Kim Huyền rời Việt Nam sang Nhật Bản du học đã 5 năm. Suốt khoảng thời gian ấy, chị hoàn toàn vắng bóng trên sân khấu kịch và phim truyền hình ở quê nhà. Dịp hiếm hoi khán giả được “gặp lại” Huyền trong chương trình Người kết nối của NSƯT Cát Tường, ghi hình tại Nhật. Trên đất khách, Huyền nói chị đã khóc rất nhiều, buồn bã đến mức trầm cảm khi nhớ nghề, nhớ đồng nghiệp, nhớ sân khấu. Cái nỗi nhớ ấy quay quắt đến mức từng có lúc chị tự vấn mình: “Vì sao lại ra đi?”.
... Cuối năm 2015, khi vừa ghi dấu ấn đặc biệt với vai Duyên trong vở Người đàn bà uống rượu (đạo diễn Quốc Thảo, tác giả Hữu Ước), Huyền đã lựa chọn dừng lại mọi thứ, sự nghiệp và những cơ hội mà chị đang có ở Việt Nam để lên đường sang Nhật.
“Tôi biết, lựa chọn là mất mát. Nhưng nếu không, tôi thấy mình chỉ tồn tại trong nghề như một cái xác, chứ không phải thật sự được sống với những khao khát của mình” - Huyền tâm sự. Cái khao khát ấy chính là mong muốn cháy bỏng được hóa thân, sống hết mình với từng nhân vật; khao khát được tận hiến cho nghệ thuật - con đường mà chị từng phải khó khăn và quyết liệt lựa chọn ngay từ đầu, để được làm nghề.
Giờ, Huyền trở về. Cứ tưởng như năm tháng rời xa nghệ thuật đủ làm ngọn lửa nghề lụi tắt trong lòng chị. Nhưng không phải vậy. Chỉ cần một vai diễn tâm đắc, một nhân vật có số phận gọi tên, chị lại lao ra phim trường. Kim Huyền đã hóa thân vào vai diễn Hồng Hoang trong Cát đỏ, tận lực như đã từng với Duyên năm xưa. Có một Kim Huyền bật khóc nức nở khi hoàn thành suất diễn chia tay trên sân khấu kịch Hồng Vân năm năm về trước. Và có một Kim Huyền lặng lẽ chảy nước mắt khi nhắc về Duyên, sẻ chia về Hồng Hoang trong ngày trở về…
Con đường nào ta đi cũng phải trả giá
*Phóng viên: Chị về Việt Nam vì vai diễn hay nhân vật Hồng Hoang là một duyên may tình cờ?
-Diễn viên Kim Huyền: Tháng 11/2019 tôi đang ở Việt Nam, dự kiến qua Tết sẽ quay trở lại Nhật. Đoàn làm phim gọi hỏi tôi thời gian ấy có nhận lời đóng phim truyền hình không. Câu đầu tiên tôi hỏi là vai diễn như thế nào. Tôi cần đọc qua kịch bản rồi mới có thể trả lời được. Trợ lý đạo diễn gửi kịch bản 30 tập Cát đỏ, tôi đọc xong trong một đêm và quyết định nhận vai.
Hồng Hoang là một nhân vật rất đặc biệt. Một người đàn bà chăn bò sống ở miền gió cát, rất sợ đàn ông, luôn né tránh tình yêu. Nhưng một khi đã yêu thì tình yêu ấy mãnh liệt, nồng cháy, cạn kiệt. Nhân vật tôi thể hiện là một màu sắc rất khác so với các tuyến nhân vật trong phim, một gam màu lạnh, dằn vặt, ám ảnh…
Đoàn phim bắt đầu khởi quay trước COVID-19 tại khu vực Bàu Trắng (tỉnh Bình Thuận). Cả đoàn gần như bị mắc kẹt lại ở khu vực phim trường khi bắt đầu dịch bệnh. Tôi nghĩ, mọi thứ có lẽ đã được số phận sắp xếp cả rồi. Lựa chọn từ bỏ tất cả lên đường đi du học ở cái tuổi không còn trẻ là điều không hề dễ dàng. Nhưng tôi luôn tin vào chữ “duyên”. Cuộc đời luôn có những lối rẽ. Nếu duyên nghề của mình vẫn còn, Tổ vẫn thương thì ngày trở về tôi sẽ còn có cơ hội. Còn nếu không được chấp nhận thì tôi tự biết duyên nghề của mình đã cạn.
|
Trong phim Cát đỏ |
* Năm tháng không được diễn, chị có phải đối diện với nỗi nhớ nghề…?
- Hai tháng đầu khi sang Nhật tôi không thấy nhớ. Dành thời gian sắp xếp cho cuộc sống mới, tận hưởng mọi cảm giác tươi mới ở đất nước tôi rất yêu mến và chọn đến. Cảm giác phải nói là rất hân hoan, thích thú. Nhưng đến tháng thứ ba, bắt đầu ngấm nỗi nhớ nhà, nhớ nghề, nhớ sân khấu, bạn bè… Lúc đó, cứ thấy tôi xuất hiện trong chương trình nào trên ti vi là bạn bè chụp hình gửi qua facebook.
Trước khi đi, tôi đã chuẩn bị tinh thần sẽ phải đối diện với nỗi nhớ này nhưng không thể tưởng tượng cảm giác ấy quay quắt đến vậy. Có lúc tôi khóa luôn facebook để không ai gửi gì nữa, cũng không muốn nhìn thấy đồng nghiệp, bạn bè đăng tải hình ảnh đi làm, đi diễn. Tôi sợ mình không chịu đựng nổi.
Một lần, vào lúc đứng trên sân ga đợi tàu, tôi nhận được tin nhắn của một người anh chia sẻ cảm xúc khi anh xem lại vở Người đàn bà uống rượu phát trên truyền hình. Tôi đã khóc như mưa, nước mắt tuôn rơi không thể nào cầm lại được. Mọi người xung quanh nhìn tôi ngạc nhiên, nghĩ cô này thất tình. Nhưng tôi mặc kệ, cứ khóc như chưa bao giờ được khóc. Đến chỗ làm thêm, đầu óc tôi cứ xoay vòng trong những tự vấn: mình đang làm gì ở đây? Mình đang lựa chọn điều gì và cần gì ở đất nước này?
Tôi cứ nghĩ mình đã mạnh mẽ lắm, sau bao nhiêu thăng trầm cuộc đời và cả những lựa chọn. Hóa ra không phải. Lúc ấy tôi thấy sao mình cô đơn quá. Có thời gian tôi bị trầm cảm, cứ lang thang hỏi bản thân: vì sao mình lại ra đi?
|
Với đạo diễn Lưu Trọng Ninh trên trường quay Cát đỏ |
* Chị đã vượt qua và cân bằng cảm xúc ấy như thế nào?
- Thật ra đó là một trạng thái mất cân bằng thường trực. Cảm xúc của tôi giống như điện tâm đồ vậy, lên xuống thất thường. Tôi phải cố gắng động viên mình, cố gắng chịu đựng mà tiếp tục đi tới. Tôi căng thẳng đến mức bị trầm cảm nặng, từng có lúc muốn bước xuống đường ray tàu điện ngầm, tự tử, với ý nghĩ “sống mệt mỏi thế này mà đợi đến ngày chết thì lâu quá”. Khoảnh khắc ấy, tôi đã nghĩ đến mẹ tôi. Lại quay về nhà trọ, thả trôi mình về ký ức xưa cũ, về chặng đời đã qua, những buồn vui được mất, những quyết định và lựa chọn…
Khi câu hỏi “mình có muốn trở về ngay không?” lởn vởn trong đầu, thì tôi lại nhớ về lý do mà mình đã ra đi. Tôi không thể trở về, không muốn lặp lại những chuỗi ngày sống cạn năng lượng cũ. Rồi sẽ phải chờ đợi đến bao giờ mới có vai diễn mình tâm đắc hay phải tiếp tục duy trì công việc của mình bằng những vai diễn nhàn nhạt, trong tâm trạng chán chường?
Một thời gian dài ở Việt Nam tôi không nhận được những vai diễn hay. Dần dần tôi thấy mình cạn kiệt năng lượng, cảm giác đang tồn tại với nghề chứ không phải là được hóa thân vào những nhân vật tâm đắc, không được sống đúng với khát khao của tâm hồn mình.
Khi đam mê cháy bỏng mà mình phải dồn nén, không được làm những điều mình muốn, không được thật sự sống với những vai diễn thì trong lòng lúc nào cũng cảm thấy thiếu điều gì đó. Thôi thì tôi đi, nếu đơn thuần là kiếm tiền thì làm gì cũng được, không cần phải liên quan đến nghề nghiệp.
Có những lối rẽ mà mình phải lựa chọn. Con đường nào ta đi cũng phải trả giá, lựa chọn nào cũng là mất mát. Chọn điều này, tất yếu phải hy sinh điều còn lại.
* Năm năm qua xem như là một “ngăn kín thời gian” gói lại một chặng đường, ngày trở lại với cộng đồng thân thuộc, với môi trường nghề nghiệp, chị đón nhận mọi điều trong tâm thế ra sao?
- Bạn có nhìn ra không? Khuôn mặt tôi rất trái ngược, miệng có thể cười rất tươi nhưng đôi mắt lại rất buồn. Lần trở lại này cũng hai mặt như vậy đó, rất tự tin mà cũng vô cùng tự ti. Tôi nhận được một vai diễn bản thân tâm đắc và cũng được mời vào những vai rất nhỏ trong phim truyền hình. Khán giả, đồng nghiệp có thể còn người nhớ nhưng cũng có người không còn để tâm.
Tôi nhớ lần dự khai trương sân khấu kịch của chị Hồng Vân mới đây, có nhiều anh em phóng viên cũ, những người đàn em trong nghề, họ từng biết tôi nhưng trong sự kiện đã lướt qua tôi. Có lúc ngồi lặng lẽ một góc quan sát đám đông, tôi nhận ra mình đã vắng bóng quá lâu, có thể trong suy nghĩ của nhiều người, Kim Huyền hết thời rồi. Phải trải qua những khoảnh khắc như vậy, mới thật sự thấm thía cảm giác gần như mặc cảm mà tôi phải đối diện. Nỗi sợ lớn nhất của một người nghệ sĩ là bị lãng quên.
Chấp nhận cả những điều dang dở
* Kế hoạch của chị trong thời gian “trú COVID-19” hiện tại như thế nào?
- Tôi dành nhiều thời gian ở quê nhà Phan Thiết, chăm sóc mẹ tôi. Bà bị đột quỵ hai lần, hiện giờ sức khỏe rất yếu. Tôi vẫn đi đi về về giữa Bình Thuận - TP.HCM, nhận show nhận vai nhưng lúc nào cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, rằng vai diễn ấy, chương trình ấy có xứng đáng để tôi mất đi 24 giờ bên cạnh mẹ hay không.
Đời tôi luôn phải là những lựa chọn. Nhưng mỗi thời điểm, tôi đều biết cái gì là quan trọng nhất. Dù việc khởi động lại sự nghiệp ở thời điểm này cũng khá khó khăn, nhưng nếu không có những dự án/vai diễn tâm đắc, tôi chọn ở lại bên cạnh chăm sóc mẹ, kiếm tiền bằng công việc phụ khác, như bán mỹ phẩm Nhật Bản.
Bây giờ mỗi ngày tôi đi chợ, nấu ăn cho hai mẹ con, cũng không đi chơi. Sống chậm một chút, tôi thấy mình như được trở lại những năm tháng xưa ở quê nhà. Khi sống những ngày bình thường mà nhẹ nhàng như vậy, tôi nghĩ, cuộc sống này cũng đã quá bình yên rồi. Tại sao mình phải đuổi theo những điều xa xôi nào. Tôi từng rời quê vào Sài Gòn để làm điều mình thích, từng bỏ mọi thứ để ra đi, giờ tôi cũng có thể bỏ mọi thứ để quay về, ước nguyện được ở bên cạnh chăm sóc mẹ cho đến khi bà trăm tuổi.
* Nhưng chị vẫn còn chương trình học tập một năm ở Nhật?
- Tôi chấp nhận cả mọi điều dang dở. Mẹ tôi năm nay 83 tuổi rồi, hai cơn đột quỵ khiến bà từng bị liệt, giờ tay chân cử động khó khăn, giọng nói cũng không còn bình thường, diễn đạt rất khó. Trí nhớ cũng bị ảnh hưởng nhiều. Thời gian tôi ở cạnh, bà vui hơn, ăn uống cũng nhiều hơn.
Tôi đã bận bịu cho cuộc sống riêng, những lựa chọn của mình suốt mấy mươi năm, để khi mẹ đổ bệnh chỉ có một mình, tôi mới hiểu ra rằng, mình có thành đạt, giàu có bao nhiêu mà mẹ mất thì cũng không còn gì cả. Lần đầu mẹ bị đột quỵ tôi đang ở Nhật, chị gái sợ tôi lo lắng nên không báo. Đến khi về, bước vào nhà nhìn thấy mẹ cầm muỗng cơm ăn không vững, tôi như sụp đổ. Mình đang bận rộn vì cái gì, hay mình là đứa con bất hiếu? Cảm giác ấy dằn vặt, tôi thấy mình cần phải trở về.
Giờ mẹ như đứa trẻ vậy, ngày xưa bà nấu nướng, tắm gội cho tôi thì giờ ngược lại, tôi làm tất cả những điều ấy cho bà. Mỗi lần nhận việc phải vào Sài Gòn, bước chân ra khỏi cửa là lòng tôi nặng vô cùng. Mẹ bây giờ với tôi là lựa chọn quan trọng nhất.
* Còn kế hoạch trở lại sân khấu thời điểm này thì sao?
- Tôi may mắn nhận được ưu ái khi các sân khấu, đồng nghiệp vẫn đón, nhưng lúc này, thời gian ưu tiên của tôi đã dành cho mẹ. Nên khi nào có được những vai diễn như Duyên, tôi nhất định sẽ thu xếp để được diễn. Thậm chí thời gian ở Nhật, có vai tâm đắc tôi cũng có thể bay về tham gia.
Nếu không được làm nghề, tôi có cảm giác như mình đang chết. Nhưng hiện tại lại chưa có được những kịch bản như mong muốn, tôi chưa thể trở về. Đến giờ tôi vẫn quay quắt, rằng chờ đợi ngày mình được sống cho những gì mình khát khao hay là buộc phải thỏa hiệp chấp nhận làm điều mình không muốn để nuôi sống bản thân. Suy nghĩ ấy cứ quẩn quanh trong đầu và làm khổ tôi quá. Giá như có kinh tế vững chãi, tôi chắc chắn sẽ dễ quyết định.
* Năm năm trước cũng như bây giờ, cũng chỉ nghe chị nhắc về mẹ và sự nghiệp, không một lần nào nói về chuyện tình cảm. Ở ngưỡng tuổi này, thật sự trong lòng chị còn có mong chờ…?
- Trước giờ, khái niệm tình yêu với tôi không nằm ở vị trí đầu tiên, nó luôn ở phía sau gia đình và sự nghiệp. Tôi cũng từng như nhân vật Hồng Hoang, không tin vào tình yêu, không kỳ vọng điều gì và cũng khó mở lòng đón nhận tình cảm của người khác. Tính tôi lạnh lùng, thương yêu hay gì đều không thể hiện. Có thể vì vậy mà tôi đã bỏ qua nhiều người tốt. Tôi cũng ít chia sẻ, thậm chí ngay cả khi chịu đựng những cảm xúc cùng cực tôi cũng không nói với gia đình, bạn bè. Trang cá nhân của tôi lúc nào cũng chia sẻ ảnh đẹp, những chuyến đi chơi, món ăn ngon, sự hài hước...
Những vấn đề, khó khăn hay cảm xúc tiêu cực mà tôi gặp phải, năm tháng qua thường chỉ nói với một người, là tri kỷ. Còn tình yêu, tôi cứ sợ những đổ vỡ, cứ phòng thủ mà quên mất rằng có khi, được sống trong tình yêu trọn vẹn dù có thể chỉ là một quãng đường thôi, cũng còn hơn là cô đơn cả một đời. Nhưng có lẽ khi tôi nhận ra điều này thì mọi thứ đã là quá muộn.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Khi hóa thân tôi chính là nhân vật
Một ngày nắng gay gắt ở Bàu Trắng, khi hoàn thành một phân cảnh tâm lý khá nặng của nhân vật Hồng Hoang, Kim Huyền lả đi trên cát. Có cảnh quay xa, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho phép chị mang dép để tránh cát bỏng nhưng Huyền bảo không. Chị diễn chân thật bằng đôi chân trần và bằng cả cảm xúc, trái tim của Hồng Hoang. Chị nói, một khi đã chọn hóa thân, chị chính là nhân vật. Huyền đã diễn như thể đó là tình yêu, nỗi đau, số phận của chính mình. Hóa thân đến kiệt cùng.
“Vào phim rồi tôi không còn là mình nữa, nhiều lúc cắt cảnh rồi mà tôi vẫn còn khóc khiến đoàn phim khá lo lắng, không hiểu vì sao. Có cảnh dắt bò đi trên cát giữa trời nắng, vai diễn khóc nhiều lại thu tiếng trực tiếp, tôi tập trung cao độ. Xong cảnh thì ngất, anh em cho uống nước đường, tỉnh lại không biết cảnh đã xong chưa, cứ thế đòi quay tiếp” - Kim Huyền nhớ lại.
Chia sẻ của Huyền khiến tôi nhớ về những giọt nước mắt của chị trên sân khấu vở diễn Người đàn bà uống rượu năm nào. Cũng là một cuộc dồn sức hóa thân đến tận cùng như vậy. Huyền biết bản thân không phải là gương mặt có nhan sắc như nhiều diễn viên trẻ đẹp khác, cũng không phải là tên tuổi đình đám. Nhưng chị biết vị thế, khả năng, thế mạnh khác của mình. Chị biết/dám lựa chọn để được chạm đến những giá trị ở tầng sâu nhất của những cảm xúc thân phận, của thánh đường sân khấu.
Bởi thế, cho dù chị có vắng bóng bao lâu đi nữa, nhắc đến cái tên Kim Huyền, khán giả yêu mến chị vẫn mãi nhớ bé Yến trong vở Người vợ ma, bà mẹ điên trong vở Nước mắt người điên, Duyên trong Người đàn bà uống rượu hay những vai ghi dấu ấn trong các phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh: Cay đắng mùi đời, Con nhà nghèo, Ngọn cỏ gió đùa…
Giờ là Hồng Hoang trong Cát đỏ. Một sự trở lại trọn vẹn sau những lựa chọn dở dang - và mất mát, của Huyền.
|
Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp