Điều cuối cùng của giáo dục là tình người

20/11/2024 - 16:34

PNO - Không để thiếu em nào có lẽ là một trong những bộ phim “khiêm tốn” nhất của Trương Nghệ Mưu, với kinh phí cực kỳ ít ỏi.

Đặc biệt, phim gần như không có bất kỳ diễn viên chuyên nghiệp nào, thay vào đó là những trẻ em nông thôn với trang phục và đạo cụ đều là những vật dụng hằng ngày.

Tuy nhiên, cũng chính từ cách làm phim tối giản, chân thực ấy, những điều đẹp đẽ nhất của tình người, tình thầy trò, sự đồng cảm chân thành vượt lên khỏi những khó khăn, nghèo đói càng trở nên lấp lánh hơn bao giờ hết.

Không để thiếu em nào đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ theo đuổi nghề giáo
Không để thiếu em nào đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ theo đuổi nghề giáo

Kiệt tác của chủ nghĩa hiện thực

Năm 1999, đạo diễn Trương Nghệ Mưu cho ra mắt bộ phim Không để thiếu em nào (tựa tiếng Anh: Not one less), chuyển thể từ tiểu thuyết Thái dương trên bầu trời của nhà văn Thi Tường Sinh. Mặc dù nguyên tác lấy bối cảnh ở vùng nông thôn miền núi Tây Bắc Trung Quốc nhưng khi chuyển thể thành phim, đạo diễn đã quyết định thay đổi bối cảnh sang huyện Thủy Tiên, tỉnh Hà Bắc, nhằm mang đến một góc nhìn chân thực hơn về cuộc sống nông thôn Trung Quốc.

Chuyện xoay quanh lớp học nghèo nàn với 28 học sinh của thầy giáo Cao. Năm ấy, mẹ thầy Cao bệnh nặng, thầy phải về quê chăm sóc mẹ. Vì trường học nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh, chưa có đường nhựa, nên không có ai chịu đến dạy thay. Bất đắc dĩ, trưởng thôn đành nhờ cô bé chăn heo 13 tuổi trong làng là Ngụy Mẫn Chi. Trước khi đi, thầy Cao chỉ dặn dò cô bé 1 điều quan trọng nhất: Trong thôn có rất nhiều em vì nghèo mà bỏ học nên tuyệt đối không để thiếu một em học sinh nào khi thầy quay trở lại, không được để học sinh bỏ học thêm nữa!

Ban đầu, Mẫn Chi nhận lời vì được trưởng thôn hứa trả cho 50 tệ khi xong nhiệm vụ. Công việc của cô giáo trẻ rất đơn giản: trông chừng 28 học sinh, dạy các em hát, múa, viết chữ, làm toán. Tuy nhiên, sau đó, do nhà nghèo, mẹ lại trở bệnh, một học sinh bướng bỉnh của lớp là Trương Tuệ Khoa đã theo người quen lên thành phố tìm việc làm thuê. Vừa đến ga tàu, em bị lạc. Vì muốn đưa Tuệ Khoa trở về, Mẫn Chi đã tìm mọi cách để kiếm đủ tiền lên thành phố. Không kiếm ra tiền, cô bé đi bộ, rồi ngủ lê la vệ đường, ăn đồ ăn thừa trong quán. Đến phút cuối, gần như tuyệt vọng, cô bé đã bật khóc trên sóng truyền hình… và niềm hạnh phúc vỡ òa khi cô trò tìm lại nhau trong nước mắt khiến tất cả khán giả đều rơi lệ.

Không để thiếu em nào đánh dấu sự trở lại của Trương Nghệ Mưu với đề tài nông thôn sau thất bại của Có lời thì nói. Bộ phim được coi là một tác phẩm điển hình cho phong cách làm phim tinh tế kết hợp giữa chất thơ và hiện thực của Trương Nghệ Mưu trong những năm 1990, với những góc nhìn mang đầy hơi thở cuộc sống và con người nông thôn Trung Quốc. Dù lần đầu làm phim về giáo dục, đạo diễn họ Trương đã gây ấn tượng sâu sắc khi mang đến một câu chuyện dung dị mà lay động trái tim. Ông chia sẻ: “Tôi muốn làm một bộ phim đơn giản, không màu mè, chỉ tập trung vào con người và tình cảm”.

Bộ phim chạm đến trái tim khán giả bởi sự giản dị, chân thực và giàu cảm xúc
Bộ phim chạm đến trái tim khán giả bởi sự giản dị, chân thực và giàu cảm xúc

Để đạt được sự chân thực tối đa, Trương Nghệ Mưu đã chọn quay phim tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hà Bắc với dàn diễn viên là các em nhỏ, những người dân địa phương. Đặc biệt, vai chính Ngụy Mẫn Chi do chính cô bé chăn heo trong làng thủ vai. Tên của cô bé cũng được giữ nguyên là Ngụy Mẫn Chi để em có cảm giác quen thuộc. Khi tham gia bộ phim, do lần đầu đứng trước ống kính, cô bé rất hồi hộp và lo lắng. Đạo diễn Trương và cả đoàn phim vô cùng kiên nhẫn hướng dẫn hỗ trợ và động viên cô bé. Sự mộc mạc, chân chất, đôi khi khờ khạo của những diễn viên tay ngang đã thực sự chạm vào trái tim khán giả.

Ngay khi ra mắt, Không để thiếu em nào đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ giới phê bình và công chúng. Bộ phim giành được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, trong đó có giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 1999. Phim được đánh giá cao bởi phong cách làm phim tối giản, tập trung vào diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên không chuyên. Chính sự “khiêm tốn” về mặt hình thức đã góp phần tôn lên giá trị nội dung, khiến người xem cảm nhận rõ nét vẻ đẹp mộc mạc, chân thành của nhân vật. Los Angeles Times nhận định: “Không để thiếu em nào là một kiệt tác của chủ nghĩa hiện thực, thể hiện sức mạnh của điện ảnh trong việc phản ánh chân thực cuộc sống và con người”.

Giáo dục từ tình người

Không chỉ thành công về mặt nghệ thuật, Không để thiếu em nào còn tạo nên những tác động lớn tới giáo dục và xã hội Trung Quốc những năm 2000. Câu chuyện giản dị về cô bé Mẫn Chi và các em nhỏ vùng cao, cả sự tận tụy của thầy giáo Cao đã truyền cảm hứng cho khán giả tại nhiều nước ở châu Á và cả các nước phương Tây, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục, đặc biệt là phản ánh sự khó khăn, thiếu thốn của trẻ em nghèo vùng nông thôn trong việc tiếp cận giáo dục.

Từ những giá trị đẹp đẽ bộ phim mang lại về sự kiên trì, nghị lực, sự đồng cảm, sẻ chia, sự đổi thay của thế hệ trẻ bắt đầu từ giáo dục…, nhiều gia đình ý thức hơn trong việc cho con em đến trường. Phim đồng thời mang đến những thông điệp lớn hơn về bình đẳng hóa, xã hội hóa giáo dục khiến chính phủ Trung Quốc quan tâm hơn đến đời sống trẻ em nông thôn, đầu tư xây dựng trường học và hỗ trợ giáo viên. Không để thiếu em nào còn truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ theo đuổi nghề giáo, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục để cải thiện đời sống.

Diễn viên Ngụy Mẫn Chi và đạo diễn Trương Nghệ Mưu
Diễn viên Ngụy Mẫn Chi và đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Trong cuốn sách Điện ảnh Trung Quốc: Từ những năm 1890 đến nay, tác giả Yingjin Zhang nhận định: “Không để thiếu em nào là một bộ phim quan trọng trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc. Nó đã góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề giáo dục ở nông thôn và thúc đẩy chính phủ có những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho trẻ em nghèo”.

Gần như không có bất kỳ câu nói đạo đức, triết lý “đao to búa lớn” nào nhưng Không để thiếu em nào thực sự đã mang đến một thông điệp vô cùng sâu sắc từ chính những lát cắt nhẹ nhàng, thậm chí trần trụi nhất. Phim cũng mang đến một góc nhìn đầy trách nhiệm và khắc họa vẻ đẹp của tình người, tình thầy trò, sự hy sinh của những giáo viên vùng cao như thầy Cao, Mẫn Chi… được thể hiện đầy nhân văn và sâu sắc qua những giọt nước mắt của Mẫn Chi trong lúc tuyệt vọng nhất, những cụ cười của các em nhỏ khi đón cô giáo trẻ trở về hay câu nói ngô nghê nhưng khiến tất cả phải nghẹn ngào của Tuệ Khoa ở cuối phim: “Điều em nhớ nhất khi lên thành phố là em phải xin ăn”. Từ bộ phim, rất nhiều hoạt động thiện nguyện, các tổ chức xã hội đã cùng nhau hỗ trợ và giúp đỡ các em nhỏ cũng như hệ thống giáo dục địa phương tại các vùng xa xôi hẻo lánh.

Trailer phim Không để thiếu em nào:

Dù không trở thành một phim “bom tấn” gây chấn động như nhiều tác phẩm đình đám của Trương Nghệ Mưu, Không để thiếu em nào lại chạm đến trái tim khán giả bởi sự giản dị, chân thực và giàu cảm xúc. Vượt qua ranh giới của một tác phẩm điện ảnh, phim đã len lỏi vào đời sống, góp phần tạo nên những thay đổi trong xã hội, trở thành một tác phẩm có ý nghĩa lớn lao trong trái tim nhiều thế hệ.

Lan Anh - Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI