Diễn viên Lương Duyên: Đã trót yêu thì phải theo

27/03/2016 - 10:45

PNO - Không chỉ bền bỉ, Lương Duyên còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của bộ môn nghệ thuật mà cô “phụng thờ”.

Dien vien Luong Duyen: Da trot yeu thi phai theo
Diễn viên Lương Duyên

Tính đến hết năm 2015, diễn viên Lương Duyên đã đi tròn chặng đường 10 năm với sân khấu. Vào nghề ở thời điểm nền kịch nghệ nước nhà gặp nhiều khó khăn, lại không phải là một “cô đào” có nhan sắc nổi trội, tính tình rụt rè, không ai nghĩ lương duyên có thể bền bỉ với nghề như vậy. Không chỉ bền bỉ, Lương Duyên còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của bộ môn nghệ thuật mà cô “phụng thờ”. Bước vào năm thứ 11, ngay từ những ngày đầu xuân 2016, khán giả đã được “thưởng thức” một lương duyên chững chạc trên sàn diễn hai vở kịch khá “hot”: Lan và Điệp (sân khấu Hoàng Thái Thanh) và Giờ của quỷ (sân khấu Hồng Hạc).

* Hóa thân vào hai người phụ nữ có tính cách hoàn toàn khác biệt, lại phải diễn trong cùng thời điểm như thế, có khó cho Lương Duyên?

Diễn viên Lương Duyên: Với những người làm nghề nghiêm túc, nếu nói về chuyện khó thì chắc không có vai nào dễ; bản thân tôi cũng vậy. Tôi đã rất mừng khi được giao hai vai này. Bà Phủ (mẹ Thúy Liễu trong Lan và Điệp) giàu sang, tâm địa ác độc nhưng bề ngoài thì thơn thớt “ngọt nhạt” khiến “con mồi” biết mà không thể tránh. Còn Xuân (trong Giờ của quỷ), một người vợ rất yêu chồng.

Vốn là một diễn viên nổi tiếng, Xuân đã hy sinh - bỏ nghề sau khi kết hôn - suốt 20 năm làm cái bóng của chồng. Khi án mạng xảy ra, người chồng mới bộc lộ bản chất ích kỷ của mình. Tình yêu của Xuân sụp đổ. Vai này tôi được đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh mời “chia vai” với chị. Cả hai vai đều đem lại sự thú vị vì là dạng vai mới tôi muốn được thử thách. Qua một số suất diễn, không nghe ai phàn nàn, tôi nghĩ chắc mình “diễn cũng được”.

Dien vien Luong Duyen: Da trot yeu thi phai theo
Lương Duyên trong vở nhạc kịch Bếp ăn vui nhộn

* Duyên nào đưa Lương Duyên đến với sân khấu, khi gia đình không ai theo nghề này?

- Ba mẹ chia tay khi tôi được hai tuổi. Mẹ tôi vất vả lo cho tôi và anh trai, nên tôi sớm có tính tự lập. Mẹ thân với nghệ sĩ Kiều Phượng Loan nên từ nhỏ tôi hay được mẹ dắt coi cải lương. Quy định không cho trẻ con dưới sá u tuổi vào rạp nên trước mỗi suất, tôi ngồi chờ ở cánh gà, đến khi mở màn thì mới được đưa xuống với mẹ.

Có lẽ do tôi thường thấy các nghệ sĩ hóa trang, chứng kiến không khí rộn ràng ở hậu trường thành ra đam mê sân khấu. Thời đi học, tôi còn là một “cây văn nghệ” rất tích cực trong các hoạt động văn thể mỹ. Tốt nghiệp phổ thông, thi vào cả hai trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình và Sân khấu - Điện ảnh đều không đậu, tôi vào học dự thính lớp đạo diễn trường Văn hóa - Nghệ thuật TP một năm trước khi trúng tuyển vào lớp diễn viên.

* Thời điểm đó cũng là giai đoạn sân khấu đang có dấu hiệu “thoái trào”. Bạn không lo cho tương lai sao?

- Thú thật, hồi đó thi đậu được là mừng lắm rồi. Học thì cứ học chứ cũng không hình dung ra trường mình sẽ làm gì. Vả lại, quy định của trường rất khắt khe - không cho sinh viên đi diễn, ai chạy sô sẽ bị đuổi học nên tôi chỉ biết chăm chỉ học. Ba năm sau khi tốt nghiệp, được thầy Thành Hội và cô Ái Như dẫn về sân khấu 5B diễn, tôi rất, vui dù chưa biết nghề có nuôi được mình hay không.

Dien vien Luong Duyen: Da trot yeu thi phai theo
Lương Duyên và ca sĩ Phương Thanh trong phim Osin nổi loạn

* Mười năm theo nghề với thu nhập ít ỏi, hỏi thật, có khi nào bạn thấy nản?

- Cũng có lúc thấy nản, thấy lo; nhưng nản và lo cho đời sống kinh tế thì ít, lo cho nghề nghiệp thì nhiều. Lương ở sân khấu không cao, tôi có thể có nhiều giải pháp để kiếm thêm thu nhập, nên nỗi lo không phải vì tiền mà vì đi hoài vẫn thấy như mình không làm được trò trống gì. Thay đổi công việc thì không biết làm gì khác, chỉ chăm chăm với nghề thôi. Nhiều khi tôi thấy mình cứ dở dở, cứ lờ đờ. Tâm sự với thầy cô, tôi lại được động viên, lại thấy “sáng”, lại tiếp tục đi…

* Lương Duyên có còn nhớ cảm xúc của mình khi lần đầu được giao vai quan trọng?

- Khi về 5B, vở đầu tiên tôi tham gia là Ngôi nhà của những linh hồn. Tôi đóng một vai không tên - một cô gái nói năng đốp chát, ngược hẳn với bản tính vốn rất rụt rè của mình. Tôi phải tập nói to tiếng, đi đứng mạnh bạo, xăng xái. Vai quan trọng đầu tiên tôi được nhận là vai Xuân trong vở Không cần đàn ông. Khi được báo tin mình có vai này, tôi mừng đến phát khóc. Vượt qua những khó khăn trên sàn tập, tôi thấy mình “lớn” hơn chút xíu. Cứ qua mỗi vai, tôi đều cảm giác thêm trưởng thành.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI