Diễn viên Kim Huyền nhớ phiên chợ tết thâu đêm suốt sáng cùng mẹ

12/02/2024 - 11:55

PNO - Đến nay, sau mấy chục năm dài, chị vẫn nhớ như in những nhọc nhằn, vất vả của mẹ mỗi mùa tết.

Diễn viên Kim Huyền
Diễn viên Kim Huyền

Kim Huyền sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết, Bình Thuận. Cha chị qua đời sớm nên mẹ phải tần tảo nuôi 2 chị em khôn lớn. Ở quê của diễn viên Kim Huyền, thường có phiên chợ mở xuyên suốt 3 ngày, kéo dài đến ngày 30 tết. Mẹ chị phải đi buôn bán thêm để kiếm sống.

Đó là một gian hàng nhỏ với những loại rau, củ, quả chuyên dùng cho ngày tết, mà người ta quen gọi là laghim. “Bây giờ có siêu thị, chợ thì mở xuyên suốt nên mọi người không còn lo lắng. Ngày trước, chợ đóng cửa vài ngày nên ai cũng tranh thủ mua sắm để dành. Các mặt hàng rau, cải rất cần thiết”, diễn viên Kim Huyền nói. 

Mẹ chị ra chợ từ khuya, vào ngày chuẩn bị mở chợ. Chị em Kim Huyền cũng lẽo đẽo theo mẹ trong bầu không khí lành lạnh những ngày cuối năm. Cả hai thay phiên canh hàng để mẹ được nghỉ ngơi những khi mệt. Lúc mẹ đi lấy hàng thêm, Kim Huyền đảm đương luôn phần bán. Chị đã sớm làm quen với công việc này nên cũng thành thạo. Chỉ cần nhớ được hết giá cả, cân đúng là ổn. Những lúc rau thừa, héo, chị nhặt bỏ; hoặc sắp xếp lại hàng.

“Chúng tôi ý thức sớm về hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên không kêu ca gì. Vì chỉ khi giúp mẹ, mới có tiền để tiếp tục đi học”, chị chia sẻ. Có năm, việc buôn bán kéo dài đến quá trưa 30 tết. Khi đó, mẹ chị mới có thời gian đi mua hoa, dù lúc này chỉ mua được hoa bị dạt, bỏ đi. “Tôi không than thở, nhưng những ký ức này cứ hiện về trong tôi những ngày cận tết”, chị nói.

Diễn viên Kim Huyền và mẹ
Diễn viên Kim Huyền và mẹ

Mùa tết năm nào, gia đình chị cũng có món thịt kho trứng đi kèm với măng khô. Vì nhà thiếu thốn nên nồi thịt kho đôi khi măng còn nhiều hơn thịt. Kim Huyền cũng nhớ những bịch cốm được đóng vuông vức, dán giấy hoa khi bày trí trên bàn thờ rất đẹp.

Dù khó khăn mấy, năm nào mẹ chị cũng cố gắng mua cho con một bộ quần áo mới. Kim Huyền không chờ đến ngày đầu năm mà mang ra mặc liền trước tết.

Nhà chị ít khi có dịp ăn cơm chung vì mẹ bận bịu công việc, còn hai chị em thì học trái buổi. Vì thế, đến giờ cơm mạnh ai nấy ăn. Nhưng điều đó không có nghĩa họ không thương nhau, chỉ vì hoàn cảnh buộc phải như thế. 

Vì kinh tế khó khăn, nhà chị phải chăn nuôi heo để cải thiện thu nhập. Kim Huyền phụ mẹ tắm heo, cho heo ăn. Từ năm 18 tuổi, chị vào TPHCM để học tập, làm việc. Hơn 20 năm, chị không có nhiều thời gian để đón tết. Sau này, khi từ Nhật trở về, chị được ở bên cạnh mẹ nhiều hơn.

“Cái tết đầu tiên sau khi trở về từ Nhật, tôi quan sát kỹ mẹ đến từng chi tiết, mỗi ngày. Tôi từng nghĩ mình không giống mẹ lắm, nhưng nhờ quãng thời gian sau này mới nhận ra hai mẹ con giống nhau nhiều điểm, nhất là khẩu vị. Cải hai đều ăn mặn, hoặc thích ăn xương hơn thịt, ăn món khô trước canh sau…”, chị kể. 

Sau này, có nhiều lời mời tham gia sân khấu mùa tết, nhưng Kim Huyền đều từ chối. Chị nói vẫn nhớ thương khán giả, nhưng luôn muốn mùa tết nào cũng có nhiều thời gian sống bên mẹ.

Trung Sơn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI