Điếng người

29/10/2015 - 07:48

PNO - Tôi ước gì người mẹ trong câu chuyện này đã có thể ngất đi, để trong một khoảng ngắn ngủi không phải cảm nhận nỗi đớn đau xảy ra...

Người ta nói, cơn ngất là cơ chế tự vệ của con người. Đôi khi gặp những điều quá sức, không thể chịu đựng nổi, cơ thể báo động để con người rơi vào trạng thái ngất xỉu. Tôi ước gì người mẹ trong câu chuyện này đã có thể ngất đi, để trong một khoảng ngắn ngủi không phải cảm nhận nỗi đớn đau xảy ra với đứa con hai tuổi bé bỏng của mình.

Nhưng chị không thể ngất bởi còn một sinh linh khác mới vừa hai mươi mấy ngày tuổi đang oe oe bên cạnh. Chị không ngất, chỉ như người mất hồn, cứ cầm mãi cục bông gòn trên tay mà không biết phải làm gì. Cơ thể chị đã tự phản ứng bằng cách… tắc sữa. Nguồn sống cho con đã bị tắc vì cú sốc quá ác nghiệt.

Dieng nguoi
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Khi tôi viết những dòng này, bé M. đang nằm viện. Phóng viên trực tiếp đi theo câu chuyện đớn đau này kể lại: em ôm chặt chân của ba mình và không buông ra một giây phút nào. Không chỉ là chuyện đau đớn từ những vết thương.

Dẫu không hiểu hết những kinh hoàng mà mình vừa trải qua, nhưng rõ là em đang kinh sợ. Em đang bám chặt vào ba - nơi chốn an toàn mà em có trong hiện tại. Tôi không dám nghĩ thêm về nỗi thống khổ, sự đau đớn tổn thương mà em và người thân đang chịu đựng.

Tôi biết nhiều người mẹ hôm nay nghe câu chuyện này chỉ muốn bỏ hết để về ôm những đứa con bé bỏng vào lòng. Bởi ngoài kia có những điều ghê gớm quá, có những con người kinh khủng quá.

Bởi với trẻ dưới năm tuổi, an toàn nhất vẫn là luôn ở trong tầm mắt ba mẹ. Nhưng tôi cũng biết không thể lúc nào ba mẹ cũng có mặt bên con. Mà dẫu có thể thì hiểm họa cũng có thể đến, trong một tích tắc.

Trong một lớp học về kỹ năng tự bảo vệ, báo cáo viên có nói: không ai có thể làm hại ta ngoài chính ta. Đó là một cách nhắc nhở rằng mình phải tạo môi trường an toàn nhất cho con. Nhưng quả thật có những yế u tố không thể kiểm soát hết.

Nhất là trong hoàn cảnh cha mẹ vì miếng cơm manh áo, vì công việc phải tăng ca liên tục, phải vừa làm vừa trông, phải cắn răng gửi con mình cho hàng xóm, hoặc gửi người này người kia.

Nhưng chỉ một người cha, một người mẹ tự họ không thể tạo môi trường an toàn cho con. Môi trường đó cần sự hợp tác của mọi người liên quan, từ hàng xóm, trường học đến xã hội…

Có người mẹ nào nghe câu chuyện mà không phẫn nộ khi kẻ thủ ác khai vì say quá nên không biết mình đã làm gì. Đã từng có rất nhiều cơn say, rất nhiều kẻ say đã gây nên những tội ác tày trời, đã làm tan nhà nát cửa, mất mát, đau khổ, chia ly, thương tổn cho bao nhiêu người.

Vậy đó nhưng chiều về vẫn thấy rất nhiều người cha ngồi tràn ra đường, bia tràn ra bàn, tiếng ồn, tiếng cười tràn ra khắp phố. Đâu đó trong những ngôi nhà có bé gái đang chơi một mình, thơ thẩn đầu đường chờ ba về ôm chân? Có bao nhiêu người uống rượu rồi để cho rượu uống mình, tạo ra bi kịch cho mình và cho người?

Sơn Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI