PNO - Ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ bị hiếm muộn, đi làm thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên các bác sĩ cho biết nhiều trường hợp hiếm muộn có thể chữa khỏi khi điều chỉnh thói quen sinh hoạt, đặc thù công việc…
Mỗi năm, Bệnh viện Hùng Vương khám từ 30.000-40.000 trường hợp hiếm muộn. Trong đó, 60% là người ở độ tuổi từ 30-35 và khoảng 10% ở độ tuổi dưới 30. Điều đáng lưu ý là có đến 70% bệnh nhân khám hiếm muộn thuộc giới trí thức. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Thái Lộc - Trưởng khoa Hiếm muộn của bệnh viện - cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra điều này liên quan tới lối sống, cách thức sinh hoạt và đặc thù công việc.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Thái Lộc đang tư vấn cho một trường hợp hiếm muộn tại Bệnh viện Hùng Vương
Anh N.Đ.T. (32 tuổi) là kỹ thuật viên về công nghệ thông tin. Vợ chồng anh T. kết hôn được 5 năm, không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào nhưng vẫn chưa có tin mừng. 2 vợ chồng đã đi khám hiếm muộn ở các bệnh viện, cả ở nước ngoài, mong muốn làm thụ tinh ống nghiệm nhưng không thành công vì số lượng tinh trùng của người chồng quá ít. Tại Bệnh viện Hùng Vương, qua điều tra bệnh sử, bác sĩ Lý Thái Lộc nghi ngờ việc vợ chồng anh T. chậm con do ảnh hưởng từ đặc thù công việc của người chồng.
Anh T. cho biết 5 năm nay, anh ngồi làm việc trong một gian phòng toàn máy móc tại Singapore. Bác sĩ khuyên anh nên tạm thời chuyển công tác về Việt Nam, thay đổi môi trường làm việc rồi 6 tháng sau tái khám. Anh T. đã làm theo lời bác sĩ. Kết quả lần tái khám gần đây ghi nhận số lượng tinh trùng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, đủ điều kiện làm thụ tinh ống nghiệm. Cuối cùng, vợ anh T. đã mang thai, tới nay thai nhi đang được 20 tuần. Vợ chồng anh rất vui mừng chuẩn bị đón thành viên mới sau nhiều năm mòn mỏi mong chờ.
Theo bác sĩ Lý Thái Lộc, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới thường xuyên làm việc trong môi trường có sóng điện từ, phóng xạ… dễ bị ảnh hưởng chức năng sinh sản (như kỹ thuật viên chụp X-quang, IT…) do các sóng điện từ, tia X, phóng xạ tác động tới quá trình tạo ra tinh trùng.
Cần điều trị stress
Người trẻ ở thành thị ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực đến từ công việc, cuộc sống. Về mặt khoa học, tuy chưa thống nhất được việc tình trạng stress gây ra hiếm muộn hay bị hiếm muộn khiến bệnh nhân stress nhưng đã có các đánh giá ghi nhận việc điều trị stress có thể làm tăng khả năng mang thai.
Mới đây, bác sĩ Lý Thái Lộc đã điều trị thành công cho 2 cặp vợ chồng bị hiếm muộn do stress. Đó là vợ chồng anh P.V.H. (34 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận). Lấy nhau đã vài năm mà vợ vẫn chưa mang thai, vợ chồng anh đi nhiều cơ sở điều trị hiếm muộn thì được tư vấn nên làm thụ tinh ống nghiệm. Khi vợ chồng anh tới khám tại Bệnh viện Hùng Vương, bác sĩ Lý Thái Lộc khảo sát tình trạng người vợ, nhận thấy hoàn toàn bình thường. Riêng kết quả thử tinh trùng của người chồng thấy bị yếu.
Anh H. chia sẻ mình hiện đang là giám đốc một doanh nghiệp, thời gian biểu làm việc mỗi ngày rất căng thẳng, ăn không đúng bữa, ngủ không đủ giấc. Mặt khác, vợ chồng anh còn chịu áp lực do sự hối thúc từ cha mẹ nên cứ canh theo thời gian người vợ rụng trứng để quan hệ. Bác sĩ khuyên anh H. giảm bớt công việc để có thời gian nghỉ ngơi. Đồng thời, đề nghị vợ chồng anh không quan hệ theo chu kỳ rụng trứng mà nên cách 3-4 ngày/lần. Một nghiên cứu của Singapore đã tổng kết rằng, nhũng cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục đều đặn sẽ có tỉ lệ đậu thai cao hơn nhóm canh theo ngày rụng trứng. Vấn đề mấu chốt ở đây là áp lực tâm lý. Sau vài tháng điều chỉnh theo chỉ dẫn của bác sĩ, vợ anh H. đã mang thai tự nhiên.
Một trường hợp khác là anh Đ.V.S. (25 tuổi, ngụ quận Tân Bình), cưới vợ gần 2 năm nhưng chưa có tin vui. Do 2 bên gia đình sốt ruột nên vợ chồng anh đi khám hiếm muộn. Kết quả kiểm tra sức khỏe của 2 vợ chồng hoàn toàn bình thường. Lúc này, người vợ thú thật với bác sĩ, từ khi kết hôn tới nay, anh chị chỉ quan hệ đúng 2 lần. Hôm nào cũng vậy, anh S. đi làm tới tối mịt mới về, lên giường là lăn ra ngủ. Anh S. được bác sĩ khuyên phải giảm tải công việc, thường xuyên tập thể dục như chạy bộ, bơi lội… Bác sĩ còn hướng dẫn 2 vợ chồng cần quan hệ cách 3 ngày/lần. Chỉ cần điều chỉnh lại cách sinh hoạt thì 2 vợ chồng không cần can thiệp thụ tinh ống nghiệm vẫn có thể thụ thai.
Không nên lạm dụng thụ tinh ống nghiệm
Từ những trường hợp kể trên, bác sĩ Lý Thái Lộc cho rằng, ngày nay kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm đang có xu hướng bị lạm dụng. Có nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ cần thay đổi lối sống, sinh hoạt điều độ là mang thai được, chưa cần thiết sử dụng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, gây tốn kém.
Nam giới cần lưu ý hạn chế các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản như sử dụng rượu bia, thuốc lá, stress, môi trường làm việc căng thẳng… Với phụ nữ, một số nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng, ăn nhiều thịt đỏ làm giảm chất lượng trứng. Thế nhưng ngày nay, do cuộc sống hiện đại, bận rộn nên các thức ăn nhanh, thịt đỏ… lại là lựa chọn hàng đầu của giới trẻ.
Một cặp vợ chồng không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào trong 1 năm vẫn chưa thể mang thai thì gọi là hiếm muộn. Đối với điều trị hiếm muộn, tuổi 35 được coi là cột mốc. Người trên 35 tuổi khó điều trị, dưới 35 tuổi thì tỉ lệ điều trị thành công cao.