Đạo diễn hình ảnh (DP) Diệp Thế Vinh từng được gọi là “phù thủy trăm tỉ”. Những phim điện ảnh anh tham gia đảm trách phần hình ảnh hầu hết là những phim thành công về doanh thu. Trong đó, có đến 7 phim trên trăm tỉ đồng như Mai, Bố già, Em là bà nội của anh, Em chưa mười tám, Tiệc trăng máu, Tháng năm rực rỡ, Đất rừng phương Nam.
|
Cùng ê kíp phim Mai trên phim trường |
Điểm đặc biệt của Diệp Thế Vinh là tạo ra những khuôn hình đầy cảm xúc. Anh biết để cái tôi qua một bên nhằm ưu tiên cho những gì quan trọng nhất với dự án. Giỏi nghề, quyết liệt, quan tâm đến cảm nhận của người xem, có lẽ vì thế mà trong những bộ phim anh làm DP, khán giả thường cảm thấy mình được ở ngay trong chính không gian, bối cảnh của phim.
Ít khi nhận lời phỏng vấn nhưng lần này, vị đạo diễn gốc Quy Nhơn, Bình Định đã dành cho Báo Phụ nữ TPHCM buổi trò chuyện thân tình về công việc anh đam mê.
Mỗi phim đều có giá trị riêng
Phóng viên: Từng tham gia rất nhiều phim, anh thấy mình trưởng thành nhất trong nghề là với phim nào? Anh thích làm phim nghệ thuật hay phim thị trường?
DP Diệp Thế Vinh: Tôi không thấy phim nào khiến mình trưởng thành. Với phim nào, tôi cũng nghĩ về nó như một đứa trẻ. Tôi còn muốn nhiều thứ quá, còn bay bổng quá. Ước mơ cứ còn trong mình, theo đuổi mình hoài.
Phim nào tôi cũng thích. Mỗi phim đều có giá trị riêng. Gần như đề tài nào tôi cũng muốn thử sức. Nếu chỉ chọn một thứ thì tôi chọn làm phim cho con nít xem, cả nhà rủ nhau đi xem, như Đất rừng phương Nam, Trạng Tí… Xem những phim đó lúc nào cũng thấy yêu đời hơn.
* Bỏ qua những ồn ào không đáng có về mặt truyền thông, Đất rừng phương Nam có phải là bộ phim mà anh hài lòng về góc độ nghề nghiệp?
-Đất rừng phương Nam là dự án tâm huyết của HKFilms, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ê kíp. Đó là một dự án mà tôi hài lòng. Tôi hạnh phúc với những gì làm được. Phim đó kỳ công ở chỗ phần tiền kỳ làm rất kỹ. Từ lúc bắt đầu lên dự án là 5 năm.
Dù bối cảnh phức tạp nhưng ê kíp đã chia việc ra rất khoa học. Gần như mọi khâu trong đoàn phim đều phối hợp với nhau rất chặt chẽ.
Mọi thứ đều đã được tính toán đâu vào đấy. Nếu sai một chút là bể lịch quay. Một phim lớn như vậy mà hoàn thành đúng chỉ tiêu trong 48 ngày.
|
Trên trường quay Đất rừng phương Nam |
* Trong phim có đại cảnh hoặc phần chuẩn bị nào là kỳ công nhất?
- Đây là phim có nhiều đại cảnh nhất tôi từng làm. Nó phức tạp về mặt tổ chức và dàn cảnh. Cảnh phức tạp nhất là cảnh loạn lạc trên cầu lúc mẹ An mất. Cầu đó ở An Giang phải xin phép chính quyền địa phương, tính toán thời điểm nào trong ngày mình chặn đường được. Cái khó hơn là giữ rắc-co (sự tương thích của các cảnh liền nhau - PV) về diễn xuất và ánh sáng. Chưa kể phải tính toán chuyện nhảy cầu, móc dây, canh con nước, cứu hộ, kỹ thuật, đặt máy quay dưới sông… Tại bối cảnh đó, mọi khâu đều phải phối hợp ăn ý và năng suất lao động là 200%.
Phim này anh Đặng Ngọc Thanh Tú làm thiết kế sản xuất, anh Bùi Bảo Quốc là họa sĩ. Trong quá trình làm phim, anh Quốc sụt mấy ký. Bộ phận thiết kế phải làm gối đầu, vừa thiết kế vừa chuẩn bị thêm nào ngựa, bò, xe, súng ống… Phục trang lo cho khoảng chừng 300 người. Cascadeur 50-70 người. Riêng tổ quay của tôi đã có khoảng 15 người. Đôi khi thiếu người hay có những cảnh phức tạp mà diễn viên quần chúng không đảm trách được, nhân sự ở các tổ khác vào đóng luôn. May mắn là cảnh đó An với mẹ An rất xuất sắc.
* Phim gần đây nhất anh thực hiện là Mai. So với một phim có bối cảnh cách đây cả trăm năm, độ khó của Mai là gì?
- Về việc kể chuyện bằng hình ảnh thì 2 phim khó như nhau. Không có phim dễ. Dễ là vì mình coi thường thôi. Để khán giả thương Mai, cả ê kíp phải tính toán xem Mai nên ở căn nhà như thế nào, trang phục, trang điểm ra sao, tính cách nhân vật thế nào. Qua bàn bạc với đạo diễn Trấn Thành và thiết kế sản xuất Nguyễn Minh Đương, chúng tôi đã xây dựng Mai là người quan tâm đến cây cối, nhà cửa gọn gàng, ăn mặc giản dị nhưng có gu.
Hoặc cùng chung cư đó nhưng để một cậu nhà giàu vào ở thì nhà cậu ấy phải như thế nào, tại sao cậu ấy lại ở đó… Nói chung, mỗi phim đều có cái khó riêng. Phim nào cũng phải kể được câu chuyện kịch bản mong muốn và đạo diễn mong muốn.
|
Sau khi tốt nghiệp, anh đã vào làm việc ở Công ty HKFilm và gắn bó với máy quay từ đó đến nay |
Cứ làm hết mức có thể…
* Nếu tự mô tả về phong cách của anh khi làm đạo diễn hình ảnh, anh sẽ nói gì?
- Tôi là người quyết liệt vì luôn cố gắng thực hiện mong muốn của mình tới cùng. Quan niệm sống của tôi là: cứ làm đi, làm hết mức có thể, lúc thất bại thì không hối hận. Chẳng hạn với Đất rừng phương Nam, An đi tìm cha, qua rất nhiều cái chợ. Nghiên cứu về miền Tây, tôi vẫn muốn có chợ nổi. Tôi tưởng tượng khu chợ này như trung tâm thương mại thời xưa. Để làm chợ nổi thì kinh phí rất lớn. Vì mê quá nên đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và tôi thuyết phục nhà sản xuất Trinh Hoan, nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn. Các anh nói cho các anh suy nghĩ vì để làm chợ nổi thì ghe thuyền mình phải đóng do thuê được ít lắm, mà thuê rồi cũng phải sửa cho giống ngày xưa. Riêng cảnh chợ nổi đó, đoàn phim phải đóng 50 chiếc ghe.
Sau khi tôi thuyết phục và tìm được vị trí thích hợp, được sự ủng hộ của ban quản lý Trà Sư, anh Hoan và anh Viễn đã đồng ý. Anh Hoan vì thương 2 đứa em nên cho làm. Đặc biệt, anh Hoan còn là nhà quay phim nên đồng cảm và ủng hộ. Khu chợ này chỉ xuất hiện mấy cảnh trên phim nhưng tốn rất nhiều tiền.
* Trong các đạo diễn từng làm việc, anh thấy ai là người mình kết hợp ăn ý nhất?
- Tôi rất quan trọng chuyện này. 2 diễn viên chính yêu nhau có chemistry (sự rung cảm và đồng điệu) thì khán giả mới tin câu chuyện đó. Tôi làm với tất cả các đạo diễn đều ăn ý. Tới giờ này, tôi có may mắn gặp đạo diễn làm chung ủng hộ, có sự đồng điệu. Vì mình may mắn nên gặp đạo diễn nào cũng đều vui vẻ thành bạn thân. Như Phan Xi Nê, anh Nguyễn Quang Dũng, Trấn Thành… Chắc do mình ăn ở được (cười).
* Trong những phim anh từng thực hiện thì đến 7 phim có doanh thu trên trăm tỉ đồng, anh có công thức nào cho phim thành công về doanh thu không?
- Không có công thức nào đúng với khán giả. Có lẽ phim nào cũng vậy, người làm dự án đều tin thì mới làm. May mắn là phần lớn phim tôi làm đều thắng, phim sau phá kỷ lục của phim trước. Thành công của phim là thành công của cả ê kíp. Trong đó, người đạo diễn quan trọng nhất. Với tâm thế làm nghề, tôi thường ưu tiên điều kịch bản và đạo diễn mong muốn, sau đó đến khán giả và thứ mình mong muốn.
Cảm xúc của người xem quan trọng lắm. Đạo diễn là người chỉ đạo tổng thể nhưng diễn viên cũng cần được quan tâm hàng đầu. Tuy là người làm DP nhưng một khi máy đã chạy, tôi ít xem về kỹ thuật. Tôi chủ yếu xem diễn viên diễn thế nào. Diễn viên diễn hay quá rồi thì về mặt kỹ thuật nếu có lỗi, mình cũng bỏ qua luôn. Bởi lẽ diễn viên mới chính là người mang lại cảm xúc cho khán giả.
|
Tại bối cảnh quay Đất rừng phương Nam |
* Tôi nghe “đồn” rằng anh rất chiều diễn viên, luôn dành góc thoải mái nhất cho họ…
- Tôi là người quan tâm đến cảm xúc của diễn viên. Bất cứ điều gì ảnh hưởng đến tâm lý diễn viên, tôi đều theo họ hết.
Diễn viên nói: “Anh ơi, câu này em có thể đi từ chỗ này được không? Em cảm thấy thoải mái khi đi từ chỗ này”. Dĩ nhiên mình muốn bộ đồ đó xuất hiện trên hình đúng màu mình chọn. Dĩ nhiên mình muốn diễn viên bước ra đó để cú máy đẹp hơn. Nhưng nếu tất cả điều đó không phục vụ cho diễn viên thì tôi đều đổi hết, để họ cảm giác đó thực sự là cuộc sống của nhân vật. Tôi không muốn làm gì ảnh hưởng đến tâm lý diễn viên.
* Việc anh đổi ý là một chuyện, còn những cộng sự của anh, họ phản ứng ra sao?
- Cũng nhiêu khê lắm! Chẳng hạn khi làm Trạng Tí, trong tưởng tượng ban đầu, tôi nghĩ chỉ quay cái nhà đơn giản thôi. Sau đó, tôi với anh Phan Gia Nhật Linh thích quá nên đã đổi sang một thung lũng. Đoàn phim phải đi bộ qua một cái đồi rồi làm ở thung lũng đó. Về mặt vận chuyển thiết bị cũng đã rất khó nhưng không là gì với tổ ánh sáng. Tôi nói với anh Cường Nguyễn - tổ trưởng tổ ánh sáng - rằng “em muốn cái đèn ở giữa không trung như vậy”. Anh nói “Không sao, Vinh muốn thì tính lại cho Vinh”. Ê kíp mất cả ngày trời chỉ để treo cây đèn đó. Mấy anh em phải treo một cọng dây cáp băng từ đỉnh núi này qua đỉnh núi kia khoảng 300m. May mắn là tôi có ê kíp giỏi và các anh em đều ủng hộ.
Bình tĩnh sẽ giải quyết được mọi thứ
* Nếu dùng một hình ảnh nào đó để ví von về vai trò của người DP trên trường quay, anh sẽ nói gì?
- Tôi nghĩ người DP giống một người tướng ra trận. Nếu nói đạo diễn là vua trên trường quay thì DP là tướng, chỉ huy đánh giặc. Người kia thống soái thì tôi làm tướng.
Không chỉ riêng DP mà mỗi anh em trong ê kíp như một chiến binh. Mỗi tổ trưởng như một vị tướng của một cánh quân.
Tố chất của một người tướng là lãnh đạo, hiểu sâu sát anh em, truyền đạt được những gì mình mong muốn, tạo được niềm tin cho mọi người.
* Bài học lớn nhất anh học được trong nghề là gì?
- Đó là bình tĩnh sẽ giải quyết được mọi thứ. Làm phim có lúc căng thẳng. Thời tiết nắng nóng, công việc trở ngại, nhiều thứ phát sinh… khiến ai cũng mệt. Tuy nhiên, căng thẳng không giải quyết được vấn đề. Tôi thì phim sau bình tĩnh hơn phim trước. Xưa tôi nóng tính, làm không được thì đổ quạu, sau mới thấy mình sai. Mình căng thẳng thì mọi người đâu vui vẻ. Họ cũng dễ làm cho xong việc chứ không muốn hay hơn, thế là tôi phải học bình tĩnh lại, kiềm chế hơn. Nghe góp ý nhẹ nhàng để sửa và bàn bạc thì vui hơn rất nhiều.
* Sau gần 20 năm gắn bó với máy quay, anh đã khác xưa thế nào về mức độ nhạy cảm nghề nghiệp?
- Ngày xưa mới ra trường, với góc máy hay ánh sáng, tôi tuân thủ nghiêm ngặt, làm đúng như những gì được học. Càng làm nhiều phim, tôi càng thoát ra khỏi những nguyên tắc đó. Ánh sáng, động tác máy tùy thuộc vào kịch bản. Tôi không nghĩ ánh sáng như thế nào mới đúng một cách chung chung mà nó phải riêng biệt như vậy mới hợp với phim đó. Sự nhạy cảm ngày càng ăn vào máu. Tôi xác định được cái tông của phim ngay từ lúc đọc kịch bản.
* Về động tác máy thì sao, kinh nghiệm có mang lại cho anh nhiều động tác máy ấn tượng?
- Tôi làm mấy phim có những cú máy rất dài. Dù vậy, trong thâm tâm, chưa bao giờ tôi nghĩ để làm phim hay thì phải có cú máy dài. Phô trương kỹ thuật nhưng không phục vụ câu chuyện thì vô nghĩa. Góc máy, cú máy động hay tĩnh đều là cú máy mô tả. Tôi sợ làm động tác máy hay cú máy vô nghĩa.
|
Diệp Thế Vinh luôn rất chỉn chu trong công việc |
* Vậy cú máy nào đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm nghề của anh?
- Mỗi cú máy dài đều đặc biệt vì phải tổ chức phức tạp. Có mấy cú máy phải phối hợp với 300 người cùng lúc.
Tôi nhớ nhất, thích nhất cú máy trong phim Bố già, khi 2 cha con họp gia đình để xin hiến thận cho ba. Đó là cú máy gần cuối phim, hơn 3 phút. Cảnh này rất áp lực vì trong một cú máy liên tục như vậy, diễn viên phải giữ cảm xúc, phải ở trong bối cảnh đó, phải làm tốt. Nếu có ai sai thì phải làm lại hết. Đó là cú máy vừa nặng, vừa khó, vừa phức tạp.
Cú máy đó thành công làm cho khán giả có cảm xúc liền mạch và ở trong cuộc cãi vã đó liên tục. Cảm xúc của họ không bao giờ dừng lại nên rất mạnh.
* Theo anh, nghề DP có cần nhiều yếu tố may mắn?
- Yếu tố may mắn đóng vai trò quan trọng trong bất cứ lĩnh vực nào, kể cả nghề DP. Bản thân tôi cũng là người có nhiều duyên lành khi mới ra trường. Sau khi nghỉ ngơi 1 năm, tôi đã vào làm việc ở Công ty HKFilm và gắn bó với máy quay từ đó đến nay. Tôi may mắn khi gặp và làm việc với thế hệ đàn anh đi trước là những người giỏi. Ngoài việc học được ở mỗi anh một chút, tôi may mắn được thương và tin, trao cho cơ hội tham gia những dự án tốt.
* Theo anh, hiện tại thị trường điện ảnh Việt Nam có nhiều dự án cho DP làm nghề và cọ xát chưa?
- Về nghề, hiện giờ môi trường tốt hơn nhiều, dự án nhiều hơn. Môi trường làm phim cũng rộng, từ phim truyền hình, web drama, quảng cáo, MV cho tới phim truyện điện ảnh. Cơ hội cọ xát cho những người làm nghề và đam mê với nghề không hề thiếu. Nhưng để nói là đủ nhiều hay đủ dự án chất lượng cho mọi người thì thật ra Việt Nam vẫn còn là thị trường nhỏ.
* Áp lực nghề lớn, kinh phí cao, phối hợp với quá nhiều bên, làm sao để biết mình không quá bào sức, nhằm đảm bảo an toàn về mặt sức khỏe cho giới quay phim nói riêng và làm phim nói chung?
- Có nhiều cái khó của đoàn phim. Khó cho sản xuất lắm vì đôi khi chỉ đủ tiền để quay 1 ngày hoặc bối cảnh đó chỉ cho phép quay 1 ngày. Có những trục trặc vì điều kiện khách quan như thời tiết, con người, đau ốm… cũng làm cho thời gian sai đi so với dự tính. Hiện giờ, tôi cố gắng làm gói gọn để không đi quá giới hạn. Giờ làm việc là 12 hoặc nhiều nhất là 14 tiếng mỗi ngày thôi. Vượt quá giờ đó, phần sáng tạo không tốt nữa. Lúc đó mọi người có cảm giác làm cho xong; về coi hậu kỳ sẽ dễ hối hận, ước gì có thời gian.
Tôi học không chỉ từ người đi trước mà học luôn cả người đi sau
* Hiện tại, AI được sử dụng nhiều trong công nghệ làm phim. Anh nhận thấy đó là cơ hội hay là nguy cơ trong lĩnh vực của mình? Làm thế nào để những người làm nghề DP bắt nhịp kịp với sự tiến bộ mỗi ngày của công nghệ cũng như sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới?
- AI giúp chúng ta giải quyết được nhiều thứ nhanh gọn. Có lẽ trong tương lai, AI sẽ nhanh chóng ảnh hưởng sâu đến mọi ngành nghề chứ không riêng điện ảnh. Cái AI còn thiếu là sự rung cảm và cảm xúc của con người nhưng sớm thôi, tôi tin sự vượt bậc của AI sẽ làm thay đổi thế giới.
Tôi học mỗi ngày, bằng cách xem phim và theo dõi các bạn trẻ quay phim. Có thể họ chưa có điều kiện hay chưa có cơ hội để tỏa sáng nhưng khi coi, tôi rất thích. Tôi học không chỉ từ người đi trước mà học luôn cả người đi sau. Lúc nào tôi cũng thấy mình nông cạn, có nhiều thứ phải cập nhật.
Theo tôi, nghề nào cũng có cách đào thải riêng. Tôi tin nếu bản thân mỗi người còn tâm huyết, còn yêu nghề, Tổ sẽ đãi, sẽ sống được với nghề lâu dài.
* Từ góc nhìn của người trong nghề, anh đánh giá thế nào về thị trường điện ảnh Việt Nam gần đây?
- Về điện ảnh, tôi không dám đánh giá. Sau thành công của phim Mai hay Lật mặt của anh Lý Hải, tôi mong muốn có thêm nhiều phim trên trăm tỉ đồng, mong muốn sớm có phim thương mại vươn tầm thế giới.
* Nếu dành lời khuyên cho thế hệ đàn em đi sau, anh sẽ nói gì?
- Đừng dễ dàng bỏ cuộc. Hãy kiên trì, tự tin và học hỏi mỗi ngày. Người có lòng sẽ không bao giờ bị phụ, tôi tin như vậy.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Yến Lê Yilly (thực hiện) - Ảnh do nhân vật cung cấp