Ở tuổi tứ tuần, Kiều Trinh vẫn đẹp, nhưng không phải kiểu cách xa hoa thường thấy ở các ngôi sao mà là nét mặn mà của người phụ nữ từng trải. Giờ đây, qua những sóng gió trong cuộc đời, chị nhìn mọi thứ bằng con mắt nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Chị không oán hận ai, chẳng đổ lỗi cho bất kỳ ai mà cho rằng mọi thứ diễn ra như một sự an bài của số phận.
|
Kiều Trinh |
Tôi không trách hay oán hận người xưa
* Là diễn viên nhưng bất ngờ tham gia một gameshow nghiêng về ca hát, chị và con gái có gặp trở ngại nào không?
- Tôi và Thanh Tú cũng có niềm đam mê lớn với ca hát. Giọng hát của 2 mẹ con cũng được đánh giá là trên trung bình tôi mới nhận lời. Còn nếu hát dưới mức trung bình lại tham gia thì khác nào phá hỏng chương trình của nhà sản xuất (NSX). Ban đầu, 2 mẹ con tôi cũng khá vui vẻ, thoải mái nhưng càng về sau lại càng áp lực khi biết chủ đề và các dòng nhạc. Ngoài ra, lịch học của Thanh Tú cũng rất khó để sắp xếp để tập luyện.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong vòng 4 năm qua là tôi bị mất trí nhớ. Tôi hầu như không thể lưu giữ bất kỳ điều gì, thậm chí cả bạn bè tôi cũng không nhớ ai. Nhưng không hiểu vì sao với kịch bản phim đến 2, 3 trang thoại tôi vẫn thuộc tốt. Trong tiết mục ghi hình đầu tiên, tôi chọn bài Nhật ký của mẹ, đây là ca khúc tôi từng thuộc làu, vì được ra đời ngay đúng thời điểm mẹ tôi mất. Nhưng giờ đây, tôi chỉ hát được 2 đoạn đầu, 4 đoạn sau học cách mấy cũng không nhớ được.
Cuối cùng, đạo diễn Vũ Trần gợi ý cho tôi máy nhắc thoại để hỗ trợ. Đây được xem là phương án tạm thời nhưng cũng không tốt bởi sẽ khiến người nghệ sĩ bị phân tâm. Những ngày cận kề, tôi dẹp hết mọi việc để tập luyện, thậm chí tạm ngưng công việc của cửa hàng áo dài, thi xong sẽ tính tiếp.
|
Kiều Trinh và con gái Thanh Tú |
* Việc mất trí nhớ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chị trong 4 năm qua?
- Tôi có nhiều biến cố về tình cảm. Việc tôi bị chấn thương dẫn đến ảnh hưởng trí nhớ cũng xuất phát từ chuyện tình cảm. Tôi bị tét đầu, phải may đến 8 mũi, may 2 lớp. Tôi phải nói dối đoàn phim Bên kia sông là bị tai nạn giao thông. Tôi ngưng quay nửa tháng. Những cảnh có tôi phải đổi lịch toàn bộ. Sau thời gian đó, vết thương vẫn chưa lành hẳn nên đành chấp nhận quay xa hoặc chỉ lấy nửa mặt với khung ảnh cận để không thấy vết thương.
Ban đầu, tôi không phát hiện mình bị mất trí. Nhưng khi nhiều người nói, tôi mới dần nhận ra. Có thời gian, tôi không nhớ ai nên cứ ngơ ngơ ngác ngác, nhiều người không hiểu lại bảo tôi chảnh choẹ, không thèm nhìn mặt ai. Về nhà, có những việc tôi dặn con, con đã làm, tôi cứ hỏi đi hỏi lại và la con. Con gái cũng rất buồn không hiểu vì sao cứ bị mẹ la như thế.
Thanh Tú là người giúp tôi bằng cách nhắc đi nhắc lại việc này, việc kia. Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may khi tôi không còn nhớ những chuyện buồn đau ngày xưa nữa. Bây giờ, mọi người cứ bảo tôi trẻ ra vì có lẽ đã quên gần hết chuyện xưa rồi. Ngày nào cũng vậy, khoảng 9, 10 giờ tối tôi lại như hết năng lượng nên ngủ rất sớm. Em bé nhỏ giao lại cho con gái lớn trông nom.
* Nghĩa rằng, chị là nạn nhân của bạo lực gia đình...
- Đúng vậy. Thời gian đầu, tôi lo lắng, hoang mang vì trước nay chỉ có gương mặt để làm ăn, giờ lại phải mang vết sẹo dài khoảng 10cm. Thời điểm này, tôi cũng không còn tiền trong tay. Nhiều anh, chị bảo ngày xưa một chị đồng nghiệp cũng bị sẹo, đi nước ngoài xoá với chi phí hơn trăm triệu. Tôi gần như vô vọng vì kiếm ăn từng bữa còn không đủ thì làm sao.
Có một người bạn, hoàn cảnh cũng không khá hơn tôi, cô ấy đưa cho tôi 3 lọ thuốc của Mỹ. Về sau này, tôi mới biết 3 lọ thuốc ấy cô bạn mua cho bản thân cô ấy, có giá đến mười mấy triệu đồng. Có thể, nhờ 3 lọ thuốc ấy mà vết sẹo không còn, chỉ trong một thời gian ngắn. Bây giờ, nếu tôi không nói thì nhiều người cũng không biết tôi từng có vết sẹo dài như vậy.
Trước khi biến cố này xảy ra, tôi là một người sống nặng về tình cảm. Bất kỳ chuyện gì xảy ra đều khiến tôi trằn trọc, mất ngủ. Nhưng giờ đây, những chuyện cũ dẫu có lúc tôi loáng thoáng nhớ lại thì cũng nhoè nhoẹt. Tôi không trách hay oán hận người xưa. Tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản và không còn cảm giác với những gì đã qua.
Tuy nhiên, có một khoảng thời gian nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ, đó là lúc tôi không còn bất kỳ cảm giác nào với các con. Tôi khóc và nguyện cầu trời phật đừng để tôi mất cảm giác với những sinh linh trong vòng tay mình. Đứa bé thứ 3 xuất hiện đã giúp bản năng của người mẹ trỗi dậy trong tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
* Cuộc đời chị trước nay được biết đến như một cuốn phim buồn. Đã bao giờ những thước phim ấy đi đến tột cùng của nghịch cảnh hay chưa?
- Thời điểm mang thai đứa con thứ 2 cách đây khoảng 7 năm, tôi bị lừa trắng tay khi đặt tiền cọc mua chung cư. Tôi xin họ để lấy tiền lại nhưng không được. Đây cũng là thời điểm mẹ tôi bị ung thư thời kỳ cuối. Trước khi sinh con 1 tháng, tôi chỉ còn 2 triệu đồng nên quyết định về quê để tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, sức khoẻ mẹ tôi lại yếu nên có mệnh hệ gì sẽ không về kịp.
Trong suốt 1 tháng đó, sức khoẻ mẹ tôi yếu liên tục. Tôi chẳng còn cảm giác mình đang có bầu. Tôi vẫn ẵm mẹ đi tiêu, đi tiểu vào ban đêm. Đến sáng ngày tôi đi sinh con, tôi chỉ kịp nói với mẹ đợi sinh xong con về. Trước đó 1 tuần, tôi đi khám phát hiện nhau choàng cổ 2 vòng. Tôi giấu mẹ, không dám nói thật. Nếu sinh ở thành phố, buộc phải tốn đến 10 triệu cho ca sinh mổ. Tôi nằm đó giữa những vòng suy nghĩ lẩn quẩn. Thế rồi cuối cùng đứa con cũng ra đời. May mắn, bé mạng lớn bởi khi sinh ra người bé đã tím ngắt.
Sáng hôm sau ngày tôi sinh, tôi gọi điện cho mẹ thì không thấy nhấc máy, tôi cảm thấy điềm không lành. Chiều đó, tôi xin bác sĩ xuất viện khi sinh con chưa đầy 24 tiếng. Tôi phải viết cam kết mới được cho về. Tôi bước về đến nhà, mẹ vẫn còn kịp trăn trối với tôi lần cuối. Bà bảo tôi đã sinh con thì phải cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Câu nói này vẫn đi theo tôi đến tận bây giờ. Tôi luôn cố gắng làm tất cả mọi thứ để các con có được cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Mẹ đi rồi, không ai có thể hiểu tôi và những gì tôi đang gặp phải vì tôi không tâm sự với ai được cả. Đến bây giờ, tôi cũng không hiểu vì sao mình lại đi qua được những thời đoạn cùng cực nhất trong cuộc đời như thế. Khi ở tận cùng của cuộc sống, bạn sẽ hiểu rất nhiều điều. Có những ngày, tôi và con gái chỉ chia một ổ bánh mình để dành tiền chạy sữa cho đứa con nhỏ.
* Người ta thường bảo đi qua những cái khổ sẽ được hưởng những điều an lạc, sung sướng. Chị nghĩ cuộc đời mình bao giờ sẽ đến những ngày tháng ấy?
- Trong thời điểm cùng cực nhất đó, tôi luôn tự hỏi rằng mình không ăn chơi, luôn hết lòng với công việc, chỉ biết gia đình thì vì sao lại khổ đến như thế. Tuy nhiên, trong 4 năm trở lại đây, khi tìm hiểu về phật pháp, tôi ngộ ra rất nhiều điều. Tôi hiểu cuộc đời, số phận mình đã được an bài như vậy nên không trách móc bất kỳ ai. Với 3 người đàn ông đi qua cuộc đời, tôi đều là người có lỗi phân nửa trong mọi chuyện. Tôi không dồn đổ lỗi lầm, trách nhiệm về hẳn cho ai cả.
Nhưng khi chia tay người thứ 2, tôi gặp một vấn đề khá lớn. Con gái lớn hận người làm khổ tôi và không thương luôn cả đứa em. Sau đó, tôi giải thích cho con hiểu rằng em trai không có lỗi. Từ đó, cô bé dần hiểu và yêu thương em nhiều hơn. Hiện tại, dù mẹ con tôi không có nhiều tiền, cuộc sống cũng còn vất vả nhưng bình yên, hạnh phúc. May mắn hơn nữa, sức khoẻ của 4 mẹ con luôn tốt nên có thể tập trung làm việc để kiếm tiền.
* Qua 3 lần đò dở dang, có bao giờ chị nghĩ sẽ đi thêm chuyến đò tiếp theo trong cuộc đời?
- Bây giờ, mọi sự tập trung tôi dành cho các con. Còn chuyện duyên số xem như phụ thuộc sự sắp đặt của tạo hoá vậy. Đau nhiều, khổ nhiều nhưng tôi vẫn luôn tin vào tình yêu, vào một mái ấm gia đình. Từng có nhiều người đàn ông đến với tôi. Tôi luôn dùng phép thử để biết rằng họ yêu tôi thì có thương luôn cả con tôi hay không. Một người đàn ông khi họ thương con tôi nhiều hơn cả tôi thì chắc chắn đó là người bạn đời. Không chỉ riêng tôi mà với bất kỳ phụ nữ nào khi đã làm mẹ, họ sống vì con nhiều hơn. Nhưng hiện tại tôi không trông đợi điều gì cả vì đã có tình yêu quá lớn từ các con và cha tôi.
Tôi không muốn con gái đi lên vết xe đổ của mình
* Thời gian qua, chị và các con xoay sở cuộc sống ra sao?
- Ngoài đi diễn, tôi còn mở shop may áo dài để kiếm thêm thu nhập. 2 tháng vừa qua, cửa hàng được mọi người ủng hộ rất nhiều. Số tôi khổ quá rồi nên dường như ngoài ông tổ sân khấu thì ông tổ nghề may cũng rất thương tôi. Tôi có một điểm rất hay, khi nhận đồ khách ở phương xa, chỉ cần cho tôi chiều cao, số đo 3 vòng, cân nặng tôi sẽ tự chia, cân đo tỉ lệ sao cho chuẩn xác, may ra một chiếc áo vừa vặn. Nhận được những phản hồi tốt từ khách hàng và được đặt thêm, tôi hạnh phúc vô cùng.
Với tôi, cuộc sống như hiện tại đã là may mắn. Người phụ nữ có thông minh hay may mắn thì vẫn phải biết toan tính, thu xếp chuyện gia đình, xã hội cho thật tốt. Riêng tôi, gia đình không có đàn ông nên phải đảm nhận 2 vai trò làm cha và làm mẹ. Tôi phải toan tính sao cho vuông tròn. Nếu không tính toán làm chuyện lớn được thì vẫn phải tính sao cho con cái được đủ đầy, ăn học đến nơi đến chốn.
* Đã khổ cực lại còn sinh nhiều con, chị nghĩ gì khi nghe người ta nói như thế?
- Khi tôi sinh bé thứ 3, một người bạn thân, cũng là đồng nghiệp tâm sự rằng cô ấy cũng thèm khát có con nhưng chưa được. Có con chắc chắn đó là niềm hạnh phúc với người phụ nữ. Khi con bạn trưởng thành được yêu mến và có một chút thành tựu nào đó cho xã hội thì thật đáng để vui, tự hào. Còn người đàn ông, có hay không cũng được. Tôi không sống bằng dư luận, cũng không quan tâm những điều họ bàn ra nói vào.
Giờ đây, tôi nửa tỉnh nửa mê, có lúc nhớ, có lúc lại không nhớ gì cả. Vì thế, lúc nào nhớ tôi sẽ thường hay dặn dò con gái để về sau này, cháu có thành công thì thay mẹ báo đáp với những người ơn. Có người không hiểu lại trách nhưng trong lòng tôi luôn mang ơn những ai đã từng giúp tôi đi qua những ngày giông bão trong cuộc đời. Tôi rất muốn trả ơn nhưng giờ đây lực bất tòng tâm về điều kiện kinh tế. Tôi chỉ mong mọi người thông cảm để tôi có thể nuôi dạy các con ăn học nên người.
* Trong các con, có hình ảnh nào mà chị nhìn thấy ở những người đàn ông từng đi qua đời mình không?
- Mỗi đứa con đều là hình ảnh của người xưa. Tuy nhiên, hiện tại các con đang sống với tôi nên tôi có điều kiện để quan sát, cân chỉnh từng nét sao cho phù hợp. Đặc biệt, khi đã nhận ra những điều không hay từ cha của các cháu tôi sẽ không để các cháu phải đi vào vết xe đổ đó. Tôi không muốn chính các con hay bạn đời của các cháu sau này phải chịu những cảnh khổ từ những điều không hay.
* Đi qua rất nhiều thăng trầm trong nghề, vì sao chị lại quyết định để các con tiếp tục theo nghề?
- Mỗi ngày đốt nhang cho tổ nghiệp, tôi chỉ cầu mong nếu có kiếp sau gia đình tôi vẫn còn được ăn cơm tổ, vẫn mang nghệ danh này và tiếp tục làm nghệ thuật. Điện ảnh là cánh cửa thay đổi cuộc đời tôi và trao cho con gái tôi cơ hội nối gót mẹ. Bên ngoài kia, có rất nhiều bạn trẻ mang khao khát được bước vào thế giới này nhưng không thể. Vì thế, khi có cơ hội tôi khuyến khích con gái nên phát triển.
Sau khi sinh Siêu Quậy, tôi phải thường ẵm con lên phim trường, mắc võng và ngồi trông. Đến khi bé 2 tháng, đoàn phim cần một đứa trẻ tương tự nên tôi cho tham gia. Về sau, bé được chọn xuất hiện ở nhiều dự án khác nữa. Cứ khoảng 6h sáng, trợ lý đoàn lại đến chở bé đi đến tận 11, 12 giờ đêm mới được mang về nhà lại. Tôi cũng xót xa lắm nhưng hoàn cảnh bắt buộc không thể làm khác hơn vì tôi đi diễn một nơi, Thanh Tú một nơi.
Tuy nhiên, đến khi bé lớn và đi học, tôi cho dừng hẳn các hoạt động phim ảnh để tập trung tốt nhất vào việc học. Về sau này, có thể con trai tôi không theo nghề như con gái lớn vì bé có nhiều đặc điểm giống ba. Tôi cũng đang đau đầu về việc làm sao để định hướng cho bé thật tốt trong tương lai. Con tôi, mỗi đứa lại một tính. Trong đó, Tú dù là con gái nhưng rất mạnh mẽ, kiên định.
|
|
* Chị định hướng, nhưng gần như cũng có ép buộc con cái trong cuộc sống, điển hình là việc Thanh Tú tham gia Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017...
- Thời điểm đó, có thể nói mẹ con tôi khá căng thẳng về quyết định này. Tôi không muốn Tú thi để giành giải này nọ. Tôi càng hiểu rõ con gái không thích mặc áo dài, bikini rồi đi catwalk "ẹo" qua "ẹo" lại. Nhưng tôi muốn tuổi 20 của con được đánh dấu mốc bằng một trải nghiệm đáng nhớ, để sau này nhìn lại cháu không hối tiếc. Cuối cùng, tôi giải thích để Tú hiểu và quyết định nộp đơn đăng kí thi. Bản thân tôi lập gia đình sớm, không có cơ hội để thực hiện những điều như cháu đang có thể. Một phần, tôi có tạo áp lực cho con gái về việc thi hoa hậu trong năm vừa qua. Tiết mục thi năng khiếu của Tú, tôi cũng quyết định luôn.
* Liệu sự chi phối này sẽ còn kéo dài, đặc biệt đến quyết định kết hôn, chọn bạn đời của con gái chị?
- Tôi đã giải thích rất nhiều cho Tú hiểu và khuyên cháu không nên lập gia đình sớm. Hơn nữa, thời gian tôi ở với ba Tú rồi người đàn ông thứ 2, Tú thấy và đã sợ rồi. Bây giờ, con gái tôi cần nhất là sự nghiệp, học hành chứ không phải chuyện lập gia đình. Tôi cũng không muốn con gái đi lên vết xe đổ của mình.
* Người ta vẫn quen gọi Thanh Tú là con gái của Kiều Trinh. Cái bóng của chị vô tình đã trở thành áp lực cho cô bé rồi đấy...
- Tôi không nghĩ thành công của mình trở thành áp lực hay ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp của con gái. Mọi người có thể gọi, có thể viết là con gái Kiều Trinh, điều này không thành vấn đề. Đến một ngày nào đó, người ta sẽ không còn biết đây là con gái Kiều Trinh nữa, họ sẽ tự gọi Thanh Tú mà thôi.
* Chị định hướng con gái như thế nào trước những cám dỗ, cạm bẫy của làng giải trí?
- Con gái luôn đồng hành cùng tôi trong mọi công việc nên được kèm cặp rất sát sao. Hơn nữa, con gái rất thương mẹ nên chắc chắn bất kỳ việc gì cũng xin phép mẹ, được cho phép mới dám làm. Vì thế, tôi không sợ con bé sa ngã. Tôi tự tin con gái sẽ không bị cám dỗ bởi những giá trị về vật chất. Bản chất con bé không mê, tham vọng ở nghệ thuật mà chỉ cố gắng làm giúp mẹ nuôi em. Tôi luôn cảm nhận rõ, Thanh Tú là bản sao của mình với những gánh nặng cứ chất chồng lên vai. Vì thế, tôi luôn cố gắng để con không rơi vào những nghịch cảnh như mình từng bị.
* Xin cảm ơn chị!
Thuỵ Khuê