Văn Phượng gây tò mò cho những người xung quanh ngay từ nghệ danh khá “nam tính” của mình. Hỏi ra mới biết tên thật của cô là Văn Thị Phượng nhưng Phượng bỏ chữ lót trong tên cúng cơm của mình khi bước vào nghệ thuật, làm ai cũng thắc mắc diễn viên nữ sao mang chữ Văn “cứng ngắc”.
|
Văn Phượng |
Ngoại trừ nghệ danh rất “đàn ông” thì ấn tượng mà người đẹp Vũng Tàu này mang đến rặt nữ tính. Vóc dáng thanh mảnh, mái tóc đen suôn dài, gương mặt sáng và đôi mắt phảng phất những nét u buồn mà nhiều người nhận xét hao hao giống Chương Tử Di.
Diễn viên nữ, ngoại hình đẹp, được đào tạo bài bản ở trường lớp như Văn Phượng không hiếm, nên muốn trụ lại trong lòng khán giả mỗi người phải tự tìm lối đi riêng. Nếu như Ninh Dương Lan Ngọc và Nhã Phương - hai cô bạn cùng khóa với Phượngngười thì chọn điện ảnh tiến thân và biến hóa đa dạng từ chính diện sang phản diện, người gắn với hình ảnh hồn nhiên mãi “tuổi thanh xuân” thì Văn Phượng duy trì cái duyên “vai già”.
Có lẽ do ngoại hình buồn buồn cùng tính ít nói cười của Phượng ngoài đời mà ngay từ những phim đầu tiên cô đã được các đạo diễn nhắm cho những vai lắm truân chuyên, không khổ vì chồng, cũng vì con.
Vai diễn đầu đời là Tường Vi trong Những khoảng trời riêng có chồng ngoại tình, bản thân sẩy thai. Vai Nhi trong Trở về có quãng đời sóng gió trải dài từ khi còn trẻ đến lúc 40 tuổi. Vai Bảo Hà trong Vợ của chồng tôi cam chịu, hy sinh cho đến lúc biết mình không còn sống nữa thì tìm cách cưới vợ cho chồng.
|
Cùng Đức Tiến trong phim Trở về |
Xem những nhân vật vượt quá tuổi đời mà cô hóa thân, nhiều người cứ tưởng Phượng cũng từng đã bước qua phạm vi trải nghiệm ấy ngoài đời mới có thể nhập vai ngọt vậy, nhưng không phải. Văn Phượng sinh ra và trưởng thành trong mái ấm đong đầy hạnh phúc và cô chị cả trong nhà này may mắn tận hưởng một cuộc sống bình yên từ khi còn trong sự bảo bọc của mẹ cha cho đến khi ra đời, tạo lập vị trí như hiện nay.
Có không ít người đến với nghệ thuật trong một khúc rẽ quanh bất ngờ, Văn Phượng nằm trong số đó. Gia đình Phượng vốn kinh doanh dụng cụ đánh bắt cá ở Vũng Tàu nên hướng vào đời của cô được mặc định bằng việc đi vào khoa quản trị kinh doanh trường Đại học Sài Gòn để kế thừa công việc ba mẹ.
Đang học năm hai, một bữa, đứa bạn thân nhờ Phượng phụ diễn để thi vào khoa diễn viên trường Sân khấu - điện ảnh. Vừa tò mò, vừa muốn giúp bạn, cô cũng nộp hồ sơ thi cùng. Hôm thi, người bạn vào vai bà mẹ, còn Phượng thủ vai đứa con ngỗ nghịch.
Diện nguyên bộ áo dài trắng, vừa bước chân ra sân khấu, mới cất tiếng gọi: “Mẹ ơi”, Phượng giật bắn mình nghe tiếng giám khảo - NSƯT Việt Anh - nói to: “Đi vào ngay”. Sững sờ, Phượng chỉ biết khóc tại chỗ rồi quay vào sân khấu với lòng ấm ức. Cô đâu biết đó là cách mà NSƯT Việt Anh muốn thử cảm xúc của thí sinh và sự biểu cảm tức thời ấy đã giúp cô thi đậu. Phụ diễn trúng tuyển, trong khi người diễn chính rớt, quả là tréo ngoe.
|
Trong phim Thu Chín Xiêm |
Hào hứng với kết quả trước mắt, Văn Phượng về khoe với ba mẹ ý định theo đuổi con đường mới. Nhưng cô bị phản đối kịch liệt mà theo như lời Văn Phượng là “Ba mẹ gần như từ mặt tôi”. Cảm giác đó sau này sống lại với Văn Phượng khi cô vào vai Nhi trong Trở về.
Trong phim, Nhi vì quyết tâm theo đuổi tình yêu với Hân, một phạm nhân bị truy nã, bị ba mẹ hắt hủi. Bi kịch tiếp nối sau khi Ngọc, cô con gái duy nhất của Nhi vướng vào ma túy khiến Nhi đau khổ ngã quỵ.
Trải qua những cung bậc cảm xúc của nhân vật từ khi còn là thiếu nữ đến lúc trở thành người mẹ trong quá trình đóng phim khiến Phượng biết thông cảm và thương ba mẹ hơn. “Chỉ khi đó tôi mới hiểu cảm giác làm cha làm mẹ đau thế nào khi con không vâng lời, con cái sinh hư sẽ gây ra nhiều hệ lụy”.
Còn đận ấy, cô phớt lờ lời nói: “Học điện ảnh thì đừng nhìn mặt ba mẹ nữa”, quyết tâm bỏ hai năm học ngành quản trị kinh doanh để đi con đường mới với tâm niệm trong lòng: “Con sẽ chứng minh mình đúng”. Cũng may, ba mẹ cô không phải đợi lâu, hết học kỳ I năm nhất, Phượng được hãng phim Sena chọn đóng vai nữ chính trong bộ phim Những khoảng trời riêng.
Nhận vai diễn đầu đời - một bà mẹ có con năm tuổi được tới bốn người đàn ông yêu nhưng tất cả đều trắc trở - trong khi tuổi đời mới ngoài đôi mươi, Phượng vừa sung sướng vừa mất ăn mất ngủ và mẹ là người đầu tiên cô tìm đến để nhờ “tư vấn”. Mẹ hướng dẫn cho Phượng dáng đi đứng phù hợp với tuổi trung niên, cách ăn nói từ tốn, trò chuyện với cô về tâm lý của người phụ nữ đã có gia đình…
Kể về mẹ, Phượng hào hứng lắm vì mẹ là người gần gũi nhất với Phượng trong nhà. Cô “phục” mẹ nhất là chuyện cho dù có giận dỗi, bực bội Phượng điều gì thì khi ở bên con, bà luôn tạo không khí vui vẻ, chỉ khi nào “ai về nhà nấy” bà mới bày tỏ qua điện thoại.
|
Văn Phượng và mẹ |
“Có khi hai mẹ con cãi nhau nửa tiếng đồng hồ, chỉ là chuyện vặt trong nhà thôi, nhưng cãi nhau từ xa để hai bên tránh lỡ lời, làm tổn thương nhau”, Văn Phượng thích thú đúc kết “chiêu” của mẹ.
Trong bốn chị em, Phượng luôn là người khiến mẹ lo nhất vì khá mê chơi, bướng. Có lần Phượng cúp học, bị thầy giáo gọi điện “méc” mẹ mà về đến nhà mẹ hỏi cô vẫn tỉnh bơ chối tội. Giận quá, lần đó mẹ cầm cây đánh, Phượng đưa cánh tay trái lên đỡ, không dè cái cây bị xước từ trước khiến cô hứng nguyên vết rách dài, chảy máu, để lại sẹo đến giờ.
Nhắc lại chuyện cũ, bất giác Phượng đưa cánh tay lên, mân mê vết sẹo cũ mà ánh mắt lấp lánh vui vì với cô vết sẹo như “dấu mộc” yêu mà mẹ “khắc” lên người cô. “Con dù lớn vẫn là con của mẹ”, bảy năm tự lập ở Sài Gòn, Văn Phượng giờ đã bay nhảy nhiều trong khung trời riêng của mình, nhưng như cô nói mình vẫn là nỗi lo của mẹ.
Có người mẹ nào không nơm nớp âu lo khi thấy con gái hàng ngày phải “sống” trong những cuộc đời đầy khổ lụy. Dù biết đó chỉ là công việc của con, là hóa thân của con, nhưng mẹ cô vẫn sợ Phượng mang tâm lý tiêu cực, bi quan của nhân vật vào chính đời sống, nhất là khi đến giờ cô vẫn đi về lẻ bóng, trong khi em gái Phượng đã yên bề gia thất.
“Đóng mãi những vai truân chuyên, bị vùi dập cũng khiến tôi ít nhiều mất niềm tin vào chuyện yêu đương, chồng con, nhưng rồi nhìn vào hạnh phúc của ba mẹ, vào không khí ấm áp gia đình mỗi khi về nhà, tôi lại thấy mình đã lo xa. Mấy chị em tôi dù đã lớn, sống riêng ở Sài Gòn nhưng mỗi khi tụ họp về nhà ở Vũng Tàu, ba mẹ quan tâm không khác gì lúc nhỏ, thậm chí thỉnh thoảng còn “hôn lén” lúc tụi tôi ngủ”, Phượng thích thú chia sẻ.
|
Văn Phượng trong phim Hành trình hôn nhân |
Soi vào gia đình mình để thấy yên tâm rằng “cuộc đời luôn tươi đẹp” và nếu có phải đạp gai hoa hồng thì cũng vì hoa do chính mình rải, là tâm niệm của Văn Phượng mỗi khi đón nhận một vai diễn phức tạp.
Trước mắt là vai diễn Hằng - một phụ nữ nghèo ở quê lên thành phố lập nghiệp, có một cuộc đời đẫm nước mắt: con chết, chồng ở tù trong phim truyền hình sắp bấm máy Ánh đèn thành thị.
Hương Nhu