Kính gửi chị Hạnh Dung,
Chồng em năm nay bước sang tuổi 50. Trước đây, anh ấy có trải qua mấy cuộc phẫu thuật. Không biết có phải do tác dụng của thuốc gây mê mà dạo này anh rất hay quên. Những thứ như chìa khóa, điện thoại, thậm chí để xe chỗ nào trong hầm, nón bảo hiểm để đâu, anh ấy luôn quên.
Vợ chồng em nhiều lần cãi vã về chuyện anh lãnh lương ra xài gì cũng không nhớ, tới hồi đưa cho vợ chỉ còn một ít. Để khắc phục tình trạng quên trầm trọng này, chồng em đã cố gắng ghi nhật ký bằng nhiều cách: chụp hình lại, lưu vào ghi chú trong điện thoại hay viết vào cuốn sổ nhỏ bỏ trong túi.
Cách làm này có tác dụng rất tốt. Nó giúp chồng em đỡ căng thẳng khi luôn phải cố gắng nhớ mọi việc. Nhưng cách làm này cũng khiến em thêm tật xấu: hay tò mò xem những thứ anh đã ghi, đã chụp hình hay đã lưu trong điện thoại.
Nhiều chuyện đọc trong “nhật ký” của chồng khiến em nghi ngờ, ví dụ một cái tên có vẻ rất nữ tính ghi kèm giờ: 4 giờ 30. Em nghĩ đó là lúc hết giờ làm, chắc chắn không phải hẹn công việc.
Hoặc anh ghi các ký hiệu 15t - M, em đoán ra khả năng có thể là đưa cho má 15 triệu đồng. Chuyện em hay đọc nhật ký trở thành thói quen xấu. Em biết vậy nên không dám tra hỏi chồng rằng ghi chú kiểu này nghĩa là sao… Một phần cũng vì nếu em tra hỏi, chồng em cũng vò đầu bứt tai một hồi rồi nói anh quên mất đó là gì rồi.
Em không biết anh quên thật hay là vin vô bệnh quên mà nói dối em. Càng đọc nhiều ghi chú của anh, nỗi ấm ức, lo lắng trong em càng lớn. Em phải làm sao đây?
Lan Nhi (TP.HCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Lan Nhi thân mến,
Ở đây có hai chuyện: chuyện chồng em mắc chứng hay quên và chuyện em rơi vào nỗi ngờ vực nghi ngại. Hai việc này có liên quan đến nhau nhưng muốn giải quyết, phải tách chúng ra, em ạ! Mình nên xác định việc nào quan trọng cần được ưu tiên thì giải quyết trước. Trong trường hợp này, có lẽ nên ưu tiên cho chứng hay quên của chồng em.
Tuổi 50 mà đã hay quên thì coi như bệnh, phải khám và chữa trị tích cực. Em nên cùng chồng đến bệnh viện khám, điều trị tích cực để giúp anh cải thiện trí nhớ, từ đó tăng chất lượng cuộc sống. Chồng em đang tuổi làm việc, chứng hay quên này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc chuyên môn.
Bây giờ, ngành y tế có nhiều kỹ thuật mới, thuốc men cũng đa dạng và hiệu quả hơn, em cần động viên chồng tìm nguyên nhân và tích cực điều trị. Đừng bỏ lơ bệnh này kẻo đến lúc anh ấy quên luôn cả vợ thì nguy hiểm lắm!
Tiếp đến, nhật ký của người hay quên không phải là nhật ký theo nghĩa bình thường mà chỉ là những ghi chép tức thời để hỗ trợ cho trí nhớ. Có những chuyện dù hay quên đến cỡ nào đi nữa, đàn ông cũng không bao giờ ghi vào nhật ký, ví dụ chuyện hẹn hò. Em đừng tưởng tượng, suy diễn rồi nghi ngờ, dằn vặt dẫn đến tan cửa nát nhà.
Dạng nhật ký này, em nên xem một cách công khai với sự đồng ý của chồng, rồi cùng anh ấy “giải mã” những ký hiệu bí ẩn trong đó như một cách giúp anh cải thiện trí nhớ. Đừng biến việc em giúp chồng thành việc em lén lút kiểm soát, tra hỏi.
Cứ công khai, thoải mái đồng hành cùng chồng trên con đường chữa bệnh, hai người cùng bổ sung trí nhớ cho nhau. Bên cạnh đó, em còn có thể hướng dẫn anh ấy ghi chú cho dễ hiểu, để lúc anh quên thì còn em hiểu và nhớ giúp. Em sẽ thấy khi làm vậy mình an tâm hơn, hiểu chồng hơn và bớt nghi ngờ.
HẠNH DUNG
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Đào Ly (Q.Thủ Đức, TP.HCM): Đừng biến mình thành kẻ xâm phạm đời tư người khác!
Tôi còn nhớ có giai đoạn, tôi luôn căng thẳng theo dõi nhật ký của con mình. Tôi muốn phá bức tường con đóng trước mặt mình, để hiểu con đang thế nào, gặp ai và yêu đương gì không. Tôi còn nhớ con đã hét trước mặt mình: “Ai cho mẹ quyền xâm phạm đời tư người khác? Con sẽ kiện mẹ”. Lời tức giận của một đứa bé 16 tuổi khiến tôi nhớ đến giờ dù nay con tôi đã có gia đình riêng.
Tôi dài dòng, chỉ vì muốn nhắc bạn rằng, về tình, có thể bạn quan tâm đến chồng. Về lý, thì sai bét. Bạn lấy quyền gì mà đòi biết cặn kẽ lịch trình sinh hoạt cá nhân của một người? Đừng biến mình thành kẻ xâm phạm đời tư người khác! Chưa nói đến việc chồng bạn đang có thể bị bệnh mất trí tạm thời hoặc Alzheimer. Vậy mà chẳng nghe bạn nhắc đến việc đưa anh đi khám. Thay vào đó chỉ là sự ấm ức, lo lắng, nghi ngờ của bạn. Nếu rơi vào hoàn cảnh này, tôi sẽ lập tức cùng chồng đến gặp bác sĩ để tìm hướng điều trị.
Về phía bạn, tôi có vài gợi ý nhỏ: tập thiền, rèn luyện thể thao, phơi nắng, ăn uống đủ chất, nghe nhạc, xem phim… để cho cơ thể nhiều năng lượng, suy nghĩ thấu đáo hơn và nhất là để tránh rơi vào tình trạng như chồng bạn.
Phan An Hòa (Cao Lãnh, Đồng Tháp): Người đãng trí vốn khổ sở rồi!
Trên đời này, khổ nhất chính là theo dõi hành vi cử chỉ của người khác và lặng lẽ giải mã nó. Mệt tim lắm đúng không chị?
Người bị đãng trí khổ sở lắm. Mới quay qua quay lại đã quên. Thêm những áp lực từ vợ, anh sẽ càng khốn khổ. Tôi nghĩ đây không phải lúc để chị ngồi dò xét từng dòng ghi chú. Hơn nữa, đây chỉ là những dòng ghi chú dành cho người hay quên. Mọi dò xét cho đời sống hôn nhân lúc này là không cần thiết sau ngần ấy năm anh chị bên nhau. Nếu bình tĩnh để suy xét kỹ hơn, tôi nghĩ chị sẽ thấu hiểu và cảm thông với chồng. Hiện nay, anh cần được chữa trị và chị nên là người đồng hành cùng anh vượt qua giai đoạn khó khăn này.
|
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.