Diễn đàn: Sinh con - chuyện không phải của riêng phụ nữ

Điều chỉnh chính sách dân số: Bây giờ hoặc không bao giờ

22/08/2024 - 06:12

PNO - Trên thế giới, chưa có quốc gia nào thất bại trong việc giảm mức sinh từ cao xuống thấp, nhưng cũng chưa có đất nước nào thành công trong việc đưa mức sinh từ thấp lên lại mức sinh thay thế.

Bác sĩ chuyên khoa 2  Trần Văn Trị - ẢNH: M.H.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Trị - Ảnh: M.H.

Câu chuyện mức sinh thấp của TPHCM đã được đề cập cách đây trên 20 năm, Thành phố cũng đã có một số giải pháp hỗ trợ phụ nữ sinh, nuôi con nhỏ, như giải pháp về khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám thai, khám sàng lọc, chăm sóc trẻ sau sinh…

Tuy nhiên, do giải pháp chỉ ở cấp độ địa phương, thực hiện cũng chưa thống nhất nên hiệu quả tác động không nhiều.

Tổ chức bộ máy và đội ngũ làm công tác dân số theo thời gian cũng có nhiều thay đổi về quy mô, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng. Hiện một số tỉnh đã bỏ luôn Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và chỉ thành lập phòng dân số thuộc Sở Y tế. Ở cấp huyện thì nhiều nơi trung tâm dân số đã bị nhập về trung tâm y tế huyện, còn ở cấp xã thì cán bộ làm công tác dân số trực thuộc trạm y tế xã, nhân lực mỏng nên anh em hầu như chỉ hoạt động như những cán bộ bàn giấy. Trong khi quy mô dân số ngày một tăng, các vấn đề liên quan đến chất lượng dân số, mức sinh thấp, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh… lại ngày một thách thức.

Nhiệm vụ đặt ra cho công tác dân số ngày một nhiều mà bộ máy, đội ngũ nhiều nơi thì “teo” lại. Chủ trương tinh gọn bộ máy là đúng, nhưng theo tôi trong từng thời kỳ, tùy tình hình thực tế nên quan tâm đầu tư để có cán bộ giỏi trong từng khâu thì công tác điều tra, nắm tình hình, tham mưu, tuyên truyền, vận động mới đi vào chiều sâu được.

Muốn khuyến sinh hiệu quả, tôi nghĩ phải giải quyết hiệu quả các vấn đề thiết thực mà người dân đang vướng mắc. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu băn khoăn vì sao đến bây giờ vẫn chưa công bố mức sống tối thiểu, làm cơ sở xác định mức lương để đảm bảo mức sống tối thiểu. Theo tôi, đó là vấn đề quan trọng. Chỉ khi mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu, người lao động có thu nhập đủ sống, có thời gian cho con, các thiết chế về y tế, giáo dục được tiếp cận dễ dàng thì họ mới dám sinh con.

Trên thế giới, chưa có quốc gia nào thất bại trong việc giảm mức sinh từ cao xuống thấp, nhưng cũng chưa có đất nước nào thành công trong việc đưa mức sinh từ thấp lên lại mức sinh thay thế.

Việt Nam đang ở giai đoạn tuy đã khá khó khăn, nhưng vẫn còn có thể cứu vãn. Nếu không nắm bắt thời cơ này để điều chỉnh chính sách dân số mà chờ thêm 5-10 năm nữa mới trở tay, sẽ không còn kịp nữa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nói như vậy không phải để chúng ta tuyệt vọng mà phải biết nắm bắt thời cơ. So với các nước phương Tây và một số nước châu Á phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta có một số lợi thế như phần đông người dân vẫn tôn trọng, gìn giữ truyền thống gia đình, xem con cái là vốn quý.

Tôi tin các giải pháp kịp thời giúp tăng thu nhập, cải thiện điều kiện nuôi con, cộng với việc tuyên truyền có chiều sâu, khơi gợi về truyền thống dân tộc, vốn quý của gia đình, trách nhiệm của cá nhân với sự phát triển đất nước… sẽ góp phần tác động khiến người dân quan tâm nhiều hơn đến việc sinh con, nuôi dạy con tốt.


Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Trị
- nguyên Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM

Mai Hương (ghi)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • H 22-08-2024 17:56:15

    Đúng. Muốn làm phải có bộ máy dân số thống nhất và được trực thuộc ubnd các cấp. Có thể kiêm công tác gia đình để tuyên truyền vận động. Vì công tác dân số là QLNN. Hiện nay, sáp nhập về ttyt đúng là chỉ ngồi bàn giấy, ko thể phối hợp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI