Điều dưỡng cho người chán ăn, tiêu hóa kém hậu COVID-19

04/04/2022 - 21:23

PNO - Bệnh nhân hậu COVID-19 bị rơi vào tình trạng chán ăn, đầy bụng, tiêu hóa kém cần có chế độ điều dưỡng cơ thể đặc biệt để phục hồi sức khỏe.

 

Gừng nướng làm ấm bụng và hỗ trợ tiêu hóa
Gừng nướng làm ấm bụng và hỗ trợ tiêu hóa

Từ 7 - 11 giờ là thời gian hệ thống tiêu hóa hoạt động mạnh nhất, cần tranh thủ nạp năng lượng, đặc biệt là các món chế biến từ đạm động vật, trứng, sữa.

Từ chiều đến tối nên ăn các món dễ tiêu như cháo, xúp. Các nguyên liệu chế biến nên thái nhỏ, hầm mềm; hạn chế dầu mỡ; ăn khi còn nóng. Kết hợp trong món ăn các gia vị như gừng, sả, riềng, hẹ, lá lốt, vỏ quýt, hành, tỏi, nghệ để hỗ trợ tiêu hóa. Hạn chế sử dụng: salad, kem lạnh, uống nước đá lạnh, cà chua, cà pháo, măng, cam, chanh, dưa hấu, dừa, dưa leo, mướp…

Món ăn hỗ trợ tiêu hóa

Cháo hẹ: 30 - 60g rau hẹ tươi (hoặc 5 - 10g hạt hẹ), 100g gạo tẻ. Rửa sạch rau, cắt nhỏ, nấu với gạo thành cháo, nêm gia vị vừa đủ, ăn nóng.

Cháo sơn tra: 6 - 12g sơn tra, 100g gạo tẻ, đường cát vừa đủ. Rửa sạch sơn tra, sắc lấy nước, bỏ bã. Cho gạo vào nước sơn tra, thêm lượng nước vừa đủ, nấu nhừ thành cháo, cho đường vào, ăn nóng.

Trà gừng, táo đỏ, sơn tra: Sau khi ăn các món có nhiều đạm 30 phút có thể uống trà để hỗ trợ tiêu hóa. 5g gừng xắt lát, nướng thơm; 10g táo đỏ cắt lát, 3g sơn tra (táo mèo), 6g đảng sâm (hoặc 2g nhân sâm). Cho thuốc vào hãm trong bình nước sôi 20 - 30 phút. Uống nóng, cho đến khi nhạt vị.

Cơm nước gừng thịt bò: 100 - 150g thịt thăn bò, 10g gừng tươi. Rửa sạch nguyên liệu, thịt bò bằm nhuyễn, gừng xay nhuyễn vắt lấy nước. Cho nước gừng vào thịt bò, thêm nước tương, dầu ăn vừa đủ, trộn đều. Hấp cách thủy thịt bò ăn với cơm; hoặc khi nồi cơm cạn, cho thịt bò lên mặt cơm, nấu chín, ăn nóng với cơm.

Bao tử tiềm hạt sen: 100g hạt sen, một cái bao tử heo. Bao tử rửa sạch, thái lát, thêm nước vừa đủ, tiềm cách thủy với hạt sen, dùng trong ngày.

Đậu Hà Lan hầm gà: 30g đậu Hà Lan, 100g gạo tẻ, 1/4 con gà (khoảng 300 -400g), gia vị. Rửa sạch nguyên liệu, cùng cho vào nồi, thêm muối hạt vừa đủ hầm nhừ thành cháo, nêm nếm gia vị, hành, ngò, ăn nóng.

Lá mơ trứng gà: Bị sôi bụng, khó tiêu hóa nên ăn kèm lá mơ tươi trong bữa cơm hoặc giã nát vắt lấy nước uống; dùng liên tục trong khoảng 2 - 3 ngày sẽ thấy kết quả. Cũng có thể chế biến món lá mơ chưng trứng gà. Xắt nhuyễn một nắm lá mơ, trộn đều với hai quả trứng gà, thêm gia vị, chưng cách thủy, ăn nóng.

Về tập luyện

Sau thức giấc buổi sáng, dùng ngón cái xoa quanh rốn (chu vi 6cm) và quanh vùng đầu 6 - 10 phút.

Sau khi ăn không nên hoạt động mạnh, không nằm; nên đi bộ nhẹ nhàng, vừa đi vừa hít thở sâu.

Trước khi ngủ, nằm hoặc ngồi, hít bằng mũi thật chậm và sâu, dồn khí xuống khu vực dưới rốn 3 - 4cm, thở ra chậm và hết mức bằng miệng, làm trong 15 phút.

Mỗi ngày, nên có thời gian vận động tối thiểu 30 phút, đi bộ, bơi lội, tập yoga.

Về thuốc

Dùng sản phẩm đông dược có tên Hương sa lục quân (gồm các vị thuốc: đảng sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo bắc, trần bì, bán hạ, sa nhân, mộc hương). Uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất đến khi cải thiện triệu chứng thì ngưng. 

Mộc Nguyên

(Hội Đông y Q. Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI