edf40wrjww2tblPage:Content
PV: Thời đại đề cao ý thức cá nhân, người ta hay lặp đi lặp lại khái niệm “giá trị bản thân” khi nhắc đến người phụ nữ. Là một nghệ sĩ múa khá thành công, có phải chị cũng đang theo đuổi hoặc xây dựng một giá trị nào đó?
Diễn viên múa Linh Nga: Tôi nghĩ, giá trị không phải là điều người ta phải xây dựng, hoặc phải chạy theo. Nếu khuyến khích người phụ nữ bỏ bớt những trách nhiệm, nguyên tắc lạc hậu để chạy theo một giá trị nào, dù là giá trị của bản thân, thì cũng là bỏ một gánh nặng này để mang một gánh nặng khác.
Theo tôi, giá trị bản thân luôn tiềm tàng, hoặc lẩn khuất đâu đó trong người phụ nữ, đằng sau những chồng chéo của áp lực đời thường. Chúng ta không phải chạy theo, cũng không phải cố gieo trồng mà chúng ta nhìn thấy, nuôi lớn, và khẳng định nó. Giá trị của mỗi người sẽ hiển lộ khi mọi sở thích, đam mê của họ được thỏa mãn.
* Có thể hiểu rằng, mọi nỗ lực và thành công trong quá khứ và hiện tại là một cuộc phát lộ giá trị bản thân của chính Linh Nga?
- Có thể hiểu như vậy. Nhưng ngoài những tiếng nói sâu xa của bản ngã, tôi quan tâm nhiều hơn đến hành trang ấu thơ nơi một người phụ nữ. Trẻ thơ và chín muồi, giai đoạn này cứ đổ bóng lên giai đoạn kia trong cuộc đời của một người đàn bà. Cái mà một người đàn bà đeo đuổi, nhiều khi lại xuất phát từ những gì tuổi thơ họ đã mơ, đã hướng về. Vì thế, tiếng nói của quá khứ, của trải nghiệm lắm khi còn quyền lực hơn cả mệnh lệnh sâu xa nơi bản ngã một người đàn bà; kiểu như, bước chân này lại thôi thúc bước chân kia.
* Vậy, tuổi thơ đã nói gì với Linh Nga?
- Tuổi thơ tôi tràn ngập những đêm diễn của mẹ, của ba, và những cuộc chuyện trò về nghệ thuật. Chưa kịp biết mình thích gì thì nghệ thuật múa đã đi vào trong tôi, và tôi dành trọn vẹn tuổi thơ mình để lao động, đắm chìm, và ước mơ về nó. Với những gì tôi đã làm, đã trải qua, múa không chỉ là đam mê, nó còn là trách nhiệm với tuổi thơ, với truyền thống gia đình - như một sứ mệnh.
* Những mơ ước thời thơ trẻ thường mang dáng dấp của một cuộc thoát ly nào đó, bởi giấc mơ trưởng thành thường chính là giấc mơ tự do. Nhưng, có vẻ như với Linh Nga thì điều đó ngược lại?
- Vững vàng cũng là một tư thế của tự do. Giấc mơ của tôi là có thể trưởng thành trong nghệ thuật múa và đứng vững trên đôi chân mình. Lẽ thường, khi bắt đầu thành công trong sự nghiệp, hoặc khi bước vào hôn nhân, phụ nữ thường bị cuộc sống riêng tư cuốn trôi khỏi gia đình, cha mẹ, khỏi những hoài bão thuở thiếu thời. Sự thoát ly ấy là tự nhiên. Thế nhưng, tất cả những điều ấy là khởi thủy, mà cũng là điểm tựa suốt đời của sức mạnh tiềm tàng nơi một người phụ nữ. Rời bỏ cội nguồn ấy, người ta sẽ dễ chênh vênh, mất phương hướng khi gặp trở ngại trong cuộc đời.
Mà, hạnh phúc của người phụ nữ đâu phải lúc nào cũng là sự tự do, một mình một cõi. Như tôi, mỗi lần bước lên sân khấu ở một đất nước xa xôi, nghe người ta gọi tên mình - Đặng Linh Nga, giới thiệu mình đến từ Việt Nam, rồi nhìn xuống khán đài, thấy bố mẹ gương mặt rạng rỡ - tôi nghĩ, đó là những phút giây hạnh phúc nhất đời mình.
* Với ý chí và những dự định nhất quán ấy, có vẻ như thời gian không ảnh hưởng gì nhiều đến chị?
- Tôi lại nghĩ ngược lại. Cũng như mọi cô bé, chìa khóa của mọi ước mơ của tôi hồi nhỏ thường là ông Bụt, hay chiếc túi thần kỳ của Doremon. Nhưng, người phụ nữ hiện đại, trưởng thành thì luôn biết làm sao để phát huy mọi khả năng của mình để đạt được giấc mơ trong một thời gian ngắn nhất.
Thời gian cũng từng buộc tôi phải đưa ra những quyết định quan trọng trong đời. Tháng 9/2012, khi sinh bé Luna, sức khỏe, vóc dáng và sự tự tin trong tôi đều đi xuống. Đứng trước một sự nghiệp đang tạm ngừng lại cùng bao nhiêu áp lực của một người mẹ, tôi được mẹ gỡ rối bằng duy nhất một câu: “Một là nhanh chóng trở lại, hai là từ bỏ”. Tôi giật mình. Tôi không còn lựa chọn thứ 3 - kiểu như, chỉ tạm gác nghệ thuật để chăm con - khi tuổi trẻ chỉ đến một lần và đang dần cạn kiệt. Con được gần hai tháng, tôi trở lại phòng tập. Hơn một tháng sau, tôi trình diễn chương trình Sen, đoạt Kỷ lục Việt Nam, hạng mục chương trình ca múa nhạc dân tộc hay nhất về quốc hoa.
* Dường như, ngoài những ám ảnh thường tình về thời gian như mọi người phụ nữ, chị còn bị thời gian đặt vào một áp lực khác, bằng muôn sự hữu hạn của nghệ thuật?
- Với nghiệp múa, người ta chỉ có thể tỏa sáng khi còn trẻ. Vậy nên, một khi đã cho phép mình ngưng sự nghiệp để chăm con, lúc quay lại, có thể sân khấu, tuổi trẻ và nhiệt huyết đã rời bỏ mình. Tôi nghĩ, lắng nghe được tiếng nói của thời gian cũng là điều quan trọng. Có thời điểm mình là một con chim công, cứ thế xòe cánh, khoe hết những rực rỡ của tài năng, nhan sắc, thanh xuân. Rồi sẽ có thời, khi không còn sức hút nữa, người ta phải lùi lại, chọn một công việc phù hợp, tiếp tục niềm vui sống.
* Và, từ bỏ chiếc túi thần kỳ của Doremon, sự am hiểu về thời gian trở thành chìa khóa thành công của người đàn bà?
- Theo tôi, sự chiêm nghiệm về bước đi của thời gian khiến phụ nữ dễ chấp nhận mọi biến thiên của cuộc đời để có một phong thái tự tại, an nhiên. Mỗi ngày, chúng ta cần soi gương cả dung mạo lẫn tinh thần mình, có những thứ hư hao theo thời gian, có những thứ vì bị bỏ quên mà tàn lụi, có những thứ ta sửa sang, phục hồi được, có những điều ta buộc phải hiểu rằng nó chỉ thuộc về tuổi trẻ. Khi chịu sự bức bách của thời gian ở cả vai trò một người phụ nữ của gia đình và của sự nghiệp, một người nào đó vẫn có thể cân bằng để thành công, thì tôi tin, họ đích thực là một nữ anh hùng.
* Từng nhiều lần tham gia làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, được tiếp cận và cùng đồng hành với nhiều nhan sắc nước nhà, chị nghĩ gì về một người phụ nữ đẹp?
- Làm giám khảo cuộc thi hoa hậu cũng là một trải nghiệm đặc biệt của tôi. Có những thí sinh bắt mắt tôi ngay những phút đầu vì nét mặt hoàn hảo, nổi bật; nhưng càng theo dõi, tôi càng thấy cô gái ấy như một bức tranh tĩnh tại, xa cách. Tôi vẫn tin rằng, cao hơn cả cái đẹp, sự khả ái, thân thiện mới là điều thực sự hấp dẫn nơi một người phụ nữ. Tôi chọn sự khả ái.
* Chị có nghĩ rằng, điều giản dị ấy không phải dễ dàng với mọi người phụ nữ?
- Vẻ đẹp khả ái không phải là món quà thiên phú, nhưng cũng không phải là điều gì cần được dạy dỗ, đào tạo. Nó đến từ sự mở lòng trong từng giây phút sống, để nuôi dưỡng thiện chí hòa nhập với cuộc đời. Nó khởi đi từ đời thường với hàng trăm lần bạn hòa điệu được với cuộc đời bằng việc ăn mặc, nói năng, cư xử sao cho phù hợp.
Tôi thấy hiện nay, người phụ nữ đa năng rất nhiều, nhưng phụ nữ nết na, nhu mì thì rất ít. Chúng ta tiếp nhận văn minh phương Tây. Và sự tiếp thu văn hóa phương Tây đã mang người phụ nữ ra khỏi một mái ấm quẩn quanh, thế nhưng, làm sao chối bỏ được sự kín đáo, ý nhị đã làm đẹp cho phụ nữ Việt Nam bấy lâu nay. Nghĩ về điều ấy tôi lại tiếc nuối.
* Theo đuổi “triết lý” ấy, chị đã làm gì để truyền đạt "di sản nữ tính" cho bé Luna?
- Tôi đưa con đi đến mọi chương trình mà tôi biểu diễn để con làm quen với một nơi trang trọng, đông người. Tôi chỉ cho con ngắm nhìn cách người ta hòa nhập ở một nhà hát lớn, hay bất kỳ một nơi nào hai mẹ con đi qua. Con hơn hai tuổi, tôi bắt đầu dạy cho con tự thắt nơ, và giải thích cho con lý do phải mặc một trang phục nào đó, trong một dịp nào đó. Ở nhà hát, một cô bé thân thiện thì phải biết cùng mọi người giữ im lặng, và vỗ tay khi được thưởng thức một điều gì thật hay trên sân khấu. Tôi hy vọng, mọi điều ấy sẽ vô cùng tự nhiên trong hành xử khi con gái trưởng thành.
Môi trường học tập quốc tế khiến Luna trở thành cô bé rất bộc trực, đôi khi quá thẳng thắn. Vậy nên, trong những cuộc nói chuyện hàng ngày, tôi luôn cố giúp con cảm nhận cảm giác của người nghe trong từng cách nói. Luôn thẳng thắn, nhưng bằng cách mềm mỏng, thân tình, theo tôi, là cách người ta trở thành một cô gái có duyên, người phụ nữ khả ái.
MINH TRÂM
(thực hiện)
Mỗi ngày, chúng ta cần soi gương cả dung mạo lẫn tinh thần mình, có những thứ hư hao theo thời gian, có những thứ vì bị bỏ quên mà tàn lụi, có những thứ ta sửa sang, phục hồi được, có những điều ta buộc phải hiểu rằng nó chỉ thuộc về tuổi trẻ. |