Điều ân hận muộn màng

09/11/2020 - 05:56

PNO - Mọi người có lẽ không tránh khỏi những lúc bất mãn với sự không công bằng của cha mẹ. Thế nhưng, khi họ đứng giữa lằn ranh sinh tử, những vết nứt giữa tình cảm cha con, mẹ con sẽ không còn.

Thế hệ 5X, 6X trở về trước thường sống trong những gia đình đông con, nên ba mẹ có lúc không quan tâm hết, thậm chí đôi khi tình thương san sẻ không đồng đều. Thế là có những đứa con lớn lên oán trách ba mẹ mình.

Ba tôi mất lúc tôi mới lên mười. Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy con cưng của ba là chị Tư. Chị vốn học giỏi và thường gần gũi trò chuyện cùng ba. Cũng từ nhỏ, tôi cảm nhận má tôi chỉ cưng anh Năm - con trai độc nhất của bà. Tôi nghĩ ba má không yêu thương mình, thì mình cũng sẽ không yêu thương ba má. Tôi lớn lên trong sự hờn trách má tôi, người thường ưu tiên cho anh tôi mọi thứ, người luôn hỏi tiền tôi để lo cho cháu nội lúc tôi chưa lãnh lương… Tôi đã sống với ký ức không mấy đẹp đẽ về người mẹ của mình.

Như một định mệnh, lúc tôi nghỉ hưu, cũng chỉ có tôi nhận trách nhiệm chăm sóc má. Tôi lo cho má ăn uống, ngủ nghê như một bổn phận. Những lúc cần ra ngoài do việc riêng, tôi phải năn nỉ cháu hoặc nhờ chị Tư sang trông bà. Không ít lần tôi nghĩ: “Ủa, mẹ của chung mà, sao chỉ mình tôi “lãnh đạn”?”.

Tôi nuôi mẹ Ảnh minh họa
Tôi nuôi má như một bổn phận... Ảnh minh họa

 

Nghỉ hưu nhưng tôi vẫn viết sách, dịch tác phẩm của mình sang tiếng Anh. Cũng không ít lần tôi muốn “nổi điên”, dòng tư tưởng bị cắt đứt vì phải đưa má đi vệ sinh, lau dọn cho má. Má tôi luôn đi vệ sinh hoặc quậy phá suốt đêm bằng cách cứ lay tôi dậy. Tối ngủ không được, sáng lờ đờ không thể viết bài, tôi than cùng mọi người. Anh tôi nói: “Chăm cha mẹ là cái phước đó”. Tôi tức giận: “Vậy anh nhận cái phước này đi, tôi nhường cho anh đó”.

Ngày lễ, tết, anh chị, cháu chắt ai cũng du lịch, chỉ có tôi phải ở nhà trông má. Có lần bạn rủ đi Đồng Nai, sáng đi chiều về. Vậy mà đã là biến cố lớn. Đứa cháu gọi tôi bằng cô điện cho chị Tư: “Trời ơi, cô Út đi từ sớm con phải tắm cho nội trong khi con đang mang bầu”. Chị Tư gọi cho nhỏ cháu gọi tôi bằng dì, nhờ qua tắm cho ngoại. Cả gia đình sôi sục vì sự vắng mặt chỉ mấy tiếng đồng hồ của tôi.

Lúc về không may tôi bị bệnh. Tôi vừa sốt cao, vừa phải nghe những lời trách móc của các cháu. Tôi lại tiếp tục đặt câu hỏi: “Mẹ của chung, bà của chung, tài sản ông bà cha mẹ chia đều… Sao mọi người trong nhà muốn đi đâu bao lâu cũng được. Còn tôi chỉ một chuyến sáng đi chiều về đã là một trọng tội?”.

Một sự cãi vã nổ ra. Chăm sóc má với tôi không còn là bổn phận mà đã trở thành gánh nặng. Những lúc mệt mỏi tôi trút vào má: “Má cưng con trai quá mà, sao không bảo con trai rước dâu về lo cho má”, hoặc “Con cháu đông quá sao không đứa nào về hầu má, mà chỉ có cái con lỡ dại sống độc thân, giờ phải kéo cày trả nợ tiền kiếp nè”…

Rồi trong một đêm trở bệnh, tôi đưa má vào Bệnh viện 115 (quận 10). Ngồi ngoài phòng tim mạch hồi sức, tôi bỗng nhớ những gì má đã làm cho tôi. Tôi vốn sợ ma, nửa đêm đánh thức má dậy đi vệ sinh cùng tôi. Có khi một đêm ba lần, má lừ đừ ngồi dậy không hề than tiếng nào. Tôi sợ gián. Nửa đêm có con gián vào mùng, tôi la lên, má thức dậy khi chưa kịp tỉnh, hai tay chụp con gián ném ra khỏi mùng…

Tôi vào ký túc xá đại học thời bao cấp rồi nóng vội cắt hộ khẩu, chỉ có má cầm xấp hồ sơ đi xin nhập hộ lại cho tôi. Lúc tôi thất nghiệp, chỉ có má bươn chải giữ con nít cho hàng xóm lấy tiền mua gạo nuôi tôi thời bao cấp… Tôi luôn nghĩ má không thương tôi. Vậy mà công tác xa nhà, mỗi lần về tôi vẫn có cơm ngon, canh ngọt nóng sốt lấp đầy cái bụng đói…

Mọi người có lẽ không tránh khỏi những lúc bất mãn với sự không công bằng của cha mẹ. Thế nhưng, khi họ đứng giữa lằn ranh sinh tử, những vết nứt giữa tình cảm cha con, mẹ con sẽ không còn. Trong ký ức các bạn chỉ hiện lên những hình ảnh đẹp đẽ, hy sinh, yêu thương… của cha mẹ. Lúc đó, nếu không có phép mầu nào mang cha mẹ thoát khỏi lưỡi hái tử thần, những day dứt hối hận vì đã không yêu thương, quan tâm cha mẹ sẽ theo bạn suốt đời.

Má tôi đã qua đời… Tôi không hề nghĩ đến điều này khi hằng ngày bà rất mạnh khỏe dù ở tuổi 98. Tôi đã không nghĩ bà sẽ bỏ tôi mãi mãi. 

Còn cha mẹ, hãy yêu thương và yêu thương vô vụ lợi. Đừng nghĩ đến “dấu ấn” buồn, hãy nhớ những ký ức đẹp… để không bao giờ phải hối tiếc khi họ không còn trên đời này nữa. 

Nguyễn Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI