Điện thoại càng mỏng, con người càng béo

09/02/2025 - 17:30

PNO - Người ta có thể tự tin làm đủ trò trên màn hình điện thoại trừ việc nhìn thẳng vào mắt người khác? Tính năng quan trọng nhất của nghe - gọi, chính là nút phớt lờ cuộc gọi của người thân?

Chiếc điện thoại đã làm thay đổi tâm lý con người cùng các mối quan hệ (ảnh minh họa)
Chiếc điện thoại đã làm thay đổi tâm lý con người cùng các mối quan hệ (ảnh minh họa)

Khi chiếc điện thoại thông minh ra đời, người ta háo hức đón chờ nó không chỉ vì nó thông minh mà còn là niềm hạnh phúc của việc được tận hưởng thành quả công nghệ. Mọi thứ tiện nghi “nhiều trong một” gói gọn trong chiếc điện thoại nhỏ xíu. Không phải kè kè laptop vẫn giải quyết được công việc hàng ngày từ kiểm tra email cho đến chuyển tiền qua tài khoản, chat. Giải trí thì đủ các kiểu: xem phim, nghe nhạc, chơi trò chơi, tra cứu từ điển, tìm kiếm thông tin… Người lớn còn bị quyến rũ thì làm sao trách con trẻ quá ham?

Nhiều ông bố bà mẹ trước đây than thở, không hiểu điện thoại có gì trong đó mà bọn trẻ cắm mặt suốt ngày, ăn cơm cũng không rời, chuyện ngủ thì đến khi thật sự buồn ngủ mới thả ra. Thì bây giờ, chính các ông bố bà mẹ ấy lại nghiện các trang mạng xã hội còn hơn bọn trẻ.

Bạn bè ngồi cạnh nhau không nói chuyện, lại trao đổi với người tận đâu đâu rồi cười một mình. Cha mẹ muốn giao tiếp gì với con, thậm chí phải nhờ qua các công cụ mạng, rồi tự an ủi may mà nó còn chịu trao đổi, không biết đến lúc nào nó "cấm vận" cha mẹ đây?

Thành công của nhà sản xuất là móc được hầu bao của dân ghiền công nghệ một cách nhẹ nhàng, êm ái. Dù có phung phí hay vung tay quá trán cho thiết bị công nghệ, nhưng người dùng luôn biện minh "đã chơi thì không tính toán". Dòng chảy cuộc đời ngày nay không chỉ cuốn con người vào guồng quay cơm ăn, áo mặc, học hành... mà con cuốn vào những ứng dụng trên smartphone, say sưa thích thú hay chán chường uể oải với nó, đến một lúc chợt giật mình khi đọc câu trạng thái trên trang Facebook của một bạn trẻ:

“Thời đại gì mà smartphone ngày càng mỏng manh còn con người ngày càng béo ị?

Thời đại gì mà bạn bè ngã thì người ta cười còn điện thoại rơi thì người ta khóc?
Thời đại gì mà tính năng quan trọng nhất của nghe - gọi chính là nút phớt lờ cuộc gọi của người thân?

Thời đại gì mà người ta có thể tự tin làm đủ trò trên màn hình điện thoại trừ việc nhìn thẳng vào mắt người khác? Thời đại gì mà hẹn hò muốn sờ vào đâu cũng được, miễn không sờ vào điện thoại của nhau?

Thời đại gì khi điện thoại rơi vỡ, hư, mất nguồn chúng ta lo lắng dằn vặt, còn khi những thứ khác bị mất, bị rớt… chúng ta quá lười để cúi xuống nhặt chúng lên. Đó có thể là cục tẩy, cây bút, mối quan hệ, thậm chí là một ước mơ?”

Nhiều bạn trẻ vào bình luận: “Cái thời đại này quá nhiều nghịch lý. Và thật lạ khi trong gia đình cha mẹ chỉ biết cho, chẳng biết đòi. Con cái thích vòi, mà không biết trả. Cha mẹ dạy điều hay thì kêu... lắm lời. Bước chân vào đời, ngớ nga ngớ ngẩn.

Cha mẹ ngồi đấy không hỏi han. Bước vào cơ quan, cúi chào thủ trưởng.
Vào quán nhậu vài trăm ngàn đồng chả là gì. Góp giỗ cha mẹ thì suy tị từng đồng. Bình thường chẳng gọi điện về nhà hỏi thăm. Mẹ gặp chuyện thì khóc trên Facebook. Nhà cửa to hơn, nhưng gia đình thì bé lại”.

Trong cuộc sống đời thường thì sao?

“Ngồi bên bia rượu hàng giờ dễ hơn đợi chờ nửa giây đèn đỏ. Vứt rác bừa bãi là không hay, nhưng người ta vẫn cứ làm mỗi ngày. Biết mỗi ngày mươi phút thể dục nhẹ nhàng khiến ta khỏe hơn, minh mẫn hơn, nhưng không nhiều người làm”.

"Tập yoga là để khỏe, chỉ tập trong phòng thì bây giờ lại đem ra chốn công cộng để khoe, bấy chấp hình ảnh mình bị bôi bác".

Và hàng loạt những nghịch lý: “Thời của “thức ăn nhanh”, nhưng tiêu hóa chậm. Nhiều hiểu biết hơn, nhưng kém xử sự hơn. Thân xác to hơn, nhưng tâm hồn nhỏ lại. Ta có smartphone để nắm bắt thông tin, nhưng lại thiếu giao lưu. Quá vô tư và quá ít cười. Học kiếm sống, nhưng không có cuộc sống”.

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI