Hai yếu tố cần nhất trong hôn nhân là niềm tin và sự tôn trọng. Nhưng khi người đàn bà nhân danh tình yêu, lấy quyền là vợ, là người yêu để toàn quyền lục lọi điện thoại của chàng và cố bới móc từng góc khuất trong đó, thì niềm tin không còn, mà sự tôn trọng cũng mất.
Cuộc hôn nhân nếu không chia đôi cũng sẽ bị lấp đầy bởi sự kiểm soát, ngờ vực và những suy diễn. Đôi khi vỏ bọc hạnh phúc có được cũng không thể che đậy những sóng gió và tổn thương trong lòng.
Vợ chồng Ngân sống hạnh phúc bên nhau suốt bảy năm. Trong mắt Ngân, chồng luôn là người đàn ông mẫu mực, chiều vợ thương con. Nhưng thi thoảng anh cũng có những cuộc nhậu cùng bạn bè, khi thì họp lớp, khi hội họp cơ quan.
Ngân không bận tâm về điều đó, vì muốn anh cũng có khoảng trời riêng. Nhưng những đồng nghiệp của Ngân lại khác: “Sao em ngây thơ thế, đàn ông bây giờ bia bọt là gọi các em gái xinh tươi xếp hàng dài để chọn. Ông nào chả giống nhau. Không tin em về mở điện thoại chồng là biết”.
Vài lần nghe những câu đại loại thế, Ngân còn bỏ qua được. Nhưng rồi cứ người này người kia kháo nhau vụ bắt quả tang tin nhắn vụng trộm của chồng, lâu dần Ngân cũng thấy… tò mò. Các chị quả quyết: “Trên đời này chỉ có hai loại đàn ông: một là đàn ông ngoại tình, hai là đàn ông ngoại tình chưa bị phát hiện”. Vậy còn tồn tại người chồng chung thủy không? Ngân vừa không muốn chạm vào điện thoại của chồng, lại vừa muốn biết anh thuộc loại đàn ông nào. Day dứt nhiều ngày, Ngân quyết định mở “căn phòng bí mật“ ấy ra.
Khác với Ngân, từ đầu Phương đã là người vợ hay ghen và thích kiểm soát chồng. Mật khẩu điện thoại, Zalo, Facebook, e-mail… của chồng, Phương lưu sẵn hết trong máy mình. Chỉ cần chồng đổi là Phương gào lên như cháy nhà, chồng cô bèn vội vàng cung cấp cho vợ mật khẩu mới.
Mỗi ngày, thời gian chính buổi tối của Phương là cầm điện thoại chồng kiểm tra tin nhắn, cuộc gọi trong ngày. Nếu có số lạ nào, Phương truy cho bằng được. Riết rồi thành thói quen, hôm nào ngủ quên không kiểm tra là sáng hôm sau Phương nhắn tin dằn mặt chồng: “Có gì thì giữ đấy để tối về em xem!”.
Nhiều người bảo Phương: “Đàn ông muốn giấu làm sao em tìm được, kiểm tra chi cho nhọc người”, nhưng Phương im lặng, mặc kệ người ta nói. Vì thói quen kiểm soát khiến Phương cảm thấy mình có uy hơn chồng, chồng sợ mình thì sẽ không dám “tòm tem” bên ngoài.
Quan điểm của Phương là mỗi ngày đều nhắc chồng không được ngoại tình, có con mắt trông coi 24/7 đấy, léng phéng biết tay ngay. Lâu dần chồng Phương còn tự động nhắc vợ: “Điện thoại đây, em kiểm tra chưa?”. Rồi anh chuẩn bị sẵn câu trả lời na ná nhau mỗi ngày, chỉ đợi Phương chất vấn là trưng ra.
Chuyện mở điện thoại chàng để kiểm tra có nghìn lẻ một hoàn cảnh khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng cũng chỉ quay về một mối: để xem anh ta có chung thủy với mình hay không. Nhưng đàn bà vốn thật lạ, biết kiểm tra xong rồi cũng chẳng để làm gì, hoặc biết mình sẽ đau nhưng vẫn làm.
Chỉ để giải quyết được một chút tò mò, nhưng đổi lấy cả đời sống trong sự không tin tưởng và đề phòng từ đối phương. Thậm chí người trước khuyên người sau đừng mở, nhưng người sau vẫn cứ cố, vì biết đâu được đấy!
|
Ảnh minh họa |
Ngân không phát hiện ra dấu hiệu khả nghi nào của chồng về việc ngoại tình, nhưng những tin nhắn hội thoại của anh vẫn làm cô ngỡ ngàng. Hóa ra lâu nay dù công việc khó khăn, nhưng chồng cô vẫn không hề nói với vợ, vẫn đi vay tiền đưa vợ cân đối sinh hoạt, thậm chí không quên mua quà đầy đủ cho vợ trong các ngày lễ, và dù bố mẹ chồng chê bai Ngân rất nhiều, anh vẫn một mực bênh vực cô.
Có một bí mật nữa là anh vẫn liên lạc với người yêu cũ, cách đây một năm, anh từng gửi một khoản tiền để giúp đỡ cô ấy, dù đoạn hội thoại không dính dáng gì đến tình cảm.
Ngân bật khóc ngay khi đọc được những tin nhắn ấy, cảm thấy vừa thương vừa giận chồng. Nhưng khi Ngân chất vấn chồng về chuyện đó, thì dường như mối quan hệ giữa hai người đã có một vết rạn.
Anh cảm thấy không được tôn trọng, không chấp nhận việc bị vợ kiểm soát, không được tin tưởng và hoàn toàn mất đi sự nhẫn nhịn vốn có. Anh thấy mình ủy mị trước vợ và trở nên khách sáo với vợ. Còn Ngân cũng chẳng còn tin tưởng chồng, khi anh nói cắt đứt với người yêu cũ mà vẫn giúp đỡ thế kia…
Phương nhận cái kết thê thảm hơn Ngân, khi phát hiện chồng cô thật ra có tới… hai chiếc điện thoại. Một cái để dành cho Phương kiểm tra mỗi ngày. Một cái cất ở cơ quan để phục vụ cho những cuộc tình, mà theo như anh khai, là “đổi gió”. Bởi cuộc sống như ngục tù với sự kiểm soát không ngừng nghỉ suốt bao năm của Phương khiến anh ngạt thở.
Anh bỗng muốn tìm cảm giác mình là con ngựa bất kham, là kẻ thống trị mạnh mẽ trong tình yêu chứ không phải tội đồ trong mắt vợ. Chính Phương cũng phải đổ sụp khi nghe chồng nói: “Anh ngoại tình là vì… em ép anh!”.
Chuyện của Ngân và Phương vốn chỉ là một phần rất nhỏ trong hằng hà sa số những cái kết cay đắng khác của việc kiểm soát điện thoại chồng. Dù chúng ta không thể biện minh cho việc đàn ông có những bí mật riêng, và đôi khi rất đau lòng, nhưng chỉ nên biết khi sự thật đó được nói ra.
Mà suy cho cùng, nếu người ta ngoại tình, đâu dễ nói bỏ là bỏ. Vậy bạn hãy chọn đi, chúng ta nên tung hê mọi thứ lên - càng đẩy chồng ra xa, hay cứ thế sống vui vẻ, ngày càng xinh đẹp, quyến rũ - khiến chàng tự động quấn quýt không rời?
Cát Tường