|
Diễn viên Thuận Nguyễn |
Đêm trước cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ, Thuận Nguyễn trở về nhà rất trễ sau một ngày tập luyện. Vui miệng, anh khoe với cả nhà đôi giày đã “há miệng”. Rồi xuống nhà rót nước lúc nửa đêm, anh lặng người khi thấy cha mình đang cặm cụi khâu lại đôi giày rách...
Bị loại ngay đêm liveshow đầu tiên trong sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của khán giả lẫn các thành viên ban giám khảo, điều đầu tiên Thuận Nguyễn nghĩ đến là gia đình. Anh sợ ba mẹ sẽ thất vọng. Không dám về nhà, Thuận Nguyễn “ngồi lì” ngoài quán đến giữa khuya. Điện thoại reng, bên kia là giọng cha ấm áp: “Về đi, ba đang chờ cửa!”. Sáng, mẹ chào Thuận bằng một cái ôm thật chặt khiến Thuận quên mất mình đã là chàng trai hơn hai mươi tuổi với chiều cao 1,88m. Anh cứ ngỡ như mình vẫn là đứa bé thơ ngày nọ.
“Cũng không còn nhớ bao lâu rồi mẹ mới lại ôm hôn tôi. Nhưng lúc đó, bao nhiêu buồn lo, hờn tủi, ấm ức... của đêm thi bỗng trở nên nhẹ tênh. Một lần nữa tôi lại cảm nhận rõ ràng rằng không nơi đâu bằng gia đình” - giọng Thuận run run kể lại chuyện đã qua.
Không phải đến Bước nhảy hoàn vũ, cuộc sống gia đình hạnh phúc dù từng trải qua không ít sóng gió của Thuận Nguyễn mới được nhiều người biết đến. Trước đó, gia đình của “khủng long” Nguyễn Văn Thuận ở sân khấu Thế Giới Trẻ đã khiến nhiều đồng nghiệp “ganh tị” vì “không biết sao mà cứ xong việc ở sân khấu là hắn ù té về nhà, từ chối hầu hết các cuộc vui của bạn bè, đồng nghiệp”. Ngoài luyện tập, biểu diễn, việc duy nhất có thể “lôi” Thuận ra đường bất kể ngày đêm là giúp mẹ đi giao lạp xưởng cho khách.
Thuận nói: “Không biết nói sao, nhưng lúc nào tôi cũng chỉ muốn được về nhà, muốn được ăn cơm với ba mẹ và nội. Có lẽ vì suốt thời thơ ấu, tôi luôn sống trong cảm giác mong ngóng, trông chờ ba và ông nội trở về”.
20 năm trước, khu vực phường Phú Thuận, Q.7 vẫn mênh mông sông nước. Gia đình Thuận dù có đất nhưng ghe vẫn là nhà. Đất liền chỉ là nơi để mẹ buôn bán lặt vặt, mở tiệm may kiếm thêm tiền lo cho gia đình đến bảy nhân khẩu. Ba và nội xoay xở đủ nghề, từ chở cát đến bán gạch. Có những lần ba đi lấy cát quá xa, Út Thuận phải lên bờ ở với mẹ và nội. Với cậu bé Út Thuận thuở ấy, một ngày sao quá dài.
Tắm sông, mò cua, bắt ốc chán chê, tụi con nít đều đã về nhà với cha mẹ, nhưng Út Thuận chờ mỏi cổ vẫn chưa thấy ba và nội về. Không dám đi chơi xa, chỉ quanh quẩn bờ sông ngóng ba nên vừa thấy ghe là Út Thuận mừng còn hơn được cho quà. Chuyện đãi cát, bưng gạch giúp ba chỉ như trò chơi trẻ con đầy hào hứng của Thuận. Ba chị em vừa làm, vừa thi xem ai đãi cát nhanh hơn, ai bưng được nhiều gạch hơn, rồi cũng cãi cọ chí chóe để tranh phần thắng nhưng đầy ắp tiếng cười hồn nhiên.
|
Đại gia đình diễn viên Thuận Nguyễn |
Cuộc sống thiếu trước hụt sau, nhưng lúc đó Thuận không bao giờ có suy nghĩ mình là con nhà nghèo. “Tôi không biết nhà mình nghèo vì chưa bao giờ nghe ba mẹ than nghèo, kể khổ. Ba mẹ luôn cố gắng lo cho chị em tôi cuộc sống đủ đầy và được đi học. Trong tâm trí trẻ con thì chỉ cần vậy là đã thấy vui” - Thuận nhớ lại.
Không chỉ vui, chị em Thuận ngày xưa còn có cả cơ hội được “làm phách” với tụi con nít đồng trang lứa vì luôn luôn được mặc quần áo đẹp và không bao giờ bị “đụng hàng”. Mẹ làm nghề may nên khéo léo dùng vải dư của khách để “thiết kế” thời trang cho mấy chị em Thuận.
Thuận chỉ ý thức được cái nghèo của gia đình sau một biến cố khiến anh phải bỏ dở việc học năm lớp 10. Phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, không nhớ bao nhiêu lần Thuận len lén nhìn bạn bè đang hồn nhiên học hành, chơi đùa trong sân trường mà ước mơ “được như tụi nó”.
“Những thăng trầm của nhà tôi cũng giống như phim vậy. Cái khác là chúng tôi đã không lạc lối như nhiều nhân vật trên phim. Tôi luôn cảm thấy mình rất may mắn, hạnh phúc khi được làm con của ba mẹ, được làm cháu của nội” - Thuận kể.
Trong cơn lốc đô thị hóa, nơi gia đình Thuận ở bị giải tỏa, được bồi thường. Như nhiều gia đình xung quanh, nhà Thuận thoát nghèo và trở thành... tỷ phú hệt như một giấc mơ. Trong lúc nhiều gia đình quay ra chiều chuộng, cho con nhiều tiền như một cách bù đắp cho những ngày thiếu thốn đến mức hàng loạt thanh niên sa ngã thì cuộc sống gia đình Thuận vẫn giản dị. Thay đổi lớn nhất là Thuận được quay lại trường học, nhà cửa khang trang hơn, và quán cà phê mẹ mở đã giúp cả nhà bớt gánh nặng mưu sinh.