Học sinh ngoại thành đang “thiệt đơn, thiệt kép”
Năm học 2023-2024, huyện Bình Chánh có 110.830 học sinh trong độ tuổi từ mầm non đến THCS, tăng khoảng 2.000 em so với năm học trước. Số học sinh tăng tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B - 2 địa bàn luôn là điểm nóng trên toàn huyện về sĩ số học sinh.
Năm học 2024-2025, toàn huyện có 7 trường THPT:Tân Túc, Bình Chánh, Đa Phước, Năng khiếu TDTT Bình Chánh, Lê Minh Xuân, Phong Phú, Vĩnh Lộc B, tuyển sinh với 4.770 chỉ tiêu lớp Mười, giảm 765 chỉ tiêu so với năm học trước.
|
Học sinh ngoại thành đang "thiệt đơn, thiệt kép" |
Cạnh đó, huyện có 1 Trung tâm GDNN-GDTX huyện tuyển sinh 750 chỉ tiêu. Ở hệ thống tư thục, toàn huyện chỉ có 2 trường THPT tư thục quốc tế với mức học phí “khủng”. Cụ thể, Trường TH-THCS-THPT Quốc tế Bắc Mỹ tuyển sinh 20 chỉ tiêu lớp Mười, với học phí là gần 60 triệu đồng/tháng; Trường TH-THCS-THPT Albert Einstein tuyển sinh 100 chỉ tiêu với học phí 28,4 triệu đồng/tháng.
Chính quy mô giáo dục huyện như trên, cô Hồng Liên - giáo viên Trường THCS Đồng Đen (huyện Bình Chánh) - cho biết, tỉ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS không đậu lớp Mười công lập bỏ học khá cao. Vì phụ huynh phần nhiều là dân lao động nhập cư, điều kiện kinh tế khó khăn, nên nếu con không được học trường công lập thì sẽ chọn hướng cho con nghỉ học để đi làm phụ thêm kinh tế cho gia đình…
“Bây giờ nếu chỉ tiêu lớp Mười công lập giảm mạnh nữa thì lo rằng tỉ lệ học sinh bỏ học sau tốt nghiệp THCS sẽ cao thêm…” - cô Hồng Liên nói.
Nhìn từ thực tế tuyển sinh lớp Mười hàng năm tại đơn vị, thầy Hoàng Công Phú - Phó hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) - cho hay, khi đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT Vĩnh Lộc B thì đại đa số các em học sinh trên địa bàn huyện lại không thể “chọi” lại với những học sinh địa phương khác đăng ký vào. Nhiều học sinh là con em trên địa bàn huyện nhưng lại không thể có “suất” vào học lớp Mười tại đây.
“Không vào học trường THPT công lập, việc rẽ sang các hướng học khác cũng khó khăn không kém vì địa bàn huyện quá ít sự lựa chọn. Học GDTX thì tâm lý của nhiều phụ huynh, học sinh còn khá e dè. Mà học trường tư thục thì 2 trường tư trên địa bàn huyện học phí quá cao, con em trên địa bàn không “đủ sức” theo” - thầy Phú nói.
Thầy Phú thẳng thắn cho rằng, việc tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh ngoại thành hiện nay cần phải được xem xét nghiêm túc. Học sinh ngoại thành thường có đặc điểm là gia đình lao động phổ thông, có nhiều gia đình rất khó khăn cả về kinh tế lẫn việc đầu tư và chăm sóc việc học cho các em, từ đó dẫn đến các em gặp rất nhiều thiệt thòi khi bước vào kỳ thi tuyển lớp Mười hàng năm.
“Ngành giáo dục cần có cơ chế đặc biệt dành cho các trường ngoại thành và học sinh ở ngoại thành trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười, ví dụ như điểm cộng, điểm ưu tiên, chỉ tiêu...” - thầy Hoàng Công Phú đề xuất.
Điều chỉnh phải có lộ trình
Trong buổi họp phụ huynh mới đây, khi giáo viên chủ nhiệm gửi thông báo về bảng chỉ tiêu lớp Mười công lập tại TPHCM năm học 2024-2025 cùng các năm học trước, nhiều phụ huynh lớp Chín, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) “sốc” khi chỉ tiêu lớp Mười của hầu khắp các trường THPT giảm mạnh.
“Chỉ tiêu tại các trường khu vực trung tâm như THPT Lê Quý Đôn, Marie Curie, Nguyễn Thị Minh Khai đều giảm mạnh từ 35-100 chỉ tiêu mỗi trường, sẽ tăng thêm áp lực rất lớn cho các con trong kỳ thi này. Tính trên diện rộng, năm học 2024-2025, TPHCM chỉ tuyển hơn 60% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp Mười công lập, trong khi tỉ lệ này hàng năm dao động là 70%. Việc ngành giáo dục điều chỉnh tỉ lệ chỉ tiêu tác động trực tiếp đến phụ huynh học sinh nhưng sao phụ huynh học sinh không hề được thông báo từ trước để có định hướng sớm” - chị Hoàng Hồng - phụ huynh có con học lớp Chín tại Trường THCS Nguyễn Du - đặt vấn đề.
Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà giáo, nếu TPHCM xác định mục tiêu này áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười công lập năm 2024 với việc giảm từ 70% chỉ tiêu lớp Mười công lập trong các năm trước xuống còn 60% là quá vội vàng.
|
Giảm sâu 10% chỉ tiêu lớp Mười THPT công lập năm 2024 sẽ tác động mạnh mẽ đến phụ huynh học sinh |
“Để hợp lý thì cần phải có lộ trình cụ thể. Ví dụ năm 2024 giảm thêm 5%, từ 70% xuống còn 65%, năm 2025 giảm thêm 5%, nữa còn 60%. Và đặc biệt là từ đầu năm học phải thông tin rõ ràng đến nhà trường, phụ huynh học sinh để học sinh, phụ huynh cũng như nhà trường có định hướng chứ không thể đến sát kỳ thi mới giảm đột ngột như vậy, rất thiệt thòi cho học sinh và cách làm cũng thiếu trách nhiệm…” - cô H.T.K - giáo viên chủ nhiệm lớp Chín 1 trường THCS ở TP Thủ Đức - bày tỏ.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp - cho rằng, việc tính toán chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp Mười tại các trường THPT hàng năm thì ngoài làm việc với các trường THPT để đánh giá về cơ sở vật chất, Sở GD-ĐT TPHCM cần có sự làm việc, trao đổi thêm với các phòng giáo dục. Vì chỉ tiêu lớp Mười có ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh lớp Chín đang theo học trên địa bàn mỗi quận, huyện và chính các phòng giáo dục mới nắm được về số liệu học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn, đặc thù học sinh, phụ huynh… Đặc biệt là với những thay đổi lớn liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười như chỉ tiêu tuyển sinh thì cần có lộ trình và cần công bố sớm ngay từ đầu năm học.
Quốc Trung