Năm 1993, khi lần đầu tiên tiếp xúc với cô gái vừa đạt giải Hoa khôi Điện ảnh này, tôi từng nghĩ rằng cô quá mỏng manh, yếu ớt. 23 năm trôi qua, khi nhiều người đẹp thế hệ của cô và cả sau cô đã ngừng nghiệp diễn, lui về với gia đình, chồng con thì Thanh Mai vẫn còn là một cái tên được nhắc tới, một khuôn mặt khiến nhiều người trầm trồ ngưỡng mộ. Quả thật là 23 năm sau, cô vẫn thế, cao ráo, mảnh mai, gương mặt thanh tú… Nhưng những gì cô đã làm được, đạt được trong suốt thời gian ấy đã chứng minh một điều: cô không hề quá mỏng manh, yếu ớt. Sức mạnh, sự dẻo dai, bền bỉ của cô gái ấy quả thật đã làm nên một vẻ đẹp bất chấp thời gian.
|
Diễn viên, người mẫu Thanh Mai |
* Là diễn viên múa balê, diễn viên điện ảnh, MC, người mẫu thời trang, nữ doanh nhân… còn việc gì mà Thanh Mai muốn làm nhưng chưa làm được không?
- Có lẽ tôi là một người may mắn. Tất cả những gì tôi ước mơ từ ngày còn nhỏ, cho đến hôm nay đều đã làm được. Hồi bé chỉ có ước mơ lên truyền hình, học balê và tôi cũng đã lên truyền hình từ rất sớm, đã theo học balê chuyên nghiệp tới bảy năm. 10 tuổi tôi bắt đầu mở hàng cà phê với mong muốn có thêm chút thịt cá trên mâm cơm cho bốn đứa em, thì bây giờ tôi đã làm được nhiều điều giúp ba mẹ mình, giúp các em có cơ ngơi, sự nghiệp.
* Người ta bảo “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhưng Thanh Mai tham gia khá nhiều lĩnh vực, làm nhiều nghề và ở lĩnh vực nào chị cũng thành công...
- Đúng là tính ra tôi làm nhiều nghề thật, và tất cả mọi công việc đều cùng lúc song song với nhau. Chỉ có điều mỗi giai đoạn tôi ưu tiên cho một việc nào đó nhiều hơn và trong lĩnh vực nào tôi cũng có những thành công nhất định. Với nghề múa balê tôi đã có hàng trăm show diễn, có huy chương vàng với tiết mục múa Con công; trong nghề người mẫu tôi cũng tham gia hàng trăm buổi biểu diễn, quảng cáo.
Tôi đã đóng khoảng 200 tập phim, có những bộ phim ghi dấu ấn như Cô thủ môn tội nghiệp, được giải Bông sen bạc. Trong kinh doanh, tôi được vinh danh trong tốp 50 Nữ lãnh đạo toàn cầu, tốp 100 Phong cách doanh nhân. Doanh nghiệp của tôi không phải quy mô, nhưng tôi nghĩ là mình cũng góp phần định hình một phong cách doanh nhân trong thời đại mới.
* Đã hơn 20 năm từ sau giải thưởng Hoa khôi Điện ảnh, thế nhưng sắc đẹp, sự trẻ trung, vóc dáng của chị gần như không thay đổi. Giữ cho mình được vẻ đẹp ấy chắc phải mất nhiều công sức?
- Thật ra ngày nay tôi biết cách làm đẹp và hài lòng về mình hơn 20 năm trước rất nhiều. Nếu quên tuổi tác đi, tôi thích mình hôm nay hơn ngày xưa. Giữ được vẻ đẹp không phải là điều quá khó. Điều đầu tiên là tôi vốn mê thể thao, tôi tập luyện nhiều để giữ vóc dáng. Tinh thần của tôi hết sức lạc quan, thanh thản và bình yên, không xét nét, không khó khăn với người, với cuộc đời. Tôi luôn quan niệm đừng đòi hỏi, kỳ vọng nhiều thì sẽ không bị thất vọng. Tôi ăn ngon, ngủ yên, không phiền muộn, giận hờn ai. Nếu có ai đó không tốt với mình, tôi nghĩ rằng họ có lý do để xử sự như vậy. Tôi tránh đi và tìm người khác đồng hành.
Riêng về việc chăm sóc, tôi nghĩ rằng phụ nữ giai đoạn nào cũng phải quan tâm và làm việc đó thường xuyên. Ngày còn trẻ, da mặt tôi rất xấu, hay nổi mụn. Tôi từng đi chữa mụn nhiều lần, nhưng mụn cứ hết rồi xuất hiện trở lại. Năm 1997, tôi quyết định đi Pháp học ngành thẩm mỹ tại Viện bào chế Simone Mahler Paris, trước tiên là để chữa da mặt của mình. Năm 20 tuổi, tôi mở thẩm mỹ viện đầu tiên. Đến bây giờ tôi đã có ba thẩm mỹ viện có uy tín ở TP.HCM và Hà Nội. Tôi đầu tư hàng chục tỷ cho máy móc công nghệ làm đẹp và là người được hưởng chúng đầu tiên.
* Thông thường phụ nữ không thích nói về chuyện mình làm đẹp bằng công nghệ, kỹ thuật… Thanh Mai không ngại điều đó sao?
- Con người ta già hay trẻ là do gen. Lão hóa là chuyện đương nhiên, cũng như sinh, lão, bệnh, tử, chỉ có sớm hay muộn, nhanh hay chậm mà thôi. Với những gì đã học, tôi tin rằng công nghệ cao có thể giúp cho phụ nữ giữ được vẻ đẹp lâu dài. Đúng là có nhiều người không thích nói rằng mình phải bỏ tiền ra để chăm sóc vẻ đẹp. Họ thường nói họ đẹp do… cà chua, dưa leo. Tôi là người làm lâu trong lĩnh vực thẩm mỹ bằng công nghệ không xâm lấn, không gây tổn thương, không phẫu thuật… Tôi có thể nói mình là một minh chứng cho việc áp dụng công nghệ làm đẹp.
* Không chỉ chú trọng đầu tư, quan tâm, chăm sóc cho vẻ đẹp ngoại hình của mình, Thanh Mai là người rất chú trọng đến việc học. Hình như trong giới của mình, thời đó, chị là người đầu tiên có bằng MBA ngành kinh tế. Điều gì khiến chị bỏ công, bỏ sức cho việc học đến như vậy?
- Là người làm nghệ thuật, vẻ đẹp rất quan trọng. Nhưng tôi cũng hiểu rất rõ, để làm nên sự quyến rũ thật sự của một phụ nữ thì cần phải có tri thức, sự từng trải và điều đó chỉ có thể có bằng cách học. Với hai bằng đại học, một bằng thạc sĩ, tôi đã mất đến hàng ngàn tiếng đồng hồ trên giảng đường mà nếu như dành thời gian đó để đi ra ngoài, tìm kiếm cơ hội thì chắc là tôi có thể có những điều may mắn hơn.
Nhưng tôi kiên định với con đường của mình. Tôi không dành thời gian để tụ tập, la cà và mừng là học xong tôi đi làm được, áp dụng kiến thức vào công việc của mình. Bây giờ tôi còn được mời đi dạy và rất tự tin với công việc mới, bởi tôi vừa có lý thuyết, vừa có thực hành. Tôi muốn những gì mình dạy thiết thực với người học, để ra đời, các sinh viên của tôi có thể làm được những gì họ muốn làm, giống như tôi ngày xưa.
Ngày nay người ta nói nhiều về quyền bình đẳng nam nữ, tôi nghĩ khi ta đòi hỏi bình đẳng thì trước tiên phải làm sao để mình được tôn trọng, mình có vị thế, có chỗ đứng trong xã hội, đứng được trên đôi chân của mình, không là cái bóng của ai cả.
* Thành công trong nghệ thuật, trong kinh doanh, còn trong cuộc sống riêng, Thanh Mai vẫn đang là một bà mẹ đơn thân. Với bạn, liệu đó có phải là một thất bại không? Vì sao quá lâu như vậy mà Thanh Mai không “đi thêm bước nữa”?
- Ngày nay, phụ nữ làm mẹ đơn thân không còn là vấn đề. Với tôi, cha mẹ, anh chị, con cái là định mệnh, là điều không thể thay đổi, nhưng vợ chồng, bạn bè, tri kỷ là chọn lựa. Nếu chọn sai thì bỏ đi, chọn lại. Chẳng nên vì những sai lầm mà khắc nghiệt với chính bản thân mình. Quan trọng là chia tay nhau xong thì làm sao có thể lo cho con đầy đủ mà thôi. Tôi là một phụ nữ khá tự tin về khả năng tài chính và ngoại hình.
Tôi có nghề nghiệp, công việc, sự nghiệp ổn định vững vàng. Tôi biết cách làm đẹp, chăm sóc, giữ gìn vẻ đẹp của mình. Tất cả những điều đó phần nào là một trong những rào cản khiến tôi khó đi thêm bước nữa: bởi tôi biết cách làm hài lòng cuộc sống của mình và nhất định nếu không gặp người phù hợp thì không lập gia đình lần nữa. Xung quanh, những phụ nữ như tôi cũng nhiều nên tôi chẳng thấy mình lẻ loi.
* Từ những quan niệm sống, phấn đấu và nỗ lực ấy, có thể thấy Thanh Mai hoàn toàn không phải là người mỏng manh như dáng vóc xinh đẹp của chị?
- Tôi mềm mại, mỏng manh nhưng cũng rất mạnh mẽ. Có lẽ cá tính này bắt đầu từ tuổi thơ tập luyện balê. Để đứng được trên một đầu ngón chân và múa đòi hỏi một ý chí, nghị lực kinh khủng. Múa balê là lao động khổ sai. Chính vì thế mà ngày xưa học bổng gạo, thực phẩm của học sinh múa chúng tôi hơn hẳn các ngành khác. Thế mà tôi đã học bảy năm, vắt kiệt sức với tập luyện, học văn hóa, thanh nhạc… Lao động trở thành thói quen, tôi không sợ bất cứ việc gì. Tôi có thể tự xây nhà cửa, không ngán ngại những công trình xi măng cốt thép, điện nước và cả những máy móc kỹ thuật, công nghệ.
* Nhan sắc có, tài sản có, biết cách tự làm cho mình hạnh phúc… Thanh Mai còn mơ tới điều gì nữa không?
- Theo học thuyết Nhu cầu cơ bản của Maslow thì con người có năm nhu cầu: thứ nhất là đủ cơm ăn áo mặc, thứ hai là an toàn, thứ ba là nhu cầu có vị trí trong xã hội, thứ tư là được tôn trọng, thứ năm là nhu cầu hoàn thiện (hôm nay phải tốt hơn hôm qua và ngày mai phải hơn hôm nay). Tôi nghĩ mình đang ở mức nhu cầu thứ năm. Nghĩa là tôi đã hài lòng với những gì mình có về vật chất, và để có được hạnh phúc, tôi chỉ muốn con người mình được hoàn thiện hơn.
* Có mẹ là một người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, thành đạt, con gái Thanh Mai chắc cũng phải là một công chúa?
- Tôi không muốn con mình mất đi sự bình yên. Cháu lớn lên bình thường như những đứa trẻ ở tuổi mình. Tôi không để cháu biết rằng mẹ mình có nhiều tiền hay không. Tôi không chiều chuộng cháu, càng không mua đồ hiệu cho con. Có lần cháu nói: “Mai mốt con lớn, mẹ cho con xài đồ Chanel như mẹ nhé”. Tôi trả lời là nếu con học giỏi, là bác sĩ, kỹ sư, giảng viên đại học, con có thể xài đồ hiệu. Vậy con phải phấn đấu cho vị trí của mình đi đã.
* Cám ơn chị đã chia sẻ.
Song Văn (thực hiện)