Điều bất ngờ chiều 30 tết

09/02/2024 - 16:16

PNO - Dì ngần này tuổi đầu rồi, sống xa quê, mỗi dịp tết đến trong lòng cũng xốn xang lắm.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày nhỏ, chiều 30 tết, đang háo hức cùng bố chuẩn bị bánh pháo để nổ đêm giao thừa, tôi thường bị mẹ gọi giật vào dúi cho cái túi cói trong đó đựng một cặp bánh chưng và dặn mang xuống nhà cậu mợ để thắp hương cho ông bà ngoại.

Xuống đó, thể nào tôi cũng gặp thằng Đức rồi thằng Tùng, cái Hạnh con dì Hằng, dì Thảo, dì Nga. Chúng nó cũng như tôi được mẹ giao nhiệm vụ đi gửi lễ thắp hương ngày tết. Vì giờ đấy, cũng như mẹ tôi, các dì đều tất bật chuẩn bị bữa cơm tất niên, đến sớm mùng Một mới về thắp hương bên đằng ngoại được. Nhà ngoại tôi có 5 người con, mình cậu tôi là con trai, nhà cậu là nơi ông bà sống và khi ông bà qua đời cũng được thờ ở đó. 

Tôi không biết cái phong tục gửi lễ có từ bao giờ nhưng ở quê tôi nhà nào cũng vậy. Lễ thường là bánh chưng nhưng cũng có thể là một thứ bánh kẹo nào đó hoặc đơn giản hơn là quả bưởi, chùm quả hồng xiêm, chùm quả trứng gà… cắt từ ngoài vườn được cho vào đĩa đặt ngay ngắn trên ban thờ vào chiều 30 tết. Thắp hương xong đến ngày hóa vàng thì lại mang lễ về nhà mình. Thường thì mẹ tôi để lễ lại cho cậu mợ dùng. 

Mẹ và các dì ở gần nên việc về nhà ngoại thắp hương ngày tết thuận lợi. Dì Ngọc đi làm ăn xa rồi lấy chồng trong Bình Phước. Từ hồi đó, chưa một năm nào dì về quê ăn tết cũng không liên lạc với anh em, họ hàng ở quê. Cậu, mẹ tôi và các dì cũng đã cố gắng để có thông tin về dì nhưng dì vẫn bặt vô âm tín.

Tôi nhớ năm tôi 15 tuổi, gần tết dì Ngọc về quê. Mẹ và các dì gặp lại dì Ngọc sau nhiều năm xa cách, ôm chặt lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Riêng cậu tôi thì giận dì ra mặt. Cậu trách dì mải làm ăn quên cả anh em ruột thịt, mồ mả của cha mẹ. Mẹ tôi thấy cậu nặng lời với dì thì kéo áo cậu can ngăn. Dì Ngọc lặng thinh rồi dì đi ra sau giếng. Tôi thấy mẹ chạy ra nên cũng lẽo đẽo đi theo. Thấy dì ngồi ôm mặt khóc sụt sùi, mẹ tôi vội đỡ dì dậy rồi ôm lấy dì an ủi. Đứng phía sau, tôi nghe giọng dì dấm dứt: 

- Nào đâu em có quên quê hương, cha mẹ, anh em, họ hàng… Chỉ vì bao nhiêu năm qua cuộc sống của em đầy những biến cố… Đến cái lễ gửi thắp hương cho cha, cho mẹ vào dịp tết nhất, giỗ chạp em cũng không làm được thì mặt mũi nào mà về quê hay liên lạc với ai…

Trong bữa cơm tất niên cuối năm, mẹ tôi đã đứng ra làm trung gian hòa giải mối bất hòa giữa cậu tôi và dì Ngọc để cả nhà cùng đón cái tết đoàn viên đông đủ, ấm áp.

Sau cái tết năm ấy, dì Ngọc đi xuất khẩu lao động sau đó tái hôn và định cư ở nước ngoài. Mỗi dịp tết đến, xuân về dì không quên gọi điện nhắc tôi về quê thì gửi lễ thắp hương ông bà giúp dì. Có lần trong chuyến công tác ở Canada, tôi ghé thăm dì. Trong câu chuyện hàn huyên, tôi nhắc lại chuyện cũ và hỏi dì năm xưa có giận cậu không, dì cười - nụ cười hiền hậu, đằm thắm của một người phụ nữ từng trải đã từng đi qua nhiều bão giông, sóng gió của cuộc đời rồi bảo tôi: 

- Dì sai mà, giận cậu con sao được. Cậu là con trai duy nhất của ông bà, cậu làm vậy là đúng, giữ lại phong tục tốt đẹp của cha ông đó cũng là cách để giữ lại “nếp nhà”.

Năm nay, dì Ngọc đã dành cho gia đình tôi một bất ngờ lớn đó là về quê đón tết mà không báo trước. Đầu đã hai thứ tóc và đã có cháu ngoại nhưng dì vẫn cất công chuẩn bị những hộp bánh, chai rượu… mang từ xa xôi về, tự tay cắm bình hoa thắp hương cho ông bà, tổ tiên. Trời trở lạnh, hai đầu gối đau nhức nhưng dì vẫn cùng cậu tôi ra nghĩa trang tảo mộ, nhặt từng viên gạch, xén từng bụi cây để khu mộ của gia đình được sạch sẽ, khang trang. Khi trở về nhà, hai gấu quần của dì bám đầy hoa cỏ may. Đứng trước ban thờ gia tiên chiều 30 tết, giọng dì nghẹn ngào: Một việc đơn giản như này mà đến tận bây giờ con mới làm được chu tất…

Thu Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI