Tấn Vĩ (Theo Time, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI