Sân khấu kịch cà phê Sài Gòn 1975 (Q.1, TP.HCM) rất nhỏ và cách ghế khán giả chỉ một bước chân. Vậy mà Quỳnh Hoa khiến khán giả cùng cười cùng khóc với những cảm xúc thay đổi liên tục.
Vở kịch ngắn Sau 20 năm đã cho Quỳnh Hoa cơ hội thể hiện từ cô gái trẻ mơ mộng đến một người phụ nữ miền biển bỗ bã nhưng lặn sâu bên trong là nỗi đau. Cô gái sinh năm 1991 đã làm chủ được sân khấu một cách đáng nể - dù chẳng phải diễn viên chuyên nghiệp.
|
Quỳnh Hoa và gia ình tại buổi ra mắt phim Bà nông dân gia lòng Sài Gòn |
Quỳnh Hoa nói, giá mà luôn có được những vai diễn hay để cô hóa thân trong những tối cuối tuần thì sẽ hạnh phúc biết bao. Hoa không học qua trường lớp sân khấu điện ảnh (chuyên ngành của cô là Quản trị nhà hàng-khách sạn, Đại học HUTECH), những vai diễn đều được thể hiện bằng bản năng cảm thụ riêng. Vậy nhưng gần như vai nào cũng để lại ấn tượng - dù là trong các dự án phim ngắn hay phim điện ảnh.
Nhiều người vẫn nói trong nghệ thuật, thành công còn phải nhờ phần nhiều vào may mắn. Mà may mắn chỉ mới đến với Quỳnh Hoa một lần, là cơ hội tham gia phim Sai Gon Yo! (đạo diễn Stephane Gauger, bộ phim cũng mang về cho Quỳnh Hoa giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc giải Cánh diều 2011).
Lần thứ hai chạm ngõ điện ảnh với vai Sáo trong phim Nước - 2030 (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) - vai diễn mà Hoa nói là thử thách cao nhất của cô tính đến thời điểm này. Nhưng bộ phim ghi dấu ấn ở các liên hoan phim nước ngoài này lại không được công chiếu rộng rãi ở Việt Nam.
“Bốn năm trước tôi hào hứng chia sẻ thông tin, hình ảnh về phim. Hy vọng càng lớn thì thất vọng càng đầy. Đến giờ thì tôi không còn mong đợi gì nữa, có lẽ đó là tiếc nuối lớn nhất trong suốt chặng đường làm nghề của tôi” - Quỳnh Hoa tâm sự. Hiện tại, cô nhận lời tham gia đóng phim ngắn, các dự án cộng đồng bên cạnh công việc chính của một dancer (giảng dạy và dựng bài nhảy theo yêu cầu).
|
Quỳnh Hoa và mẹ trong ngày quay phim ngắn Ni nào dành cho em? |
Quỳnh Hoa 26 tuổi, vẫn còn trẻ để được xem là “tuổi lập nghiệp”. Nhưng ít ai biết cô đã “ra riêng” và hoạt động nghệ thuật từ năm 16 tuổi. “Ngày ấy không có suy nghĩ gì nhiều về những cạm bẫy hay thử thách mà sau này người ta vẫn thường nghĩ về showbiz, tôi quyết định sống riêng để được thỏa sức làm điều mình thích. Quan trọng là tôi tin mình có thể làm được. Đến giờ nhìn lại, tôi vẫn không tiếc nuối với những gì đã chọn, dù cuộc sống tự lập có những lúc chông chênh vô cùng” - Quỳnh Hoa nhớ lại.
Nhà Hoa có sáu anh chị em, không ai theo nghệ thuật. Mẹ cô làm thợ may, không muốn con gái đi theo con đường “hào quang, dễ sa ngã”. “22 ngày tôi quay phim Sai Gon Yo! là ngần ấy thời gian mẹ bên cạnh chăm lo, mẹ cứ sợ tôi gặp chuyện gì chẳng lành trong môi trường nghệ thuật. Nhưng đi theo rồi mẹ mới yên tâm rằng showbiz có người này người khác, tốt hay xấu đều là do lựa chọn của mình. Ngày tôi còn bé, cả nhà sống ở Vũng Tàu, nghèo lắm. Có những lúc thèm bánh mà chẳng có tiền, sau này tự lập tôi luôn nhắc mình rằng phải chăm chỉ làm việc, phải lo được cho cuộc sống của mình. Chỉ có như vậy mới có được cảm giác bình an, hạnh phúc. Nếu cuộc sống thiếu thốn thì sẽ chẳng có gì tròn vẹn, kể cả tình yêu” - Quỳnh Hoa chia sẻ.
Hoa trưởng thành hơn nhiều so với nhiều gương mặt trẻ lớn lên từ sự bảo bọc chu toàn của gia đình. Cô lặng lẽ tự quyết mọi con đường của bản thân. Đam mê với những vũ điệu thì cô quyết liệt lựa chọn, dù có bị xem là “nổi loạn; mặt khác lại luôn ý thức được việc hoàn thiện bản thân và phải thi đại học.
Cô âm thầm nộp đơn, chú tâm ôn luyện - dù từng có “thành tích” suýt bị đuổi khỏi trường cấp III vì “tội” thường xuyên bỏ học đi... nhảy. Vừa dạy nhảy kiếm tiền vừa đi học, nhưng từ khi nhận được tấm bằng cử nhân chuyên ngành đến giờ, cô vẫn chưa một lần được sử dụng.
“Tôi từng tìm việc và được nhận vào làm, nhưng cái cảnh ngày làm tám giờ thật kinh khủng. Tôi yêu sự tự do của mình, chỉ đắm mình trong không gian nghệ thuật, đó mới thật sự là con người của tôi. Chuyên ngành học với những kỹ năng quản lý, giao tiếp… được ứng dụng vào môi trường làm việc mà tôi lựa chọn. Mọi trải nghiệm đều quý giá để tôi chinh phục dần những mục tiêu của đời mình” - Quỳnh Hoa nói.
Những điều Hoa muốn làm rất nhiều, như cảm giác của một người đang men theo sườn dốc cứ ngẩng nhìn đỉnh núi. Con đường đến đỉnh cao ấy chẳng bao giờ là dễ dàng, Hoa bảo cô cũng sẽ không nói trước về những dự định. Cứ âm thầm làm để xem giới hạn của mình tới đâu. “Chỉ cần được sống với nghệ thuật thì cho dù là ở chân núi, sườn núi hay lên đến đỉnh núi đều là một phần diễm phúc”.
Hoa ít khi buồn, những đố kỵ hay hiểu lầm nhận về cũng đã dần quen với khái niệm “nhận diện và chấp nhận”. Nếu buồn bã lắm, cô chỉ gọi điện cho ba và nói: “Ba ơi con buồn!”. Thế là cha con “gặp nhau, nhâm nhi vài ly, ngà ngà say và huyên thuyên đủ chuyện rồi cười như nắc nẻ, nhẹ nhàng cảm nhận sự yên bình, rồi khoác vai nhau về”. Chỉ vậy thôi. Nỗi buồn của con gái được giải quyết một cách giản đơn và đáng yêu từ sợi dây tình thâm của người mà Hoa mô tả “không có nói gì với mình cả, cứ im im vậy mỗi khi mình về nhà”.
Những cánh cửa đều mở ra cho mọi giấc mơ. Thời điểm nào Quỳnh Hoa cũng ý thức được thế mạnh và vị trí của mình. Quan trọng là thái độ sống và cống hiến. Giao vai nhỏ hay lớn cô cũng đầu tư hết mức, vai đẹp lộng lẫy hay xấu tệ thì cô cũng phải làm cho ra.
Đã từng đóng vai một cô gái trẻ trung đầy sức sống yêu giai điệu trong Sài Gòn Yo!, đến một phụ nữ tuổi 40 tảo tần bất hạnh đi tìm bí mật cái chết của chồng trong Nước - 2030; rồi đến cô gái mù, bà vợ lòe loẹt mồm năm miệng mười trong các phim ngắn Nơi nào dành cho em? và Bà nông dân giữa lòng Sài Gòn, hay vai diễn nội tâm đa chiều trên sân khấu kịch… Điều Quỳnh Hoa luôn làm được là sự hóa thân trọn vẹn vào các nhân vật.
Khi xuất hiện trước ống kính, trước khán giả, một Quỳnh Hoa xinh đẹp trẻ trung biến mất, thay vào đó là từng phận người hiện lên. Đỉnh núi - có lẽ còn cần Hoa một đoạn dài thời gian để chinh phục, nhưng cũng như câu nói mà cô luôn yêu thích, rằng: “Gõ cửa, cửa sẽ mở!”.
Song Giang