Người dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đua nhau đầu tư tiền vào Công ty TNHH và Dịch vụ thương mại Thái Tuấn (gọi tắt là Công ty Thái Tuấn, có trụ sở chính tại TP.HCM và chi nhánh tại TP.Huế) để nhận được lợi nhuận “khủng” nhưng đã phải nhận “trái đắng”.
Đến chết vẫn không đòi được tiền của công ty
Năm 2015, Công ty Thái Tuấn kêu gọi nhiều người dân ở TP.Huế cùng góp vốn đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, quán cà phê… Đến năm 2016, công ty này mở chi nhánh tại TP.Huế và tổ chức nhiều hội nghị rình rang, vẽ ra mức lợi nhuận “khủng” khiến người dân khắp các huyện thị của tỉnh Thừa Thiên - Huế đua nhau đầu tư. Tính đến nay, đã có khoảng 120 nhà đầu tư (NĐT) góp số vốn khoảng 30 tỷ đồng vào Công ty Thái Tuấn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng đã bị công ty “bỏ rơi”.
|
Chi nhánh của Công ty Thái Tuấn tại TP.Huế ở tầng 4 của tòa nhà này đã đóng cửa
|
|
Chị N.T.N.A. (P.Thủy Xuân, TP.Huế) cho biết, Công ty Thái Tuấn cam kết, sau 3 năm đầu tư, chị sẽ được hoàn trả cả vốn và lãi với mức gấp 3,5 lần số tiền đóng góp ban đầu, ví dụ như đầu tư 100 triệu đồng, sau 3 năm, sẽ nhận được 360 triệu đồng.
Thế nhưng, đầu năm 2017, chi nhánh của Công ty Thái Tuấn tại TP.Huế đột ngột đóng cửa. Chờ đến hẹn, không có NĐT nào nhận được số tiền như cam kết ban đầu.
Bà T.N.H.O. (P.Tây Lộc, TP.Huế) bị ung thư, phải điều trị lâu dài tại Bệnh viện Trung ương Huế, nghe người quen giới thiệu về việc đầu tư vào Công ty Thái Tuấn với lãi suất cao, nghĩ sẽ có nguồn kinh phí để chữa bệnh, đã góp vốn cho công ty này 100 triệu đồng.
Thế nhưng sau đó, công ty này chỉ trả cho bà 2 triệu đồng rồi “bặt vô âm tín”. Những ngày bà O. hấp hối trên giường bệnh, chồng bà đã phải bắt xe vào tận trụ sở công ty ở TP.HCM để “xin” được lấy lại tiền đã góp về lo hậu sự cho vợ, vẫn không được công ty giải quyết.
Trong số người đã góp tiền cho Công y Thái Tuấn, có rất nhiều cán bộ hưu trí, giáo viên, bác sĩ, công chức, người góp ít thì vài chục triệu, người góp nhiều thì gần cả tỷ đồng, thậm chí có trường hợp góp hơn 2,5 tỷ đồng. Bà H., một cán bộ ngành thuế tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã góp cho công ty này 700 triệu đồng nhưng chỉ nhận lại được 15 triệu đồng. Sau khi chi nhánh của Công ty Thái Tuấn tại TP.Huế đóng cửa và không trả tiền như cam kết, nhiều gia đình đổ nợ, phải rao bán nhà để trả nợ, gia đình tan nát.
Vươn vòi lừa đảo ra tận làng quê
Nhiều người sống ở các làng quê hẻo lánh của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sập bẫy “hợp tác đầu tư” của Công ty Thái Tuấn. Giữa năm 2016, chị Ngô Thị H., ở làng chài ven biển Thuận An, H.Phú Vang góp 500 triệu đồng vào Công ty Thái Tuấn. Từ đó đến nay, chị H. chỉ nhận được 5 triệu đồng và không biết liên lạc với ai để đòi 495 triệu đồng còn lại. Ông Hà K. (62 tuổi, ở xã Phú Xuân, H.Phú Vang) làm nghề chài lưới vất vả, dành dụm được 100 triệu đồng cũng đã đầu tư hết vào Công ty Thái Tuấn nhưng chỉ nhận được 1,2 triệu đồng vào cuối năm 2016 rồi mất liên lạc với người của công ty.
Vốn làm nghề buôn bán, khi nghe một người bạn giới thiệu về việc hợp tác đầu tư vào các dự án của Công ty Thái Tuấn với lợi nhuận cao, chị Ngô Thị Ng. (H.Phong Điền) đã bỏ công ăn việc làm đến dự các hội thảo, hội nghị do công ty tổ chức. Theo bà Ng., tại hội thảo, hễ nói đến bất cứ dự án nào, công ty cũng kèm theo hình ảnh minh họa rất sinh động, hoành tráng. Bà đã đầu tư vào Công ty Thái Tuấn 200 triệu đồng, nhưng đến giờ, nguồn vốn đã “một đi không trở lại”.
|
Bà N.T.N.A. thông tin về hợp đồng góp vốn đầu tư với Công ty Thái Tuấn |
Theo bà Nguyễn Thị M. (P.Hương Sơ, TP.Huế, người đã góp 200 triệu đồng vào Công ty Thái Tuấn), sau khi huy động các NĐT góp vốn, công ty yêu cầu họ giới thiệu thêm nhiều người cùng tham gia để hưởng hoa hồng theo cấp số nhân, được thăng chức, cho đi du lịch… Do đó, nạn nhân của Thái Tuấn ngày càng đông.
Một số nạn nhân của Công ty Thái Tuấn cho biết, đầu năm 2017, khi chi nhánh của công ty này bất ngờ đóng cửa, khoảng 20 NĐT đã góp tiền, thuê xe vào TP.HCM tìm đến trụ sở công ty để đòi lại tiền. Theo lời kể của những người này, trước khi vào bên trong công ty, họ bị yêu cầu để lại điện thoại, máy móc bên ngoài, bị buộc chuyển toàn bộ vốn góp bằng tiền mặt trước đây qua tiền ảo. Những NĐT này không còn sự lựa chọn nào khác, buộc phải làm theo yêu cầu của công ty. Nhưng sau đó, họ cũng không rút được đồng nào.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến nay, giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty Thái Tuấn đã trải qua 12 lần cấp đổi. Lần gần đây nhất là ngày 26/6/2017, do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp. Thượng tá Mai Văn Toàn - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế - thông tin, tính đến đầu tháng 9/2018, qua xác minh, có hơn 120 NĐT tại Thừa Thiên - Huế “hợp tác đầu tư” với Công ty Thái Tuấn, tổng vốn khoảng 30 tỷ đồng.
Cơ quan công an cũng đã nhận rất nhiều đơn thư tố cáo của công dân về hành vi lừa đảo của ông Vũ Đức Tĩnh - Tổng giám đốc Công ty Thái Tuấn. Theo các bị hại, ngoài hơn 120 NĐT, còn có khoảng 1.000 người mất tiền theo Công ty Thái Tuấn, do đã đưa tiền cho các NĐT để họ hợp tác kinh doanh với Thái Tuấn, trong đó có cả nạn nhân là người quê ở Hà Tĩnh, Nghệ An đang sinh sống, học tập, làm việc tại Thừa Thiên - Huế.
Thượng tá Mai Văn Toàn cho biết thêm, sau khi nhận được đơn thư tố cáo của công dân, cơ quan điều tra đã nhiều lần gửi giấy triệu tập lãnh đạo công ty này đến làm việc nhưng họ không đến. Vì vậy, mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cử người trực tiếp vào TP.HCM xác minh, nhưng khi tìm đến địa chỉ công ty như trong đơn tố cáo của các nạn nhân thì trụ sở công ty không còn nữa. Hiện, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã báo cáo sự việc với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ của Bộ Công an, đề nghị phối hợp điều tra.
Thuận Hóa