Từ biên đạo múa kiêm dàn dựng chương trình ca múa cho các trường học, đơn vị, cô trở thành diễn viên Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ TP.HCM, rồi biên tập viên, MC của các chương trình truyền hình ca nhạc quốc tế, du lịch, thiếu nhi... Nhưng duyên nợ đưa cô diễn viên tốt nghiệp một lúc hai trường nghệ thuật là Trường Múa TP.HCM và trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM gắn với thiếu nhi có lẽ bắt đầu từ giải thưởng danh giá cho bộ phim ngắn Về quê ngoại tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2010.
|
Cô con gái cưng của cha mẹ |
Những tấm vé đi tuổi thơ
Trúc Thy có sự say mê kỳ lạ với trẻ nhỏ và những chương trình cho thiếu nhi. Cô có thể say sưa kể về một diễn viên nhí trong chương trình Ngôi nhà tuổi thơ. Ánh mắt Thy lấp lánh khi nhắc những kỷ niệm đẹp trong chuyến lưu diễn phục vụ trẻ em nghèo ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định)… Rồi câu chuyện ngắt quãng, giọng Thy trầm lại khi kể về những cô bé, cậu bé phải sống thiếu thốn, thiệt thòi đến mức nhút nhát, mất tự tin. Thậm chí có bé không nhớ nổi tên thật trong giấy khai sinh nên cứ lóng ngóng lúc gọi tên nhận quà.
“Tôi ngỡ như đã thấy một phần tuổi thơ mình ở các bé. Gia đình tôi thuần nông, dù cách trung tâm Sài Gòn chỉ một đoạn đường ngắn và một chuyến phà, nhưng suốt những năm tháng thơ ấu, thành phố như một thiên đường mà tôi không dám mơ đặt chân đến. Mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được xuống phà đi… Sài Gòn mang theo ước mơ mãnh liệt phải làm sao để được nhận vào đội kịch Tuổi Ngọc”, Trúc Thi chầm chậm kể.
Những ký ức tuổi thơ của Trúc Thy dường như khá xa lạ với những gì nhiều người vẫn hình dung về cô. Trên sân khấu, diễn viên-MC Trúc Thy như một nàng công chúa xinh xắn dịu dàng. Gặp Trúc Thy trong đời thường, nhìn nụ cười tươi tắn, hẳn nhiều người dễ liên tưởng đến một cô tiểu thư được ba mẹ yêu chiều, nâng niu. Nhưng thực tế, là chị cả của hai em gái, Trúc Thy không nhớ từ mấy tuổi đã biết lội ruộng vớt tép, hái rau muống, vớt bèo… Học tiểu học, Thy biết nấu cơm, chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà. Nghe thì to tát, chứ chuyện bếp núc khi đó rất đơn giản. Bữa ăn chỉ có cơm và rau luộc, rau xào. Mỗi khi ba đi biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu về, cả nhà mới được ăn cơm cá.
|
Trúc Thy, cô tiên của Ngôi nhà tuổi thơ |
Thy và các em hồn nhiên lớn lên mà không buồn tủi vì trẻ con cả xóm giống hệt nhau. Nỗi buồn lớn nhất của Thy thời ấy là những ngày tháng ba biền biệt ngoài khơi. Nhà còn có bốn mẹ con đếm từng ngày trông ba về. Trái tim nhỏ bé của Thy bao nhiêu lần bị bóp nghẹt mỗi khi nghe tin bão. Có những hôm ngồi bó gối trong ngôi nhà rách, xung quanh là mênh mông nước chỉ sau một trận mưa ngắn, ước mong lớn nhất của Trúc Thy là ba được bình an. Thy nói có lẽ chính những năm tháng đó đã giúp cô thêm yêu những lúc gia đình quây quần bên nhau và thêm động lực để mạnh mẽ trong cuộc sống.
Biết hoàn cảnh gia đình, từ nhỏ, ngoài những nhu cầu cần thiết cho việc học văn hóa, Thy chưa bao giờ xin tiền ba mẹ cho bất kỳ việc gì. Mê đàn hát, nhảy múa nhưng Thy chỉ học lóm khi tham gia các buổi sinh hoạt dành cho thiếu nhi của trường hoặc khu phố. Được trời phú khả năng đặc biệt, Thy học rất nhanh và sáng tạo để biến hóa, kết hợp những động tác, bước nhảy… tạo thành những bài múa theo phong cách riêng. Lần đầu thử tài làm biên đạo múa, cô bé lớp 6 Trúc Thy đã giúp các bạn nhỏ lớp 4 đoạt giải nhất cuộc thi văn nghệ của trường.
“Tiếng lành đồn xa”, Trúc Thy ngày càng được nhiều nơi mời về dàn dựng các chương trình văn nghệ. Nhờ “mát tay”, đa phần các tiết mục do Trúc Thy dàn dựng đều đoạt giải khi tham dự liên hoan, hội thi. Từ năm học lớp 10, “biên đạo” kiêm “đạo diễn” tay ngang Trúc Thy đã có thu nhập đủ để vừa đỡ đần được một phần kinh tế cho ba mẹ, vừa trang trải chi phí học hành và theo học ba ngôi trường tưởng chỉ dành cho con cái những gia đình có điều kiện là SK-ĐA, trường Múa và Nhạc viện TP.HCM.
Biết ơn ngày gian khó...
Khá thành công với vị trí giám đốc một công ty đào tạo nghệ thuật và tổ chức sự kiện, đồng thời cũng là một MC nổi tiếng, nhưng khi rời bỏ công việc, dường như rất khó tìm được ở Thy những “dấu hiệu” của showbiz. Tự lái xe đi làm, nhưng Thy thú nhận cô không rành đường sá ở TP.HCM, trừ những lối quen thuộc Thy phải đi mỗi ngày. Ngoài những lúc phải trở thành hoạt náo viên cho các buổi biểu diễn hoặc tham gia những sự kiện, Trúc Thy nói cô thường thấy mình lạc lõng nơi ồn ào, náo nhiệt.
Xong việc, Thy chỉ thích được sớm về nhà hoặc tìm đến những nơi tĩnh lặng, bởi đó mới chính là thế giới riêng của cô. Ngôi nhà giữa ruộng của gia đình Trúc Thy giờ đã trở thành một trong những vị trí trung tâm của quận 2, đường sá khang trang hơn, cha mẹ giờ đã an nhàn bên cạnh các con... Cuộc sống và rất nhiều điều đã thay đổi, nhưng tính cách, suy nghĩ của cha mẹ cô gần như không đổi thay.
Ngày xưa nhà nghèo rớt mùng tơi, mẹ vẫn giúp đỡ mọi người, có khi quên luôn cả phần của con cái. Phía trước nhà mẹ Thy luôn có lu nước sạch với chiếc gáo gác ngang để “lỡ có ai cần nước sạch”.
Khi cuộc sống dễ thở hơn, mẹ cô sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ ai tìm đến. Nhiều lần thấy lòng tốt của mẹ bị lợi dụng, chị em Thy cũng giận, trách sao mẹ nhẹ dạ, cả tin. Mười lần như một, mẹ chỉ trả lời: “Thấy người ta khổ vậy, mình không giúp thì áy náy lắm. Thôi, thà cứ giúp, còn nếu họ lừa mình, họ sẽ cắn rứt lương tâm!”.
Ảnh hưởng mẹ ở suy nghĩ luôn muốn làm được điều gì đó để giúp những người khó khăn hơn, nhưng Trúc Thy hóm hỉnh khẳng định: “Tôi tỉnh táo hơn mẹ!”. Hơn ai hết, Thy hiểu những khát khao của trẻ em nghèo bởi chính Thy cũng đã từng trải qua những nỗi niềm khắc khoải như chúng. Thy nói, những đứa trẻ kém may mắn ngày hôm nay chính là tuổi thơ của cô ngày xưa. Ký ức của những lần năn nỉ xin người soát vé cho được vào coi “cọp” hoặc he hé màn cửa cho Thy và đám con nít nghèo được ghé mắt coi chút xíu.
Trúc Thy vẫn nghẹn ngào, mắt đỏ hoe khi nhắc những ngày đạp xe từ nhà qua quận 1, cô bé Trúc Thy luôn luôn phải “đấu tranh”: “hoặc mua nước uống cho đỡ thèm, hoặc để dành tiền gửi xe”. Và lần nào nỗi sợ bị mất xe cũng chiến thắng cơn thèm một ly nước mát lạnh. Cũng vì nghèo mà hai lần Thy đành phải bỏ nhóm kịch nửa chừng vì không có tiền đóng chi phí sinh hoạt…
Do tính chất công việc, Trúc Thy thường gắn bó với những cô bé cậu bé vốn được ba mẹ yêu chiều và có đầy đủ điều kiện để thưởng thức những chương trình nghệ thuật hiện đại, hoành tráng, có nhiều cơ hội để phát huy tài năng thiên bẩm. Hạnh phúc theo dõi từng bước tiến của những học trò nhí, nhưng Trúc Thy vẫn cứ đau đáu khát vọng đưa nghệ thuật đến với những đứa trẻ kém may mắn, giúp trẻ em nghèo có cơ hội phát triển tài năng. Sau nhiều nỗ lực, Trúc Thy đã tìm được những nhà tài trợ để cùng cô đưa chương trình Chuyến xe tuổi thơ đến với trẻ em kém may mắn ở nông thôn.
|
Diễn viên - MC Trúc Thy ngoài đời |
“Tôi biết ơn tuổi thơ khó khăn của mình, tôi hạnh phúc với niềm tin mà ba mẹ đã trao cho các con. Tất cả những trải nghiệm đó cho tôi vốn sống, bản lĩnh và cả trái tim nhạy cảm để luôn biết rung động với nhịp đập của cuộc sống” - Trúc Thy cười, nụ cười rạng rỡ hạnh phúc của người đang chạm vào những ước mơ thời thơ ấu.
Thảo Vân