Sài Gòn, năm 1944. Đêm đã khuya, tại khách sạn Phong Cảnh mọi người đã ngủ say. Bỗng ai nấy đều giật mình khi nghe tiếng súng nổ vang. Có tiếng hét vang: “Trộm! Trộm!”. Trong phòng số 1, chàng sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật cũng bật người dậy, lao ra ngoài như một hiệp sĩ. Nhưng chàng bỗng khựng lại, trước mắt chàng là một giai nhân đang run rẩy, thấp thoáng dưới ánh đèn ngoài cửa phòng số 2. Không còn nghĩ đến chuyện bắt trộm nữa, chàng đứng nhìn người đẹp không chớp mắt.
Đó là lúc tiếng sét ái tình đã nổ ra khiến chàng... mê mẩn tâm thần!
Chàng tên thật là Diệp Minh Châu sinh tại làng Nhơn Trạch (Bến Tre), từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu, được bạn bè gọi “Châu vẽ”. Từ năm 1935, được thầy Hoàng Tuyển dạy vẽ và chàng thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1940- 1945).
Sau sự việc kể trên, ngày sau, chàng chủ động mời mẹ con của nàng đi xem vở Con không cha do nghệ sĩ lừng danh Năm Châu đóng. Tình thân dần dần gắn bó. Sau đó, chàng còn ngỏ ý xin vẽ chân dung mẹ của nàng để tặng trước lúc gia đình nàng quay về Cần Thơ. Thấy chàng vẽ đẹp, bà má bằng lòng cho chàng vẽ thêm cả hình con gái nữa. Dù biết xe sắp chạy, nhưng chàng vẫn cứ nấn ná nhằm “câu giờ”, thế là họ lỡ chuyến xe và chàng có có thêm một đêm để thổ lộ tình cảm.
|
|
Đó là giây phút đầu đời của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu với cô gái có quốc tịch Pháp là Alice Phương Dung. Ngày tháng xa nhau, cả hai viết thư từ cho nhau đều đặn. Sau này, dù đã vào lứa tuổi “cổ lai hy”, nhưng Diệp Minh Châu vẫn còn nhớ như in trong óc những lời âu yếm của người tình đầu như trong lá thư ngày 19.9.1944 có đoạn viết: “Cậu Châu ơi! Cảnh bên ngoài đã khêu gợi lại cho tôi nên tôi còn nhớ kỹ hôm ở dưới tàu giữa hương say của đất nước, trời có vẻ nặng, nước lại nhẹ, vì trời liền với nước, nước bao phủ rặng cây, nước hôm ấy đồng nhịp với trời... Thế mà tại sao trời không tỏ vẻ âu yếm lại như rầu rầu trong cảnh biệt ly để tỏa một màu thương nhớ với cỏ cây...”.
Thư từ qua lại kéo dài không lâu vì bấy giờ cuộc kháng chiến toàn quốc đã nổ ra, Diệp Minh Châu thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Đến tháng 9.1946, lúc khu trưởng Khu 8 Trần Văn Trà về Bến Tre thì ông xin gia nhập Vệ quốc quân và được chỉ định làm Trưởng ban phóng sự mặt trận. Với bức tranh Bác Hồ và ba thiếu nhi Bắc, Trung, Nam được ông vẽ trên lụa năm 1947 rất nổi tiếng được xem là tuyên ngôn nghệ thuật của ông.
Lúc này, tiếng súng hào hùng của cuộc kháng chiến ái quốc đã cuốn hút mọi tầng lớp thanh niên, Alice Phương Dung cũng lên đường theo tiếng gọi non sông. Cả hai gặp lại nhau trong chiến khu. Diệp Minh Châu rất bất ngờ, một thiếu nữ quý phái, giàu sang, có quốc tịch Pháp mà cũng tự nguyện chấp nhận gian khổ thì “Tây nhất định phải thua, kháng chiến phải thắng lớn”, ông tự nhủ. Năm 1949, tại Cái Tàu (Cà Mau) Diệp Minh Châu Châu nhờ ông Trần Văn Trà đứng ra tổ chức đám cưới, người chủ hôn hôm ấy là ông Hoàng Xuân Nhị với sự có mặt của đông đảo anh em văn nghệ sĩ.
|
Hoạ sĩ Diệp Minh Châu (trái) dưới chân bức tượng Hồ Chí Minh do chính ông điêu khắc |
Chú rể rất đẹp trai trong quân phục Vệ quốc đoàn, có đeo cầu vai và đội mũ ca lô; còn cô dâu dù mặc bộ bà ba đen, không son phấn nhưng vẫn như giai nhân xuống trần. “Anh nuôi” Trương Bỉnh Tòng đã nấu thật ngon món vịt tiềm, cà ri gà bột chiên để đãi khách, ai nấy đều khen ngon miệng. Đám cưới xong, hai tháng sau, ông Châu được đi học trường Đảng, rồi tháng 6.1950 được đi dự Hội nghị Sinh viên quốc tế tại Praha. Lúc 8 giờ tối, bà Alice Phương Dung sinh con đầu lòng thì 4 giờ sáng, ông Châu đã đến điểm tập trung để cùng đoàn ra Việt Bắc.
Tình hình chiến sự ngày ác liệt, máy bay giặc Pháp đánh khắp nơi, để bảo toàn tính mạng cho con, bà phải gửi con mới 6 tháng cho má ruột đang ở vùng ranh Rạch Giá, lúc này bà đã gia nhập đoàn Văn công Cửu Long Giang. Mãi đến năm 1955, bà tập kết ra Bắc thì mới gặp lại chồng. Tuy nhiên, đứa con đầu lòng, phải dến năm 1975 mới đoàn tụ cùng cha mẹ.
Ra Bắc, được sự động viên của chồng, bà thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật, sau này, có hoàn thành một số tác phẩm rất có hồn như Bác Hồ với đại biểu nữ, Chị Ba Định với nữ giải phóng quân... Nhưng rồi, do một nách phải nuôi bốn con và chăm sóc chu đáo cho chồng nặn tượng nên bà không còn nhiều thời gian để vẽ nữa. Những năm tháng này, nhà điêu khắc, họa sĩ Diệp Minh Châu sống rất hạnh phúc với người tình đầu. Thật cảm động, khi nghe ông lúc răng long tóc bạc đã giới thiệu về người vợ với giọng trìu mến, tha thiết:
- Alice em gái tôi đấy! Ngoan lắm đấy
Và trước lúc từ bỏ cõi trần này, trong tâm trí của ông bao giờ cũng nhớ đến những câu thơ bà gửi cho ông từ lúc mới quen nhau:
Ta không có màu xanh, màu vàng nhạt
Rải vàng phai trên mặt nước long lanh
Nước ưa mơ nên liễu thích buông mành
Cùng soi bóng dưới hình trăng đáy nước...
Do có nhiều tác phẩm nổi bật đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà, Diệp Minh Châu đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1).
Lê Minh Quốc
*Tài liệu tham khảo: Ghi theo lời kể của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu và một vài tham liệu khác.