Các loại điện thoại thông minh phát ra tia bức xạ hàng đầu rất quen thuộc với người Việt Nam như: Xiaomi Mi A1, OnePlus 5T, Xiaomi Mi Max 3, OnePlus 6T, HTC U12 life, Xiaomi Mi Mix 3, Goole Pixel 3 XL...
Chiếm đa số vẫn là các điện thoại của các hãng điện thoại Trung Quốc.
|
Bảng xếp hạng các loại điện thoại có mức bức xạ cao nhất của Văn phòng bảo vệ bức xạ Liên bang Đức |
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP.HCM); Thành viên Hội Ung bướu Nội khoa Châu Âu (ESMO); Thành viên Hội Phẫu thuật Ung bướu Mỹ (SSO); Thành viên Hội Ung bướu lâm sàng Mỹ (ASCO) đã chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM về câu chuyện mang tính thời sự này:
Bác sĩ Vũ cho biết, điện thoại di động khi hoạt động sẽ phát ra bức xạ tần số vô tuyến (sóng radio) và người sử dụng có thể vô tình hấp thu vào cơ thể. Từ lâu người ta lo ngại những sóng radio này có thể gây tác hại cho con người khi sử dụng lâu dài.
Nhiều nghiên cứu về mối tương quan giữa thời gian dùng điện thoại di động và nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là u não đã được thực hiện nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên đến nay, vẫn không khẳng định được tác hại của điện thoại thông minh gây ung thư ở người.
Vấn đề bức xạ từ điện thoại thông minh có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không vẫn còn là chuyện tranh cãi dữ dội.
|
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - thành viên Hội ung bướu nội khoa Châu Âu (ESMO) |
Mối lo ngại thứ 2 là liệu điện thoại di động có làm giảm lượng tinh trùng ở nam giới? Một số nghiên cứu ghi nhận, nam giới dùng điện thoại di động bị giảm số lượng tinh trùng theo thời gian nhưng kết quả khảo sát chưa thật sự thuyết phục.
Tuy nhiên các chuyên gia vẫn khuyên người dùng hạn chế sử dụng điện thoại di động khi không cần thiết, nhất là khi đang lái xe, tài xế dễ mất tập trung và gây tai nạn.
Ước tính hiện nay có trên 5 tỷ người dùng điện thoại di động và ngày càng tăng.
Một số cách giúp hạn chế bức xạ từ ĐTDĐ:
- Đừng nói chuyện lâu quá (hạn chế thời gian tiếp xúc)
- Dùng loa ngoài (giữ khoảng cách giữ cơ thể và điện thoại khi trò chuyện)
- Hoặc dùng điện thoại cố định (điện thoại bàn)
|
Theo bác sĩ Alex Eniu, Trưởng ban Chính sách toàn cầu của Hội Ung bướu Nội khoa Châu Âu (ESMO) đồng thời là chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay ung thư đang dần vươn lên là nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn thế giới, với số người chết vì ung thư đã vượt qua lao, HIV, sốt rét… cộng lại.
Năm 2018 thế giới có 18,1 triệu bệnh nhân ung thư mới và 9,6 triệu người chết do ung thư, dự kiến năm 2030 sẽ có 21,6 triệu ca ung thư mới và 13 triệu bệnh nhân ung thư tử vong. Đáng lo khi 70% ca ung thư tử vong rơi vào các nước đang phát triển, tập trung tại Châu Á và Châu Phi.
Dự kiến thế giới sẽ thiếu 18 triệu nhân viên y tế vào năm 2030 nếu không được đầu tư đầy đủ. Ung thư, một cách lặng lẽ nhưng đầy nguy hiểm, đã trở thành đại dịch toàn cầu.
|
Trẻ em sử dụng điện thoại di động trên giường bệnh ở Việt Nam |
Hiện nay, nếu nhìn vào các thống kê sẽ thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư nhiều nhất là tại các nước phát triển như Úc, Bắc Âu, Bắc Mỹ… Việt Nam và một số nước Châu Á khác thuộc nhóm trung bình với số bệnh nhân mắc mới chỉ bằng 50% - 70% các nước phát triển nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư vẫn không khác biệt, điều đó cho thấy việc điều trị vẫn còn rất nhiều khó khăn tại các nước đang phát triển.
Mặc dù mọi người thường nói về phòng ngừa, nhưng thật ra phần lớn các loại ung thư là không phòng ngừa được, điều này được thể hiện rõ qua tỷ lệ mắc bệnh cao tại các nước phát triển với điều kiện môi trường, thực phẩm… tốt hơn các nước còn lại.
Vậy đối đầu với ung thư chủ yếu vẫn là điều trị. Tuy nhiên đây là một thách thức, tại một số nước, bệnh nhân phải chờ đến 6 tháng mới có kết quả xét nghiệm khối u. Chưa đến 30% bệnh nhân tại các nước đang phát triển có thể tiếp cận đầy đủ với điều trị. Bác sĩ xạ trị, phẫu thuật… đều thiếu.
|
Thiếu thuốc đặc trị ung thư là một trong vấn đề nan giải của việc điều trị bệnh ung thư |
Nhiều nước đưa ra chương trình tầm soát, nhưng phần lớn đều mang tính hình thức và không hiệu quả, vì không chỉ là xét nghiệm mà còn là cả một hệ thống y tế tiếp tục theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sau đó.
Việt Nam là nước có chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung khá hiệu quả và tỷ lệ bệnh nhân ung thư cổ tử cung đã giảm nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên việc tầm soát các loại ung thư khác còn mang tính lẻ tẻ, tự phát và hiệu quả không cao.
Việc tiếp cận với các thuốc thiết yếu cũng là một vấn đề lớn, với 21 loại thuốc đặc trị thiết yếu giá rẻ có thể điều trị hơn 80% loại ung thư, nhưng việc thiếu thuốc thường xuyên xảy ra, nguyên nhân có thể do là thuốc giá rẻ nên không hấp dẫn các công ty dược, các nhà đầu tư và hoạch định chính sách.
Bệnh nhân ung thư tại các nước đang phát triển rất khó tiếp cận với morphin - thuốc giảm đau chính cho giai đoạn cuối, với >90% lượng morphin được sử dụng tại các nước phát triển, dưới 10% tại các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam hiện tại có đầy đủ các thuốc giảm đau cho bệnh nhân, tuy nhiên thủ tục pháp lý cũng như thời gian cấp thuốc khá ngắn là rào cản cho nhiều bệnh nhân.
Hiếu Nguyễn ghi