PNO - Nếu phải kể một người chuyên trị những vai mẹ trên màn ảnh nhỏ, hẳn người xem sẽ nhớ ngay đến Thủy Cúc - nữ diễn viên có gương mặt sáng, phong thái sang trọng.
Trên phim, Thủy Cúc từng làm mẹ của không biết bao nhiêu “ngôi sao”, còn ngoài đời chị chỉ có một cậu con trai duy nhất - Thanh An. Những hóa thân của Thủy Cúc trên phim và người mẹ Thủy Cúc trong đời thường đều có điểm chung là chịu thương, chịu khó vì con. Mà có lẽ đâu riêng chị, hầu hết những người mẹ trên đời này đều vậy!
Diễn viên Thủy Cúc
Một năm, hai cú sốc lớn
Thủy Cúc lập gia đình rất sớm, vừa rời ghế nhà trường được một năm, chị đã kết hôn. Ở tuổi 19, trong khi bạn bè còn miệt mài với việc học đại học thì chị đã bận rộn với bao việc không tên: chợ búa, cơm nước, chăm con, chăm chồng. Cô gái Sài Gòn là chị khi đó sống an phận với vai trò bà nội trợ trong nhà, không chút mảy may suy nghĩ, âu lo gì về chuyện ra ngoài kiếm việc làm hay quan tâm, hỏi han gì về công chuyện làm ăn của chồng. Nhưng sau 12 năm chung sống, chồng chị đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông.
Trước đó không lâu, chị cũng vừa hứng nỗi đau mẹ mất vì bạo bệnh. Hai cú sốc mất người thân liên tiếp trong vòng một năm làm chị ngã quỵ hoàn toàn. Ai đã từng thức đêm hẳn sẽ hiểu tâm trạng “năm canh chày thức đủ vừa năm” của chị khi ấy: nằm trong bóng tối, đếm được từng nhịp tích tắc của chiếc đồng hồ mà hoang mang không biết ngày mai sẽ ra sao. “Tới giờ mình vẫn tự trách sao hồi trẻ không lo kiếm việc làm mà cứ hồn nhiên sống lệ thuộc chồng, để đến khi anh mất, bơ vơ không biết lấy gì để nuôi con. Buôn ve chai, bán nước sâm cũng được, miễn là có lấy cái nghề nuôi thân, nhất định đừng sống phụ thuộc chồng”, Thủy Cúc đúc kết.
May nhờ có chút kinh nghiệm về vàng bạc đá quý vì chồng chị vốn là một người thợ kiêm chủ tiệm kim hoàn, chị tìm được một chân bán hàng ở một cửa hàng vàng bạc. Đồng lương hai-ba triệu đồng/tháng khi đó chỉ đủ gói ghém cho hai mẹ con sống qua ngày. Con càng lớn, chi tiêu trong nhà càng tốn kém, nhất là tiền học cho con, thế nên, bán hàng được ba năm, chị lần mò kiếm thêm các công việc thời vụ khác. Thấy trên báo đăng mấy mẩu tin rao vặt cần người đóng minh họa video clip ca nhạc, lồng tiếng, chị tìm đến. Trong một lần đi lồng tiếng, chị gặp được trợ lý đạo diễn của đạo diễn Trương Dũng. Thấy chị “ăn hình”, người này giới thiệu chị với đạo diễn Trương Dũng và chị được chọn vào một vai nhỏ trong phim truyền hình Đường về.
Cùng với bạn diễn Hữu Châu
Vai diễn dì Hạnh - người phụ nữ bán nước bên đường, hết lòng vì chồng con - một tính cách cũng không xa lạ gì với chị, vậy mà phải trầy trật chị mới hoàn thành. Rồi sau đó, là chuỗi ngày một diễn viên tay ngang như tôi bị các đạo diễn mắng mỏ, quát nạt vì họ nói gì tôi... cũng không hiểu; bị bạn diễn và nhân viên trường quay nhìn với ánh mắt đầy hoài nghi, Thủy Cúc nhớ lại. Chị đã phải cố gắng rất nhiều để vượt qua những ngày tháng đó.Và khi nhận thù lao lớn gấp ba-bốn lần đồng lương bán hàng cả tháng, lòng chị khấp khởi mừng, không phải chỉ vì số tiền quá lớn mà còn vì công việc này mở ra con đường mưu sinh mới cho hai mẹ con.
Rồi lần lượt những bộ phim khác đến với chị: Hướng nghiệp, Miền đất phúc… Gánh nặng cơm áo gạo tiền của một người mẹ đơn thân cũng vơi dần, nhưng bù lại cảm giác có lỗi với con lại tăng lên. Hơn 10 tuổi đầu, con chị đã phải tự lo việc ăn uống, học hành, đi lại, bởi mẹ còn bận miệt mài trên trường quay, có khi đi tỉnh xa.
Không may mắn còn cha để được hướng dẫn, bảo ban, định hướng, cũng không có mẹ kề bên để chăm lo chuyện miếng cơm, giấc ngủ như bao bạn cùng trang lứa khác, ấy vậy mà con chị lại rất ngoan, không bị kẻ xấu lôi kéo sa ngã. “Mình tự hào vì con không hư nhưng lại day dứt vì giá như ngày trước, mình có điều kiện để quan tâm, định hướng con hơn trong chuyện học hành có lẽ giờ nó đỡ vất vả hơn trong cuộc sống”, chị chùng giọng, ánh mắt đưa về phía xa như hoài niệm quá khứ.
Những giây phút rảnh rỗi hiếm hoi, chị đều tận dụng để chơi đùa cùng cháu nội
Thương dâu hơn con trai
Thủy Cúc thủ vai rất nhiều bà mẹ trên phim, từ mẹ ruột đến mẹ kế, từ người mẹ cứng rắn đến mềm mỏng, từ bà mẹ thương con theo kiểu bộc lộ hết ra ngoài đến bà mẹ yêu con nhưng không muốn cho con biết... Vậy bà mẹ Thủy Cúc ngoài đời ra sao? Người ta thường nghĩ những bà mẹ vào hoàn cảnh một mẹ một con, sẽ rất khó tính với “người đàn bà thứ hai” của con trai. Nhưng Thủy Cúc tâm sự: “Mình thương con dâu hơn con trai vì nhìn con như thấy lại hình ảnh làm dâu của mình khi xưa - ôsin không lương cho chồng, con trong nhà”.
Thủy Cúc nói, nếu chấm điểm tề gia nội trợ thì chị chỉ cho con dâu 5/10 điểm nhưng chị không trách con về điều đó. “Hồi trước mình làm dâu cũng vụng vậy thôi, vì chỉ biết đi học, về nhà cơm nước đã có ba mẹ lo, vừa ra trường đã lấy chồng thì làm sao biết vén khéo chuyện nấu nướng. Huống chi con dâu không may mắn mồ côi mẹ từ nhỏ, không được mẹ chỉ dạy. Trách nhiệm dạy bảo lẽ ra thuộc về mẹ chồng nhưng công việc đóng phim cuốn mình đi cả ngày nên con có thiếu sót phải thông cảm. Thương nhất là dâu mình rất chịu khó, hiền lành, bị mẹ chồng cằn nhằn cũng nín thinh”, chị bày tỏ. Hỏi chị hay cằn nhằn con dâu chuyện gì, chị cười xòa: “Biết là con nít hay bệnh vặt nhưng mỗi lần thấy cháu nội cảm ho, sổ mũi là mình xót ruột thế là quay ra la mẹ nó “sao nuôi con mà để con bệnh hoài vậy”, rầy xong thấy tội nghiệp”.
Có lần thằng cháu nội cu Hy (bé Mai Gia Hy) bị bệnh nặng, phải vào viện truyền nước biển mà hai ngày trời không vào thăm được vì vướng lịch quay, lòng chị như lửa đốt. Theo kịch bản, nhân vật không được khóc mà chị vừa diễn vừa khóc ròng. Nhắc tới cháu nội, mắt chị sáng lên, khoe ngay tấm ảnh bụ bẫm của một cậu nhóc 20 tháng. Chị kể, thằng nhóc nhỏ xíu, mỗi khi thấy chị đến thăm là nhào tới bập bẹ mấy từ “bà nội, ti vi” bởi trước đó cu cậu vừa nhìn thấy nội trên ti vi.
Ngoài chuyện “cằn nhằn” liên quan đến cháu nội, chị cho biết: trong gia đình, tôi coi con như bạn, tôi tôn trọng nên ít can thiệp vào cuộc sống của con. Con trai chị ở rể vì nhà gái vốn neo người. Chấp nhận cho con trai độc nhất ở bên ngoại hẳn là quyết định không dễ dàng, nhưng chị đồng ý vì hiểu tính chất nghề nghiệp với giờ giấc đi lại thất thường của mình sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người thân. Nhiều năm nay chị sống trong căn hộ nhỏ ở quận 7, mỗi khi không có lịch quay lại chạy xe hơn chục cây số sang nhà con trai, con dâu ở khu Chợ Lớn để thăm cháu nội. Ở tuổi ngoài 50, niềm vui của chị bây giờ là công việc, là nụ cười, tiếng nói ngây thơ của cu Hy. Đơn giản mà thanh thản như thế!