Điều gì đang xảy ra nơi đất Tổ?

18/04/2016 - 07:53

PNO - Có thể gọi đó là cuộc càn quét, tàn phá Đền Hùng của đám “con cháu” tự bao giờ chẳng rõ đã trở nên hung hãn và xấc xược...

Sáng 16/4, nhằm mùng 10 tháng 3 âm lịch - ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã hứng chịu một đợt “tấn công” khủng khiếp: hàng vạn người tràn lên núi Nghĩa Lĩnh (TP. Việt Trì, Phú Thọ). Dù không mang theo vũ khí, mức độ “sát thương” họ gây ra không hề nhỏ. Trẻ em khóc thét, lạc người thân; hàng loạt phụ nữ và người lớn tuổi ngất xỉu giữa cảnh chèn ép, xô đẩy, trước sự vất vả “chống đỡ” của lực lượng cảnh sát gìn giữ trật tự. Bất chấp lời kêu gọi của cơ quan chức năng, nhiều người đã leo rào, xâm nhập rừng cấm để lên núi.

Xem những phóng sự ảnh, các video clip từ hiện trường, rất nhiều người bàng hoàng tự hỏi điều gì đang xảy ra nơi đất Tổ Phong Châu? Những món lễ vật bị xô nghiêng, phục trang bị giằng kéo, những tiếng hò hét như xung trận khi ba lớp rào chắn được dỡ đi và biển người tràn lên như thác lũ... Đó chắc chắn không thể gọi là một cuộc hành hương. Đó cũng không thể gọi là một lễ giỗ - nơi mà sự tôn nghiêm, chuẩn mực, thanh tịnh... được đặt lên hàng đầu. Có thể gọi đó là cuộc càn quét, tàn phá Đền Hùng của đám “con cháu” tự bao giờ chẳng rõ đã trở nên hung hãn và xấc xược, quên lời tổ tiên dạy dỗ đang tranh phần đút lót tiền nhân.

Dieu gi dang xay ra noi dat To?
Dù không mang theo vũ khí, mức độ “sát thương” họ gây ra không hề nhỏ

Chưa thấy thống kê mức độ thiệt hại của di tích, của rừng cấm sau lễ hội. Chưa có thống kê về rác thải, nạn móc túi, chặt chém du khách. Chưa được nhìn thấy những hình ảnh phản cảm như hàng tá tiền lẻ ném xuống giếng Ngọc nơi Đền Giếng hay nhét vào những bức tượng ở các đền... Nhưng chỉ vài mươi phút đầu của lễ giỗ Tổ đã quá đủ để chúng ta thấy kinh hoàng.

Người ta đã nói quá nhiều về cảnh tranh cướp, giành giật, thậm chí dẫn đến xô xát ở các lễ hội. Người ta đã khuyên nhau nên rút lui khỏi chốn lao xao để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và gia đình, nhất là những đứa trẻ. Người ta đã khản tiếng kêu gọi nhau tôn trọng các giá trị thiêng liêng... Những tiếng kêu đều rơi vào thinh lặng khi sự kiện sau đông hơn sự kiện trước, lễ hội sau khủng khiếp hơn lễ hội trước.

Dù ở nơi vui chơi như công viên nước Hồ Tây, lễ hội thưởng hoa anh đào hay ở những nơi thờ phượng như Đền Trần, Đền Hùng, cảnh chen lấn, xô đẩy, cướp hoa, cướp ấn, leo rào đến lộ cả nội y, toạc áo... cứ xảy ra như căn bệnh đang dần nhờn thuốc. Tính nhẫn nhịn, tôn trọng thiên nhiên, kính trọng tổ tiên từng khiến người Việt tự hào giờ đây chỉ còn là những đua tranh vụn vặt, những toan tính nhỏ nhoi của những con người mông muội giữa thời văn minh.

Nếu lễ giỗ Tổ Hùng Vương từng được chứng nhận những kỷ lục như chiếc bánh chưng to nhất, chai rượu lớn nhất... thì nay chẳng cần ai đứng ra tổ chức, chẳng cần ai xác nhận, kỷ lục mới cũng vẫn được xác lập hoàn toàn tự nhiên, mà chua chát - đám giỗ có nhiều người chen chúc nhất.

Trong ngày 16/4, nhiều người nhanh chóng thu thập những hình ảnh chướng tai gai mắt ở Đền Hùng để thiết kế thành poster phim - Hung Temple has Fallen - Đền Hùng thất thủ, dựa trên hai bộ phim Hollywood đình đám: Olympus has fallen (Nhà Trắng thất thủ) và London has fallen (London thất thủ).

Tốc độ lan truyền của tấm poster về bộ phim không tưởng ở Đền Hùng cho thấy mức chấn động của sự kiện đối với văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Người ta nói với nhau dưới dạng câu hỏi tu từ: “Vua Hùng nào chứng cho đám con cháu này?”. Tổ tiên nào chứng nổi khi ngọn Nghĩa Lĩnh phải oằn mình dưới gót chân con cháu?

Nhân Sư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI