Bộ phim Đảo của dân ngụ cư (Blue Productions và Live Media sản xuất) chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Đỗ Phước Tiến, do nữ đạo diễn-diễn viên (ĐD-DV) Hồng Ánh thực hiện đã gây bất ngờ khi chiếm đến tám đề cử chính thức và giành chiến thắng ở ba hạng mục quan trọng của Liên hoan phim(LHP) Asean 2017, vừa kết thúc ngày 6/5, trong đó có giải thưởng cao nhất - giải Phim hay nhất.
Thành công của Đảo của dân ngụ cư trong lần đầu tham gia một LHP quốc tế (QT) đã xua tan phần nào những nghi ngại về tay nghề ĐD của Hồng Ánh. Vừa trở về từ Malaysia sau lễ trao giải, Hồng Ánh đã dành cho báo Phụ Nữ những chia sẻ về đứa con tinh thần này.
|
Đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh
|
* Chúc mừng chị với thành công vang dội của Đảo của dân ngụ cư ở LHP Asean 2017. Lần đầu tiên đưa phim của mình dự một LHP QT, chị có kỳ vọng gì không? Chị có thể cho bạn đọc báo Phụ Nữ biết thêm thông tin về LHP này?
- Khi đưa phim tham gia bất kỳ LHP nào, dĩ nhiên là ai cũng hy vọng phim mình sẽ có giải, nhưng nhận được đến tám đề cử và thắng ba giải là điều vượt ngoài sự mong đợi của chúng tôi.
Ngay chính ban tổ chức (BTC) LHP cũng cho biết, đây là lần đầu tại một LHP QT Đông Nam Á có một tác phẩm nhận đến tám đề cử. Đảo của dân ngụ cư chỉ trượt một đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc của Nhan Phúc Vinh. LHP QT Asean (AIFFA) diễn ra hai năm/lần, lần này là lần thứ ba, đã khẳng định được sức hút của mình khi có đến 109 phim của 10 quốc gia gửi đến tham dự.
Có 50 phim lọt vào vòng tuyển chọn và chỉ năm phim được đề cử giải Phim hay nhất. AIFFA còn có sự tôn vinh dành cho những ngôi sao tầm vóc thế giới như Thành Long, Dương Tử Quỳnh hoặc Gary Lavinsohn (nhà sản xuất phim Giải cứu binh nhì Ryan). Năm nay nhân vật được tôn vinh là Chân Tử Đơn. Bên cạnh đó là Nora Aunor, nữ diễn viên được xem là “Báu vật của điện ảnh Philippines”.
|
Cảnh trong phim Đảo của dân ngụ cư
|
* Đưa phim đi dự LHP QT để lấy tiếng, “đánh động” khán giả trước khi công chiếu ở VN là cách làm quen thuộc của một số nhà làm phim độc lập, chị cũng đang theo lộ trình đó?
- Tôi muốn mọi người nghĩ theo một hướng khác, đơn giản hơn, là thời điểm này phim Đảo của dân ngụ cư vẫn chưa tìm được đường ra rạp phù hợp tại VN. Lần đầu ĐD một bộ phim, tôi muốn bản phim phải hoàn thiện nhất có thể rồi mới tìm nhà phát hành.
Trước khi gửi phim dự LHP Asean, chúng tôi đã tiếp xúc với đơn vị phát hành, thời điểm họ đưa ra là khoảng mùa thu năm nay, quá xa nhưng đành chịu, vì hè này đã có nhiều phim Việt và phim ngoại ra rạp. Muốn sớm hơn cũng không còn chỗ trống.
Đảo của dân ngụ cư là phim Việt nên việc chiếu ở VN là rất quan trọng, vì suy cho cùng mục đích lớn nhất của một bộ phim là đến được với đông đảo khán giả. Cho nên, dự LHP trước cũng là một cách phát hành, để đưa phim đến với người xem mà không bị bó buộc trong một khuôn khổ địa lý nào.
* Trở lại với bộ phim Đảo của dân ngụ cư, vì sao lần đầu làm phim chị lại chọn dự án này?
- Từ hơn 10 năm trước tôi đã được đọc kịch bản điện ảnh phim này do nhà văn Nguyễn Quang Lập viết. Không chỉ riêng tôi bị cuốn hút, mà ĐD Trần Anh Hùng đọc xong cũng phải ghi lại mấy chữ “là một kiệt tác” trên cuốn kịch bản. Thời điểm đó, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã định làm phim, với vai nữ chính giao cho tôi, vai nữ phụ là chị Ngọc Hiệp.
Đây là một phim tình cảm tâm lý nói về số phận con người, không có yếu tố hài hước nên rất khó tìm được nhà đầu tư. Vì vậy, kịch bản đã nằm cả chục năm vẫn chưa triển khai được. Trong một lần tôi cùng người bạn viết chung kịch bản cho một dự án thì được đối tác đề nghị tìm một kịch bản có sẵn, chỉ cần đưa vào thực hiện, nên tôi giới thiệu ngay Đảo của dân ngụ cư. Họ đọc và đồng ý chung sức cùng Blue Productions
thực hiện...
* Lựa chọn một dự án phim nghệ thuật để ra mắt có vẻ là một lựa chọn khôn ngoan. Nếu làm phim giải trí mà không có khách, chắc chắn chị sẽ hứng búa rìu dư luận, nhưng nếu làm phim nghệ thuật mà chiếu không có người xem thì chị có thể “đổ thừa” kiểu như… “đó là phim nghệ thuật”?
- Cũng chưa hẳn là khôn ngoan. Nếu buộc phải lựa chọn giữa làm một phim sẽ đoạt giải và một phim có nhiều khán giả, tôi sẽ chọn khán giả. Với Đảo của dân ngụ cư, tôi chỉ muốn tìm một câu chuyện khiến cho mình trăn trở, đánh động những cảm xúc của người làm nghề.
Tôi cũng không đồng ý với quan điểm phim nghệ thuật khó xem, bởi mặt bằng và cái nền văn hóa của công chúng ngày nay đã khác. Hãy cứ đi xem để mở rộng biên độ thưởng thức nghệ thuật của mình.
* Lần đầu làm ĐD, chị gặp những khó khăn gì?
- Thuận lợi và cũng là khó khăn là tôi đã nghiền ngẫm kịch bản điện ảnh cách đây 10 năm khi được chọn vào vai chính, nên mọi thứ đều thuộc nằm lòng; nhưng cũng vì kịch bản viết đã lâu nên quang cảnh thực tế có thay đổi, buộc tôi và biên kịch Nguyễn Quang Lập điều chỉnh kịch bản nhiều lần, tính toán sao cho phù hợp với kinh phí.
Kể từ khi có kinh phí, chúng tôi phải mất thêm một năm chuẩn bị mới dám triển khai. Khó khăn trên trường quay chủ yếu liên quan đến thời tiết khắc nghiệt vì thời điểm quay là tháng Sáu, mùa nắng nóng ở Hội An và áp lực tiến độ vì đoàn phim đến hơn 60 người, đi quay xa, lại ở ngay địa điểm du lịch nên mọi sinh hoạt đều đắt đỏ.
* Công chúng còn thắc mắc vì sao chị lại chọn Phạm Hồng Phước và Ngọc Thanh Tâm? Chị có gặp khó khăn không khi họ còn quá mới?
- Tôi muốn tìm những diễn viên trẻ, những gương mặt mới. Hồng Phước và Thanh Tâm đáp ứng được yêu cầu đó. Khi Phước thử vai, tôi không biết Phước là ca sĩ nổi tiếng vì thế hệ của tôi không biết gì nhiều về nhạc của Phước. Phước được chọn vì có ngoại hình phù hợp với nhân vật, ở Phước toát lên sự chân thật, hồn nhiên trong tính cách.
Tâm cũng đáp ứng được yêu cầu tìm một người nữ da trắng, tóc dài, vừa già dặn vừa có nét trẻ thơ. Với những diễn viên mới mình phải làm việc nhiều hơn, nhưng tôi thích nhìn thấy sự thay đổi của một người trong quá trình làm phim. ĐD khi chọn diễn viên thường có cảm giác nghề nghiệp riêng, có thể người được chọn không quá xuất sắc nhưng ĐD đã nhìn được tố chất của họ để giúp họ tỏa sáng.
Rõ ràng là Phước đã tỏa sáng với giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại LHP Asean. Tâm cũng giành được đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Đó không phải một sự công nhận về nghề và lực của họ sao?
* Trong quá trình làm phim, cảnh quay nào để lại nhiều kỷ niệm nhất cho chị?
- Đó là cảnh nóng giữa Phước và Tâm. Cảnh này không chỉ là thách thức của hai DV mà còn là thách thức thật sự với tôi. Giờ nhìn lại, tôi thấy vui vì cũng không biết sao mình lại làm được như vậy. Một cảnh phim rất khó nữa là cảnh nhân vật của Nhan Phúc Vinh rượt theo con dê và trút cơn ghen vào nó bằng những trận đòn, vì quay với động vật không dễ, khó điều khiển con vật theo ý mình mà theo lịch sản xuất thì cảnh này chỉ được quay trong một đêm.
* Trong khi chờ được trình chiếu ở VN, Đảo của dân ngụ cư còn chu du thêm nơi nào nữa không? Chị có thể nói gì với khán giả trong nước nếu có nhận xét “phim không bằng truyện”?
- Vài ngày tới, phim Đảo của dân ngụ cư sẽ tham dự LHP Cannes và sau đó là Tuần lễ phim Việt tại Barcelona Tây Ban Nha. Tôi chỉ muốn nói mình không làm công việc sao chép và minh họa bằng hình cho truyện ngắn. Từ một tác phẩm văn học đến kịch bản điện ảnh đã là một bước chuyển. Rồi từ kịch bản điện ảnh tới phiên bản điện ảnh lại thêm một tầng sáng tạo nữa.
Độc giả đến với truyện bằng những xúc cảm từ những câu chữ, từ trí tưởng tượng được tự do bay bổng. Nhưng xem phim, khán giả sẽ phải cảm xúc với những hình ảnh, âm thanh, ánh sáng; với nhân vật và những thứ đã được hình ảnh hóa. Khán giả có quyền nghi ngờ nhưng xin hãy giữ tâm thế đi xem một bộ phim là đi tìm cảm xúc, đừng so sánh vì văn là văn mà phim là phim, mỗi thể loại có cách kể chuyện khác nhau.
* Xin cám ơn chị và chúc mừng thành quả nghệ thuật của chị.
Hương Nhu (thực hiện)