Điều cha mẹ cần làm để giúp con nhút nhát trở nên tự tin

22/11/2018 - 14:30

PNO - Thay vì chỉ trích, la mắng, so sánh, ba mẹ cần thấu hiểu để giúp con trở nên tự tin, vượt qua tâm lý nhút nhát.

Con trai tôi lên 6 tuổi và bé tỏ ra khá nhút nhát trong việc giao tiếp. Từ khi học mẫu giáo, con không thích chào hỏi, thấy người lạ là níu lấy chân mẹ. Trên lớp học, cô giáo bảo, con vẫn vui vẻ nhưng không bao giờ chịu hát trước lớp hay trả lời câu hỏi của cô.

Dieu cha me can lam de giup con nhut nhat tro nen tu tin
Những đứa trẻ nhút nhát luôn cần được bố mẹ an ủi và ở bên. (Ảnh minh họa)

Tính cách của con như vậy làm cho vợ chồng tôi nhiều lần cảm thấy xấu hổ với mọi người. Đỉnh điểm, trong một buổi liên hoan của công ty chồng, mọi người đều dẫn con cái đến. Trong khi các bạn cùng độ tuổi tỏ ra năng động, hoạt bát, chào hỏi dạn dĩ thì con trai chỉ luẩn quẩn ở bên mẹ, nhất quyết không chịu nói chuyện với bất kì ai.

Đến trò chơi thi hát, con đã òa khóc ngay trên sân khấu khi bị bố ép lên chơi. Nhìn con như thế, tôi vừa thương vừa lo, chỉ sợ tính nhút nhát sẽ ảnh hưởng nhiều đến học tập và công việc sau này. Bởi thế, tôi quyết tâm dành thời gian để giúp con trở nên mạnh dạn hơn.

Đầu tiên, tôi nhận ra trước đây tôi khá sai lầm khi liên tục ép con chào hỏi. Thậm chí tôi còn kể lể, so sánh con với những đứa trẻ khác cùng độ tuổi có tính cách bạo dạn hơn. Việc làm này khiến con trở nên tự ti và ngày càng nhút nhát. Điều con cần chính là sự thấu hiểu từ ba mẹ, tuyệt đối không làm cho con xấu hổ trước mọi người.

Ngay cả chồng tôi cũng vậy, khi con không chịu chào người lớn, anh thường la mắng nên càng làm cho con thêm áp lực. Rút kinh nghiệm, tôi chỉ tìm cách giải thích cho con hiểu, một đứa trẻ ngoan luôn biết chào hỏi.

Và thỉnh thoảng hai mẹ con chơi trò đóng vai dẫn chương trình, con tập chào hỏi khán giả và giới thiệu về bản thân. Dần dần, không cần ba mẹ nhắc, con cũng tự chào như một phản xạ tự nhiên.

Tôi cũng nhận thấy mình đã bao bọc con quá mức. Hầu như tôi không dám rời xa con nên hiếm khi gửi con cho ai quá nửa ngày. Nhưng kỳ nghỉ hè vừa rồi, tôi liều “liều lĩnh” cho con về quê chơi với ông bà nội ba ngày mà không có mẹ bên cạnh. Đó như là một thử thách nhỏ giúp con biết vượt qua rào cản tâm lý. Con rời xa vòng tay mẹ, tiếp xúc với bên ngoài cũng làm con trở nên mạnh dạn hơn.

Khi con lên cấp một, ngoài giờ học ở trên lớp, tôi đăng ký cho con tham gia các lớp học ngoại khóa, đặc biệt về kỹ năng sống. Con được tiếp xúc với nhiều bạn bè, được thầy hướng dẫn nên tự tin hơn.

Dieu cha me can lam de giup con nhut nhat tro nen tu tin
Ba mẹ thấu hiểu và tìm cách động viên sẽ làm con tự tin hơn. (Ảnh minh họa)

Trên lớp học, tôi có nhờ cô giáo chủ nhiệm rèn cho con khả năng nói trước đám đông bằng cách gọi con trả lời câu hỏi hay làm quản trò trong các trò chơi tập thể. Được cô khen ngợi vì có tiến bộ cũng giúp con mạnh dạn thể hiện mình.

Trong cuộc sống thường ngày, tôi chú ý tạo nhiều cơ hội cho con nói chuyện với mọi người. Khi cả nhà đi ăn, con được khuyến khích tự gọi món, gọi phục vụ lấy thêm đồ hay tính tiền.

Dẫn con đi mua đồ, tôi để cho con tự giao tiếp với người bán hàng. Những việc làm dù nhỏ nhặt trong hoạt động hàng ngày làm con tiến bộ rất nhanh. Thỉnh thoảng, tôi vẫn gợi ý con mời một vài bạn thân về nhà chơi. Khi có nhiều bạn, đến lớp, con sẽ có cảm giác an toàn, bước qua rào cản tâm lý nhút nhát.  

Nhờ những việc làm trên mà con đã trở nên dạn dĩ hơn rất nhiều, không còn nói năng lí nhí hay sợ hãi như trước. Tôi nghĩ, mỗi đứa trẻ đều có những điểm yếu và điểm mạnh riêng. Nếu ba mẹ biết quan tâm khắc phục những điểm yếu sẽ giúp con phát huy hết khả năng của mình. Thay vì mỉa mai, chỉ trích, la mắng, so sánh con với bạn bè, ba mẹ nên tìm cách động viên, tạo cho con cơ hội để thể hiện mình. Có như thế, con mới có cơ hội hoàn thiện các kỹ năng để trở nên tự tin, hoạt bát.

Tố Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI