NSƯT Tiến Hợi: Vai diễn tạo dấu ấn ở sân khấu, hun đúc giá trị ngoài đời thật
Hơn 30 năm kể từ lần đầu tiên đảm nhận vai diễn Bác Hồ trong vở kịch Đêm trắng, nhưng những xúc cảm của ngày ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của NSƯT Tiến Hợi. Năm đó, khi đang hoạt động tại Đoàn nghệ thuật Trường Sơn, Quân khu 2, chàng diễn viên 28 tuổi được đạo diễn Doãn Hoàng Giang lựa chọn vào vai diễn đặc biệt này. Vui mừng, vinh dự vì được tin tưởng giao cho vai diễn đầy thử thách nhưng kèm đó, nghệ sĩ Tiến Hợi gặp không ít áp lực.
“Hình ảnh Bác đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Vì thế, chỉ cần thể hiện lệch hoặc sai, khán giả sẽ nhận ra ngay. Từ đó, lòng tin của họ với diễn viên trên sân khấu cũng giảm đi” - nghệ sĩ Tiến Hợi lý giải về áp lực với vai diễn này.
Nhưng áp lực lại trở thành động lực, đặc biệt với những ai thích chinh phục thử thách. Nghệ sĩ Tiến Hợi nhờ thế đã tạo nên bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất của anh.
|
Nghệ sĩ Tiến Hợi bắt đầu đóng vai Bác Hồ cách đây hơn 30 năm |
Xác định ngoài trang phục, hoá trang thì điều quan trọng nhất tạo nên hình ảnh chân thật của Bác là phong thái và giọng nói, nghệ sĩ Tiến Hợi đã tìm đọc nhiều tài liệu, nghe các băng ghi âm của Bác để tập luyện. Sau 2 tháng tập luyện, vở diễn ra mắt tại Nhà hát Lớn và khép lại trong hàng tràng pháo tay. Cảm giác hạnh phúc đó khiến nghệ sĩ Tiến Hợi không thể nào quên. “Đó là một cú lột xác lớn trong sự nghiệp diễn xuất của tôi. Một chàng trai 28 tuổi, đảm nhận vai diễn của Bác vào những năm 58-59 tuổi. Khi vượt qua được thử thách, cảm xúc hạnh phúc vỡ oà trong tôi” - nghệ sĩ Tiến Hợi nói.
Đêm trắng có đến 300 suất diễn. Nhưng mỗi lần bước lên sân khấu, nghệ sĩ Tiến Hợi vẫn mang tâm trạng hồi hộp xen lẫn háo hức. Anh nói mình luôn tìm ra những điểm nhỏ nhưng thú vị về Bác để mỗi lần xuất hiện đều mới mẻ, không rập khuôn, không bị pha trộn.
“300 đêm diễn luôn ngập tràn cảm xúc khi vở diễn khép lại. Lần diễn ở Việt Trì (Phú Thọ), đang trong buổi diễn, một cụ già đứng lên yêu cầu được gặp "Bác" sau đêm diễn. Đến khi tôi vào cánh gà, cụ quỳ lạy khiến tôi bối rối vô cùng. Tôi bảo "cháu chỉ là diễn viên đóng vai Bác". Cụ bảo mình biết điều đó nhưng vì tôi đóng quá giống nên khiến cụ xúc động. Đây là kỷ niệm theo tôi suốt đời” - nghệ sĩ Tiến Hợi chia sẻ.
|
Nghệ sĩ Tiến Hợi hoá thân thành Bác Hồ trên sân khấu |
Trong sự nghiệp của nghệ sĩ Tiến Hợi, vai diễn Bác Hồ như một mối duyên lớn. Tiếp sau đó, anh tiếp tục được chọn thể hiện hình tượng Bác trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội mùa đông năm 46. Ở mỗi tác phẩm, anh được trải nghiệm cuộc sống của Bác Hồ qua từng giai đoạn khác nhau. Nguyễn Tất Thành ở Hẹn gặp lại Sài Gòn là chàng thanh niên mộc mạc, mang nhiều hoài bão lớn. Còn ở Hà Nội mùa đông năm 46 là hình tượng một lãnh tụ kiên quyết, dứt khoát, điềm tĩnh trước tình hình đất nước có nhiều biến động.
“30 năm, hình tượng Bác Hồ vẫn luôn khiến tôi đau đáu. Vai diễn này là một mối duyên lớn, vừa mang đến niềm tự hào khi được khán giả công nhận, khen ngợi, vừa mang lại cho tôi nhiều điều tích cực trong cuộc sống. Tôi học được sự dung dị, sống chan hoà, khiêm tốn từ Bác. Những điều đó ngấm vào tôi lúc nào cũng chẳng rõ” - nghệ sĩ Tiến Hợi chia sẻ.
NSƯT Trần Lực: “Tôi học được nhiều điều khi đóng Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong”
Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong - bộ phim ra mắt năm 2003 có lẽ là tác phẩm điện ảnh đặc biệt trong sự nghiệp diễn xuất của NSƯT Trần Lực. Năm đó, NSƯT Trần Lực tròn 40 tuổi, đúng với số tuổi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên phim. Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong là phim hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, do đạo diễn Khắc Lợi - Viên Thế Kỷ thực hiện.
Trong phim, nam nghệ sĩ vào vai Tống Văn Sơ - bí danh được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sử dụng nhằm tránh mọi tai mắt của thực dân Pháp và chính quyền Anh khi hoạt động tại Hong Kong, giai đoạn 1930 - 1931. Tài trí, kiên định cùng với sự giúp đỡ của một số đồng chí người Trung Quốc cũng như luật sư Loserby, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua mọi thủ đoạn của kẻ thù, trở về nước, tiếp tục hoạt động cách mạng.
|
Tạo hình của nghệ sĩ Trần Lực trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong |
Kể về thời điểm đóng Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, NSƯT Trần Lực nhớ nhất những ngày tháng ông cùng đạo diễn Khắc Lợi đi đến từng bảo tàng có tư liệu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thu thập thêm thông tin. “Ngày đó, không nhớ tôi và đạo diễn Khắc Lợi đã đi đến bao nhiêu bảo tàng, xem bao nhiêu thước phim để có những hiểu biết nhất định về cuộc đời lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Chúng tôi cũng có dịp gặp các nhân chứng sống đã cùng làm việc, gặp gỡ Bác để nghe họ kể những câu chuyện có thật về Người. Đến bây giờ, tôi vẫn thấy bản thân may mắn khi được thể hiện hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc” - NSƯT Trần Lực cho biết.
Anh nói, càng nghe, càng xem nhiều tư liệu về Nguyễn Ái Quốc, càng thấy Bác là một người sống giản dị, nhân hậu, yêu thương mọi người. Nhưng đằng sau lối sống chân phương, đôn hậu ấy là một trí tuệ hơn người, luôn nghĩ cho dân, cho nước.
“Để hoá thân vào vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tôi không cảm thấy nhiều áp lực vì sau khi đọc và xem qua tư liệu về Bác, tôi thấy để thể hiện được nhân vật, hãy thật tự nhiên, giản dị như cách sống của Người. Nếu áp lực hay căng thẳng, tôi sẽ không thể diễn được. Tôi từ tốn hơn trong cách đi đứng, nói năng, khác với các vai diễn trước đó của mình rất nhiều” - NSƯT Trần Lực chia sẻ thêm.
|
Nghệ sĩ Trần Lực tìm hiểu kỹ nhiều tư liệu về Bác để đảm bảo thể hiện đúng tinh thần của Người. |
17 năm sau khi phim ra mắt, nghệ sĩ Trần Lực nói vẫn có ý kiến cho rằng anh chưa thật giống khi hoá thân vào vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhưng: “Tôi và những người thực hiện Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong đều mong chuyển tải được tinh thần, cách sống giản dị và những hoạt động của Bác trong giai đoạn này. Có thể, ngoại hình chưa thật giống Bác là điểm chưa thuyết phục nhưng tôi tin, tinh thần và những yếu tố thuộc về nội tâm Người, tôi đã thể hiện tốt”.
NSƯT Thanh Điền: Dấu ấn khó quên với vai diễn Bác Hồ
NSƯT Thanh Điền cũng góp phần vào danh sách những vai diễn ấn tượng về Bác trên sân khấu. Ông may mắn có đến 2 lần được thể hiện hình tượng Bác Hồ trong 2 vở diễn: Đêm trắng (đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) và Dấu xưa (đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc). Thành công sau 2 vai diễn đặc biệt trong cuộc đời làm nghề, NSƯT Thanh Điền luôn được tín nhiệm chọn thể hiện hình tượng Bác trong các tiết mục ca nhạc, trích đoạn... vào những dịp kỷ niệm đặc biệt.
“Những nhân vật lịch sử thường rất khó thể hiện, để lấy được tình cảm của khán giả càng khó. Nghệ sĩ phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, trước hết để thể hiện đúng, sau đó thuyết phục người xem. Với riêng tôi, áp lực khi nhận vai Bác là có, nhưng không đến từ khán giả, mà trước hết là việc thể hiện sao cho đúng, khắc hoạ rõ nét tinh thần, khí chất của Người” - nghệ sĩ Thanh Điền chia sẻ.
|
Nghệ sĩ Thanh Điền trong vai Bác Hồ trên sân khấu. Theo ông, đây là vai diễn khá đặc biệt trong sự nghiệp của mình. |
Thời gian đầu, để hoá thân vào nhân vật Bác Hồ, nghệ sĩ Thanh Điền thường mất khoảng 4-5 tiếng làm việc với chuyên viên trang điểm nhằm khắc hoạ tỉ mỉ diện mạo của Bác. Về sau, khi nắm được những điểm mấu chốt, nam nghệ sĩ tự trang điểm cho mình, đây cũng là điều thú vị của nghệ sĩ Thanh Điền khi đảm nhận vai diễn này.
Nhưng theo ông, điều quan trọng nhất vẫn là việc thể hiện được tinh thần dung dị của Bác, dẫu trong những hoàn cảnh khác nhau. Đêm trắng kể lại thời kỳ Bác ở chiến khu Pác Bó đầy gian khổ, còn Dấu xưa là lúc miền Bắc trong giai đoạn khôi phục kinh tế, phát triển xã hội.
"Đảm nhận hình tượng Bác Hồ trong những giai đoạn khác nhau, nhưng trong những câu chuyện về Người, điều chung nhất tôi cảm nhận được là sự cần kiệm, liêm chính và lối sống giản dị, chan hòa, gần gũi với mọi người. Đó là những bài học giá trị tôi luôn tự nhắc mình trong cuộc sống hàng ngày" - NSƯT Thanh Điền bộc bạch
Trung Sơn - Minh Tú