Không phải tự nhiên Dũng Nhí được nhiều đồng nghiệp nhận xét “nhỏ nhưng có võ”. Anh là một trong số hiếm hoi những diễn viên có khả năng tung hoành từ cải lương đến kịch nói và thể hiện khá thành công đủ dạng nhân vật từ bi, hài đến “độc”.
Khởi nghiệp từ việc... nhắc tuồng
Rất khó để nhớ hết tên các nhân vật Dũng Nhí đã đảm nhận, nhưng nhắc đến tên anh, khán giả có thể hình dung ngay hình ảnh anh chàng diễn viên nhỏ con nhưng diễn tốt mọi loại vai từ trẻ đến già, đặc biệt là những nhân vật chân chất, hiền lành, đôi chút khờ khạo. Khán giả cải lương lại nhớ Dũng Nhí bởi giọng ca khỏe, vang, nhiều cảm xúc, đối nghịch với vóc dáng nhỏ bé của “thân chủ”.
Giọng ca, khả năng diễn xuất và cả đam mê nghệ thuật của Dũng Nhí được thừa hưởng từ cha mẹ: nghệ sĩ (NS) Phương Dung - Quốc Trầm. Từ ngày còn trong bụng mẹ, cậu bé Dũng Nhí đã theo chân cha mẹ khi đó là bầu gánh hát rong ruổi khắp mọi miền đất nước và lớn lên từng ngày với câu ca, tiếng đờn.
Tuổi thơ côi cút, trải qua nhiều thăng trầm, cực nhọc của cuộc đời theo nghề hát, vợ chồng NS Phương Dung muốn cả hai con đừng theo nghề của cha mẹ. Dũng Nhí được gửi về ở với cậu mợ ở Nha Trang cùng lời gửi gắm của cha mẹ: “Con ráng học. Cực khổ cách mấy ba mẹ cũng ráng lo cho con học hành đến nơi đến chốn”. Nhưng con đường học vấn của Dũng Nhí dừng ở năm lớp Mười. Phần vì cậu bé ham hát hơn ham học, phần vì hơn mười năm phải sống xa cha mẹ với Dũng Nhí khi đó đã là quá “ngưỡng chịu đựng”.
Khi đa phần các bầu gánh hát thường tìm cách để con mình sớm được lên sân khấu, không được đóng chánh thì cũng phải đảm nhận vai gì đó quan trọng trong tuồng thì ông bà bầu Phương Dung - Quốc Trầm, khi đó là chủ gánh hát La Ngà, lại có suy nghĩ rất khác. “Thấy tôi nhỏ con lại không có thời gian đi theo đoàn nhiều nên ba mẹ phân công nhiệm vụ nhắc tuồng để vừa có việc làm, vừa có cơ hội học nghề. Người cho tôi cơ hội được lên sân khấu lần đầu là đạo diễn Minh Thiện, người cùng lập gánh hát với ba mẹ. Tôi trưởng thành chính nhờ sự khó tính đó của ba mẹ” - Dũng Nhí nhớ lại.
Không dám nuôi ước mơ nổi tiếng
Hơn cả những bài học vỡ lòng về sân khấu, điều Dũng Nhí nhận diện rõ hơn trong những tháng ngày làm người nhắc tuồng còn là suy nghĩ: con đường làm nghệ thuật sẽ không dễ dàng mà phải là một quá trình nỗ lực lâu dài, phải luôn hết lòng với từng cơ hội được xuất hiện trên sân khấu. Chính vì lẽ đó, mỗi khi nhận bất kỳ vai diễn nào dù ở phim truyền hình hay sân khấu, thậm chí có khi chỉ là vai quân lính trong một vở cải lương, Dũng Nhí cũng tập luyện rất nghiêm túc, cố gắng sáng tạo bằng tất cả khả năng của mình.
|
Dũng Nhí và mẹ - nghệ sĩ Phương Dung trong chương trình Hát cùng mẹ yêu
|
Gần ba mươi năm lăn lộn với sân khấu, từ những năm tháng theo đoàn hát lênh đênh sông nước, đến thời gian phải làm quen với tất cả những điều mới lạ khi quyết định về thành phố để ổn định cuộc sống và ở gần ba mẹ, khó khăn của anh chàng diễn viên đoàn cải lương tỉnh lẻ lại không có lợi thế ngoại hình để trở thành diễn viên, khó có thể kể hết thành lời. Nhưng Dũng Nhí chưa bao giờ nản lòng. “So với ba mẹ, khó khăn của tôi không là gì. Từng phải lo cho cả đoàn hát mấy chục con người, có lúc phải bán sạch tài sản để lập gánh hát, ba mẹ vẫn kiên trì suốt mấy chục năm. Còn tôi, đơn giản chỉ cần nỗ lực và luôn làm tốt trách nhiệm mỗi khi hóa thân thành nhân vật. Cũng có lúc tôi mơ được trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng khi bình tĩnh suy nghĩ lại, tôi nhận ra được sống với đam mê và sống được bằng nghề hát của gia đình đã là hạnh phúc”, Dũng Nhí chia sẻ.
Quan niệm hạnh phúc là những điều không quá cao xa nên vợ chồng Dũng Nhí có cuộc sống khá yên bình. Anh tự nhận mình là người may mắn khi vợ dù cũng là nghệ sĩ nhưng sống đơn giản, không đua đòi, se sua, toàn tâm toàn ý cho gia đình. Anh cũng cho rằng, hạnh phúc trong đời sống hôn nhân không thể chỉ từ một phía, nhất là khi cả hai bên đều còn cha mẹ, người thân.
Có lẽ ít ai ngờ từng có thời gian vợ chồng Dũng Nhí sống chung nhà cùng hai bên sui gia. Khi quay về thành phố, công việc chính của gia đình anh và gia đình vợ đều là kinh doanh quán ăn. Thay vì mỗi nhà làm một quán, chi bằng cả hai cùng hợp lực, vợ chồng anh quyết định thuê nhà để cha mẹ hai bên cùng kinh doanh chung.
Bốn ông bà sui sống chung một nhà, cùng kinh doanh, mọi ứng xử nếu không khéo léo sẽ khó tránh khỏi bất hòa. Những năm tháng lăn lộn ở đoàn hát, những trải nghiệm tích lũy được từ cuộc sống và cả những tuồng cải lương bỗng trở nên có giá trị hơn bao giờ hết.
“Hiểu rõ mâu thuẫn giữa hai bên sui gia thường do sự chăm lo không đồng đều, tôi thường không tặng quà cho ba mẹ, trừ những ngày đặc biệt. Tôi dành sự chăm lo nhiều hơn cho cha mẹ vợ. Đổi lại, vợ tôi cũng chăm sóc hệt như vậy cho cha mẹ tôi. Việc kinh doanh cũng luôn được công khai rõ ràng minh bạch. Cuộc sống chung luôn đầy ắp tiếng cười, nhưng nhìn nhận một cách cụ thể thì những người được “hưởng lợi” không phải là ba mẹ của hai bên, mà chính là vợ chồng tôi. Ông bà sui vui vẻ, hòa thuận, chúng tôi có cuộc sống tinh thần thoải mái và được yêu thương nhiều gấp đôi”, Dũng Nhí hóm hỉnh.
|
Dũng Nhí và bạn diễn Tấn Beo
|
Cho đến giờ, hai bên sui gia tuy không còn ở chung một nhà nhưng đã thành thói quen, những món quà vợ chồng Dũng Nhí biếu ba mẹ luôn luôn là “anh em sinh đôi”, bởi từ rất lâu, dường như trong gia đình anh không có quan niệm ba má chồng, ba má vợ mà là ba má của cả hai vợ chồng.
Hạnh phúc khi… con hơn cha
Hạnh phúc đong đầy khi Dũng Nhí nhắc về cậu con trai duy nhất của vợ chồng anh. Thương con đứt ruột vì đã không tránh cho con đừng rơi vào tâm trạng của mình thời ấu thơ, nhưng suốt mười năm ròng, vợ chồng anh phải gửi con ở nhà ngoại để theo đoàn hát. Dũng Nhí không nhớ bao nhiêu lần người đàn ông là anh đã phải khóc vì nhớ con. Thương con thắt lòng khi nhớ cảm giác mình từng khóc vùi vì nhớ ba mẹ thời ấu thơ, quay về thành phố, việc đầu tiên anh làm là đưa con lên ở cùng, dù lúc đó cuộc sống đầy khó khăn, còn phải chạy ăn từng bữa.
Không khó để nhận ra cảm xúc rất đặc biệt ở Dũng Nhí khi anh nói về gia đình: “Con đã hơn cha. Con chịu học đến đại học và giờ theo chuyên ngành thiết kế đồ họa. Ba năm nay con đã có thể sống tự lập, không cần ba mẹ chu cấp. Nhưng không vì vậy mà cuộc sống của con tách khỏi gia đình. Đi chơi xa với bạn, tới nơi con vẫn gọi điện, nhắn tin để ba mẹ yên lòng. Mỗi người một công việc, thời gian làm việc cũng khác nhau, nhưng không vì thế mà chúng tôi quên những ngày đặc biệt trong năm của mỗi người. Chúng tôi luôn trân trọng những lúc cả nhà được quây quần bên nhau, bởi gia đình là nơi tiếp cho tôi nhiều sức mạnh nhất để có thể tiếp tục thực hiện những điều mình mong muốn”.
Thảo Vân