Ngày 26/3, Cục Điện ảnh và Bộ VH-TT&DL (cơ quan chủ quản của Cục Điện ảnh) đã có thông báo chính thức về trường hợp phim . Theo đó, phim được duyệt bởi một Hội đồng thẩm định gồm 7 người, trong đó có các thành viên là lãnh đạo cấp Vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cùng các nhà chuyên môn uy tín. Nói tóm lại, theo Bộ, phim được kiểm duyệt rất đúng quy trình.
|
Tàu quân sự Trung Quốc trong Điệp vụ Biển Đỏ |
Điều quan trọng nhất, “Những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo”- Bộ khẳng định. Riêng Cục còn cho rằng, việc nhận định Điệp vụ Biển Đỏ mang ý đồ tuyên truyền về biển Đông của Trung Quốc chỉ là một sự suy diễn của vài người (?).
Những lời khẳng định trên được đưa ra sau 2 ngày dừng chiếu, khi sự chỉ trích của khán giả về việc tại sao phim “lọt lưới” kiểm duyệt được dấy lên (dù đơn vị phát hành khẳng định dừng chiếu vì lý do vắng khách). Điều đó cho thấy, Cục lẫn Bộ đã có 2 ngày để một lần nữa thẩm định lại phim, nên đây không phải là câu trả lời vội vàng hay thiếu sự cân xét.
Tuy nhiên, những gì mà truyền thông Trung Quốc đưa ra về phim này là ngược lại. Trên website chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, khi nói về phim này, đã có những dòng rất đanh thép: “trong bộ phim có thể thấy bóng dáng của tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn và hàng không mẫu hạm. Trong đoạn cuối phim còn có cảnh tàu tuần tra hải quân Trung Quốc trên vùng biển Nam Hải, trục xuất tàu nước ngoài chưa được Trung Quốc cho phép đi lại trên quần đảo Nam Sa và các đảo đá liên quan: Hãy lập tức rời khởi đây!”.
Và, Nam Sa chính là tên mà Trung Quốc để gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đến đây thì, việc tuyên truyền về biển Đông của Điệp vụ Biển Đỏ có phải chỉ là sự suy diễn của người xem nữa không, đã rõ!
Điều đáng nói là, ngay cả những khán giả xem phim đơn thuần cũng dễ dàng nhận ra ý đồ của phim, để đưa ra thắc mắc, thì một hội đồng duyệt phim gồm nhiều nhà chuyên môn uy tín kia lại không hay, và Cục Điện ảnh lẫn Bộ VH-TT&DL lại không biết!
|
Cảnh cuối mang ý đồ tuyên truyền về biển Đông của Điệp vụ Biển Đỏ |
Nhưng, là không nhận ra hay cố tình lấp liếm cho sự thiếu trách nhiệm của mình, câu hỏi này không thể không đặt ra, và cần một câu trả lời.
Đây không phải là lần đầu tiên có một bộ phim gây khó hiểu về khâu kiểm duyệt, cũng không phải lần đầu tiên người ta nhận được một câu trả lời không thoả đáng từ Cục Điện ảnh. Công chúng cũng không phải chưa từng thấy sự lấp liếm, nguỵ biện bằng nhiều lời lẽ khác nhau để bảo vệ cho sự tắc trách của mình từ một ai đó hay cơ quan nào đó, nhưng, lấp liếm trên chủ quyền quốc gia là một điều không thể tha thứ.
Lập luận của Cục lẫn Bộ, thật ăn ý thay, lại trùng khớp với nhận định của đơn vị phát hành phim. Trả lời báo chí, ông Hoàng Hải – đại diện CGV VN cho biết: “Nội dung phim rất bình thường như các phim ngoại khác về việc giải cứu con tin. Khi xem 2 phút cuối có cảnh về biển Đông, tôi cũng có để ý trước nhưng xem kỹ thì tôi thấy rất bình thường vì Biển Đông trong cảnh này rất mơ hồ, không rõ hải phận của nước nào. Tôi nghĩ người xem nhạy cảm quá, nên suy diễn là biển của VN chứ trong phim không nói gì”. Lẽ nào, với đơn vị này, chỉ đến khi nào trong phim có hẳn câu thoại đề cập đến hải phận Việt Nam, lúc đó mới cần lên tiếng?
Lẽ nào, doanh nghiệp, và vì là một doanh nghiệp mang nhiều yếu tố nước ngoài, đòi hỏi họ đặt chủ quyền Việt Nam lên hàng đầu hay phải luôn cảnh giác trước những vấn đề liên quan đến chủ quyền, là một điều quá khó khăn, vì lợi nhuận mới là trên hết?
Tất cả những câu hỏi này, dành cho những người kiểm duyệt hay từ những người làm công tác quản lý và những người quyết định nhập Điệp vụ Biển Đỏ về Việt Nam, rất cần được trả lời!
Nằm trong dòng phim phô diễn sức mạnh quân sự Trung Quốc, Điệp vụ Biển Đỏ của đạo diễn Lâm Siêu Hiền đã nhanh chóng trở thành phim Hoa ngữ ăn khách thứ hai trong lịch sử, chỉ sau Chiến lang 2- cũng là một phim nói về sức mạnh quân sự Trung Quốc, sản xuất năm 2017.
Điệp vụ Biển Đỏ được khởi chiếu tại Việt Nam vào 16/3, tuy nhiên, nhiều người đã nhận ra ở hơn 1 phút cuối, phim bỗng dưng có những cảnh không hề ăn nhập gì vào nội dung phim trước đó và đưa ra một thông điệp rất rõ ràng. Cụ thể hải quân Trung Quốc phát hiện ra một chiếc tàu không rõ quốc tịch trôi nổi ở vùng biển được chú thích là South China Sea, ngay lập tức, con tàu bị bao vây bởi tàu chiến và hải giám Trung Quốc, đồng thời được quát loa thông báo rằng đây là hải phận Trung Quốc, yêu cầu con tàu phía trước nhanh chóng rút lui.
|
Hoàng Mạnh