Bạn bè bao người xinh đẹp “dáng chuẩn” nhưng cũng phải bỏ nghề, còn Ngọc Lan thì “mập trường kỳ” mà chưa bao giờ thiếu cơ hội.
“Nói nhiều người nghe mà hết hồn, chứ hồi năm 20 tuổi tôi đã nặng… 67kg. Mập vậy ai dám nghĩ sẽ thành diễn viên được. Vậy mà số phận run rủi thế nào mình không thể biết trước” - ngồi trong góc quán cà phê, Ngọc Lan cười thật tươi khi gợi nhớ một thời tuổi trẻ của mình. Khuôn mặt “mập nhưng phúc hậu”, “tươi mà đanh đá dữ dằn” của chị đã rất quen với khán giả sân khấu và màn ảnh từ nhiều năm qua.
Tuy nhiên, đó lại không phải là vai chị thích nhất: “Gọi là nhân vật có số phận mà tôi tâm đắc thì phải là vai bà Quý trong phim Tay chơi miệt vườn”. Nhưng dù là bà Tươi hay bà Quý thì cũng đều là những nhân vật mãi ở lại trong dấu ấn làm nghề của Ngọc Lan.
Chuyên trị vai phụ, nhưng kỳ lạ, nếu không phải hài hước thì cái sự “bà chằn” của chị trong những vai diễn cũng thật khó quên. Khán giả nhớ chị nhất là với vai bà Tươi trong phim Tam nam vẫn phú (ĐD Lê Quang Hưng, 2009). Lối diễn hài như không khiến phân đoạn nào có chị là người xem được cười thoải mái.
Không chỉ người lớn, khán giả nhí cũng rất yêu “cô mập” qua những vai chị đóng trong các phim truyện cổ tích. Mỗi lần nhận vai, dù lớn hay nhỏ, trong một kịch bản tổng thể như thế nào, chị đều gắng làm tốt nhất có thể phần việc của mình. Nhờ tinh thần đó mà phần-của-Lan-mập trên phim đều ít nhiều có gì đó đọng lại trong lòng khán giả.
“Thời đó diễn viên mập chỉ có ba người thôi, ngoài cô Mai Thanh Dung và chị Hoàng Lan thì có thêm Lan “mập”. Lúc thi vào trường Nghệ thuật sân khấu (nay là ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM), tôi đóng vai bà già trong một tiểu phẩm hài. Ra trường, tôi cũng được giao vai mẹ hoặc những vai bé bự, vui vui tưng tưng. Tôi đã xác định mình không đẹp, không thể đóng đào đẹp, nên ai mời vai nào tôi cũng nhận, không kén chọn, chỉ với một tiêu chí là đã nhận thì phải làm thật tốt cho nhân vật của mình” - Lan “mập” chia sẻ.
Chị vừa hoàn thành vai diễn mới, “rất mưu mô gian xảo” trong phim Kẻ giấu mặt - trong series phim hình sự 1.100 tập Hồ sơ lửa và tiếp tục ghi hình các phân đoạn hài trong bộ phim sitcom Gia đình là số một, Đàn ông sau năm giờ. Giờ tuy không khó tìm vai diễn như ngày trước, nhưng thử thách lại khác do những thay đổi trong cách làm phim truyền hình.
“Nhiều lúc xem lại thấy phim dở cũng buồn, nhưng biết làm sao được, mỗi người đều cố gắng cho phần của mình, thành công hay không còn phải tùy vào tổng thể. Có những phim tôi nhận lời chỉ vì tình cảm với anh em đồng nghiệp. Một hai phân đoạn cũng nhận. Thuở mới vào nghề, vai diễn được khen đầu tiên của tôi cũng chỉ có hai phân đoạn” - chị nhớ lại. Đó là vai bà mẹ miền Tây trong phim Bình minh châu thổ. Chị vẫn nhớ, đóng xong còn được ĐD Châu Huế khen: “Ơ, cái con bé này diễn như không diễn vậy!”.
|
Ngọc Lan và chồng, con |
“Hồi tôi còn nhỏ, má hay dắt đi coi cải lương. Có khi đi coi ngày hai suất. Tôi mê cải lương lắm, nghĩ có thi thì cũng vào cải lương mà học. Nhưng tôi không có hơi, nói thì lảnh lót vậy chứ ca lại không được. Nghĩ lại, tôi chỉ thấy có lẽ cánh cửa của định mệnh vô hình đã mở ra cho tôi bước vào nghệ thuật, chứ làm diễn viên đâu phải do tôi lựa chọn. Nếu buổi chiều hôm ấy không mưa, chị gái không dừng trú ngay trước bảng thông báo tuyển sinh của trường, thì không biết bây giờ tôi đang ở đâu, làm gì” - Ngọc Lan cười.
Số phận là điều không ai có thể lý giải. Sau này, các bạn trẻ “nặng ký” còn có nhiều cơ hội làm nghệ thuật, chứ ngày xưa mập là một rào cản lớn. Chị đã làm nghề theo mong ước của cha mẹ ngày xưa, nhưng hai đấng sinh thành đều đã nhắm mắt xuôi tay trước ngày con gái xuất hiện trên sân khấu, màn ảnh. Có lẽ đó cũng là một phần trong hai từ “định mệnh” mà chị thường nhắc đến trong suốt thời gian trò chuyện.
Đóng phim vất vả mà vui, chị nói, nhưng nghe hỏi sau này có muốn hướng con gái theo nghề của mẹ không thì Lan lắc đầu quầy quậy. Hình như ai đã trải qua con đường dài gian nan và lắm thị phi của làng giải trí đều có cùng một nỗi sợ vô hình như thế.
Con gái chị mới học lớp 5, mỗi khi phim mẹ đóng lên sóng thì thế nào đi học về cô bé cũng có chuyện kể cho mẹ nghe, rằng “mình thấy mẹ bạn trên ti vi nè”, “mẹ bạn dữ” hay “mẹ bạn ghê quá ha…”. Chị nói, bao nhiêu năm qua chị cũng cố giảm cân mà “giảm hoài chẳng được nên thôi luôn”.
Nhưng đổi lại, nhờ mập mà duyên nên khán giả dễ nhớ và luôn nhận ra chị. “Có hôm ra chợ mua hai cái quần short, cô bán hàng nhận ra bèn tặng thêm cái áo, còn nhiều hơn cả tiền mua quần. Cô nói, tặng áo vì mến chị, coi chị hoài trên ti vi nay mới gặp ngoài đời. Tình cảm của khán giả trong những lần tình cờ như vậy đã tiếp thêm cho mình niềm vui và động lực làm nghề” - chị kể.
|
Ngọc Lan trong một chương trình truyền hình |
Có lần về miền Tây đóng phim, thấy có người mang cả thúng ổi, rồi bánh tét ra tặng đoàn mà thương. Không phải là diễn viên đi đâu cũng có “fan”, nhưng Ngọc Lan bảo, chỉ cần những tình cảm dung dị như vậy là lòng người nghệ sĩ đã ấm áp lắm rồi. Cái nghề này nhìn hào quang vậy chứ lắm khi cũng bạc. Bạc từ thuở mới ra trường dò dẫm làm nghề thường bị bắt nạt cho đến khi tuổi già nhường chỗ lại cho những thế hệ tiếp sau.
“Tôi xuất thân là người của sân khấu, nhưng nói thật, giờ không dám đi xem kịch vì sợ thấy sân khấu sẽ nhớ nghề. Cũng tám năm rồi tôi chỉ đi phim, bên sân khấu biết ai còn nhớ ai đã quên mình rồi” - chị cười buồn. Ngọc Lan hay cười, như cách chị nói, sống giản đơn, cười mỗi ngày cho mọi thứ vui vẻ tích cực.
Hồi mới ra trường đi đóng vai quần chúng cả ngày, đến 9-10 giờ đêm bưng cơm hộp ngồi ăn vẫn thấy vui. Rồi cả nhóm - toàn những người đã thành danh bây giờ - rủ nhau đi làm văn nghệ quần chúng, thông tin lưu động, vất vả thiếu thốn kiểu gì cũng hăng hái tích cực.
“Cái thời máu lửa, nhắc lại là nhớ. Chúng tôi hay đùa, thôi coi như bọn mình nếm mật nằm gai chờ thời. Khó khăn vậy nếu ai không chịu nổi thì chuyển hướng. Mừng là mình còn trụ lại với nghề đến bây giờ. Coi như yêu nghề, nghề không phụ. Mà không biết nếu mình chuyển hướng luôn thì giờ cuộc sống có khi… giàu hơn cũng không chừng” - chị lại đùa.
Tiểu Quyên