Giàu nội lực
Với 19 đơn vị trong và ngoài công lập tham gia, dự thi 24 vở diễn quy tụ khoảng 300 diễn viên, Liên hoan sân khấu TPHCM lần thứ nhất có quy mô không thua kém bất kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc nào. Nghệ sĩ nhân dân (NSND), đạo diễn Trần Minh Ngọc cho biết, thực tế, đây không phải lần đầu TPHCM có liên hoan sân khấu của riêng mình. Thậm chí, Liên hoan sân khấu mùa thu (năm 1998 và 2001) và Liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc (2006) đều để lại dư âm lớn, tác động đến định hướng phát triển của nhiều sân khấu về sau. “Có thể nói, liên hoan lần này là thành quả đã được nâng cấp từ Liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc tại TPHCM năm 2006, một liên hoan mang tầm quốc gia mà chúng ta đã chờ đợi, mong muốn từ lâu” - ông Trần Minh Ngọc chia sẻ.
|
Vở kịch lịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử của nhà hát kịch IDECAF đã có khoảng 10 suất diễn trước khi dự liên hoan |
Từ nền tảng đó, liên hoan đã quy tụ được lực lượng làm nghề đông đảo và đa dạng. Trong đó, chủ lực vẫn là các nghệ sĩ gắn bó lâu năm với các thương hiệu sân khấu sáng đèn thường xuyên (nhà hát kịch IDECAF, sân khấu Hồng Vân, sân khấu Hoàng Thái Thanh, sân khấu Thế Giới Trẻ, sân khấu Thiên Đăng, nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ…) đến với liên hoan trên tinh thần hội nghề, phô diễn nét tinh hoa của mình và đơn vị. Bên cạnh đó là những diễn viên tâm huyết với sân khấu nhưng đang phải bươn chải ở nhiều sàn diễn để giữ nghề, mong muốn khẳng định năng lực ở một liên hoan chuyên nghiệp. Không ít cá nhân đã lâu mới tìm về sàn kịch hoặc lần đầu có cơ hội đứng trên sân khấu, góp mặt với mong mỏi thỏa mãn niềm đam mê.
Nhiều người nhận định, công tác tổ chức là điểm cộng của Liên hoan sân khấu TPHCM lần thứ nhất. Các buổi thi diễn, dù chiều hay tối, đều đông kín khán giả. Ngoài khán giả bình thường còn có rất nhiều người trong nghề, đồng nghiệp từ các sân khấu khác đã đến xem. Các hoạt động bên lề tạo không khí cho liên hoan cũng được tổ chức như: triển lãm ảnh đời sống sân khấu TPHCM, chương trình không gian đối thoại kết nối khán giả với các vở diễn dự liên hoan. Đặc biệt, đây cũng là liên hoan hiếm hoi quan tâm công tác truyền thông. Fanpage Liên hoan sân khấu TPHCM được thực hiện rất chuyên nghiệp, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, hình ảnh biểu diễn và cả hậu trường các tác phẩm dự liên hoan |
Vì thế, dù thành phố có khoảng 10 sân khấu hoạt động thường xuyên nhưng lại có đến 19 đơn vị dự thi. Điều này cho thấy nguồn lực biểu diễn của TPHCM vẫn rất dồi dào và năng động.
Theo ông Tôn Thất Cần - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM - thế mạnh của kịch nói TPHCM là các sân khấu đã định hình được phong cách riêng, thu hút lượng khán giả riêng, từ đó tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy nhau phát triển. Liên hoan này cũng thể hiện rõ điều đó. Nhà hát kịch IDECAF giới thiệu vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử và Má ơi, Út dìa! với kịch bản có chiều sâu, dàn diễn viên thu hút. Sân khấu kịch Hồng Vân mang đến vở Bông cánh cò và Đứt dây tơ chùng đậm tính văn học. Sân khấu Hoàng Thái Thanh có vở kịch tâm lý xã hội Cơn mê cuối cùng. Sân khấu Thế Giới Trẻ với vở Lỡ nhớ lầm thương và Ông già đoàn lô - tô hài hước, trẻ trung… Những sân khấu mới như Thiên Đăng, Ban Mai, Xóm kịch… cũng có bản sắc riêng.
Các đơn vị mới xuất hiện ở liên hoan thì có sự đầu tư không đồng đều. Một số vở mỏng từ kịch bản đến diễn xuất, phải phúc khảo đến lần 2, thậm chí có đơn vị đã xin rút ngay trước ngày diễn khi được yêu cầu phúc khảo lần 3.
Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Ca Lê Hồng nhận định: đáng mừng nhất là phần lớn tác phẩm dự thi đợt này đều có “đời sống” với công chúng. Ở nhiều liên hoan khác, có tình trạng không ít vở chỉ để đi thi, xong rồi phải “cất kho”. Ở liên hoan này có không ít vở ăn khách, ngay cả những đề tài kén khách như lịch sử hay cách mạng cũng có Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (nhà hát kịch IDECAF) hay Cánh đồng rực lửa (sân khấu Quốc Thảo) đều đến được với nhiều khán giả.
Cân bằng giữa nghệ thuật và giải trí
NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM - cho rằng, liên hoan là dịp kiểm tra lại lực lượng, khuynh hướng của các sân khấu chứ khó thể kỳ vọng từ đó có điều gì đột phá, bùng nổ. “Thực tế là các sân khấu của chúng ta không dồi dào tài chính, cơ sở vật chất chỉ có vậy, nên khó trông chờ điều gì khác hơn về hình thức. Họ cũng không làm vở chỉ để đi thi mà còn nghĩ đến việc bán vé. Đây cũng là cái hay và đặc trưng của hoạt động sân khấu tại TPHCM khi tác phẩm làm ra luôn hướng đến thị trường” - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.
|
Vở Đứt dây tơ chùng của sân khấu kịch Hồng Vân mang đậm màu sắc văn hóa Nam Bộ |
Rõ nhất là phong độ ổn định của các thương hiệu sân khấu quen thuộc. Có những đơn vị từng bị phàn nàn sa sút phong độ vì chạy theo thị trường nhưng khi vào cuộc thi vẫn thể hiện được bản lĩnh của đơn vị giàu truyền thống. “Bình thường, họ có thể thỏa hiệp chạy theo yếu tố giải trí để bán vé, nhưng đến với cuộc chơi nghề, họ không chỉ mang tới tác phẩm tốt nhất của mình mà còn có ý thức nâng cao chất lượng vở diễn. Tôi cho rằng, cần duy trì liên hoan để anh em thi thố, có được giải thưởng xứng đáng tạo động lực làm nghề, cũng là cái đích để các sân khấu phấn đấu, tự nâng chất sản phẩm” - Nghệ sĩ ưu tú Ca Lê Hồng phân tích.
NSND Hồng Vân cho biết, chị mang đến liên hoan 2 vở diễn với mục đích khác nhau. Nếu Đứt dây tơ chùng đáp ứng đầy đủ tiêu chí để thi thố thì Bông cánh cò là vở diễn ăn khách. Ngoài chuyên môn, chị muốn chia sẻ với hội đồng nghệ thuật về những gì khán giả đang yêu thích.
Với những tín hiệu tích cực từ hoạt động sân khấu TPHCM những năm gần đây, cùng với việc triển khai xây dựng những hoạt động ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM dự kiến trình UBND thành phố hoạt động tuần lễ Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025. Tuần lễ sẽ bao gồm nhiều hoạt động vinh danh những thành tựu của sân khấu thành phố qua từng chặng đường sau ngày đất nước thống nhất; hội thảo, tọa đàm, trình diễn… Mọi việc đang được từng bước xây dựng nhằm đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Ngoài ra, năm 2025 cũng là năm diễn ra nhiều cuộc thi, liên hoan trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, dự kiến sẽ rất đa dạng và phong phú cho bức tranh văn hóa thành phố, góp phần thu hút du lịch, phát triển kinh tế, xã hội TPHCM”. Nghệ sĩ nhân dân Thanh Thúy (Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM) |
“Sức sống của kịch nói TPHCM bao năm qua là các sân khấu xã hội hóa tự thu tự chi. Cho nên Liên hoan sân khấu của TPHCM không thể tách rời yếu tố thị trường. Thông qua liên hoan, chúng tôi cố gắng từng bước nâng mình lên. Ngược lại, chúng tôi cũng mong muốn sự thấu hiểu, sẻ chia và phần nào đó hỗ trợ cần thiết từ Nhà nước để phát triển đúng định hướng và kỳ vọng về tác phẩm cân bằng giữa nghệ thuật và giải trí” - NSND Hồng Vân chia sẻ.
NSND Hồng Vân cho biết, chị vẫn đau đáu với dòng kịch văn học, nhưng hiện tại, nuôi sống sân khấu kịch Hồng Vân vẫn là dòng kịch kinh dị. Trong tương lai gần, xu hướng này chưa thể thay đổi, thậm chí dòng kịch này đang bù lỗ cho các dự án kịch văn học trước đó và tích lũy để có dự án tiếp theo.
“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của nhà hát kịch IDECAF cho rằng: “Sau liên hoan, các sân khấu đang hoạt động tiếp tục nỗ lực cạnh tranh với đủ loại hình giải trí hiện đại với cơ sở vật chất bao năm không đổi. Quan trọng hơn nữa là áp lực có gì mới cho khán giả xem, cái mới đó có được khán giả tiếp nhận? Tôi cho rằng, sân khấu kịch vẫn đang gặp khó, đòi hỏi người làm nghề phải nỗ lực nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn, quyết liệt hơn trong việc “giải mã” thị hiếu khán giả”.
Ninh Lộc