Bom 15 tuổi thì đã có 13 năm Cát Phượng nhiều khi phải đóng một lúc cả hai vai, vừa làm cha, vừa làm mẹ. Tình yêu của người mẹ và sự cứng rắn, mạnh mẽ của một phụ nữ thường hay nhận là mình rất nam tính là những điều mà Cát Phượng luôn kết hợp hài hòa trong những bài học dành cho con trai.
|
Cát Phượng và con trai |
Phóng viên: Mỗi gia đình có phương hướng, mục đích giáo dục con cái riêng. Có người lấy sự đỗ đạt, học hành làm trọng, có người lại lấy tính cách, con người làm trọng. Riêng Cát Phượng, chị chọn điều gì là quan trọng trong việc dạy con và điều gì khiến chị cảm thấy dạy con là khó?
Diễn viên Cát Phượng: Có lẽ khác với đa số phụ huynh hiện nay, tôi không lấy thành tích học tập của con làm trọng, chỉ cần con cố gắng học và lên lớp, học theo năng lực của mình là đủ. Điều quan trọng nhất và khó nhất, theo tôi là giáo dục nên một con người.
Nhiều người cho rằng, con trai sống với mẹ sẽ yếu đuối, đó chính là điều tôi lo lắng. Chính vì thế, một trong những mục đích của tôi khi dạy con là con lớn lên phải có bản lĩnh, phải là người mạnh mẽ, muốn làm gì thì phải làm cho được. Phụ nữ một mình nuôi con thường có tâm lý muốn bù đắp cho con, nghĩ con mình đã thiệt thòi rồi thì cần phải được chiều chuộng hơn.
Lúc nào những bà mẹ ấy cũng muốn ở bên con, làm hết mọi việc cho con. Chính điều đó khiến đứa trẻ lúc nào cũng cảm giác mình nhỏ bé, không lớn lên được. Tôi đã phải tập cho mình để con té (nếu không nguy hiểm) và tự đứng lên. Khi trẻ té thì đừng bày cho trẻ đánh cái bàn, cái ghế mà phải nhận ra mình té là do mình, có như thế trẻ mới biết tránh vấp té lần sau.
* Một trong những điều khó khăn của các bà mẹ nuôi con một mình là nói về cuộc chia tay của bố mẹ, giải thích cho con hiểu và làm sao để con vẫn cảm thấy mình được yêu thương bởi cả hai người. Chị đã làm điều đó như thế nào?
- Chúng tôi chia tay nhau năm Bom vừa tròn 2 tuổi. Năm 9 tuổi, một lần Bom hỏi tôi: “Mẹ ơi…?”. Cứ tưởng thời gian qua, Bom sẽ quên câu chuyện đó. Nhưng đến năm tròn 12 tuổi, Bom một lần nữa hỏi tôi: “Mẹ ơi, con đã đủ tuổi để mẹ nói chưa?”.
Có thể với mọi người, trả lời điều đó và làm sao cho con không mặc cảm là điều khó khăn, thì với tôi và Thái Hòa, mọi việc không quá căng thẳng như vậy. Khi chia tay, chúng tôi đã xem đây là chuyện của người lớn. Chúng tôi chia tay nhau vì không hợp, chứ Thái Hòa vẫn là người tốt.
Chúng tôi vẫn sống tốt với nhau và cùng chăm sóc con. Thái Hòa vẫn thường đến thăm con và có thể đón con về chơi bất kỳ lúc nào. Người mới của chúng tôi cũng biết nhau, có thể cùng ngồi ăn cơm và trò chuyện về con. Bom rất yêu thương bé Nemo và luôn ý thức rằng đó là em mình.
Với câu hỏi của con, tôi không hề vòng vo, tránh né mà trả lời đúng sự thật. “Tại ba con vô tâm quá. Mẹ bệnh ba cũng không hỏi. Mẹ đi cả ngày, ba cũng chẳng quan tâm. Sự vô tâm là điều hết sức kinh khủng với phụ nữ”.
Từ sau câu chuyện đó, Bom quan tâm đến mẹ nhiều hơn. Đi học về, thấy mẹ nằm biết hỏi thăm mẹ, lo lắng cho mẹ. Hóa ra, một điều tưởng chừng rất đáng buồn như thế, nhưng nếu bình tĩnh nhìn nhận thì cũng có thể trở thành một điều để dạy con.
* Còn một khó khăn nữa với những gia đình ly hôn là mối quan hệ của con với người mới của bố mẹ. Hình như chị và Thái Hòa cũng hóa giải được điều này rất tốt?
- Đúng như vậy. Điều này có được cũng xuất phát từ mối quan hệ rất tốt của người lớn. Nói thật, nếu không có người đàn ông bên cạnh, tôi cũng khó có thể dạy con được như thế. Anh đã từng có tuổi thơ khó khăn, tự lập sớm nên rất hiểu biết, thông cảm với tôi và Bom.
Anh là người hướng dẫn tôi khá nhiều điều hay trong việc dạy dỗ con trai. Không chỉ trò chuyện và hướng dẫn những “chuyện đàn ông” với nhau, anh còn dạy Bom rửa chén, ủi đồ. Anh nói với Bom rằng, đàn ông phải biết làm những việc có ích cho mọi người và cho bản thân.
Nhiều người mẹ hay ông bố không thích người sau can thiệp vào việc dạy dỗ con riêng của mình, cũng nhiều người sau ngại can thiệp vào việc dạy con riêng của người kia. Tôi nghĩ tất cả là sự chân thành và tế nhị. Tôi thường không can thiệp vào những khi anh ấy dạy Bom, vì tôi biết anh ấy chỉ muốn điều tốt cho Bom.
Riêng với Thái Hòa, những khi anh góp ý về chuyện dạy Bom, tôi cũng nghe xem anh nói đúng sai thế nào để điều chỉnh. Ví dụ như hồi nhỏ, tôi thường đánh đòn Bom những khi con không nghe lời. Cách đây vài năm, Thái Hòa nói rằng, con đã lớn, đừng đánh đòn nó nữa, tôi đã nghe lời.
* Nhiều người cho rằng, không nên đánh đòn con và cảm thấy tội lỗi khi sử dụng bạo lực với con. Chị lại thẳng thắn thừa nhận là chị đánh con, có phải vì chị thấy điều đó là đúng?
- Mỗi đứa trẻ cần có một phương pháp dạy riêng. Tôi chỉ đánh một roi và đánh đau, cháu nhớ và không lặp lại lỗi của mình nữa. Tôi nhớ năm Bom học lớp Ba, có lần đi học về hai đầu gối có vết bầm, tôi hỏi vì sao, cháu nói bị cô phạt quỳ. Tôi gọi điện cho cô ngay trước mặt cháu. Sau khi nghe cô giải thích, tôi nói với cô rằng những lỗi đó, lần sau nếu cháu tái phạm, cô cứ khẻ tay hay bắt cháu nằm xuống đánh một roi. Tôi đồng ý cho cô thay mặt tôi dạy con ở trường.
* Bom đã 15 tuổi, cái tuổi bắt đầu xa cách cha mẹ và bướng bỉnh, khó dạy. Chị chắc cũng có những nỗi lo lắng mới?
- Trong lứa tuổi này, điều tôi lo nhất là mối quan hệ bạn bè. Chính vì thế, tôi hết sức quan tâm đến bạn bè của con, tìm hiểu về gia đình của bạn con. Tôi cũng cố gắng tạo dựng lòng tin cho cháu vào sự chia sẻ và hiểu biết của tôi, để cháu tin tưởng mà tâm sự với tôi.
Khi cháu kể bạn bè trong lớp đều đã yêu, tôi nói với cháu rằng, tuổi các con còn rất nhỏ, hãy cứ gắng học hành, chừng nào 20 tuổi, mẹ sẽ chỉ con cách là một người bạn trai tốt nhất và cách để yêu, để theo đuổi một người bạn gái.
* Hy vọng với lời hứa này, cháu cũng sẽ ghi nhớ và 5 năm nữa sẽ hỏi chị cách để yêu và theo đuổi một cô gái. Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Song Văn (thực hiện)