Khu đô thị Tây Bắc của TPHCM quy mô hơn 6.084ha (thuộc địa bàn hai huyện Củ Chi và Hóc Môn) là một trong những trọng tâm phát triển để góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố với mong muốn chuyển đổi từ các khu vực nông nghiệp sang dịch vụ đô thị, công nghiệp kỹ thuật cao, nhằm giảm áp lực cho khu vực trung tâm, điều hòa dân số, điều tiết lao động, tránh sự tập trung đơn cực, gây khó khăn và quá tải cho khu vực nội thành.
|
Ảnh minh họa từ internet |
Suốt nhiều năm thành phố đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, từ cơ chế chính sách, quản lý, kêu gọi đầu tư, nhưng do nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau, Khu đô thị Tây Bắc vẫn chưa triển khai được theo quy hoạch được duyệt.
Hơn 20 năm qua, với rất nhiều biến động trong và ngoài khu vực quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc, cùng với sự phát triển chung của TPHCM như vấn đề đô thị hóa, nhu cầu nhà ở, đất ở của người dân, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, nhu cầu đầu tư... ngày càng gây áp lực lên hiện trạng khu vực. Mục tiêu quy hoạch ban đầu của toàn Khu đô thị Tây Bắc và các khu vực lân cận đòi hỏi cần phải có sự thay đổi, điều chỉnh bổ sung nhằm phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay cũng như dự báo trong tương lai.
Nhận định được các vấn đề quan trọng nêu trên, từ đầu năm 2016, Thành ủy và UBND TPHCM đã thống nhất giao cho các sở - ngành Thành phố cùng rà soát, đánh giá, tổ chức khảo sát lại tất cả các yếu tố liên quan đến Khu đô thị Tây Bắc, từ thực trạng nhà ở, dân số, pháp lý sử dụng đất, nhu cầu đầu tư, các dự án, cho đến tiềm năng và dự báo sự phát triển.
Để giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, giải quyết chính sách nhà, đất cho người dân, cải tạo chỉnh trang khu vực dân cư hiện hữu, bảo đảm tính khả thi, thu hút đầu tư cho khu đô thị mới, tạo điều kiện phát triển Khu đô thị Tây Bắc theo mục tiêu định hướng đã đề ra, UBND TPHCM nhận thấy cần phải điều chỉnh, bổ sung vào nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 đã được duyệt hồi tháng 2/2020.
Một số nội dung điều chỉnh cụ thể là giảm quy mô khu đô thị mới từ 6.084,2ha xuống còn 4.410ha. Chuyển phần còn lại thành khu vực hiện hữu 1.674,2 ha để quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế, giải quyết kịp thời các bức xúc đã kéo dài rất lâu của người dân, tăng tính khả thi của việc triển khai thực hiện quy hoạch.
Thứ hai, kiến nghị điều chỉnh quy mô dân số từ 300.000 lên 600.000 người cho toàn Khu đô thị Tây Bắc. Thứ ba, giảm quy mô khu đào tạo đại học từ 300ha xuống khoảng 150ha. Tuy nhiên vẫn giữ nguyên quy mô đào tạo, nghiên cứu. Vừa để thuận lợi trong quá trình kêu gọi đầu tư, vừa phù hợp với các phương thức đào tạo mới, ứng dụng công nghệ số theo xu thế hiện đại của thế giới thì diện tích chiếm đất đối với các khu đại học tập trung sẽ thấp hơn, đem lại hiệu quả sử dụng cao hơn so với các mô hình truyền thống.
Hiện UBND TPHCM đang tổ chức lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo chính quyền thành phố, nếu chờ đến khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được duyệt rồi mới thực hiện lập đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc thì thời gian phê duyệt sẽ kéo dài từ 2 đến 3 năm. Điều này dẫn đến tình trạng không giải quyết kịp thời các bức xúc đã kéo dài rất lâu của người dân trong khu vực và đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển khu đô thị.
Vì vậy, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép TPHCM tổ chức lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 toàn Khu Đô thị Tây Bắc với một số nội dung thay đổi trên.
Quốc Ngọc