Từ một chàng trai nhà quê (H.Cần Giuộc, Long An) ra trường hoang mang không biết định hướng theo ngành nghề gì, trở thành một nghệ sĩ có tên tuổi, nhiều lúc Hoàng Anh không tin nổi mình có thể là m diễn viên như hôm nay.
Bao nhiêu tình thương cha chúng tôi dồn vào mẹ
Gặp Hoàng Anh khi anh vừa trở về từ trường quay, cái nắng gay gắt khiến dáng vẻ anh trông mệt mỏi nhưng ánh mắt lại toát lên vẻ hạnh phúc của người được bận bịu với công việc yêu thích, và hạnh phúc của người sắp bước vào giai đoạn mới trong cuộc đời - hôn nhân. Mục tiêu phấn đấu gần nhất của anh là “mua nhà, đón mẹ ở quê lên sống cùng”.
13 năm lên Sài Gòn lập nghiệp, Hoàng Anh vẫn sống lưu động hết quận này đến quận khác. Nhưng anh cũng chỉ quanh quẩn thuê nhà ở khu quận 5, 7 hay 8 để tiện đường chạy về Cần Giuộc thăm mẹ. Nhà có ba mẹ con, chị gái mới lập gia đình và cũng ở Sài Gòn, chỉ còn mẹ thui thủi ở quê, bán cơm rượu xôi vò, nên Hoàng Anh luôn canh cánh trong lòng. Không chút ngại ngần hay mặc cảm về hoàn cảnh khó khăn, về người mẹ tảo tần, Hoàng Anh luôn nhắc đến công việc của mẹ với sự biết ơn, niềm tự hào và cả mong muốn san sẻ bớt nhọc nhằn cho mẹ.
Anh bảo: “Nhờ gánh xôi vò của "bà Bảy cơm rượu" mà hai chị em tôi mới trưởng thành được như hôm nay”. Món ăn dân dã, quê mùa ấy đã đi theo anh suốt tuổi thơ. Đó là những buổi sáng sớm lục tục trở dậy chở mẹ ra chợ rồi mới về nhà chuẩn bị đi học. Cha anh lúc sinh thờ i chạy xe ôm, cả gia đình bốn miệng ăn trông chờ vào công việc của cha mẹ. Đùng một cái, cuộc sống bình yên của cả nhà bị xáo động mạnh bởi sự qua đời đột ngột của cha.
Nhắc đến cha, giọng Hoàng Anh chùng xuống, mắt nhìn vào khoảng không vô định, như thể ở đó anh có thể thấy được hình ảnh người cha trong giờ phút lâm chung: “Hôm đó, mấy mẹ con đang ở nhà chuẩn bị cơm chờ ba đi làm về ăn thì hàng xóm chạy sang báo tin dữ. Mấy mẹ con hốt hoảng chạy đến nơi, đưa ba đi cấp cứu thì đã muộn. Cha qua đời khi trong nhà chỉ còn hơn ba chục ngàn đồng, mẹ con chỉ biết trông chờ vào gia đình nhà nội.
Năm đó tôi đang học lớp 11. Cảm giác người thân yêu đột ngột ra đi khiến cả nhà tôi suy sụp… Mẹ tôi, người phụ nữ tảo tần, mạnh mẽ trong đời sống, không bao giờ gục ngã trước khó khăn, nhưng yếu đuối trong tình cảm. Mẹ nói nếu không vì con, mẹ có lẽ đã chết theo ba. Nhìn mẹ lúc ấy, hai chị em chỉ còn biết động viên nhau cố gắng vượt qua nỗi đau để trở thành chỗ dựa tinh thần cho mẹ”. Bao nhiêu tình thương dành cho cha, hai chị em dồn hết vào mẹ. May mà có nội dang tay đỡ đần, giúp mấy mẹ con vượt qua đoạn ngặt nghèo đó. Anh vẫn mang ơn nội vì điều đó. 80 tuổi nội vẫn chạy xe từ Bình Chánh về Cần Giuộc thăm cháu. Anh như cũng học cách trở thành trụ cột trong gia đình từ nội.
Yêu thương bằng hành động
Cú sốc quá lớn trong đời khiến cho Hoàng Anh không mấy thiết tha với chuyện học. Hết lớp 12, trong khi bạn bè hầu hết đã định hướng được tương lai thì Hoàng Anh loay hoay không biết chọn trường nào để thi. Thấy đứ a bạn thi Đại học Giao thông vận tải, Hoàng Anh cũng nộp đơn theo nhưng thi rớt. Chẳng lẽ ngồi nhà ở không, Hoàng Anh khăn gói theo người hàng xóm đang làm bảo vệ ở Sài Gòn lên thành phố kiếm việc.
Sau hai tháng học võ, Hoàng Anh được công ty bảo vệ - vệ sĩ Long Hải nhận, phân công làm nhiệm vụ ở công ty bột giặt Tico ở Q.Tân Phú với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng. Một năm quanh quẩn với công việc tẻ nhạt, nếu cứ thế này làm sao lo lắng cho mẹ, Hoàng Anh nung nấu trong lòng ý định tìm kiếm cơ hội đổi đời bằng cách thi đại học. Đã nghỉ học một năm, kiến thức không còn nhớ bao nhiêu nên Hoàng Anh nhắm vào những trường chỉ thi năng khiếu và chọn ngay Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, kết quả ai ngờ lại đỗ.
Bước vào cuộc sống sinh viên, Hoàng Anh phải xin dời ca ngày sang đêm. 12g đêm bắt đầu vào việc, 6g sáng hôm sau ra ca, chợp mắt được chút đã phải thức dậy tất tả mượn xe đạp của người bạn làm chung chạy cả chục cây số từ nhà trọ ở Q.Tân Phú sang Q.1 học. Có những ngày đi học, trong túi anh chỉ có 2.000đ để phòng hờ bơm bánh xe. Thường xuyên thiếu ngủ, lại thêm mặc cảm, tự ti của một sinh viên nghèo, trong lớp Hoàng Anh ít khi chịu lên sân khấu tập, cũng chẳng chơi với ai, trừ diễn viên Thanh Bình. Sự gắn bó của đôi bạn này kéo dài từ thuở đó cho đến nay, ngay cả trong buổi hẹn với người viết, cũng thấy anh đến cùng Thanh Bình.
Cũng chính vì tính nhút nhát, tự ti mà trong khi nhiều bạn cùng năm nhất đã có phim để đóng, Hoàng Anh vẫn chưa có vai diễn lận lưng. Có chăng là một vài vai quần chúng đi qua đi lại và một lần duy nhất làm quần chúng có thoại, xuất hiện trong phim Vòng xoáy tình yêu, nói đúng một câu: “Cậu chủ ơi, có điện thoại”. Giữa những buổi thứ Bảy, Chủ nhật được nghỉ học, xuống ca làm, Hoàng Anh đăng ký đi làm người vỗ tay thuê kiếm khoảng 100.000đ/ ngày.
May mắn mỉm cười với chàng trai nghèo, chịu khó khi học đến năm thứ hai, Hoàng Anh trúng tuyển vào phim truyền hình KTX, lập tức vai diễn Tùng chó con của anh được người xem yêu thích. Thành công của KTX đã dẫn anh đến với vai chính trong Đam mê - một trong những phim truyền hình đình đám thời phim Việt giờ vàng mới được khai phá. Cứ thế những vai diễn dần choán hết thời gian của Hoàng Anh, buộc anh phải chọn lựa giữa đóng phim hay làm bảo vệ.
Phim ảnh mang lại cho Hoàng Anh cuộc sống kinh tế thong thả hơn nhưng cũng lấy đi thời gian dành cho người thân. Hoàng Anh tự nhận tính mình ít nói giống mẹ, không biết buông những lời hoa mỹ, ngay mẹ anh cũng chưa từng gọi tiếng con ngọt ngào mà chỉ gọi anh là Ni. Hai mẹ con chỉ thể hiện tình thương bằng hành động. Như có lần sinh nhật mẹ, Hoàng Anh âm thầm mua một ổ bánh kem, một cái áo thay cho áo bà ba quanh năm suốt tháng của mẹ và một con vịt quay về nhà, mẹ Hoàng Anh bất ngờ đến nghẹn lời vì trước giờ trong nhà, sinh nhật là chuyện xa lạ với các thành viên.
Lần khác, Hoàng Anh mua chiếc xe đạp điện rồi chạy thẳng về Cần Giuộc tặng mẹ. Nhận chiếc xe trị giá cả chục triệu, mẹ anh xót tiền cứ cằn nhằn nhưng vui trong bụng vì tấm lòng thơm thảo của con trai. Mẹ Hoàng Anh như những người phụ nữ nông thôn khác, không bao giờ nói yêu con, không bày tỏ tình cảm âu yếm gì, nhưng cứ mỗi lần lên thăm con y như rằng bà lại đùm đề cá chiên canh ngót mà anh thích, hay khi biết anh về, bà lại âm thầm chuẩn bị mâm bát chờ con ăn cùng. Anh nhớ hoài vẻ mặt vừa vui vừa ngượng ngùng của mẹ khi theo con đến những nơi sang trọng. Nhìn thương lắm, anh ngậm ngùi.
Tam thập nhi lập, ở tuổi 30, Hoàng Anh sắp hoàn thành tâm nguyện mà người mẹ nào cũng mong muốn: con cái yên bề gia thất. Hoàng Anh không muốn chia sẻ nhiều về nửa kia của mình, chỉ cho biết cô vốn là một fan, yêu mến anh từ vai diễn ra tới ngoài đời. Tin vui là mối tình của anh sắp đi đến cái kết có hậu. Mẹ anh sẽ có thêm người chăm sóc yêu thương, bởi như anh nói “ai thương tôi mà không thương mẹ tôi thì gia đình không thể nào êm ấm được”. Chẳng phải mọi gia đình, mọi nếp nhà đều được gieo trồng từ những hạt giống yêu thương sao?
Hương Nhu