"Diễn viên hạng 4 chỉ nhận được 40.000 đồng cho 1 buổi diễn"

21/08/2024 - 15:48

PNO - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chia sẻ, thù lao cho 1 buổi biểu diễn với diễn viên hạng 4 chỉ có 40.000 đồng; nghệ sĩ ưu tú là 80.000 đồng...

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam trăn trở trước thực tế thể thao thành tích cao của Việt Nam
ĐBQH Lê Thị Thanh Lam trăn trở trước thực tế thể thao thành tích cao của Việt Nam đạt kết quả thấp trong khu vực và thế giới - Ảnh: Quốc hội

Lối đi nào cho thể thao thành tích cao của Việt Nam?

Chiều 21/8, ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) chỉ ra, việc đầu tư cho công tác đào tạo, chế độ tiền lương cho vận động viên, nghệ sĩ còn thấp. Với các vận động viên thể thao thành tích cao có thời gian làm nghề thấp, thời gian còn lại sẽ được hưởng chính sách tiền lương ra sao. Bà cũng nêu thực tế vừa qua, các giải thưởng thành tích cao của Việt Nam trong khu vực và thế giới còn thấp.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho hay, hiện nay Đảng và Nhà nước đã quan tâm cho lực lượng vận động viên và nghệ sĩ. Tuy nhiên, so về mặt bằng chung, chế độ chính để hỗ trợ 2 nhóm này còn khó khăn.

“Chúng tôi thấy cần thiết quan tâm hơn khi nhìn ra thể thao của các quốc gia khác. Muốn phát triển, phải có các chính sách đãi ngộ”, ông Nguyễn Văn Hùng nói và cho hay Bộ VH-TT&DL đang đề xuất Chính phủ sửa lại các Nghị định, tính toán lại về ngày công, ngày lương của vận động viên. Đặc biệt, khi chúng ta đã cải thiện tiền lương, chế độ này không phù hợp.

Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hình thành các cơ sở đào tạo “xứng tầm” điều kiện rèn luyện, bồi dưỡng, phát huy tài năng của vận động viên, mang vinh quang về cho Tổ quốc sau các kỳ thi quốc tế.

Kinh nghiệm của các Quốc gia có thành tích cao là có cách lựa chọn vận động viên để đào tạo, ngoài dựa vào thể thao quần chúng, thể thao học đường, từ lực lượng vũ trang. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ đã trình Chính phủ về chiến lược tập trung phát triển tài năng và lựa chọn vận động viên. Bộ đang chờ Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất để có thể phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Tương tự, vấn đề hỗ trợ cho nghệ sĩ cũng bất cập. Thù lao, tiền bồi dưỡng luyện tập cho nhóm đối tượng này còn thấp. Bộ trưởng chia sẻ: “Chỉ có 40.000 đồng cho 1 buổi diễn với diễn viên hạng 4. Nghệ sĩ nhân dân được 200.000 đồng, Nghệ sĩ ưu tú được 80.000 đồng. Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa đổi quy định để cập nhật, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, giúp văn nghệ sĩ yên tâm cống hiến”.

Một số bộ môn nghệ thuật có thể "khép lại"...

Trước đó, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng vào sáng cùng ngày, ĐBQH Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội) lo ngại về tình trạng đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật hiện nay khi quy mô đào tạo đang bị thu hẹp, chất lượng giảm sút đáng kể.

Nhiều ngành nghệ thuật gặp khó khăn trong tuyển sinh. Cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ, đặc biệt là các trường ngoài công lập, còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời, trong bối cảnh hiện nay, nếu không có nhiều giải pháp quyết liệt, một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ bắt đầu “khép lại”. Phải có nhu cầu thực tế thì cơ sở đào tạo mới tuyển sinh được, nhưng hiện nay các trường đều không có đủ đầu vào.

Bộ VH-TT&DL đang nghiên cứu, khảo sát nhu cầu, nguyện vọng, năng khiếu học sinh, sinh viên ngành nghệ thuật để điều chỉnh chính sách phù hợp. Chính phủ cũng ban hành nhiều quy định khuyến khích như miễn giảm học phí, chế độ ưu đãi với người học nghệ thuật truyền thống.

Theo đó, Bộ sẽ tập trung vào các nhóm ngành có nguy cơ mai một như nhạc công hát kịch dân tộc; nhạc công truyền thống Huế; đờn ca tài tử; diễn viên sân khấu kịch hát; nghệ thuật biển diễn dân ca; nghệ thuật ca trù, bài chòi; biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Các chính sách ưu đãi được áp dụng cho cả nước song tới thời điểm này, ông Nguyễn Văn Hùng cho hay, Bộ chưa nhận được thông tin từ các địa phương về những học viên mong muốn được hỗ trợ. Về lâu dài, Bộ VH-TT&DL sẽ nghiên cứu giải pháp để các thế hệ học sinh, sinh viên yêu văn hóa Việt Nam, coi truyền thống là hồn cốt để lưu truyền.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Chỉ khi yêu thích đam mê, thì tỉ lệ người học nghệ thuật truyền thống mới tăng lên. Điều này cần làm lâu dài, từ từ chứ không thể ngày một ngày hai".

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI