Diễn đàn Sinh con - chuyện không phải của riêng phụ nữ

Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh mới giúp khuyến sinh

01/08/2024 - 06:28

PNO - Theo ý kiến của người dân và chuyên gia, mức giảm trừ gia cảnh hiện đã lạc hậu, cần điều chỉnh để các gia đình cân đối thu nhập, đảm bảo kinh tế cho việc sinh và nuôi con.

Vật giá ngày càng tăng cao, nhiều người mẹ phải đắn đo khi mua thực phẩm cho gia đình - Ảnh: HOA LÀI  (chụp tại chợ Nhật Tảo, quận 10, TPHCM)
Vật giá ngày càng tăng cao, nhiều người mẹ phải đắn đo khi mua thực phẩm cho gia đình - Ảnh: Hoa Lài (chụp tại chợ Nhật Tảo, quận 10, TPHCM)

VẬT GIÁ TĂNG NHƯNG MỨC GIẢM TRỪ GIA CẢNH KHÔNG TĂNG

Chồng tôi có tổng thu nhập 40 triệu đồng/tháng, có 1 người phụ thuộc là con trai 6 tuổi. Theo luật định, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng, thì thu nhập chịu thuế còn lại của chồng là 24,6 triệu đồng, rơi vào bậc thu nhập tính thuế bậc 4 là 20%.

Tổng số thuế thu nhập cá nhân hằng tháng mà chồng tôi phải nộp là 3,27 triệu đồng/tháng. Hiện vật giá tăng cao, mức giảm trừ gia cảnh của mỗi người phụ thuộc chỉ 4,4 triệu đồng/tháng là quá lỗi thời, bởi tiền nuôi 1 đứa con ăn học vượt xa mức ấy.

Giả sử mức giảm trừ gia cảnh được nâng cao hơn thì số tiền thuế thu nhập cá nhân chồng tôi phải nộp sẽ ít hơn, cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ làm công ăn lương đỡ chật vật hơn.

Chị Lê Hoàng Yến (quận 6, TPHCM)

MỨC GIẢM TRỪ GIA CẢNH ĐANG Ở DẠNG CÀO BẰNG

Nâng mức giảm trừ gia cảnh, giảm gánh nặng đóng thuế cũng là một cách khuyến sinh hiệu quả.

Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không chỉ lỗi thời mà còn mang tính cào bằng, bởi chi phí sinh hoạt ở thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… cao hơn vùng nông thôn. 1 người dân thành phố phải chi tiêu khoảng 15-17 triệu đồng/tháng,

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa

1 người phụ thuộc khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. Trong khi mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế hiện nay là chỉ 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Tôi cho rằng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế nên nâng lên thành 20 triệu đồng/người/tháng, còn mức cơ sở để giảm trừ người phụ thuộc bằng 40 - 50% mức giảm trừ của người nộp thuế (khoảng 10 triệu đồng/tháng) thì mới hợp lý.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa
- Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM,hội viên Hội Tư vấn và Đại lý thuế TPHCM

NÊN KHẤU TRỪ CHI PHÍ Y TẾ, GIÁO DỤC VÀO THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Tại nước ngoài, những khoản chi phí cho y tế, giáo dục nếu có hóa đơn đều được tính toán trừ vào thuế thu nhập cá nhân. Nếu người dân chi tiêu càng nhiều thì tổng số thuế thu nhập cá nhân phải nộp càng ít, điều này kích thích nền kinh tế phát triển. Trong khi đó tại Việt Nam, các khoản chi phí sinh hoạt cá nhân không được khấu trừ, là điều bất hợp lý và chưa công bằng đối với người làm công ăn lương.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn

Giả sử, thu nhập của 1 chuyên gia, bác sĩ có thể trên 11 triệu đồng/tháng và 1 người buôn bán nhỏ, 1 thợ sửa xe cũng có thể có mức thu nhập tương tự. Trong khi đó, chuyên gia, bác sĩ phải tốn khá nhiều chi phí để mua tài liệu, học hành, tập huấn… để nâng cao kiến thức, chuyên môn. Tất cả những chi phí này đều lấy từ tiền lương hằng tháng thì tại sao lại không được khấu trừ vào thuế thu nhập cá nhân?

Nếu như các khoản chi phí như tiền học hành, khám bệnh cho con, tiền lãi vay mua nhà, các khoản chi phí khác… mà được khấu trừ hợp lý, số tiền dư ra mỗi tháng của người lao động sẽ nhiều hơn, các cặp vợ chồng trẻ cũng đỡ gánh nặng nếu phải sinh thêm đứa con thứ hai, thứ ba.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn
- nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TPHCM

THÍ ĐIỂM THỰC HIỆN TRỢ CẤP 1 LẦN, ĐIỀU CHỈNH THỜI GIAN NGHỈ THAI SẢN

Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động ở Việt Nam dao động từ 7-9 triệu đồng/tháng, tính cả 2 vợ chồng sẽ là từ 14-18 triệu đồng/tháng. Nếu sống tại các thành phố lớn với chi phí sinh hoạt đắt đỏ thì người lao động hầu như không có dư. Trong khi đó, chi phí để sinh và nuôi 1 đứa trẻ không hề nhỏ nên nhiều cha mẹ rất cân nhắc khi sinh con thứ hai.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình
Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình

Để khuyến sinh, cần thí điểm thực hiện trợ cấp sinh và nuôi con cho các cặp vợ chồng ở các thành phố lớn có tỉ lệ sinh thấp. Chính sách này nên tập trung vào các đối tượng khuyến khích sinh và có điều kiện nuôi dạy con tốt. Trước mắt, có thể thí điểm trong ngành giáo dục hay các lực lượng vũ trang. Với đứa con đầu, khi sinh vợ chồng sẽ được nhận một khoản trợ cấp, tiếp đến đứa con thứ hai, họ cũng sẽ được cộng thêm một khoản tiền.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh thời gian nghỉ thai sản có lương của vợ, chồng. Thời gian nghỉ dài giúp giảm đáng kể gánh nặng cả về thể chất lẫn tinh thần cho người mẹ trong việc chăm con nhỏ. Khi được đảm bảo thu nhập ổn định, người cha có điều kiện nghỉ việc, san sẻ việc chăm con với vợ. Bên cạnh đó, thời gian nghỉ dài mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Phụ nữ cần có cơ hội chăm sóc, nuôi con bằng sữa mẹ đầy đủ trong những tháng đầu đời - giai đoạn vô cùng quan trọng của trẻ. Cùng với các giải pháp trên, cần có chính sách ưu tiên cho các cặp vợ chồng sinh đủ con mua nhà ở xã hội, thuê nhà giá rẻ, ưu đãi học phí…

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình
- Viện Phát triển chính sách, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM)

Năm 2020, Chính phủ ban hành Quyết định 588 phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong đó, một trong những giải pháp đề nghị thí điểm hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con là giảm thuế thu nhập cá nhân. Thế nhưng, giải pháp này chưa được thực hiện.

Mới đây, theo Nghị định 73 của Chính phủ, kể từ ngày 1/7 sẽ tăng lương cơ sở từ mức 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Thông tin này chưa làm người làm công ăn lương vui, vì số lương được tăng không nhiều, trong khi vật giá ngày càng leo thang, mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn lạc hậu.

Theo quy định hiện nay, mức cơ sở để giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng, mức cơ sở để giảm trừ người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Với quy định này, 1 người có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng và không có người phụ thuộc phải nộp thuế. Còn nếu có 1 người phụ thuộc thì tổng thu nhập trên 15,4 triệu đồng/tháng phải nộp thuế, nếu có 2 người phụ thuộc thì thu nhập trên 19,8 triệu đồng/tháng phải nộp thuế.

Biểu thuế thu nhập cá nhân được chia làm 7 bậc, tính lũy tiến: thu nhập bậc 1 (5 triệu đồng/tháng) thuế suất 5%, bậc 2 (5-10 triệu đồng/tháng) thuế suất 10%, bậc 3 (10-18 triệu đồng/tháng) thuế suất 15%, bậc 4 (từ 18-32 triệu đồng/tháng) thuế suất 20%, bậc 5 (từ 32-52 triệu đồng/tháng) thuế suất 25%, bậc 6 (từ 52-80 triệu đồng/tháng) thuế suất 30% và bậc 7 (trên 80 triệu đồng/tháng) thuế suất 35%.

Thanh Hoa (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI