Có lẽ, cái gốc nhà nông vẫn còn hằn rất sâu trong tâm khảm của Quý Bình dù nay, anh đã là người của showbiz, của hào quang và những danh vọng. Anh thích những điều bình dị, yêu cuộc sống gần gũi với những người xung quanh. Sau nhiều năm sống với nghề, Quý Bình nhìn mọi thứ một cách dễ chịu hơn. Và cũng sau ngần ấy thời gian đó, anh đang thực sự muốn có được một điểm tựa bình an, một gia đình nhỏ khi đã bước sang tuổi 35. Dẫu vậy, anh vẫn cười bảo duyên số cũng phải do trời chứ không phải người cứ muốn là được.
|
Quý Bình |
Ký ức những mùa tết xưa vẫn đẹp dù không đủ đầy
* Những ngày khó khăn trong quá khứ, có còn ám ảnh anh hay không?
- Tôi vẫn chưa quên những ngày đó. Tôi còn nhớ mãi cảnh mẹ phải đi vay tiền đóng học phí cho chúng tôi và bị người ta chửi mắng. Gia đình làm nông, có 9 con nhưng cha mẹ đều cố gắng cho ăn học thành tài. Ở thời điểm đó, việc này gần như là không tưởng. Hai bên nội ngoại, gia đình tôi là duy nhất ăn học thành tài. Ngày đó, anh em tôi một buổi đi học, một buổi ra đồng, cắt lúa mướn, cắt cỏ, chăn bò... để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống.
* Những ngày tết xưa cũng như thế mà không trọn vẹn?
- Những mùa tết trong quá khứ với anh em chúng tôi chưa bao giờ đủ đầy về vật chất, nhưng không thiếu tình cảm, sự hạnh phúc. Tôi hạnh phúc may mắn vì mình đã từng trải qua tuổi thơ như thế. Tôi không giấu giếm và luôn sẵn sàng chia sẻ. Nếu được sinh ra trong một gia đình giàu có từ nhỏ, có lẽ đã không có Quý Bình ngày hôm nay.
Có một năm, đến đêm 30 tết cả nhà tôi vẫn còn quần quật ngoài ruộng vì chưa xong việc. Năm này, mẹ tôi cũng phải chắt chiu lắm mới mua được cho cả 9 anh, chị, em đồ mới, nhưng lại bị mất trộm hết. Gia đình tôi đã khó khăn, lại phải nhìn người khác ăn tết trong sự đủ đầy thì không thể nào không chạnh lòng. Nhưng nhờ những điều như thế, anh chị em tôi mới biết yêu thương quý trọng lẫn nhau, và luôn hướng về gia đình lớn dù hiện tại, ai cũng đã có hạnh phúc riêng.
* Một gia đình sống quây quần bên nhau, ắt hẳn sẽ có những điều thú vị khi tết đến xuân về...
- Ngày 30 tết, dù đang ở nơi đâu thì các anh, chị, em của tôi đều quy tụ về nhà để quây quần nấu bánh chưng, bánh tét, làm dưa chua, khổ qua hầm... Ngày này, cả gia đình phải luôn luôn có mặt đầy đủ. Vào tối mùng 2, đại gia đình khoảng hơn 30 người sẽ quy tụ trước sân để hát, tổ chức cho các bé thi vẽ tranh, viết câu chúc tết. Từ lớn đến nhỏ đều tham gia. Sau đó, từng gia đình sẽ xếp hàng, con cháu lì xì cho cha mẹ. Chính vì thế, mọi người rất thích đến gia đình tôi vào ngày này. Tôi cũng thường hay chia sẻ khoảnh khắc này với khán giả thông qua mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ ao ước được đến gia đình tôi vào ngày này. Nhận show ngày tết, tôi đều để dành ngày 30 và mùng 2.
Cha mẹ từng nói với chúng tôi rằng không có nhiều ruộng đất như dì dượng, cô bác nên đều cô gắng cho các con mỗi đứa 1 cái đầu, khôn nhờ dại chịu. Ngày còn khổ cực, chúng tôi đã yêu thương, đùm bọc nhau như thế thì không có lý do gì để lúc đã ổn định, khá giả lại bỏ đi những truyền thống tốt đẹp như vậy. Chúng tôi duy trì để con cháu về sau này vẫn còn biết, còn nhớ và thực hiện tốt.
* Một đứa con nổi tiếng có được ưu tiên hơn các anh chị em trong gia đình vào ngày tết hay không, chẳng hạn như không cần làm việc nhà...
- Tôi nghĩ ngược lại hoàn toàn. Tôi phải làm khá nhiều việc khi trở về nhà trong những ngày này vì bình thường đã đi nhiều. Tôi cần phụ giúp cha mẹ nhiều hơn để ông bà đỡ cực trong những ngày bận rộn này. Thường, các anh chị em sẽ mở gian hàng bán ngoài chợ vào dịp tết để tăng thu nhập. Tôi sẵn sàng ra đó để bán cùng mọi người. Gia đình đã sử dụng hình ảnh của tôi khá tốt trong việc tiếp thị sản phẩm. Tôi mà ra sạp bán thì các sạp còn lại phải chịu thua luôn vì người dân tụ lại rất đông. Với tôi tết như vậy mới ý nghĩa chứ không phải những chuyến du lịch xa nhà hay đến những nơi hào nhoáng, sang trọng.
Video clip Quý Bình hát Đón xuân này nhớ xuân xưa:
- Hiện tại, cuộc sống đã đủ đầy nhưng không khí tết thường được cho là không còn như xưa. Nếu cho anh quay trở lại những ngày ấu thơ đó...
- Bây giờ, gia đình tôi vẫn có không khí ấm áp của ngày xưa, nhưng dĩ nhiên có khác nhiều. Mỗi dịp quây quần bên nhau, anh em chúng tôi đều nhắc nhớ về khoảng thời gian cực khổ đã qua nên hầu như chưa bao giờ quên được. Nhưng để có được ngày tết của hôm nay, cũng bắt nguồn từ nền tảng của những cái tết ngày xưa, khi còn thiếu thốn. Được sống trong một gia đình như thế thì dù ngày xưa hay ngày nay thì với tôi vẫn là những cái tết trọn vẹn.
Bức tranh về ký ức vẫn là màu hồng rất đẹp, dù có những khó khăn, thiếu thốn. Nhưng trong đó, nếu chịu khó lật giở ra sẽ có những lớp màu đen, màu xám của đồng ruộng, của sự lam lũ đã qua đi.
Tôi không dám nói mình là người thật thà, hiền lành hay quá tốt bụng
* Diễn chung với bạn nữ nào, xoay quanh anh cũng xuất hiện những chuyện tình cảm ngoài lề, vậy có bao nhiêu phần trăm cảm xúc thật được mang lên màn ảnh?
- Cảm xúc trên phim là thật hoàn toàn, vì nếu bạn diễn giả, diễn dở thì chẳng ai buồn xem. Hơn nữa, trong những cảnh tình cảm như thế, diễn viên nam nên là người chủ động. Tuy nhiên, việc tiết chế cảm xúc dành cho bạn diễn sau khi bước ra khỏi khung hình mới là quan trọng. Cảm xúc dành cho nhân vật và cho bạn diễn, với tôi đều được phân định rạch ròi. Một diễn viên mà để cảm xúc lẫn lộn giữa thực tế và màn ảnh thì chắc chắn không có bản lĩnh.
Tôi may mắn khi từ truyền hình đến điện ảnh, đều chưa lặp lại bạn diễn nữ hay ê-kíp nên sự thích nghi với cái mới khá nhanh. Có chăng, khán giả mong mỏi những câu chuyện tình từ màn ảnh đó bước ra đời thật. Còn tôi, luôn cố gắng không mang chuyện phim giả tình thật để tạo ồn ào. Đặc biệt, khi hoàn thành phim Có bao giờ yêu nhau, khán giả của Minh Hằng và của tôi đều hỏi và mong mỏi bao giờ hai đứa sẽ thành đôi. Nhưng tôi với Minh Hằng chỉ yêu nhau trong phim và dừng lại tại đó. Việc khán giả cảm nhận được chuyện tình trong phim đẹp, nghĩa là tôi đã thành công, và không mong gì hơn thế.
* Một diễn viên đã có dấu ấn ở màn ảnh rộng, có nên quay về màn ảnh nhỏ?
- Phim điện ảnh là cách để minh chứng cho tài năng diễn xuất, nhưng mảnh đất này rất giới hạn khán giả. Trong khi đó, lượng khán giả truyền hình rất đông, thị trường rất rộng. Với tôi, thị phần khán giả lại nằm ở những miền quê nhiều hơn nên truyền hình là con đường dễ nhất để đến với họ. Tuy nhiên, thời gian qua tôi có kha khá dự án điện ảnh và tham gia cả âm nhạc nên chưa thể trở lại với truyền hình.
Cũng có nhiều kịch bản và lời mời nhưng tôi muốn khi trở lại sẽ không phải là hình ảnh một Quý Bình nghèo khổ, đáng thương hay đóng những vai chân chất, tội tội trên màn ảnh. Làm nghệ thuật, mục tiêu vẫn là phục vụ khán giả. Một người nghệ sĩ lớn sẽ sẵn sàng và không bao giờ từ chối những sân khấu nhỏ. Việc này phụ thuộc vào bản chất của người nghệ sĩ.
* “Quý Bình không đẹp như trên màn ảnh”, “Quý Bình ăn ảnh chứ nhìn ngoài cũng không đẹp lắm”... Anh nghĩ gì khi nghe những lời nhận xét này?
- Tôi đã nghe nhiều và đón nhận những ý kiến khen chê đó một cách tự nhiên, thoải mái. Một diễn viên mà không ăn ảnh thì chắc chắn rất khó để làm nghề. Trên sân khấu, tôi chải chuốc bao nhiêu thì ngoài đời lại bình dị, gần gũi bấy nhiêu. Tôi muốn khán giả nhìn mình thật nhất. Có thể, tôi không đẹp, không có ngoại hình bắt mắt nhưng tôi luôn biết thế mạnh của mình ở đâu. Bên cạnh những lời chê như thế, vẫn có người bảo tôi ở ngoài trẻ hơn trong phim, đẹp hơn. Nên mọi thứ đều tuỳ thuộc vào sự cảm nhận riêng của mỗi người.
Có những lần trên sân khấu ca nhạc, tôi chải chuốt bóng bẩy, khán giả nhận ra ngay tôi không còn là tôi nữa. Tôi cũng thấy mình dần trở nên xa rời họ hơn. Mọi thứ hào quang tôi để lại trên sân khấu để khi bước ra đời thật, tôi là một Quý Bình mà mọi người có thể nhìn cận, nhìn rõ từng chân tơ kẽ tóc. Tôi không có nhu cầu để người khác có những cái nhìn ảo tưởng hay không thật về mình.
* Khán giả mặc định rằng họ có quyền biết về đời tư của anh, vì anh đã là một người nổi tiếng, điều này có hợp lý không?
- Trước đây tôi từng quan niệm khi làm nghệ thuật, hãy để khán giả biết và nhớ đến bạn thông qua sản phẩm, còn chuyện đời tư ai cũng có và muốn giữ cho mình. Nhưng liệu như vậy có quá ích kỷ với khán giả hay không khi họ thực tâm có quan tâm đến mình. Về sau này, tôi dần mở lòng mình ra hơn nhưng chỉ trong chừng mực nào đó. Khi mở lòng quá, họ dễ xao nhãng và không còn quan tâm đến chuyện mình làm. Phải thừa nhận rằng những chuyện xoay quanh cuộc sống của người nổi tiếng giúp hình ảnh của họ có thêm màu sắc hơn.
Không ngại để người phụ nữ thấy tôi yếu lòng hay rơi nước mắt
* Đã bao giờ khán giả hay gia đình anh phải tiếc cho chuyện của anh và Lê Phương không thành?
- Chuyện tôi và Phương giờ chỉ còn là quá khứ. Bây giờ, mỗi người đã có cuộc sống hạnh phúc rồi nên cứ nhắc lại sẽ không hay, làm xáo trộn cuộc sống của mỗi người. Tôi và Phương, cũng như chồng Phương đều là những người bạn tốt của nhau. Hiện tại, tôi cũng đã tìm hiểu một người mới. Nếu sống mà không yêu thì cuộc sống sẽ mất đi rất nhiều cảm xúc quý giá.
* Người phụ nữ đi bên cạnh anh sẽ là người cá tính, độc lập hay người nữ tính, hiền dịu để anh chở che?
- Tôi sợ những người luôn tỏ ra yếu mềm. Tôi không muốn người phụ nữ đi bên cạnh mình lúc nào cũng làm nũng, nhõng nhẽo, điều gì cũng cần người đàn ông che chở. Tôi không cần người phụ nữ quá đẹp, hay quá giỏi, chỉ cần đủ bản lĩnh, tự tin để tự xoay sở, những lúc không có tôi bên cạnh. Tôi chờ mong cô ấy sẽ là người sống nội tâm và có thiên hướng hướng về gia đình, như chính tôi. Tôi đã là người của công chúng, công việc phải đi suốt mà nếu người bạn đời không có thiên hướng về gia đình, xây dựng tổ ấm thì chắc chắn không hạnh phúc.
- Nhưng, như anh, còn đâu thời gian để anh dành cho một nửa của mình?
- Thước đo của sự quan tâm không phải là thời gian. Không phải chỉ khi ở bên cạnh nhau mới là yêu thương. Chúng ta có nhiều phương tiện để thực hiện được điều này. Những khi không gặp mặt thì một tin nhắn, một cuộc gọi rằng em ngủ chưa, em ăn gì chưa hay em đang làm gì vẫn đủ, nếu xuất phát từ trái tim. Đừng lấy lý do về thời gian hay khoảng cách mà giải thích cho những điều ích kỷ như vậy. Nếu cứ nghĩ rằng khi có gia đình nhỏ, không còn quan tâm cho gia đình lớn và ngược lại thì chắc rằng gia đình tôi đã không còn những cuộc họp mặt cuối tuần thường xuyên như hiện tại. Khi đã có ý muốn gắn kết với bất kỳ ai, tôi nghĩ họ đã là một phần của gia đình mình nên cũng không có lý do gì để phân biệt, so tính thiệt hơn như thế.
- Những khi họp mặt gia đình, đã bao nhiêu lần ba mẹ anh khuyên rằng “Con đừng phòng không gối chiếc nữa”?
- Gia đình tôi có 9 anh, chị, em. Dưới tôi còn 2 em nhưng các em đều đã lập gia đình, có 2 con. Tuy nhiên, mẹ lại có suy nghĩ khá tiến bộ, ủng hộ tôi tiếp tục con đường nghệ thuật, khi nào cảm thấy cần một người gắn kết thành gia đình thì tính đến chuyện trăm năm. Nhưng năm nay, cha tôi đã hơn 70 tuổi rồi. Ông thường bảo rằng chỉ khi uống được rượu mừng của tôi mới yên lòng. Đây cũng là điều khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Niềm vui, sự tự hào tôi mang về cho gia đình vẫn chưa thực sự trọn vẹn khi còn vắng một người bên cạnh. Tôi cũng đang chờ mong chỗ trống đó sẽ sớm được lấp đầy trong những lần họp mặt gia đình tới đây.
* Người yêu của anh đã biết được điều này chưa? 1 năm, 2 năm hay 3 năm nữa chỗ trống đó sẽ được lấp đầy?
- 1, 2 năm nữa tôi nghĩ sẽ là quá dài và quá xa. Năm nay, tôi đã 35 tuổi, đã đến lúc biết sống cho bản thân mình. Tôi thực sự muốn xây dựng gia đình vào thời điểm này, và đã có kế hoạch từ lâu. Duyên thì đã có nhưng nợ chẳng biết thế nào. Nếu mình muốn mà trời không cho thì đành chịu. Hiện tại, tôi đã có nhà riêng, xe riêng, sự nghiệp ổn định nên hoàn toàn thoải mái cho việc kết hôn.
Nhưng chuyện tình cảm của tôi cũng chỉ mới bắt đầu nên chưa thể chia sẻ nhiều hơn. Khi nào có tin vui, tôi sẽ thông báo. Mùa tết năm nay, tôi cũng chưa dám đưa người yêu về nhà ra mắt do còn khá mới. Thành viên trong nhà con cháu, anh chị lại rất đông nên họ dễ bị khớp. Có thể, đi chậm nhưng phải chắc chắn.
* Anh sẽ là trụ cột gia đình, sẽ lo tài chính, gánh vác trên vai trách nhiệm nặng nhất khi bước vào cuộc sống hôn nhân chứ?
- Tôi nghĩ người đàn ông nào cũng mong ước điều này, làm tròn vai trò và trách nhiệm, nhưng đừng quá bảo thủ. Chúng ta không thể chia sẻ cho bất kỳ ai, tự làm khổ mình và khiến người muốn gắn kết với chúng ta cũng dễ rời xa mình. Khi đó, dù bạn là cột nhà vững đến đâu thì mái nhà cũng xiêu vẹo. Vai trò này người đàn ông nên làm, nhưng vẫn cần sự san sẻ của người phụ nữ.
Tôi không ngại chia sẻ khi gặp những sự cố trong cuộc sống, cũng chẳng sợ người phụ nữ thấy tôi ở những phút yếu lòng hay rơi nước mắt. Ở đời, ai dám chắc chúng ta mãi mãi thành công, thuận lợi. Sẽ có lúc chúng ta phải dựa vào người phụ nữ của mình, cần họ sẻ chia ngược lại. Nhưng đến hiện tại, chỉ có mẹ là người duy nhất tôi chia sẻ được hết những nỗi niềm. Mẹ từng chứng kiến tôi khóc khi một số lần tôi gặp khó khăn, bế tắc trong công việc.
- Xin cảm ơn anh!
Bài, ảnh: Thuỵ Khuê