“Khi bạn có một giấc mơ điên rồ và đủ lớn, chỉ cần nỗ lực hết mình và kiên trì theo đuổi nó, bạn sẽ làm được” - Kelly Marie Trần, diễn viên người Mỹ gốc Việt được chọn vào phim Star Wars và là diễn viên châu Á đầu tiên xuất hiện trên bìa tạp chí Vanity Fair, chia sẻ.
Hành trình 20 năm theo đuổi giấc mơ điện ảnh của Kathy Uyên cũng điên rồ và nhiều đam mê như vậy.
Gian nan hành trình trở thành diễn viên trên đất Mỹ
Kathy Uyên đón tôi tại phòng chiếu thử của HK Film, nơi cô đã rất nhiều lần xem đi xem lại bản nháp Chị chị em em - bộ phim đầu tay cô làm đạo diễn. Một bộ phim mà nói như Kathy: “Tôi thấy mình hết sức may mắn vì được sự tin tưởng, giúp đỡ của rất nhiều người bạn”.
|
Mười năm theo nghề diễn viên giúp Kathy Uyên có được nhiều kinh nghiệm diễn xuất quý báu để truyền đạt cho các diễn viên trẻ |
Mặc bộ quần áo giản dị, bên ngoài khoác chiếc áo len mỏng nhẹ, không trang điểm, Kathy hoàn toàn khác lúc cô ra phim trường hay xuất hiện trước công chúng. Hình ảnh chẳng mấy khác thời điểm cách đây 10 năm, khi cô còn là cái tên mới nổi ở Việt Nam, thoải mái ngồi vỉa hè ăn một bát bún riêu. Viết điều này bởi Kathy là nữ đạo diễn mặc đẹp nhất mà tôi biết từ trước đến giờ. Trên sân khấu, ở phim trường, Kathy mặc đơn giản nhưng luôn rất đẹp, vẻ đẹp của một phụ nữ tự tin, biết yêu chiều bản thân.
Kathy nói, căn phòng chiếu thử luôn cho cô cảm giác thoải mái và tự tin. Có lẽ vì nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của cô và điện ảnh là tình yêu cô theo đuổi suốt 20 năm, qua những thác ghềnh chông chênh và đầy hoài nghi. Kathy nhớ lại những ngày cô còn là một đứa trẻ nhút nhát trên đất Mỹ, luôn nuôi giấc mơ trở thành diễn viên: “Diễn xuất luôn toát ra hấp lực kỳ lạ thu hút tôi. Tôi muốn được đứng trước mọi người, được hóa thân thành một ai đó khác mình. Giấc mơ ấy thật kỳ lạ và ngộ nghĩnh với một đứa trẻ nhút nhát như tôi”.
Như nhiều người Việt sinh ra trên đất Mỹ, tương lai luôn cần một sự đảm bảo chắc chắn, Kathy Uyên theo học và tốt nghiệp cùng lúc hai ngành kinh tế và phim ảnh tại Đại học UC Irvine (California, Mỹ). Tất cả các công việc này đều phục vụ cho mục đích duy nhất: tìm kiếm cơ hội trở thành diễn viên.
|
Điều quan trọng nhất đối với Kathy Uyên khi làm việc cùng diễn viên là tạo sự kết nối và sự tin tưởng để chia sẻ cảm xúc |
“Nhiều người khuyên tôi nếu làm được công việc gì khác thì nên làm, đừng theo nghề diễn viên cho cực. Ba mẹ tôi không cấm đoán nhưng ngay đến ba tôi cũng nghi ngờ khi phải liên tục tạm gác công việc để đưa tôi đi casting nhiều lần và đều không thành công. Tôi cũng cố gắng thử qua nhiều việc như viết kịch bản, thiết kế phục trang... Cuối cùng, tôi nhận ra tất cả công việc đó không khỏa lấp được khoảng trống đang thiếu trong lòng mình. Và nếu cứ tiếp tục như vậy, tôi sẽ không còn cơ hội nữa. Tôi đành liều lĩnh tập trung vào diễn xuất.
Có thời gian, tôi phải đi làm bartender vào buổi tối để kiếm tiền trang trải cho việc học thêm diễn xuất, còn ban ngày đi thử vai. Thử nhiều đến nỗi tôi không thể nhớ hết. Lắm khi đi dự 30 - 50 buổi thử vai mới nhận được một vai diễn nhỏ. Cuộc sống lúc đó nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi muốn bỏ cuộc vì tôi biết mình đang đi đúng con đường trái tim mình mách bảo”.
Với thật nhiều nỗ lực, Kathy Uyên dần tìm được chỗ đứng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. Cô bắt đầu xuất hiện trong một số phim điện ảnh như: Rice on White, Dead Trees, Skid Marks, Asian Stories, Finishing the Game, Supercapitalist… một số phim quảng cáo như State Farm, Toyota Highlander, NBC, Thế vận hội Mùa đông 2006 và một số chương trình truyền hình của đài CBS, điển hình là How I Met Your Mother.
Cũng từ một chương trình truyền hình, Kathy Uyên gặp đạo diễn Victor Vũ và được mời tham gia bộ phim Chuyện tình xa xứ (2009). Kathy khẳng định cuộc gặp đó thực sự là một bước ngoặt của cuộc đời cô. “Sau khi nhận được giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc của giải thưởng Cánh diều 2009, tôi nhận ra, mình rất được khán giả ở Việt Nam đón nhận và ngay lúc đó, tôi chợt muốn quay trở về đóng góp cho điện ảnh quê nhà”.
Victor Vũ sau đó trở thành đạo diễn “triệu đô”, nổi tiếng với phong thái làm việc tỉ mỉ, chỉn chu và cầu toàn trong mỗi sản phẩm. Và Kathy trở thành diễn viên rất được yêu mến với Để mai tính (2010), Âm mưu giày gót nhọn (2013). Nhưng rồi mọi thứ dần thay đổi. Nhiều diễn viên mới, tài năng xuất hiện. Không có quá nhiều phim dành cho một diễn viên Việt kiều với chất giọng lơ lớ, Kathy Uyên nhận ra, cô không thể ngồi im, chờ vai diễn tự tìm đến.
10 năm thăng trầm
Phóng viên: Đang được yêu mến thì cánh cửa Việt Nam bỗng dưng đóng sầm lại trước mắt chị. Có lẽ điều này thực sự chẳng dễ chịu chút nào?
Diễn viên - đạo diễn Kathy Uyên: Quả tình khoảng thời gian đó không như tôi tưởng tượng. Chất giọng lơ lớ gây chú ý đặc biệt trở nên bất lợi. Điện ảnh không phải lúc nào cũng có đất cho một cô diễn viên Việt kiều. Thay vì chờ đợi, tôi quyết định thử sức với công việc biên kịch, tham gia sản xuất phim Âm mưu giày gót nhọn. Lúc ấy, tôi hiểu rằng chỉ với con đường này, mình mới có thể tiếp tục đi đường dài cùng phim ảnh.
* Và sau đó chị lại tiếp tục im lặng đến tận 6 năm…
- Đó lại là một khoảng thời gian rất dài và kinh khủng khác. Nói loay hoay cũng đúng vì khi ấy tôi vừa muốn học thêm cách viết kịch bản, vừa hướng dẫn diễn xuất cho các diễn viên trẻ. Mình là diễn viên mà, đi đâu người ta cũng hỏi: “Kathy Uyên đang làm phim gì đó?”. Tôi trả lời: “Đang viết kịch bản”. Lần tiếp theo mọi người lại hỏi: “Chừng nào Kathy xong?” Thật ra tôi hiểu rằng những câu hỏi đó đều xuất phát từ việc mọi người đều yêu thương và quan tâm đến mình. Thế nhưng, so với tiến độ mình thực hiện, những câu hỏi đó làm mình cảm thấy sốt ruột và áp lực vô cùng.
|
Thay vì chờ đợi phim ảnh tự tìm đến mình, Kathy Uyên quyết định thử sức với công việc biên kịch, tham gia sản xuất phim, làm đạo diễn |
"Tôi thấy ở Kathy Uyên một nguồn năng lượng và tính nữ mạnh mẽ, rất phù hợp với bộ phim Chị chị em em. Tôi cũng thấy ở Kathy khả năng liên kết và khơi cảm xúc cho các diễn viên rất tuyệt vời. Đó là lý do tôi chọn cô ấy làm đạo diễn cho dự án lần này" Nhà sản xuất Will Vũ |
* Chị có nghĩ đến việc trở lại Mỹ trong khoảng thời gian ấy?
- Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ đến nhưng rồi tôi nhận ra, thật khó để trở lại Mỹ và bắt đầu lại mọi thứ. Tôi đã chọn Việt Nam, nhiều kế hoạch được đề ra và mọi thứ đang tiến triển tốt, vì thế phải cố gắng hoàn thành. Bạn bè, đồng nghiệp, công ty quản lý ở Việt Nam đều nhìn thấy và ghi nhận những nỗ lực của tôi. Tôi thực sự trân quý điều đó. Nó cho tôi động lực để bước tiếp.
Điều duy nhất khiến tôi vẫn luôn tự trách bản thân là không có nhiều thời gian ở bên cạnh mẹ. Mãi đến khi mẹ tôi phát hiện bị ung thư não, tôi mới ở gần bà. Bao nhiêu thời gian cũng không đủ. Tôi thấy mình thật ích kỷ và muốn buông trôi mọi thứ. Chính mẹ đã luôn động viên tôi đừng bỏ cuộc những lúc yếu lòng. Bà đã tiếp sức cho tôi. Đó là lý do, những bộ phim của tôi thường xoay quanh những người phụ nữ nhưng không phải là những người phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó mà là những người phụ nữ trong xã hội hiện đại, phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Họ xinh đẹp, thành đạt nhưng họ cũng rất cô đơn khi chống chọi với quá nhiều thứ.
* Mất bao lâu để chị quyết định nhận lời đạo diễn Chị chị em em?
- Ban đầu tôi hơi do dự vì các vai trò biên kịch, sản xuất mình đều đã thử sức và có ít nhiều kinh nghiệm, trong khi đạo diễn thì không. Nhưng anh Myke Brown, một người bạn ở công ty quản lý của tôi, đã động viên rằng: “Kathy, tôi tin em sẽ làm được”.
Khi bạn không có gì trong tay, khi bạn còn đang phân vân liệu mình có làm được không, đúng lúc ấy, sự động viên của bạn bè đến. Nó cho bạn niềm tin và sức mạnh, nó khơi mở một khả năng nào đó mà trước đây bạn không hề nhìn thấy, nó phá vỡ những giới hạn, những rào cản bạn đang tự giăng mắc cho mình.
* Chị chuẩn bị thế nào để hoàn thành một bộ phim lần đầu ở vai trò đạo diễn?
- Khi bắt đầu lên ý tưởng cho phim Chị chị em em, tôi nghiên cứu nhiều phim thể loại thriller (giật gân, tâm lý hồi hộp). Qua khảo sát, tôi biết khán giả thích xem những cảnh cool ngầu, diễn viên đẹp, khung cảnh sang trọng, cảnh nóng, scandal… Tôi mang những yếu tố này vào phim để tăng sự tò mò. Nhưng điều tôi muốn là sau khi xem phim, khán giả sẽ nhìn thấy ánh sáng, thấy hy vọng thay vì chìm trong tăm tối, hận thù.
Thách thức lớn nhất của tôi khi làm Chị chị em em là đưa nhiều yếu tố Việt Nam vào thể loại này. Thực sự không dễ chút nào. Bởi nếu làm không khéo, khán giả sẽ phản ứng. Bên cạnh đó, tôi còn tham gia nhiều lớp học trực tuyến, trò chuyện với nhiều đạo diễn để học hỏi và xin thêm lời khuyên, nâng cao các kỹ thuật và thẩm định hình ảnh.
* Mười năm ở Việt Nam nhưng khả năng diễn đạt bằng tiếng Viêt của chị vẫn còn nhiều hạn chế. Trên phim trường và trong công việc hướng dẫn diễn xuất, chị trao đổi với diễn viên ra sao để họ có thể hiểu hết ý đồ của chị?
- Tôi làm nhiều hơn các đạo diễn khác để tạo động lực, truyền cảm xúc và chỉ dẫn diễn viên vượt qua những phân đoạn khó, “nặng” cảm xúc. Mỗi khi cắt cảnh, tôi lao ra set với diễn viên, hướng dẫn bằng cả ngôn ngữ và cử chỉ cơ thể để họ có thể hiểu và nắm bắt được tâm lý nhân vật từ bên trong. Với những cảnh khó, tôi diễn thị phạm cho diễn viên. Điều quan trọng nhất đối với tôi khi làm việc cùng diễn viên là tạo sự kết nối và sự tin tưởng để chia sẻ cảm xúc.
Khi cho đi đúng thứ người khác cần, bạn sẽ vô cùng thoải mái
* Trong ba năm qua, ngoài đóng một vài vai nho nhỏ trong một số phim, chị hướng dẫn diễn xuất cho khá nhiều diễn viên trẻ như Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X, Kaity Nguyễn… Họ đều tỏa sáng từ những vai diễn này. Đây có phải là hướng đi sắp tới của chị?
- Nhờ theo học ở Mỹ và tích lũy kinh nghiệm diễn xuất, tôi thấy được khó khăn của các bạn trẻ và sẵn sàng chia sẻ với họ. Thú thật ban đầu, đó chỉ là đôi buổi workshop nho nhỏ. Dần dà, tôi nhận ra, hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa đủ lớp diễn xuất dù mình có rất nhiều diễn viên tài năng. Tôi thấy mình có thể chia sẻ những gì mình học được và có thể tạo nên sự khác biệt cho các bạn trẻ, vậy tại sao mình không thử sức?
Thời gian tới, tôi sẽ hợp tác với Thanh Bùi để mở A.C.T Academy. Nơi đây không chỉ dành riêng cho những diễn viên hay đạo diễn đam mê điện ảnh mà còn dành cho mọi người đến và khám phá cảm xúc của bản thân để có thể tự tin là chính họ khi đứng trước ống kính máy quay, sân khấu và trong cuộc sống.
Giáo trình của A.C.T do tôi nghiên cứu, chắt lọc và biên soạn trong suốt ba năm qua, từ kiến thức đã học và kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam. Cảm giác khi đứng lớp vui lắm, lúc nào cũng đầy cảm hứng. Khi cho đi đúng thứ người khác cần, bạn sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái.
Nếu bạn chỉ sống vì mình, bạn sẽ trở nên ích kỷ. Nhưng nếu chỉ sống vì người khác, bạn không còn là chính bạn. Với tôi, việc hướng dẫn diễn xuất là sự cân bằng. Ngoài việc sống cho mình, ở đây là làm phim, còn phải biết cho đi đúng cách.
* Còn bộ phim sắp tới của chị sẽ thế nào?
- Khán giả nhớ đến Kathy Uyên qua những bộ phim hài, lãng mạn. Bộ phim tới chắc chắn sẽ hài hước nhiều hơn.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Hoàng Linh Lan (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp