Lâu nay, nhắc đến Sùng A Lùng, người ta vẫn nói nhiều về câu chuyện giới tính thứ ba qua bộ ảnh gây sốt Daydreamers - Những kẻ mộng mơ của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi về cuộc sống của những người đồng tính. Mặc dù Sùng A Lùng chẳng giấu giếm con người thật của cậu nhưng với riêng tôi, hành trình cậu bé người H’Mông đi từ bản làng xa xôi ở miền núi phía Bắc đến thánh đường nghệ thuật hấp dẫn hơn nhiều.
Tôi còn nhớ gần đây có vài câu chuyện đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho mình. Một là hình ảnh cô gái dân tộc Ê-đê đến từ buôn làng Tây Nguyên, tóc tém, da nâu, quần âu sải bước tự tin trên sàn catwalk của một trong năm cuộc thi nhan sắc danh giá nhất hành tinh. Hai là chuyện thầy Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng trường tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) và hành trình đưa cậu bé Đinh Văn K’Rể người dân tộc H’Rê bị căn bệnh “người lùn đầu chim”, 10 tuổi nhưng chỉ nặng chưa đầy 4kg, được đến trường tìm cái chữ như các bạn.
Và năm 2017 là năm trên thánh đường Nhà hát TP.HCM, chàng trai người H’Mông Sùng A Lùng, quê ở tận huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đốn tim khán giả với vở múa đương đại đầy tính tự sự về cuộc đời mình - tác phẩm Ru đêm, được biên đạo Nguyễn Phúc Hùng và Nguyễn Phúc Hải phát triển từ chính tác phẩm đoạt huy chương vàng tại cuộc thi Tài năng biên đạo trẻ toàn quốc năm 2016 của Lùng.
Ba câu chuyện gắn với những con người, những câu chuyện, ở những miền đất khác nhau; thế nhưng, bằng một cách nào đó đã hấp dẫn tôi về những “tiểu tự sự”, về giá trị thiểu số được cất tiếng. Chính khát vọng không ngừng vươn lên của họ đã để lại một thông điệp sâu sắc về tính đa dạng văn hóa, tôn trọng sự khác biệt.
Mới đây, tại Liên hoan nghệ thuật Krossing Overs diễn ra ở TP.HCM, tôi gặp lại Sùng A Lùng với cái đầu nấm… rất H’Mông. Là Sùng A Lùng, không thêm không bớt. Cũng không phải là một nghệ danh nửa tây nửa ta nào đó cho hợp xu hướng. Và một lần nữa, câu chuyện Ru đêm được phát triển một cách táo bạo, mới mẻ hơn thành Cánh cửa bởi sự hợp tác của biên đạo Nguyễn Phúc Hùng, Sùng A Lùng, nghệ sĩ thị giác Sandrine Llouquet.
“Cánh cửa gắn với ngôi nhà ký ức trên núi, khi mở cửa ra thì sẽ thấy thế giới rộng lớn. Cánh cửa là nơi chứng kiến những bước chân đầu tiên của tôi, cho đến khi gặp được chính mình, một cô gái mang thân hình một người con trai… Cánh cửa cùng tôi khóc - cười, cùng tôi đi qua thời thơ ấu cho tới khi tôi lớn lên và đi xa, thực hiện ước mơ của mình. Cánh cửa cũng là nơi khi tôi đi rồi, ông bà tôi ở lại, núi rừng, những mùa hoa dại nở rộ cũng ở lại”, Sùng A Lùng nói về Cánh cửa. Lùng còn giải thích, trong tiếng H’Mông, “cánh cửa” có nghĩa là “Lub Qhov Rooj”.
|
Trừ tà do Sùng A Lùng biên đạo và biểu diễn, đoạt giải C Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM lần 5 - Ảnh: Hoàng Trung Thủy |
Sùng A Lùng sinh năm 1993, tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Diễn viên múa tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội năm 2010. Sau khi ra trường, Lùng công tác tại Nhà hát Nghệ thuật đương đại tới năm 2014 thì chuyển vào TP.HCM và là diễn viên của Đoàn Vũ kịch, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM.
Ngoài Giải vàng tại cuộc thi Tài năng biên đạo trẻ toàn quốc năm 2016, năm 2017, Sùng A Lùng còn đoạt giải C trong Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM lần năm với tác phẩm múa Đuổi tà. Lùng từng tham gia nhiều tác phẩm của nhà hát này như: Ru đêm, Cô bé Lọ Lem, Cô bé búp bê, Kẹp hạt dẻ, Cây nỏ thần, Mái nhà, Cafe Sài Gòn... Anh đang tập luyện cùng đồng nghiệp, chuẩn bị cho vở múa Kiều, sẽ gặp lại khán giả TP.HCM trong thời gian tới.
14 tuổi, hở ra là khó vì nhớ nhà
Phóng viên: Tới thời điểm hiện tại, có lẽ Sùng A Lùng là diễn viên múa người dân tộc thiểu số duy nhất được nhiều người biết đến hoặc ít ra được nhắc đến nhiều trên truyền thông. Bạn đã đi một chặng đường như thế nào để đến được thánh đường nghệ thuật - Nhà hát Thành phố?
Diễn viên múa Sùng A Lùng: Tôi vốn là đứa hay nhìn về quá khứ. Khi nhỏ đi học, tôi hay nhìn lại con đường mình đã đi. Lớn lên, đi xa, tôi lại nhìn về nguồn gốc, quê hương giờ đây đã xa tít tắp. Và giờ nhìn lại, tôi thấy mình đã làm được những điều mình muốn: có một cuộc sống vừa đủ và được làm công việc yêu thích, đúng với ước mơ của mình. Giờ biết nói sao cho hết những chặng đường mình đã đi qua. Quá nhiều câu chuyện, quá nhiều kỷ niệm, đi cùng đó là hạnh phúc sướng vui lẫn nhiều nước mắt. Chỉ biết rằng để đến được đây, tôi đã cố gắng rất nhiều.
* Có một thực tế, cuộc đời của phần lớn người dân tộc thiểu số thường gắn chặt với núi rừng từ đời này qua đời khác; trong đó, không ít người bỏ học sớm rồi lập gia đình. Vì sao Sùng A Lùng lại khác?
- Ngoài nỗ lực của bản thân, có lẽ, tôi là người may mắn khi có ông bà ngoại, cậu ở bên. Chính vì sự hiện diện của họ trong đời sống mà tôi luôn cảm thấy biết ơn và lúc nào cũng phải tự nhủ mình phải cố gắng, có thế, mới không phụ lòng họ.
Hồi còn bé, chúng tôi học ở gần nhà nhưng được dạy theo dạng bổ túc, cấp tốc, mấy tháng xong một lớp nên học xong cấp I, trẻ con chẳng biết gì cả. Gia đình thấy thế quyết định chuyển tôi xuống lớp một năm một lớp, cách nhà 20km đường núi, phải trèo đèo lội suối mới đến được trường. Ngày đầu tiên, ông ngoại với bố đưa đi; sau này tôi tự đi với các bạn, các anh, cũng có lúc đi một mình. Ở bán trú một tuần tôi mới về thăm nhà một lần, chơi với em được hơn một ngày rồi lại trèo đèo, lội suối, cuốc bộ qua mấy quả núi về trường với 10 bát gạo sau lưng. Lớp Hai cũng là thời gian tôi bắt đầu cuộc sống tự lập, tự nấu ăn, giặt quần áo, vào rừng kiếm rau, lấy củi, xuống suối bắt cá. Ngày đó, suốt tuần tôi chỉ mặc một bộ quần áo, hết tuần về thăm nhà mới thay bộ khác.
Lớp Bốn, tôi lên huyện học; quãng đường từ nhà tới trường xa hơn nên mỗi năm tôi chỉ về nhà hai dịp là hè và tết. Tôi học ở đó cho tới hết năm lớp Tám, Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội) về Lai Châu tuyển sinh. Thấy cháu hay tham gia văn nghệ ở trường, ông ngoại đăng ký cho tôi thi và may mắn trong số 4/35 thí sinh trúng tuyển lúc đó có tên Sùng A Lùng.
* Khi đó, Sùng A Lùng đã có ý niệm gì về múa chưa?
- Chưa hề. Ông bà muốn cháu đi học, mình thương ông bà thì mình đi thôi. Khi đó, tôi không biết học múa thì sẽ học gì, ra trường làm gì. Mãi sau này, khi có thời gian gắn bó đủ lâu, tôi mới hiểu hơn về nó. Tôi nghĩ, múa đã chọn mình, để rồi, giờ đây chợt nhận ra đó cũng là ước mơ của mình. Ngôn ngữ múa giúp tôi biểu đạt một cách hoàn thiện cảm xúc tâm hồn. Giờ mà không múa, có khi lại… chẳng quen. Khi múa, tôi được thư giãn, được hóa thân vào nhiều cuộc đời, nhiều câu chuyện, kể cả chuyện của mình.
* Xuống Hà Nội học chắc là chuyến xa nhà nhất mà Lùng từng đi? Hà Nội lúc đó trong mắt bạn thế nào?
- Ngày tôi xuống Hà Nội học, ông bà yếu nên chỉ có thể tiễn cháu đến thị xã. Lúc ngồi trên xe, tôi nhìn xuống thấy bà đứng khóc. Thương bà quá. Ngày đó, đường sá giao thông chưa phát triển như bây giờ, ngồi ô tô từ Lai Châu xuống Hà Nội mất 12 tiếng. Xuống đến nơi, tôi thấy Hà Nội xa lạ quá. Ở quê thì vắng vẻ, ở đây nhiều xe cộ, lắm người, ồn ào tấp nập. Ở quê toàn nhà lợp tranh, Hà Nội lại toàn nhà cao tầng. Cậu tôi đưa đến trường nhận phòng, khi cậu về, tôi khóc và chỉ muốn theo cậu về lại nhà. Khi đó, tôi chưa hình dung được học múa là học gì, học như thế nào. Mọi thứ rất mơ hồ. May mắn lúc đó, ở trường, có người bạn cùng quê. Một tháng đầu, chưa quen môi trường, hai đứa nằm ngủ cứ hở ra là khóc vì nhớ nhà. Lúc ấy, tôi mới 14 tuổi…
|
Sùng A Lùng (x) cùng các bạn diễn trong một tác phẩm của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM - ảnh: HBSO |
Cô đơn là bình thường
* So với Hà Nội, TP.HCM ồn ã hơn, dễ làm con người cảm thấy lạc lõng hơn. Sùng A Lùng có thứ cảm xúc đó?
- Tôi nghĩ, không chỉ Sùng A Lùng mà đó là cảm giác của rất nhiều người, kể cả những người sinh ra ở thành phố này. Thậm chí, họ cảm nhận được điều đó rõ hơn những người khác vì họ sinh ra ở đây nhưng lại cảm thấy cô đơn ngay trên chính mảnh đất của mình. Đôi lúc tôi cũng tự hỏi, có phải khi người ta càng lớn, hình như nỗi cô đơn ngày càng lớn theo, hay càng phát triển, càng hiện đại, con người càng dễ cô đơn trong những tòa cao ốc kín mít. Không phải tôi không yêu nơi này nhưng nói cho cùng, tôi cũng chỉ là người nơi khác, ký sinh, cộng sinh ở đây mà thôi. Thế nên chuyện cô đơn cũng là bình thường.
* Thế khi nào cô đơn không phải là chuyện bình thường?
- Chắc khi chia tay người yêu, mất mát, lừa dối hoặc bị bỏ rơi. Cũng không biết tại sao nhưng tôi lúc nào cũng có cảm giác ở thời này, người ta tìm đến nhau dễ dàng nhưng rời bỏ nhau cũng chóng vánh. Buồn vậy thôi nhưng lúc đó tôi không đổ lỗi cho ai, cũng không ghét mảnh đất này mà nhìn lại bản thân. Tôi học cách thỏa hiệp. “Không sao cả”, “mình có thể chịu được”, “thôi bỏ đi” - tôi đã vượt qua những khó khăn, cay đắng bằng những câu tự nhủ với lòng như vậy.
* Sống tự lập từ bé, đi qua bao chặng đường, khó nhọc, Sùng A Lùng mới đến được ngày hôm nay. Theo suy nghĩ thông thường, bạn phải mạnh mẽ hơn chứ?
- Ngay từ nhỏ, tôi đã là một người rất yếu đuối. Trước mặt mọi người, tôi luôn tỏ ra mạnh mẽ và xem đó là vỏ bọc an toàn cho mình. Khi về nhà, đóng sập cửa, tôi lại về với chính tôi, một đứa yếu đuối. Nhưng tôi chỉ yếu đuối trước bản thân. Cái thời còn dùng điện thoại “cục gạch”, mỗi lần gọi điện về cho bà, chưa nói gì, mới nghe giọng bà thôi, tôi đã khóc. Bây giờ có smartphone, hai bà cháu mở “facetime”, bà thấy cháu thì khóc nhưng tôi thì không. Tôi không muốn khóc trước mặt bà.
Vẫn H'Mông lắm!
* Ở TP.HCM 5 năm, sợi dây gắn kết Sùng A Lùng với quê hương, nguồn cội thế nào? Nhìn bạn bây giờ giống trai thành phố hơn là trai H’Mông đấy…
- Chị nhìn vậy thôi nhưng tôi vẫn H’Mông lắm đấy. Tôi vẫn sống ngu ngơ chân thật, hoang dại và bản năng lắm. Vẫn là một Sùng A Lùng quê mùa, dễ bị lừa, cả tin của ngày nào. Ở TP.HCM nhưng mỗi lần gọi điện hoặc về nhà, tôi vẫn nói tiếng Mông. Mỗi khi đứng trên sân khấu, tôi vẫn liên tưởng tới rừng núi, cây cỏ, hoa lá; nhớ những buổi làm ruộng đông vui, những buổi nhặt bùn, đi chăn trâu...
Cảm giác như ấu thơ vẫn còn quanh đây. Tôi nhớ ra mình đã từng đứng trên những quả đồi này, đi qua những quả đồi kia, gió thổi ra sao, cảnh đẹp thế nào, ông bà mình cười ra làm sao. Những điều đó tạo thành sức mạnh, năng lượng để tôi múa. Đó có lẽ là những ngày tháng “rực rỡ” nhất của cuộc đời tôi. Lâu lâu, đi đâu, có dịp phù hợp, tôi vẫn mang bộ đồ dân tộc H’Mông theo để mặc, giới thiệu văn hóa của đồng bào tôi với các bạn. Quê tôi giờ thay đổi nhiều nhưng mỗi lần về, tôi vẫn sống lại những ký ức hồi nhỏ, gợi nhiều cảm xúc, cho tôi nhiều cảm hứng để làm nghệ thuật.
* Không chỉ quê bạn mà ở nhiều nơi, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đang bị phai nhạt dần dưới sự tác động của quá trình đô thị hóa và “Kinh hóa”. Nhìn thực trạng đó, tâm trạng của bạn thế nào?
- Buồn chứ. Rõ nhất là ngôn ngữ. Ở quê tôi bây giờ, người H’Mông nói chuyện với nhau bằng tiếng Kinh nhiều hơn tiếng H’Mông. Riêng lứa trẻ sinh năm 2000 trở đi, không còn biết tiếng của đồng bào mình nữa. Biết nói tiếng Kinh được xem là mốt. Ai nói được nhiều tiếng Kinh sẽ được cho là giỏi, thông minh; vì nói thế thì đi chợ sẽ không bị “chặt chém”. Tôi luôn nói với những đứa em của mình: “Bây giờ mấy đứa về nhà ấy, nói tiếng nhà mình đi, đừng nói tiếng Kinh. Tội lắm”.
Tôi không phải là người thích hô hào kêu gọi người quê mình phải gìn giữ văn hóa thế này thế kia. Trong phận sự của mình, phạm vi của gia đình mình, tôi nghĩ tôi làm tốt việc của mình. Ngôn ngữ là cái gốc của mình. Tôi yêu thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi nên tôi muốn gìn giữ nó như một phần thiết thân của mình. Mình làm tốt phần của mình đã, thì mới nói những chuyện khác được. Và tôi hy vọng nếu mỗi người đều làm tốt phần mình, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Tôi cũng không có ảo tưởng rằng những nét đẹp văn hóa của dân tộc tôi sẽ trường tồn nhưng ít ra, giữ được 5 phần, 8 phần vẫn phải giữ.
Lớn lên, đi xa rồi nhìn lại, tôi mới thấy không nơi nào hay và đẹp bằng dân tộc mình, mới hiểu điều gì là quan trọng với mình. Thật buồn khi những người ở quê lại đang cố gắng thoát ly khỏi nền văn hóa đó. Mà hình như, tình trạng đó ở đâu cũng thế. Người ta chưa có cơ hội để hiểu rằng, càng đi xa, càng đi nhiều, càng có xu hướng muốn quay về gốc gác của mình, cố gắng gần với nó nhất. Nhưng khi đó, có lẽ chẳng còn cái gì nữa. Tôi cảm thấy tiếc nuối…
* Cảm ơn bạn đã chia sẻ.
Lúc còn nhỏ, tôi được bảo bọc trong vòng tay và tình yêu thương của ông bà. Sau này, chỉ có tôi đi ngày càng xa, bóng dáng ông bà ngày càng nhỏ lại nơi núi rừng đó. Người ta nói, càng trưởng thành, được nhiều mà mất mát cũng lắm, có phải thế không? Đôi lúc nhìn lại, tôi chợt nhận ra thời gian mình ở bên ông bà không còn nhiều nữa. Mỗi lần về quê, bà vẫn kéo tôi vào góc tâm sự, tỉ tê, rằng Sài Gòn xa quá, thôi không về quê cũng được nhưng về Hà Nội đi, để trước khi bà mất còn biết đàng mà trăng trối. Rằng, thôi lớn rồi, lấy vợ đi con. Bà nghe người ta nói cháu bà là người đồng tính nhưng bà không hiểu đồng tính là gì, chỉ biết ở quê, đến tuổi thì dựng vợ gả chồng...
Diễn viên múa Sùng A Lùng
|
Đậu Dung (thực hiện)