Điều còn lại sau một liên hoan

19/11/2021 - 10:00

PNO - Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 khép lại với một “cơn mưa huy chương”.

Gác lại những tranh cãi về việc diễn ra khi dịch bệnh còn đang phức tạp, liệu liên hoan đúng dịp mừng tuổi bách niên của sân khấu kịch nói Việt Nam có khơi gợi được gì mới mẻ cho chặng đường tiếp theo của kịch nghệ nước nhà?

Thiếu thuyết phục

Quy tụ hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên từ 14 đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương tham gia, liên hoan là sự nỗ lực rất lớn của người làm nghề, cho thấy dù trong hoàn cảnh nào, người nghệ sĩ vẫn luôn khát khao sáng tạo. Liên hoan cũng ghi nhận sự đa dạng đề tài, phong phú nội dung, từ lịch sử - dã sử, chiến tranh cách mạng - hậu chiến, tâm lý - xã hội, chống tiêu cực đến kịch văn học. Nhiều đơn vị đầu tư mạnh tay cho dàn dựng, kết hợp dựng cảnh truyền thống lẫn ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, âm nhạc sân khấu được chú trọng, khai thác cả chất liệu âm nhạc dân tộc lẫn đương đại, nâng cảm xúc cho người xem.

Chuyện “tình tay ba” giữa ba nhân vật lịch sử trong vở Làm vua (Sân khấu Lệ Ngọc) chưa thể thuyết phục người xem về kịch bản lẫn nghệ thuật diễn xuất
Chuyện “tình tay ba” giữa ba nhân vật lịch sử trong vở Làm vua (Sân khấu Lệ Ngọc) chưa thể thuyết phục người xem về kịch bản lẫn nghệ thuật diễn xuất

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của sân khấu kịch chính là phản ánh thực tế cuộc sống qua việc điển hình hóa xung đột xã hội và nghệ thuật diễn xuất. Người xem biết đấy là “kịch”, nhưng vẫn bị thuyết phục mà tin vào câu chuyện được kể, đồng cảm cùng nhân vật, thấu hiểu những thông điệp được chia sẻ. Ở liên hoan lần này, rất ít tác phẩm làm được điều đó.

Vở Làm vua (Sân khấu Lệ Ngọc) mong truyền tải “thông điệp sâu sắc” về “đạo làm vua” là “phải đặt ngai vàng vào giữa lòng dân” nhưng lại quá nhạt nhòa, trong khi hơn 2/3 vở diễn xoay quanh “chuyện tình tay ba” Đinh Tiên Hoàng - Dương Vân Nga - Lê Hoàn. Mỗi nhân vật có một lớp độc thoại dài về tình yêu và bổn phận. Và vị vua đầu tiên xưng đế sau giai đoạn Bắc thuộc, dõng dạc đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt lại “mùi mẫn” thổ lộ rằng “chỉ mong làm một thường dân để sống trọn vẹn cho tình yêu”, trong khi vua có đến năm hoàng hậu. Dũng tướng Lê Hoàn nhớ hoài mối tình đầu với nàng “thôn nữ” Dương Vân Nga nên mặc lời dị nghị vẫn quyết không lập gia thất.

Xu hướng “ngôn tình hóa lịch sử” khá phổ biến thời gian qua, nhất là qua góc nhìn của những người trẻ, nhưng bất cứ sự hư cấu sáng tạo nào cũng cần có cơ sở và hợp logic dựa trên bối cảnh lẫn tính cách nhân vật. Tương tự, Thiên mệnh (Nhà hát Kịch Việt Nam) có góc nhìn khá mới về nhân vật Trần Thủ Độ nhưng cũng có những hư cấu quá đà so với sử sách. 

Vở Đường chân trời (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) hay Ngược chiều gió (Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ) khai thác bi kịch gia đình hiện đại, nhưng việc xây dựng nhân vật quá đặc thù khó tạo được đồng cảm cho người xem. Các vở diễn khai thác đề tài chống tiêu cực hầu hết xây dựng hình tượng các “quan tham” dưới góc nhìn biếm họa, kệch cỡm và phóng đại. Bên cạnh đó, lực lượng biểu diễn không có sự đột phá, phong cách diễn xuất “lên gân” vẫn phổ biến, thiếu những nét diễn tự nhiên, linh động. Thậm chí, nhiều trường hợp phản cảm khi nghệ sĩ quá tuổi vẫn vào vai “thanh xuân”, thậm chí đóng cả trẻ con…

Tính cách các nhân vật của Ngược chiều gió (Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ) đều được đẩy đến mức cực đoan.
Tính cách các nhân vật của Ngược chiều gió (Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ) đều được đẩy đến mức cực đoan.

Liên hoan cho ai?

Tổ chức liên hoan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ban tổ chức (BTC) xem như chấp nhận tự hạn chế khán giả - đối tượng phục vụ chính của mình.

Theo BTC, việc phát trực tuyến 20 vở dự liên hoan trên kênh YouTube “Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam” (của Cục Nghệ thuật biểu diễn) vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện cho khán giả tiếp cận những tác phẩm chất lượng, vinh danh kịch nghệ tròn 100 tuổi. Vấn đề này cũng gây tranh cãi, nhiều người cho rằng việc livestream vở diễn là “giết” sân khấu, nhưng số khác lại nghĩ đây là một cách quảng bá, một kênh tiếp cận khán giả trong mùa dịch.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ liên hoan thì việc lan tỏa qua kênh YouTube không hiệu quả như mong muốn. Mỗi vở diễn chỉ thu hút được từ 30 - 60 người xem trực tiếp. Nhìn lại, chương trình khai mạc liên hoan và vở Đường chân trời (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) có số view cao nhất là gần 1.100 lượt xem (từ ngày 5/11); tiếp đến là các vở Điều còn lại (Nhà hát Kịch Việt Nam) với 828 lượt xem (từ 10/11), vở Thiên mệnh (Nhà hát Kịch Việt Nam) với 783 lượt xem (từ 9/11), vở Làng song sinh (Nhà hát Kịch Hà Nội) với 715 lượt xem (từ 10/11)… - nghĩa là chỉ trên dưới 100 view/ngày.

Bi kịch của người phụ nữ “mắc kẹt” giữa bổn phận và khát vọng trong gia đình hiện đại của Đường chân trời (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) khó thể tạo được đồng cảm.
Bi kịch của người phụ nữ “mắc kẹt” giữa bổn phận và khát vọng trong gia đình hiện đại của Đường chân trời (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) khó thể tạo được đồng cảm.

“Tôi cho rằng đã là nghệ thuật sân khấu thì phải xem tại rạp, cho dù là truyền hình trực tiếp với nhiều máy quay bắt đủ góc thì cũng làm mất chất sân khấu, huống hồ là livestream với góc máy khá hạn chế, người xem không chủ động quan sát được toàn cảnh, hay tập trung vào nhân vật mình quan tâm. Chưa kể còn trục trặc kỹ thuật, như ở vở Người con gái sông Bồ (Nhà hát Kịch nói Quân đội) hay Non thiêng (Đoàn Kịch nói tỉnh Quảng Ninh) bị gián đoạn đường truyền”, anh Võ Hảo - một khán giả theo dõi liên hoan cho biết.

Hiện nay, vẫn chưa có quyết định chính thức về việc tổ chức liên hoan đợt hai. Tuy nhiên, các sân khấu phía Nam đề nghị dời liên hoan đến quý II/2022 để các sân khấu có thể chuẩn bị tốt hơn, cũng như có thể đón khán giả đến xem vở. Việc livestream vở diễn càng phải cân nhắc kỹ lưỡng, khi các sân khấu xã hội hóa sống nhờ tiền bán vé, thì đây là con dao hai lưỡi ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu.

Việc đưa khán giả đến với những ngày “hội nghề” vẫn là nỗ lực của người làm sân khấu nhiều năm qua, nhưng phương thức hữu hiệu nhất vẫn phải là nâng cao chất lượng vở diễn, có được những tác phẩm đi vào lòng công chúng, hơn là giải pháp tình thế, đầy chủ quan, duy ý chí thời gian qua.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI